Tại sao người Thái luôn tôn kính Quốc vương Bhumibol Adulyadej?
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:10, 14/10/2016
Ở Thái Lan có nhiều thế lực chính trị khác nhau hình thành nên các mâu thuẫn trong đời sống xã hội, song với Quốc vương Bhumibol Adulyadej thì gần như không có một khác biệt nào. Người dân Thái Lan luôn hướng về nhà vua với lòng yêu quý và tôn kính.
Đại tá Winthai Suvaree, người phát ngôn của chính quyền quân sự Thái Lan, cho biết: "Mối quan hệ giữa người dân Thái Lan và Quốc vương Bhumibol rất sâu đậm, khó có thể giải thích được, ông là người cha của đất nước này”.
Ngày 9.6 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 70 năm trị vì của Quốc vương, hàng trăm người dân tụ tập bên ngoài cung điện để chúc sức khỏe nhà vua. AFP dẫn lời Chonmanee Smativat, một cư dân Bangkok, bộc bạch: “Đó là cách tôi thể hiện lòng trung thành với Quốc vương. Tôi muốn nhà vua biết rằng chúng tôi kính yêu ngài”.
Đây là hồng phúc của đất nước Thái Lan khi có người cha dân tộc anh minh mà nhân dân luôn một lòng tôn kính. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Quốc vương Bhumibol Adulyadej lại được người dân đất nước yêu quý và tôn kính như vậy?
Quốc vương Bhumibol Adulyadej cùng hoàng hậu Sirikit trong lễ kết hôn ngày 28.4.1950 - Ảnh: Abacapress
Tôn trọng sự nghiêm minh của luật pháp
BBC ngày 9.6 nhận định: “Sự yêu quý của người dân đối với Quốc vương Thái Lan một phần bắt nguồn từ việc trị vì rất lâu dài của nhà vua và lòng phụng sự của ông cho người dân Thái Lan, nhưng cũng bởi vì ông được nhìn nhận là một trọng tài trong chính trường”.
Tuy nhiên, với cá nhân người viết thì việc tôn trọng sự nghiêm minh của luật pháp mới là điều quan trọng nhất làm nên hình ảnh vị vua anh minh cho Quốc vương.
Theo hiến pháp Thái Lan, nhà vua chỉ trị vì chứ không tham gia vào đời sống chính trị tại đất nước Chùa Vàng. Có thể thấy rằng từ khi tiếp quản ngai vàng đến nay, Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã thực hiện đúng chức năng mà hiến pháp đã quy định trong thể chế chính trị tại nước này.
Thái Lan được mệnh danh là “đất nước của đảo chính” và với người dân Thái Lan thì chỉ duy nhất Quốc vương là biểu tượng cho sự ổn định.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej được xem là chỗ dựa tinh thần cho người dân Thái Lan trước những bế tắc hay khó khăn trong cuộc sống do đổi thay của thời cuộc.
Người dân có thể đứng về phe phái này, đứng về đảng chính trị kia để đấu tranh cho quyền lực và lợi ích của mình. Từ đó gây nên mâu thuẫn, hình thành nên bất ổn trong đời sống chính trị Thái Lan. Và bất ổn chính trị đã ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển đất nước và cuộc sống người dân.
Thậm chí dư luận đã cho rằng nếu Thái Lan có nền chính trị ổn định thì quốc gia này đã rất giàu mạnh.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej được xem là chỗ dựa tinh thần cho người dân Thái Lan - Ảnh: Pinterest
Chứng kiến lực lượng áo vàng và áo đỏ xung đột với nhau hàng tháng trời hay lực lượng ủng hộ đảng Dân chủ biểu tình chống lại chính phủ của nữ Thù tướng Yingluck Shinawatra khiến đất nước Thái Lan hỗn loạn, nhiều người đặt câu hỏi tại sao nhà vua không can thiệp?
Bởi lẽ, họ không quên được hình ảnh cựu Thủ tướng Krapayoon Suchinda và nhà chính trị đối lập Srimuang Chamlong quỳ trước Quốc vương nghe phân giải để rồi cùng nhau bắt tay hòa giải, kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị năm 1992 tại đất nước này.
Như vậy chỉ cần Quốc vương lên tiếng là bất ổn tại Thái Lan có thể được cứu vãn, nhưng ngài vẫn im lặng. Phải chăng Quốc vương Bhumibol Adulyadej đứng ngoài cuộc sống của thần dân? Người viết cho rằng đó là Quốc vương tôn trọng tính nghiêm minh của pháp luật.
Giữa việc làm đúng và việc làm tốt, Quốc vương Thái Lan đã chọn làm đúng trước khi làm tốt. Một việc làm như thế nào gọi là đúng hay nói cách khác đâu là cơ sở để khẳng định một việc làm đúng? Làm theo pháp luật luôn được xem là việc làm đúng của người đứng đầu nhà nước.
Nhưng một việc làm như thế nào gọi là tốt thì ngoài thước đo lương tâm ra không có một chuẩn mực nào cả. Trong khi lương tâm là chủ quan, là cá nhân, nên tốt-xấu là tương đối và không mang tính phổ quát. Một việc có thể tốt với người này nhưng lại không tốt với người khác.
