Trung Quốc nuôi dưỡng âm mưu gì ở Syria?
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:05, 10/10/2016
Cần nhắc lại, ngày 18.8.2016, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo Trung Quốc sẽ mở lớp huấn luyện cán bộ và cứu trợ nhân đạo cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Vài ngày trước đó, Chuẩn đô đốc Quan Hữu Phi đã đến thủ đô Damascus hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Fahd Jassem al-Freij và gặp trung tướng Sergei Chvarkov, chỉ huy căn cứ hải quân Nga tại Latakia (Syria).
Mặc dù Trung Quốc vẫn duy trì hợp tác kinh tế và an ninh với Syria trong nhiều thập niên qua, có thể giải thích sự kiện Trung Quốc bắt đầu mở rộng vai trò ở Syria trong thời gian gần đây vì các cam kết lịch sử của Trung Quốc với Tổng thống Assad.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc nhận thấy khủng hoảng Syria là cơ hội vàng để thúc đẩy kế hoạch tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc gia đang phát triển.
Thái độ tham gia tích cực của Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột của Syria cũng cho phép Bắc Kinh khẳng định vai trò trọng tài ngoại giao quan trọng tại khu vực Trung Đông
Tên lửa của quân nổi dậy tấn công quân đội chính phủ Syria - Ảnh: Anadolu
Tìm kiếm ủng hộ cho yêu sách Biển Đông
Cách xử lý vấn đề nội chiến Syria của Trung Quốc khác biệt rõ rệt so với cách tiếp cận của các nước phương Tây. Từ khi xung đột Syria bùng nổ vào tháng 3.2011, Trung Quốc kiên trì bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.
Cách định nghĩa của Trung Quốc về khái niệm chủ quyền quốc gia đã cho thấy Trung Quốc nhận diện chế độ của Tổng thống Assad là chính quyền hợp pháp duy nhất của Syria. Trung Quốc bác bỏ lập luận của Tổng thống Obama rằng tội ác chiến tranh của ông Assad là nguyên nhân khiến ông ta không thể cầm quyền ở Syria.
Trung Quốc phản đối gay gắt “thay đổi chế độ theo kiểu phương Tây” ở Syria sau khi đã chỉ trích các vụ đánh bom của NATO năm 1999 ở Kosovo và kế đến là lật đổ nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi ở Libya năm 2011.
Giống như các nước đang phát triển đánh giá phương Tây can thiệp quân sự với cái cớ trách nhiệm bảo vệ là hình thức trá hình của chủ nghĩa đế quốc, quan điểm của Trung Quốc là giúp Syria để mở rộng phạm vi đồng minh quốc tế.
Thái độ ủng hộ của Trung Quốc với Syria rất có giá trị cho những tham vọng địa-chính trị ngày càng lớn của Bắc Kinh, đặc biệt sau khi Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngoài ra, hành động mở rộng vai trò của Trung Quốc ở Syria thể hiện thái độ bất đồng ý kiến của Bắc Kinh đối với các chuẩn mực được thiết lập bởi các định chế quốc tế mà trong đó các nước phương Tây chiếm ưu thế .
Khi phát thông điệp về chủ quyền quốc gia của Syria, Trung Quốc cũng mong muốn củng cố quan hệ đồng minh với các nước đang phát triển ủng hộ yêu sách của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Trung Quốc đã bán khí độc hóa học cho Syria
Mặc dù Trung Quốc cùng với Nga bảo vệ Tổng thống Assad nhưng Trung Quốc ngấm ngầm nghi vấn cam kết của Nga về một giải pháp chính trị đa phương để giải quyết xung đột Syria.
Trung Quốc không dễ dãi đồng ý với các phi vụ không kích và bắn tên lửa của Nga nhân danh chính quyền Syria.
Tháng 9.2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “hành động quân sự không phải là giải pháp giải quyết vấn đề Syria”. Đây là tuyên bố thể hiện quan điểm của Trung Quốc sau khi Nga đã can thiệp quân sự vào Syria gần một năm.
Để minh chứng cho thái độ bất đồng của Bắc Kinh với chính sách của Nga tại Syria, Trung Quốc đã chấp nhận can thiệp vào Syria theo hướng thỉnh thoảng sẽ có va chạm với lợi ích của Nga.
Mặc dù Nga luôn ủng hộ giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria thì vẫn có chứng cứ cho thấy nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Trung Quốc, Norinco, đã bí mật bán khí độc chlorine cho Syria trong giai đoạn đầu xung đột.
Sự kiện Bắc Kinh bán vũ khí hóa học cho Syria chứng minh Trung Quốc sẵn sàng bỏ qua những ưu đãi về chính sách đối ngoại của Nga để đạt được lợi ích riêng ở Syria.
