Ông Duterte khó vượt qua bài thử đầu tiên với Trung Quốc
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:52, 18/10/2016
Ngày 12.7, Tòa Trọng tài công bố phán quyết với lợi thế nghiêng về Manila cùng kết luận “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Vậy nhưng sau đó tân Tổng thống Duterte lại tuyên bố bãi cạn Scarborough như "ao cá" ngoài lãnh hải Philippines khiến dư luận hết sức bất ngờ.
Ông cũng cho rằng không thể thắng Trung Quốc trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông, vì vậy ông chỉ muốn đề cập đến quan hệ thương mại và tài trợ từ phía Trung Quốc.
Đến ngày 16.10, tức hai ngày trước khi sang Bắc Kinh, ông lại bất ngờ tuyên bố sẽ nêu vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài trong chuyến thăm Trung Quốc.
Sự thay đổi quan điểm vào phút chót của ông Duterte khiến dư luận ngạc nhiên và nghi ngại liệu ông có đủ bản lĩnh và sáng suốt để tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách hợp tình, hợp lý hay không.
Cá nhân người viết cho rằng Manila đã để Bắc Kinh bắt bài trước chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte. Do đó, chuyến đi của ông khó có thể mang lại kết quả, thậm chí có thể thất bại. Tại sao vậy?
2 ngày sau khi có phán quyết trọng tài, Trung Quốc điều máy bay ném bom H-6K bay trên bãi cạn Scarborough - Ảnh: Weibo
Trung Quốc sẽ không nhượng bộ
Chuyến thăm Trung Quốc rất quan trọng lại diễn ra chỉ sau chưa đầy bốn tháng cầm quyền của ông Duterte. Chính quyền mới tại Manila còn đang định hình lại chiến lược đối ngoại, vì vậy chưa thể có nền tảng để xây dựng cơ chế giải quyết vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia. Lúc này, Manila chỉ có thể thể hiện quan điểm của mình mà thôi.
Phán quyết của Tòa Trọng tài chỉ là cơ sở pháp lý, còn để giải quyết vấn đề thì phải xây dựng được cơ chế, mà để xây dựng cơ chế thì phải có nền tảng là chiến lược đối ngoại.
Nền tảng chưa rõ ràng nên Manila nêu vấn đề phán quyết trọng tài sẽ là điều rất nguy hiểm một khi Bắc Kinh thúc đẩy giải quyết một cách rạch ròi quyền lợi cho các bên. Hệ quả là hoặc Manila nhượng bộ hoặc không nhượng bộ Bắc Kinh. Lúc đó, nhượng bộ hay không nhượng bộ thì đều là “đùa giỡn” với chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc.
Với vị thế hiện nay, có thể nhận diện Trung Quốc sẽ không nhượng bộ Philippines dù Manila đang có “bảo bối” phán quyết của Tòa Trọng tài.
Như vậy, bất lợi sẽ hoàn toàn nằm về phía Manila. Nếu chấp nhận nhượng bộ, Tổng thống Rodrigo Duterte có thể phải đối mặt với cáo buộc "từ bỏ chủ quyền của Philippines tại bãi cạn Scarborough" như lời cảnh báo ngày 14.10 của Phó Chánh án Tòa án Tối cao Antonio Carpio. Khi đó, quyền lực của ông Duterte có nguy cơ bị đe dọa.
Nếu không chấp nhận nhượng bộ, chuyến thăm sẽ thất bại và Manila sẽ phải chuẩn bị đối mặt với nguy cơ xung đột mới từ Bắc Kinh.
Tình thế đó đưa Philippines vào thế kẹt khi đối thủ dồn ép mà đồng minh cũ thì bỏ rơi. Manila đang thể hiện xu thế độc lập nhưng chưa đủ lực để tự chủ, do vậy khi rơi vào thế kẹt, lợi ích dân tộc có thể mất đi và chủ quyền quốc gia sẽ bị đe dọa.
