Bê bối tình dục của ông Trump không giúp gì cho bà Clinton

Góc nhìn - Ngày đăng : 04:48, 17/10/2016

Thời gian tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thứ 45 chỉ còn tính bằng ngày và càng về cuối càng gay cấn. Bất ngờ nhiều nhất đến từ ông Donald Trump, từ bê bối trốn thuế, kinh doanh thua lỗ đến sự thô lỗ với phụ nữ rồi "xì căng đan" tình dục. Tất tần tật những gì có thể gọi là “xấu xa nhất” của ông Trump đều bị phơi bày trước bàn dân thiên hạ.
Tên tuổi ông Donald Trump gắn liền với các vụ tai tiếng tình dục - Ảnh: BrunchNews

Trước hiệu ứng tiêu cực từ các vụ "xì căng đan" của ông Donald Trump, hàng loạt nhân vật có uy tín trong đảng Cộng hòa đã quyết định không ủng hộ, thậm chí quay lưng với Trump. Điều đó khiến cho đảng Dân chủ như mở cờ trong bụng và thừa thắng xông lên.

Ngoài tấn công đối thủ, ứng cử viên Hillary Clinton cùng đảng Dân chủ đã tìm cách làm sáng hơn cương lĩnh tranh cử. Qua đó cũng tạo ra nhiều ngạc nhiên không kém, từ chuyện bà Clinton liên tục thay đổi quan điểm về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến cựu Tổng thống Bill Clinton lên tiếng chỉ trích đạo luật chăm sóc sức khỏe cho người thu nhập thấp (ObamaCare).

Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù kết quả thăm dò luôn cho thấy cựu Ngoại trưởng Clinton dẫn trước tỉ phú Trump, song không ai dám chắc bà Clinton sẽ chiến thắng. Bởi lẽ ứng cử viên đảng Dân chủ vẫn chưa có được ưu thế tuyệt đối trên đường đua.

Thậm chí ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh của đảng Dân chủ Tim Kaine còn cảnh báo đảng Dân chủ ó thể phải nhận thảm họa trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay bởi nhân vật thứ ba, -ứng cử viên đảng Tự do Gary Johnson, theo CNN. Tại sao có lợi thế tuyệt đối mà bà Clinton lại không thể tạo ra ưu thế tuyệt đối trước đối thủ?

Cuộc tranh luận lần 2 giữa ông Trump và bà Clinton ngày 9.10 - Ảnh: AP

Trump quá cừ khôi

Báo Washington Post nhận định dù có tiếp tục xảy ra thêm nhiều bê bối nữa thì với ứng cử viên Donald Trump đều không thành vấn đề nữa.

Khi phá vỡ nhiều nguyên tắc của chính trị truyền thống, ông Trump đã gần như một mình chống lại cả hệ thống chính trị Mỹ, vậy nhưng đến giờ phút này ông vẫn đứng vững trên đường đua. Sự cừ khôi của Trump đã khiến các sự kiện dù tệ hại đến đâu cũng trở nên miễn nhiễm với ông.

Washington Post bình luận: “Hệ thống chính trị của chúng ta đã trở nên lỗi thời? Phải điều chỉnh những gì? Cấu trúc gia đình? Thừa kế xã hội? Thói quen tự hủy hoại? Phải làm sao thì Trump không nói, song cử tri lại thích ông ta, tin tưởng ông như những gì ông nói”.

Báo Mỹ còn nhấn mạnh rằng sau 15 tháng, thái độ hoài nghi về ông Trump đã trở nên quá phổ biến đến mức người ta gần như cảm thấy bình thường. Trump đã khiến cho hệ thống chính trị Mỹ như đang vận hành trong một thế giới khác - nơi mà các sự kiện không còn quan trọng, còn lịch sử và logic thì biến mất.

Sau cuộc đối đầu trực tiếp trên truyền hình lần thứ nhất, ông Trump bị đánh tơi bời bởi bị tố cáo thô lỗ với phụ nữ khi gọi cựu Hoa hậu Hoàn vũ vốn từng thân thiết với ông ta là Miss Piggy (Hoa hậu Lợn). Để cộng hưởng công lực, đảng Dân chủ quyết phanh phui sự mờ ám trong vấn đề thuế của ông Trump. Kết quả là “một Trump thiên tài kinh doanh” bị lật tẩy khi lỗ gần tỉ USD năm 1995.

