Tổng thống Duterte và chính sách ngoại giao nước lớn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:17, 02/10/2016
Bloomberg ngày 12.9 đã đăng bài bình luận của chuyên gia phân tích cao cấp Malcolm Davis ở Viện Chính sách chiến lược Úc về việc Tổng thống Rodrigo Duterte thay đổi lập trường của Philippines về tranh chấp trên Biển Đông.
Ông nhấn mạnh Tổng thống Duterte nhượng bộ Trung Quốc để đổi lấy ưu đãi tài chính là phung phí lợi thế có được từ phán quyết trọng tài ngày 12.7.
Chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte bị xem là có thể sẽ mang đến nhiều hệ luỵ cho người dân và đất nước Philippines vì đã tạo ra nhiều thay đổi trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại so với chính phủ của người tiền nhiệm Benigno S. Aquino.
Người viết cho rằng chưa thể khẳng định Tổng thống Duterte lại mạo hiểm với lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia của Philippines. Tuy nhiên, chỉ qua vài hành động “khác người” của ông Duterte mà Philippines đã đối diện nguy cơ phải gánh hậu quả trong quan hệ đối ngoại thì có thể khẳng định tính cạnh tranh trong ngoại giao nước lớn hiện nay quá khắc nghiệt.
Tính chất khắc nghiệt ấy khiến cho các “tiểu nhược” gần như không thể làm khác trong quan hệ với các “đại cường”, giữa các “đại cường”. Và đó mới là nguy cơ với lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia chứ không phải là hậu quả của hành động “giương đông kích tây” như Tổng thống Duterte.
Tổng thống Duterte trong chuyến thăm Việt Nam ngày 30-9.2016 - Ảnh: Duterte News
Hướng tâm hoặc ly tâm “trục Mỹ”?
Theo constitution.garant.ru, ngày 14.3.1990, đạo luật số N.360-I về sửa đổi hiến pháp Liên Xô năm 1977 đã được Xô viết Tối cao thông qua, chức danh tổng thống nhà nước đã chính thức trở thành một định chế trong hệ thống chính trị Liên Xô.
Sự kiện này được xem như một bước ngoặt rất quan trọng của lịch sử chính trị thế giới. Bởi lẽ từ đây bản chất của nhà nước Xô viết đã chính thức thay đổi. Sự kiện đó cũng được xem là dấu chấm hết cho sự tồn tại của thế giới lưỡng cực hình thành từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Từ đây những khái niệm “thân Liên Xô hay thân Mỹ’ không còn tồn tại và cũng đồng thời chấm dứt cạnh tranh nước lớn trong thế giới lưỡng cực Xô–Mỹ. Trục Mỹ hình thành nên ngoại giao đơn cực, “thân Mỹ hay bài Mỹ” là một trong những xu hướng chính trong ngoại giao quốc tế.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia chọn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Tuy nhiên, hướng tâm hoặc ly tâm “trục Mỹ” vẫn là xu hướng chủ đạo trong bang giao quốc tế. Tính độc lập và sự tự chủ trong chiến lược đối ngoại của các quốc gia không thể hiện rõ nét.
Năm 1997, sự kiện Hồng Kông chính thức trở về với Trung Quốc đã tạo dấu mốc quan trọng khi giá trị truyền thống phương Tây chính thức bị đồng hóa bởi giá trị phương Đông. Từ sự kiện đặc biệt đó có thể nhận diện một thế giới lưỡng cực đã phôi thai.
Tại Trung Hoa đại lục, chính sách cải cách của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình không chỉ giúp Trung Quốc nhanh chóng vượt qua Nhật trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn tạo ra cơ sở hình thành một đối trọng mới trên thế giới.
Quá trình phát triển nóng tại Trung Quốc đã khiến cho một thế giới lưỡng cực ngày càng hiển hiện rõ hơn với thế đối trọng giữa Mỹ (thể hiện sức mạnh truyền thống phương Tây) và Trung Quốc (thể hiện sức mạnh đang trỗi dậy từ phương Đông).
Nhận thấy nguy hiểm từ Trung Hoa lục địa trỗi dậy, Tổng thống Obama đã quyết định chuyển trục trong chiến lược quan hệ đối ngoại của Mỹ từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải sang châu Á-Thái Bình Dương để bảo đảm giá trị và lợi ích Mỹ.