Vì vậy, Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã chọn tuân thủ hiến pháp trong thể hiện hành động của mình trước những biến động của đất nước. Quốc vương đã chọn thực hiện đúng chức năng của mình trong cuộc sống và chính điều này thể hiện sự anh minh của ông.
Trong khủng hoảng chính trị năm 1992, chính quyền đã nổ súng bắn vào người dân, gây tội ác nên Quốc vương mới lên tiếng can thiệp. Như vậy, hình ảnh anh minh của Quốc vương Bhumibol Adulyadej được xây dựng trên nền tảng của việc nghiêm minh trong tuân thủ luật pháp.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej những năm cuối đời - Ảnh: DW
Hành động và việc làm thiết thực, làm gương cho người khác
Theo tài liệu của kanchanapisek.or.th, Quốc vương Bhumibol Adulyadej lên ngôi năm 18 tuổi và đã thề cai trị quốc gia theo lẽ công bằng, vì hạnh phúc của nhân dân. Thời trẻ, mỗi năm nhà vua chỉ ở trong cung điện khoảng 7 tháng.
Thời gian còn lại ông tới những nơi xa xôi hẻo lánh trên chiếc xe jeep tự lái với cuốn sổ và chiếc bút trên tay, luôn lắng nghe và tràn đầy ý tưởng mới.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã biến cung điện Chitralada rộng lớn thành tổ hợp trang trại, cánh đồng và nhà máy chế biến.
Tại đây ông đã tiến hành nhiều thí nghiệm và thực hiện hàng loạt các đề án về nông nghiệp, thủy lợi. Kết quả là hơn 3.000 đề án do chính nhà vua khởi xướng đã được triển khai trên toàn quốc, cải thiện điều kiện sống của dân nghèo nông thôn.
Có thể thấy rằng, đây chính là chỉa khoá giải mã sức hút của người dân Thái Lan hướng về vị Quốc vương với thái độ quý mến và tôn kính không nhạt phai qua năm tháng. Và điều này cũng chứng minh là Quốc vương đứng ngoài đời sống chính trị nhưng không đứng ngoài cuộc sống của thần dân.
Những việc làm của Quốc vương Bhumibol Adulyadej vì lẽ công bằng và hạnh phúc của nhân dân Thái Lan rất có giá trị vì thực tế và thực chất. Theo người viết thì những hành động và việc làm của Quốc vương Thái Lan đều hướng tới cân bằng mệnh đề: Quyền lực nhân dân=lợi ích nhân dân.
Lãnh tụ hay người lãnh đạo là nơi tập trung quyền lực và ý chí tập thể nên người dân nhìn về lãnh tụ để biết niềm tin của họ có đặt đúng chỗ hay không. Lãnh tụ càng có nhiều hành động, việc làm chuẩn mực làm gương cho người khác thì uy tín càng được nâng lên. Hành động làm gương luôn là nguồn cội tạo nên sức sống cho hình ảnh lãnh tụ trong lòng nhân dân.
Ngày 13.10, người dân Thái Lan nghe tin Quốc vương băng hà - Ảnh: Bangkok Post
Có thể thấy rằng, ngai vàng là tập trung cao nhất quyền lực nhân dân và Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã bảo đảm sự bền vững của ngai vàng bằng việc làm mang lại lợi ích cao nhất, thiết thực nhất cho nhân dân. Những việc làm của Quốc vương luôn được người dân Thái Lan ngưỡng mộ.
Theo tài liệu của kanchanapisek.or.th, Văn phòng Ban phát triển dự án hoàng gia Thái Lan được thành lập và huy động ngân sách cũng như nguồn nhân lực từ phía chính phủ nhằm thực hiện các dự án do hoàng gia đề xuất.
Giai đoạn 1998-2003, khi chính sách phát triển của chính phủ thất bại, Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã thiết lập tổ chức phi chính phủ hoàng gia thúc đẩy kinh tế tự cung tự cấp và được số đông làm theo. Quốc vương đã giúp cho chính phủ Thái Lan trong đối phó với thiên tai và khó khăn trong quản lý xã hội.
Hoàng gia đã đưa ra hàng loạt giải pháp cho các vấn đề, từ giảm lũ lụt, hạn hán tới ùn tắc giao thông và phúc lợi xã hội. Đặc biệt, khi đối phó với nạn hạn hán nghiêm trọng vừa qua, thông điệp “Hãy sử dụng nước một cách khôn ngoan” của Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã giúp cho tinh thần người dân vững vàng hơn rất nhiều trong gian khó.
Có được vị lãnh tụ anh minh luôn được xem là hồng phúc của một dân tộc. Trong những tác nhân tạo dựng nên hình ảnh vị lãnh tụ anh minh, việc tuân thủ sự nghiêm minh của pháp luật và có những việc làm thiết thực vì hạnh phúc của nhân dân là tác nhân quan trọng nhất.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej là vị vua anh minh, sống mãi trong lòng người dân Thái Lan nhờ ông đã làm được những điều cao quý ấy.
Ngọc Việt