Điều này cũng cho thấy mong muốn của Trung Quốc về củng cố vị thế quốc tế đối với các chế độ toàn trị chống phương Tây và thách thức vai trò của Nga như một quốc gia đối trọng với chủ nghĩa bá quyền của Mỹ tại Trung Đông.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Iran ngày 23.1.2016 - Ảnh: mei.edu
Chiến lược cân bằng của Trung Quốc ở Trung Đông
Trung Quốc tăng cường ủng hộ chính phủ của Tổng thống Assad cũng là dấu chỉ mạnh về khả năng triển khai sức mạnh đang ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở khu vực Trung Đông.
Bằng cách mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Đông và Bắc Phi, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể chứng tỏ với người dân và cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc sắp trở thành một siêu cường có tầm địa-chính trị toàn cầu.
Lập trường không can thiệp của Trung Quốc ở Syria đã giúp Bắc Kinh mở rộng quyền lực mềm và chuỗi các nước đồng minh ở Trung Đông.
Khi phản đối giải pháp quân sự để giải quyết xung đột Syria, Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với Iran và Ả Rập Saudi. Đây là thành công lớn vì hai quốc gia này có quan điểm khái ngược nhau về nội chiến Syria.
Hành động hỗ trợ đáng tin cậy của Trung Quốc cho chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của Syria đã củng cố nhận thức của các nhà lãnh đạo Iran rằng Bắc Kinh là một đối tác kinh tế và an ninh ổn định.
Củng cố quan hệ Trung Quốc-Iran
Trong những năm trước khi các nước phương Tây đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tháng 7.2015, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ký nhiều hợp đồng mua bán vũ khí quy mô lớn với Iran nhằm đầu tư củng cố nhận thức tích cực của công chúng Iran về Trung Quốc.
Iran nhập khẩu 31,7% vũ khí từ Trung Quốc năm 2014. Iran đã chuyển giao rất nhiều vũ khí do Trung Quốc sản xuất cho Syria để Syria trấn áp tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), tổ chức Mặt trận Al Nusra (chi nhánh Al Qaeda ở Syria) và các nhóm nổi dậy.
Iran lôi kéo Trung Quốc hỗ trợ ngoại giao đối với Syria nhằm mục đích tập hợp một liên minh quốc tế cho chiến dịch quân sự ủng hộ Tổng thống Assad và củng cố triển vọng trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Trung Quốc đáp ứng các đề nghị ngoại giao của Iran bằng việc hỗ trợ cho Tổng thống Assad ở LHQ và tán đồng mục tiêu trở thành thành viên SCO của Iran.
Để củng cố quan hệ Bắc Kinh-Tehran, quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận chung với Nga ở bờ biển Địa Trung Hải của Syria và duy trì quan hệ đồng minh chặt chẽ với tổ chức Hezbollah, đồng minh Lebanon của Iran.
Do vậy, khi Trung Quốc từ chối can thiệp quân sự vào Syria cùng với lực lượng của Iran, các hành động gián tiếp ủng hộ Tổng thống Assad của Trung Quốc đã góp phần củng cố Iran trở thành một đồng minh sống còn của Trung Quốc ở Trung Đông.
Trung Quốc tập trận với Nga trên Địa Trung Hải vào tháng 5.2015 - Ảnh: RIA Novosti
Bắt tay với Ả Rập Saudi
Cùng lúc đó, thái độ phản đối không do dự của Trung Quốc đối với hành động can thiệp quân sự vào Syria đã bảo đảm rằng hành động ủng hộ Tổng thống Assad không đe dọa vị thế của Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Ả Rập Saudi.
Từ đầu xung đột Syria, về ngoại giao Trung Quốc đã bắt tay với Ả Rập Saudi về khủng hoảng Syria. Đặc phái viên mới của Trung Quốc phụ trách giải pháp hòa bình khả thi cho Syria đã cam kết sẽ thăm Riyadh và tìm giải pháp cho khủng hoảng Syria mà Ả Rập Saudi có thể chấp nhận được.
Để chứng minh thái độ đáng tin cậy của chính sách không can thiệp với Ả Rập Saudi, Trung Quốc đã bán hàng trăm triệu USD vũ khí cho Ả Rập Saudi (rất nhiều vũ khí trong số đó được sử dụng để tài trợ cho quân nổi dậy Syria).
Trong khi mối quan hệ đối tác Trung Quốc-Ả Rập Saudi chủ yếu là kinh tế, mục tiêu duy trì lợi ích của Ả Rập Saudi ở Syria của Trung Quốc cho phép củng cố mối quan hệ đối tác an ninh quy mô nhỏ có lợi với Ả Rập Saudi.
Khả năng của Trung Quốc trong việc duy trì quan hệ gần gũi với Iran và Ả Rập Saudi đã thúc đẩy tầm ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông.
Các nhà lãnh đạo phương Tây mong muốn thừa nhận vai trò quan trọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc như một trọng tài quyền lực ở Syria. Cam kết ngoại giao của Trung Quốc có thể sẽ tác động sâu sắc đến kết quả đàm phán hòa bình đa phương trong tương lai ở Syria.
Minh Yến