Trước vụ việc khủng khiếp mà ông Trump giấu nhẹm hàng chục năm qua bị phơi bày, có lẽ người lạc quan nhất cũng không thể nhận định khả quan về cơ may của Trump. Vì vậy, ngay cả việc bà Clinton có bị ho cúm trở lại cũng không khiến đảng Dân chủ lo lắng. Nhưng ông Trump đã tương kế tựu kế.

Với việc né được cơ quan thuế hàng chục năm, Trump thể hiện là người am hiểu luật thuế, qua đó dường như ông Trump đã củng cố niềm tin về tài kinh doanh của mình. Jim Ryther - người ủng hộ Trump, cho biết ông thích Trump vì ông Trump không phải là nhà chính trị, những người thường quá cẩn trọng.

Một người ủng hộ ông Trump tên Zeke đặt câu hỏi: "Thử tìm cho tôi ai đó không gian lận thuế xem". Nguy hại hơn, Fred Tindell, một ủng hộ viên khác lên tiếng: "Trump kiếm được hàng tỉ đô la. Khi ông kiếm được chừng đó tiền rồi kinh doanh thất bại, người ta có thể bỏ qua mấy chuyện đó cho ông ta. Và bà Cliton chỉ đang cố bới lông tìm vết".

Donald Trump vận động tranh cử tại bang Colorado ngày 3.10 - Ảnh: AP

Phương án B lợi bất cập hại với bà Clinton

Nhận thấy các đòn tấn công Donald Trump trở nên ít tác dụng, bà Clinton đã lựa chọn thêm phương án B để tăng thêm sức mạnh. Đó là quyết định đoạn tuyệt với những di sản của Tổng thống Obama vốn không được nhiều người dân Mỹ và chính giới Mỹ ủng hộ. Trong đó quan trọng nhất là TPP và ObamaCare.

Trước đây, khi TPP được Tổng thống Obama kích hoạt trở lại thì bà Hillary đã ủng hộ nhiệt thành vì cho rằng TPP tạo ra các tiêu chuẩn vàng cho hoạt động thương mại quốc tế và mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Song khi nhận thấy TPP không được người dân và chính giới ủng hộ thì bà quay sang phản đối.

Ngày 20.9, trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, bà Clinton cam kết nếu thắng cử chính quyền của bà sẽ cùng Tokyo thúc đẩy TPP, qua đó bảo đảm xoay trục chiến lược đối ngoại của Washington. Vậy nhưng, trong cuộc vận động tại bang Ohio, bà lại khẳng định sẽ chống TPP tới cùng.

Báo Los Angeles Times tường thuật lời bà Clinton: “Tôi sẽ dừng lại mọi thỏa thuận thương mại có thể làm mất công ăn việc làm và ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động Mỹ, bao gồm cả TPP. Tôi phản đối nó bây giờ, tôi sẽ phản đối sau khi cuộc bầu cử và tôi sẽ phản đối khi làm tổng thống".

Theo Washington Post, quan điểm mâu thuẫn của bà Clinton với di sản lớn nhất của Tổng thống Obama đã bị người Mỹ xem như trơ tráo. Mâu thuẫn ấy khiến cho bà Clinton không được nhiều cử tri Mỹ đánh giá cao về bản lĩnh chính trị.

Phụ họa thêm cho việc đoạn tuyệt với di sản của Obama, cựu Tổng thống Bill Clinton đã phê phán đạo luật ObamaCare. Phát biểu tại cuộc vận động tranh cử cùng bà Clinton ở Flint (bang Michigan), ông Clinton lên tiếng: “Các bạn đã có một hệ thống điên rồ khi bỗng nhiên hơn 25 triệu người được hưởng lợi từ chính sách chăm sóc sức khỏe, trong khi những người còn lại phải quần quật làm việc, thường là 60 tiếng một tuần, trong hoàn cảnh phí bảo hiểm tăng gấp đôi, còn phạm vi bảo hiểm thì giảm còn một nửa. Đó là điều điên rồ nhất trên thế giới".