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm giữ quyền bính, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã chính thức định hình cho một thế giới lưỡng cực mới. Tham vọng hiện thực hóa giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình đang khiến ngoại giao nước lớn ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn.
Cặp đôi Tập Cận Bình- Barack Obama đã định hình thế giới lưỡng cực mới, đưa châu Á- Thái Bình Dương đối mặt với sự khốc liệt của ngoại giao nước lớn - Ảnh: Reuters
Dù một trật tự thế giới mới chưa được xác lập nhưng cạnh tranh trong ngoại giao nước lớn đang khiến cho xu thế đối ngoại độc lập, tự chủ đối mặt với nhiều thách thức.
Những phản ứng tiêu cực với phát biểu đột phá của Tổng thống Duterte cho thấy mức độ thách thức rất nghiêm trọng. Có thể thấy khi Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay phải sử dụng diễn đàn của LHQ để lên tiếng kêu gọi các nước không can thiệp vào cuộc chiến chống ma túy và tham nhũng tại Philippines cho thấy chủ quyền quốc gia của Philippines đang bị đe dọa.
Bởi lẽ, chính quyền mới tại Philippines là hợp pháp, hợp hiến. Nhờ cam kết thực hiện chiến dịch “bàn tay sắt” mà ông Duterte được nhân dân Philippines gửi trao quyền lực. Do vậy, chỉ có người dân Philippines mới có quyền yêu cầu ông dừng chiến dịch tiêu diệt tội phạm mà thôi.
Khi chính quyền Duterte có ý định kết nối quan hệ thân thiện với Trung Quốc thì ngay lập tức bị nhiều quốc gia chỉ trích là “gần Trung xa Mỹ”. Điều đó cho thấy Philippines gặp quá nhiều thử thách khi thể hiện độc lập trong quan hệ đối ngoại.
Một chính quyền hợp pháp, hợp hiến, dựa trên lợi ích quốc gia dân tộc để thực hiện kết nối bang giao quốc tế mà bị tẩy chay thì làm sao còn độc lập, tự chủ được nữa. Khi nhận diện lợi ích trong quan hệ với Mỹ không được bảo đảm thì Manila có quyền định hình lại mối quan hệ.
Ngoại giao nước lớn khiến cho các “tiểu nhược” không thể xác định được, thậm chí có nhiều trường hợp không được xác định “ta-bạn-thù”. Đây chính là nguy cơ với chủ quyền của một quốc gia, lợi ích của một dân tộc trong thế giới lưỡng cực đang gia tăng mức độ cạnh tranh.
Làm sao tránh lệ thuộc ngoại giao nước lớn?
Có thể thấy rằng khi Tổng thống Obama chuyển trục trong chiến lược đối ngoại của Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc cũng chọn địa bàn này là nơi đối trọng với lợi ích Mỹ, giá trị Mỹ và sức mạnh Mỹ, thì có thể nhận diện đây là nơi khốc liệt nhất của cạnh tranh nước lớn hiện nay.
Gần đây có hai quốc gia tại khu vực này được xem là đang xác lập một nền ngoại giao mới thể hiện độc lập, tự chủ, đó là Myanmar và Philippines. Lâu nay quốc gia được xem là thể hiện rõ nhất độc lập, tự chủ trong quan hệ đối ngoại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Singapore.
Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu-người đã xây dựng và áp dụng thành công chiến lược đối ngoại độc lập, tự chủ - Ảnh: AFP
Và có thể nhận diện cả Philippines và Myanmar đang chọn đường lối ngoại giao kiểu Singapore, song có lẽ bà Aung San Suu Kyi làm tốt hơn ông Duterte.
Có thể thấy bà Aung San Suu Kyi đã thể hiện là học trò rất xuất sắc của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Bà cũng chọn Mỹ và Trung Quốc là hai người bạn lớn của Myanmar thời dân chủ, tuy nhiên bà làm ngược lại với nhà lãnh đạo huyền thoại Lý Quang Diệu.