Có thể do sức ép của dư luận khiến giờ chót, trước đi sang Bắc Kinh ông Duterte đã thay đổi quan điểm. Cũng có thể ông nhận ra quan điểm trước đây không hợp lý và cũng không loại trừ ông có những toan tính khác trước khi đối mặt với đối thủ khó chơi nhất nên thể hiện thái độ cương quyết. Tuy nhiên, rõ ràng ông đã chọn thời điểm chưa thích hợp để có thể tung đòn quyết định.
Khi chưa đặt ra vấn đề giải quyết xung đột, phán quyết của Tòa Trọng tài còn là bảo bối cho Manila có thể dựa vào đó để tạo vị thế trước đối thủ Trung Quốc, qua đó khai thác lợi thế cho mình. Song khi đã đánh bài ngửa, làm rõ trắng đen, phân định rạch ròi thì bảo bối sẽ hết hiệu nghiệm nếu Trung Quốc gạt bỏ yêu cầu có lợi cho Manila.
Tưởng chừng tuyên bố của ông Duterte rằng sẽ nêu phán quyết trọng tài trong chuyến thăm Bắc Kinh sẽ tạo lợi thế cho Manila, song điều đó lại khiến Manila mất thế. Tùy cơ ứng biến là tốt nhất trong trường hợp này, nhưng ông Duterte đã vội vàng tuyên bố trước khi đến Bắc Kinh, điều đó khiến cho Trung Nam Hải bắt bài đơn giản và đưa Manila vào thế bất lợi hơn rất nhiều.
Ngày 14.10, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Antonio Carpio khẳng định nếu ông Duterte nhượng bộ Trung Quốc về chủ quyền quốc gia, ông có thể bị bãi chức - Ảnh: Philstar
Philippines rơi vào thế ‘tiến thoái lưỡng nan”
Khi chưa đủ lực quyết chiến với đối thủ Trung Quốc, nay lại mất thể trước đối thủ, ông Duterte đã đưa Philippines rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan với Mỹ và Trung Quốc.
Khi ông Duterte lên cầm quyền, Bắc Kinh quyết tâm tìm cách lôi kéo Manila về phía mình để có lợi thế, qua đó tạo ưu thế trước Washington trên bàn cờ khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, Washington cũng tìm cách xoay chuyển tình thế để không mất đồng minh khi chưa tìm ra móng trụ quan trọng cho việc xoay trục chiến lược đối ngoại.
Dù phản ứng lạnh nhạt hay có động tác giả rút quân thì Mỹ cũng không muốn buông Manila để Bắc Kinh độc chiếm. Bởi lẽ Biển Đông là địa bàn quá quan trọng cho việc chuyển trục đối ngoại của Mỹ.
Như vậy, Manila đã tạo thế bập bênh giữa hai “ông lớn” để làm lợi cho mình. Nay thì điều đó rất khó với Duterte. Manila có thể mắc lỡm khi Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng giải quyết tranh chấp với Manila. Bởi càng nhiệt tình với quyết tâm của Duterte bao nhiêu thì Trung Nam Hải càng đưa Manila đi sâu vào bế tắc, nguy hiểm bấy nhiêu.
Không phải truyền thông Trung Quốc chế diễu Duterte khi xem ông chỉ là “anh bán chuối”, dù Manila xem Bắc Kinh như “người anh ruột” của mình, mà bởi dư luận đã nhận diện ra Manila đánh mất lợi thế trước Bắc Kinh do phán quyết trọng tài mang lại. Thái độ cương quyết của ông Duterte đã được thể hiện không đúng lúc.
Đến khi Manila phải đối mặt với quyết định nhượng bộ hay không nhượng bộ Bắc Kinh thì lúc đó Manila không còn nhiều lực hút với Washington.
Báo Huffington Post của Mỹ cho rằng quan hệ Bắc Kinh-Manila nồng hậu là điều tốt cho Washington, vì nhờ đó tranh chấp tại Biển Đông có thể hạ nhiệt. Nghĩa là khi đó Washington ủng hộ Manila nhượng bộ.
Thế là từ chỗ được chọn Trung Quốc hay Mỹ, nay Manila phải khắc khoải không biết được Mỹ hay Trung Quốc chọn.