Trong khi đó, nếu so sánh với TPP thì ObamaCare quan trọng không kém với cuộc đời làm tổng thống của ông Obama. Đặc biệt ObamaCare đã phát huy giá trị, vì vậy việc cựu Tổng thống Bill Clinton chỉ trích ObamaCare có thể khiến ông Obama đau đớn hơn rất nhiều.

Vợ chồng Clinton sau cuộc tranh luận lần đầu tiên ngày 26.9 - Ảnh: AP

Mặc dù chưa thế biết phương án B của vợ chồng Bill - Hillary Clinton hiệu quả tới mức nào, song có thể nhận định khi chọn phương án B, dường như bà Clinton đã hết bài tấn công đối thủ. Cử tri Mỹ không thể không trăn trở trước động thái này. Trong khi các biện pháp mà cử tri trông đợi ở bà Clinton thì vẫn chưa thể được nhận diện rõ ràng.

Bà Cliton dùng súng bắn vào chân mình

Sau cuộc đối đầu trực tiếp trên truyền hình lần 2, có thể nhận thấy những đòn tấn công Trump chưa đủ khả năng hạ "nốc ao" đối thủ, bà Clinton và đảng Dân chủ tiếp tục khai thác những điều tồi tệ nhất trong cuộc đời của Trump để tạo lợi thế.

Và thế là hàng loạt các vụ "xì căng đan" liên quan đến tình ái của anh thanh niên Donald Trump ngày nào, những chuyện đáng quên của trùm kinh doanh bất động sản Donald Trump ngày nào đã được lật lại.

Nào là Trump từng rình mò phòng thay đồ hoa hậu, nào Trump soi từng cô gái như thức nhắm tình dục, nào là Trump tìm cách quyến rũ phụ nữ có chồng. Trong thời điểm này, thông tin liên quan đến bê bối tình dục của Trump gần như không thể thiếu trong bất kỳ bản tin chính trị nào của các hãng thông tấn.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng bê bối tình dục của ông Trump không tạo ra ưu thế cho bà Clinton, bởi hai lẽ.

Thứ nhất, một nhà chính trị quyền quý như bà Clinton mà phải dùng tới kế mọn như vậy là hạ sách, tự hạ mình xuống và càng chứng minh bà đã hết bài.

Thứ hai, các vụ bê bối tình dục của Trump diễn ra trong quá khứ, mà quá khứ của Trump là đời sống kinh doanh chứ không phải đời sống chính trị. Và khi bị phơi bày thì đó là một lời cảnh báo cho “Tổng thống Trump tương lai”, nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa thắng cử.

Ông Donald Trump chụp ảnh với Hoa hậu Hoàn vũ 2012 Olivia Culpo - Ảnh: wenn.com

Tổng thống Bill Clinton bước vào Nhà Trắng gần như không tì vết nhưng ông rời nhiệm sở với hình ảnh là một trong những tổng thống có bê bối tình ái lớn nhất trong lịch sử chính trị của nước Mỹ. Ông suýt ngã ngựa cũng vì bê bối tình ái và hiện nay bê bối tình ái của ông vẫn còn ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đua của vợ, bà Clinton.

Phe Dân chủ càng đào bới, nhào nặn "xì căng đan" tình dục của ông Trump để cung cấp cho bà Clinton dùng làm vũ khí tấn công đối thủ thì càng làm giảm sức nặng của bà với cử tri. Bởi lẽ, họ có thể nghĩ ông Bill Clinton còn bê bối hơn Donald Trump vì ông Clinton gây ra "xì căng đan" tình ái khi đang là người đứng đầu nước Mỹ.

Vì vậy, dù bê bối tình dục ảnh hưởng xấu tới ông Trump nhưng nếu bà Clinton dùng đó làm vũ khí tấn công đối thủ thì chẳng khác gì dùng súng bắn vào chân mình. Điều bà cần làm để chuyển lợi thế thành ưu thế tuyệt đối là chứng tỏ tài năng qua các giải pháp liên quan tới việc bảo đảm lợi ích Mỹ, giá trị Mỹ và sức mạnh Mỹ.

Những mẹo vặt tạo "xì căng đan" lúc này chỉ giúp cử tri tiêu khiển cho vui chứ đó không phải là cơ sở để họ quyết định bỏ phiếu cho bà.

Ngọc Việt