Dựa trên thực tế của đất nước và bối cảnh thế giới hiện nay, Myanmar đã chọn nâng tầm quan hệ với Trung Quốc trước Mỹ. Bà đã khôn khéo và chính xác khi chọn đột phá khẩu trong chiến lược quan hệ đối ngoại mới của Myanmar bắt đầu từ hòa giải dân tộc. Vì Myanmar “núi liền núi, sông liền sông” với Trung Quốc nên việc Naypyidaw chọn nâng tầm quan hệ với Bắc kinh cũng không gây nên hiệu ứng bất lợi từ Washington.
Và cũng với vị thế như vậy của Myanmar, Bắc Kinh có thể hoàn toàn yên tâm khi Naypyidaw chưa thể xây dựng và áp dụng chiến lược ngoại giao “xa Trung gần Mỹ”. Điều đó cho thấy khi chọn yếu tố cộng đồng dân tộc và văn hóa dân tộc làm nền tảng cho sức mạnh quốc gia thì có thể bảo đảm được độc lập cho quốc gia trong quan hệ đối ngoại.
Trước đây, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến cho đảo quốc này chứ không phải tiếng Hoa. Trong khi đó, người gốc Hoa chiếm tới 2/3 dân số của Singapore thời lập quốc. Sự lựa chọn ngôn ngữ đã tạo ra hợp lý và thuận lợi cho việc Singapore chọn kết nối bang giao với Mỹ trước kết nối với Trung Quốc 25 năm.
Với chiến lược ngoại giao hiện tại, Myanmar có thể tránh được bất lợi khi khó có thể nhận diện Myanmar “xa Mỹ gần Trung”. Với vị thế đó, Myanmar có thể khai thác tối đa lợi ích cho mình từ hai cường quốc khi tạo ra thế bập bênh trong kết nối giao thương. Và đó cũng là phương cách tốt nhất giúp Myanmar tránh được nguy cơ từ cạnh tranh nước lớn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Dựa trên thực tế của đất nước và bối cảnh thế giới, Myanmar đã chọn nâng tầm quan hệ với Trung Quốc trước Mỹ - Ảnh: China Daily
Trong khi đó, Tổng thống Rodrigo Duterte vừa mới có vài hành động thể hiện việc định hình lại chiến lược quan hệ đối ngoại cho Philippines thì đã bị chỉ trích “xa Mỹ gần Trung”. Điều gì khiến cho Philippines lại gặp bất lợi lớn trong việc thay đổi xu hướng kết nối bang giao quốc tế của mình?
Chưa thể khẳng định chính sách đối ngoại của chính phủ mới tại Philippines sẽ được định hình lại như thế nào, bởi lẽ hơn 3 tháng nắm quyền của ông Duterte là quá ngắn cho việc định hình một chiến lược quan hệ ngoại giao mới.
Ông Duterte chưa có chuyến thăm nào tới Trung Quốc và cũng chưa viếng thăm Mỹ để tỏ rõ lập trường của mình với chính sách ngoại giao mới. Tuy nhiên, người viết cho rằng ông Duterte đã dựa vào lợi ích dân tộc của Philippines để xây dựng chiến lược bang giao quốc tế.
Song những hành động “khác người” của ông Duterte khiến cho ông bị phản ứng dữ dội và lợi ích của Philippines có thể bị đe doạ. Điều đó cho thấy dường như ông Duterte lựa chọn cách thức thể hiện chưa phù hợp.
Từ diễn đàn của LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay kêu gọi quốc tế hãy tôn trọng chủ quyền quốc gia của Philippines. Trong khi cũng tại diễn đàn này, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi chỉ nói lời cám ơn bạn bè quốc tế đã ủng hộ tiến trình dân chủ của Myanmar và càm kết sẽ hiện thực hóa giá trị của sự đổi thay cho Myanmar.
Tóm lại, trước sự khốc liệt của cạnh tranh nước lớn trong bối cảnh hiện nay, chiến lược đối ngoại độc lập, tự chủ của các “tiểu nhược” luôn gặp thách thức. Do vậy, để tránh lệ thuộc ngoại giao nước lớn thì việc lựa chọn nền tảng xây dựng chiến lược đối ngoại là rất quan trọng. Và lợi ích của cộng đồng dân tộc luôn là nền tảng vững chắc nhất cho mọi chiến lược bang giao.
Ngọc Việt