Trước đây, giới quan sát cho rằng phải đến khi tân tổng thống Philippines có mặt tại Nhà Trắng thì mới có thể nhận diện Philippines “gần Mỹ xa Trung” hay “gần Trung xa Mỹ”, nay có thể nhận diện Manila không gần được cả Mỹ lẫn Trung.
Song đó lại không đồng nghĩa với Manila được độc lập tự chủ, bởi Philippines đang còn kém về lực lại thêm yếu về thế nên chưa thể miễn nhiễm với ngoại giao nước lớn. Chỉ có điều Phillipines có thể trở thành con bài cho cả Mỹ và Trung Quốc khai thác lợi ích mà có thể không cần phải đánh đổi nhiều lợi ích khác, như vậy chỉ cần cố gắng tối thiểu nhưng đạt hiệu quả tối đa.
Khi Washington và Bắc Kinh “song kiếm hợp bích”, không những chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc của Philippines bị đe dọa mà sinh mạng chính trị của ông Duterte cũng có thể ngả nghiêng.
Binh sĩ Mỹ tập trận tại Philippines. Mỹ không muốn buông Manila để Bắc Kinh độc chiếm - Ảnh: AFP
Philippines còn kỳ vọng gì ở chuyến đi của ông Duterte?
Theo truyền thông quốc tế, tháp tùng chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng thống Duterte là một phái đoàn hùng hậu, trong đó có đại diện của 500 doanh nghiệp Philippines. Điều đó cho thấy người dân và giới doanh nghiệp Philippines rất hy vọng sẽ tìm được nhiều lợi ích từ Trung Hoa đại lục qua chuyến thăm của tân tổng thống.
Tuy nhiên, khi ông Duterte tuyên bố sẽ nêu phán quyết trọng tài trong chuyến công du đến Trung Quốc lần này thì hy vọng tìm kiếm và gặt hái lợi ích từ quê hương của Vạn lý trường thành sẽ không còn nhiều nữa.
Nếu Manila không nhượng bộ Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền tại bãi cạn Scarborough thì chuyến đi có thể thất bại. Còn nếu Manila nhượng bộ Bắc Kinh, những lợi ích mà người Phillipines có được sẽ chỉ là “đầu thừa đuôi thẹo” mà thôi.
Có thể sẽ có hàng loạt thỏa thuận được trao đổi, ký kết với tổng giá trị có thể lên đến hàng chục tỉ USD, song đó không còn là “miếng ngon” mà Bắc Kinh dự định sẽ trao cho Manila để đổi lấy việc “tạm thời chưa xem xét giá trị phán quyết”.
Thậm chí sẽ có những dự án, thỏa thuận, hợp đồng thập kỷ, thế kỷ được ký kết, song giá trị thực thi luôn được bỏ ngỏ và dần dà trở thành những chiếc bánh vẽ hoành tráng mà Bắc Kinh tặng cho Manila.
Điều này không có gì mới trong cách hành xử của Bắc Kinh với đồng minh và đối tác mà Moscow đã nhiều lần đã ngậm quả đắng.
Lịch sử chính trị quốc tế cho thấy trong đàm phán, thương lượng thì phải có được vị thế và giữ bí mật, công cụ vũ khí để “thiên biến vạn hóa” là cách tạo vị thế tốt nhất trước đối thủ. Với Bắc Kinh, điều đó lại càng quan trọng vì người Trung Quốc luôn được xem là bậc thầy trong ngoại giao thế giới.
Tiếc là Tổng thống Duterte đã lật bài ngửa, giúp Bắc Kinh dễ dàng lựa chọn đối sách để khiến Manila thất thế. Có thể thấy phép thử đầu tiên của tân tổng thống Philippines với ngoại giao nước lớn quả là nan giải.
Xem ra ông Duterte khó có thể vượt qua cửa ải đầu tiên này để mang về nhiều lợi ích cho đất nước như người dân Philippines chờ đợi ở ông.
Ngọc Việt