'Con đường thánh chiến’ qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 20/08/2016
Trang web Global Risk Insights (Anh) ghi nhận khu vực biên giới dài 911km giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria được xem là khu vực nóng về buôn lậu và nguy cơ khủng bố.
Buôn lậu dầu hỏa và ma túy
Đầu năm nay, hoạt động buôn lậu dầu hỏa từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria đã được cộng đồng quốc tế chú ý đến sau khi Nga cáo buộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho nạn buôn lậu sang biên giới Syria.
Theo số liệu từ Cơ quan Đấu tranh chống buôn lậu và tội ác có tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ có 4,33 triệu lít dầu lậu bị tịch thu trong năm 2015, giảm 70% so với 13,7 triệu lít năm 2014.
Hoạt động buôn lậu dầu hỏa có dấu hiệu giảm nhưng đây vẫn là vấn đề nóng tiếp diễn. Bằng cách sử dụng các máy khoan công nghiệp, bọn buôn lậu đã lắp đặt các ống dẫn nằm sâu từ 5-10m dưới đường biên giới để thực hiện hành vi buôn lậu.
Trong khi đó, buôn lậu ma túy, đặc biệt là chất amphetamine được gọi là Captagon, vẫn tiếp tục là nguồn tài chính chủ yếu đối với các nhóm vũ trang tại Syria. Hoạt động phi pháp này là mối lo ngại đối với an ninh biên giới.
Bọn buôn lậu luôn tìm các thủ đoạn ngày càng tinh vi để buôn lậu ma túy qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, phân phối đến các khu vực tiêu thụ truyền thống nằm xa hơn tại vịnh Ba Tư.
Vụ tịch thu hơn nửa tấn ma túy tại khu vực biên giới thuộc tỉnh Hatay ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4.2016 là một ví dụ điển hình. Số thuốc này đã được giấu trong các ống và trước đó được vận chuyển mà không bị chó nghiệp vụ phát hiện. Một tháng sau, cũng tại khu vực này, hai chiến dịch truy quét đã phát hiện ra hơn 3 triệu viên nén Captagon.
Ma túy Captagon được buôn lậu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria - Ảnh: Reuters
Các tay súng nước ngoài xâm nhập qua biên giới
Năm 2015, khoảng 910 tay súng thánh chiến bị bắt khi vượt biên giới Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ. Con số này còn thấp so với 992 chiến binh thánh chiến bị bắt năm 2014 theo số liệu từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Với nỗ lực giảm hoạt động vượt biên của các tay súng thánh chiến, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chi 300 triệu lira (khoảng 100.000 USD) để thực hiện dự án “hệ thống an ninh biên giới tự nhiên Syria”.
Dự án này nhằm mục đích ngăn cách 911 km đường biên giới bằng cách xây dựng tường bê tông, tháp quan sát, khí cầu quan sát, đèn pha và máy bay không người lái.
Nhằm ngăn chặn các chiến binh thánh chiến xâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ đã lập cơ sở dữ liệu của các đối tượng bị cấm nhập cảnh vì liên quan tới các nhóm khủng bố.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, cơ sở dữ liệu này hiện gồm 41.000 tên.
Mặc cho những biện pháp cứng rắn trên, vụ việc gần đây dẫn đến nghi ngờ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ cho các tay súng nước ngoài hoạt động tại Syria chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Đầu tháng 5.2016, một hồ sơ mật do Phó thống đốc vùng Agri (miền đông Thổ Nhĩ Kỳ giáp biên giới Iran) bị rò rỉ cho thấy 19 tay súng nước ngoài đã được điều trị tại một trung tâm dành cho người tị nạn. Sự việc do các thành viên đảng đối lập trong Quốc hội phanh phui.
Biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria dài 911 km - Ảnh: CBC News
Nhưng cho dù Thổ Nhĩ Kỳ có phong tỏa đường biên giới, Ankara vẫn phải đối mặt với thách thức từ các tay súng Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động ở Syria.
Theo tài liệu của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ công bố trên báo Cumhuriyet, ước tính có 2.750 tay súng Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ đã sang Syria kể từ tháng 4.2011. Khoảng 750 tên trong số này đang tham gia quân khủng bố IS và 130 tên tham gia tổ chức khủng bố Mặt trận Al Nusra (chi nhánh Al-Qaeda tại Syria và mới tuyên bố ly khai gần đây).
Thẩm lậu tiền qua biên giới
Mặc dù an ninh biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ đang được củng cố, các nguồn tiền vẫn được chuyển từ các ngân hàng và tổ chức nước này qua biên giới đến các nhóm vũ trang tại Syria. Dòng tiền bất hợp pháp này dẫn tới nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với các công ty và định chế tài chính trong khu vực.
Một nhóm giáo dân Công giáo ở Syria đang kiện ngân hàng Kuwait - Turkey Participation Bank (cơ quan tài chính Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập bằng vốn của Kuwait) đã hỗ trợ tài chính cho các nhóm khủng bố thông qua tổ chức İslami Şam Heyeti Derneği (Hội Ủy ban Hồi giáo Damascus).
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ quan sát biên giới với Syria - Ảnh: Hurriyet Daily News
Cùng lúc đó, IHH là tổ chức cứu trợ nhân đạo Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ, đang bị điều tra tại Mỹ.
Nhà chức trách nghi ngờ IHH thành lập công ty ma tại bán đảo Balkan để mua vũ khí gửi cho quân nổi dậy Hồi giáo tại Syria. Các cáo buộc cũng nghi ngờ IHH đang tuyển thêm các chiến binh tình nguyện cho cộng đồng Hồi giáo tại Bắc Causasus nhằm chống lại chính phủ Syria.
Cùng lúc đó, nhiều bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và các quỹ của chính phủ lại công khai ủng hộ và tiếp nhận tiền cho các hoạt động của tổ chức IHH tại Syria.
Trang web Global Risk Insightskết luận cho dù Thổ Nhĩ Kỳ đã củng cố an ninh biên giới bằng quân sự và có các biện pháp chống buôn lậu dầu, các hoạt động buôn ma túy, các tay súng nước ngoài và các quỹ bất hợp pháp xuyên biên giới Syria vẫn là mối đe dọa không ngừng đối với an ninh quốc tế.
Anh Đào