Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC: Có tiếng mà không có miếng

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:46, 12/10/2016

Nếu hội nghị của OPEC và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC ở Istanbul thành công, đây sẽ là một trong những thỏa thuận về sản lượng quy tụ được nhiều nước xuất khẩu dầu nhất từ trước đến nay. Nhưng mức sản lượng cắt giảm thì có vẻ như đang ngược lại với con số này.

Thị trường dầu lửa thế giới đang ở rất gần một thỏa thuận đóng băng sản lượng được kỳ vọng là có thể vực dậy giá dầu ở thời điểm hiện tại. Một thỏa thuận sơ bộ đã được các nước thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu lửa thế giới (OPEC) đồng thuận tại hội nghị không chính thức ở Algerie vào cuối tháng 9, và bắt đầu đi vào đàm phán các điều khoản chính thức tại hội nghị đang diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Một cuộc hội đàm khác sẽ được tổ chức giữa OPEC và các nước xuất khẩu dầu khác vào ngày 12.10 để đảm bảo thỏa thuận đóng băng sản lượng này sẽ có sự tham gia của gần như tất cả các quốc gia xuất khẩu dầu quan trọng trên thế giới. Nếu thành công, đây sẽ là một trong những thỏa thuận về sản lượng quy tụ được nhiều nước xuất khẩu dầu nhất từ trước đến nay. Nhưng mức sản lượng cắt giảm thì có vẻ như đang ngược lại với con số này.

Có nhiều điều để đặt dấu hỏi trong thỏa thuận đóng băng sản lượng đang được thiết lập tại Istanbul giữa các nước thành viên OPEC hiện tại. Trước hết, thỏa thuận sẽ chỉ được áp dụng vào thời điểm cuối tháng 11 tới, và chỉ kéo dài trong một thời gian khiêm tốn là 6 tháng. Đó là thông tin chính thức được Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo tuyên bố. Thỏa thuận sẽ chỉ được xem xét kéo dài trong một thỏa thuận kế tiếp nếu như thỏa thuận lần này tỏ ra có hiệu quả, bất chấp đề xuất của Bộ trưởng Năng lượng một nước thành viên OPEC khác là Venezuela – Eulogio Del Pino – rằng nó sẽ hiệu quả hơn nếu có thời gian trên 1 năm.

Khoảng thời gian 6 tháng này rõ ràng là không đủ để cải thiện giá dầu, nhất là khi mức độ cắt giảm sản lượng của thỏa thuận lần này là quá ít. Mức sản lượng sẽ được cắt giảm được OPEC thống nhất trong cuộc họp ở Algerie tháng trước chỉ là từ 600 ngàn đến 1,1 triệu thùng/ngày. Hiện tại tổng sản lượng của OPEC đang đạt 33,6 triệu thùng/ngày, và con số cắt giảm kể trên là quá ít. Dĩ nhiên, đó chỉ là mức cắt giảm trong nội bộ OPEC, nó sẽ tăng thêm nếu các nước xuất khẩu dầu khác như Nga, Na Uy, Azerbaijan, Mexico tham gia thỏa thuận. Nhưng kể cả trong trường hợp đó thì con số cũng sẽ không lớn, vì sẽ không có nước nào chịu thiệt mà chấp nhận cắt giảm nhiều hơn.

Mức sản lượng cắt giảm quá thấp cộng với việc thời gian thực hiện quá ngắn khiến cho không ít quan điểm cho rằng thỏa thuận này chỉ là trò hề và không có nhiều tác dụng trong việc vực dậy giá dầu. Người phản đối mạnh mẽ nhất ở thời điểm hiện tại là ông chủ đầy quyền lực của tập đoàn dầu lửa khổng lồ Rosneft của Nga – Igor Sechin. Ông chủ của tập đoàn đang nắm tới hơn 40% sản lượng khai thác dầu thô của Nga tuyên bố thẳng thừng rằng ông không có ý định để Rosneft tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần này. Vị CEO này cho biết, Rosneft đang có ý định tăng cường sản lượng khai thác của mình trong thời gian tới, bất kể việc tập đoàn này hiện đang là doanh nghiệp có sản lượng khai thác dầu lớn nhất thế giới hiện nay. Hiện tại, chỉ riêng sản lượng khai thác của Rosneft đã lên tới 4,1 triệu thùng/ngày, và theo Igor Sechin, việc đột ngột đòi cắt giảm sản lượng là điều không thể chấp nhận được trong bối cảnh công ty vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Một lý do khác khiến Sechin phản đối thỏa thuận lần này, là vì nghi ngờ sự thành thực của một số nước thành viên OPEC như Iran, Ả Rập Saudi hay Venezuela trong việc thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng. Cũng giống như Rosneft đang trên đà tăng trưởng, cả Iran lẫn Ả Rập Saudi đều có mức tăng sản lượng khá mạnh trong thời gian qua (lên gần 3,9 triệu thùng/ngày với Iran, và hơn 12,5 triệu thùng/ngày với Ả Rập Saudi). Nếu suy bụng ta ra bụng người, thì theo Igor Sechin hẳn là Iran và Saudi cũng không hề muốn cắt giảm sản lượng. Vị tài phiệt dầu lửa Nga này cũng cảnh báo rằng, một thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và các nước ngoài OPEC chỉ đem lại lợi ích cho Mỹ, khi tuyên bố: “Không ai mong muốn kịch bản giá dầu lên cao hơn mức 50 USD/thùng như người Mỹ, vì nhiều dự án dầu phiến sẽ có lợi nhuận với mức giá như vậy. Và nếu giá lên tới 60 USD/thùng, thì số dự án dầu phiến hoạt động trở lại sẽ ngày càng nhiều hơn”.

Trong trường hợp cả Nga, Na Uy, Azerbaijan và Mexico tham gia thỏa thuận cùng với OPEC lần này, thì tổng sản lượng cắt giảm cao nhất cũng có thể chỉ là trên dưới 2 triệu thùng/ngày. Đây là mức cắt giảm quá thấp để vực dậy giá dầu với mức độ đủ lớn, nhiều khả năng sẽ chỉ vừa đủ để đưa giá dầu về mức 55-58 USD/thùng mà thôi.

Nhàn Đàm (theo Reuters)