Donald Trump có thể đưa Apple về Mỹ?

Góc nhìn - Ngày đăng : 15:14, 25/11/2016

Nếu Donald Trump có thể đưa Apple quay trở lại quê nhà, thì việc có thể đưa các công ty Mỹ khác trở về chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng, liệu Donald Trump có đủ khả năng thuyết phục trái táo cắn dở hay không?

Hiếm có một tổng thống Mỹ nào lại có thể bắt đầu tạo ra những ảnh hưởng lớn ngay từ trước khi chính thức nhậm chức như Donald Trump. Bằng một tuyên bố sẽ chấm dứt Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, Donald Trump đã gần như ký lệnh tử hình đối với hiệp định thương mại khổng lồ này dù chưa bước chân vào Nhà Trắng.

Xóa bỏ TPP là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà ông Trump đã hứa hẹn trong quá trình tranh cử, điều quan trọng thứ hai là đưa việc làm trở lại Mỹ, mà điển hình là những tập đoàn quốc tế như Microsoft và đặc biệt là Apple – tập đoàn công nghệ khổng lồ hàng đầu thế giới của Mỹ nhưng lại không có bất cứ một nhà xưởng sản xuất nào ở quê nhà.

Nếu Donald Trump có thể đưa Apple quay trở lại quê nhà, thì việc có thể đưa các công ty Mỹ khác trở về chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng, liệu Donald Trump có đủ khả năng thuyết phục trái táo cắn dở hay không?

Xét về khía cạnh tài chính và lợi nhuận, thì việc Apple quay trở lại Mỹ như Donald Trump mong muốn dường như là điều có thể. Với việc thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm xuống còn 15% (so với mức hiện nay là 35%) và cho phép phần lợi nhuận đưa về nước được hưởng mức thuế 10% mà ông Trump đã hứa, thì Apple có thể sẽ là một trong những tập đoàn hưởng lợi lớn nhất, khi tập đoàn này chỉ chịu thuế 26% và khoản lợi nhuận mang về từ nước ngoài lên tới 216 tỉ USD.

Bản thân CEO Tim Cook của Apple cũng từng phát biểu rằng ông sẽ chuyển tiền lợi nhuận của Apple trở về nước nếu nó không bị áp một mức thuế mà theo ông là vô lý, lạc hậu và kinh khủng như hiện nay.

Quả thực, các khoản cắt giảm thuế đáng kể mà chính phủ của tân tổng thống Donald Trump dự định dành cho các công ty Mỹ như Apple có thể đủ để bù đắp các thiệt hại về chi phí nhân công, vận chuyển,… nếu chuyển nhà xưởng sản xuất về nước. Có lẽ đó là lý do mà Donald Trump đã có một bài phát biểu khá lạc quan trên tờ The Times vào tuần trước, khi ông tuyên bố:

“Tôi đang tiến hành cắt giảm thuế và dỡ bỏ bớt các quy định, và tôi đã gặp gỡ rất nhiều chủ doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp nhỏ trên toàn nước Mỹ này. Họ tỏ ra phấn khích với việc dỡ bỏ bớt các quy định hơn là cắt giảm thuế. Nếu có cơ hội, tôi cũng không bao giờ nói điều đó có thể xảy ra, bởi cắt giảm thuế là một việc quan trọng. Bạn biết đấy, nhiều công ty đã rời khỏi nước Mỹ vì thuế của chúng ta quá cao. Nhưng họ cũng rời Mỹ vì quá nhiều quy định”.

Tuy nhiên, tiền và lợi nhuận không phải là tất cả, nhất là đối với một tập đoàn công nghệ khổng lồ như Apple. Những điều Donald Trump nói về giảm thuế và gỡ bỏ các quy định có thể đúng với các doanh nghiệp khác, nhưng với Apple thì không.

Dù có giảm bao nhiêu thuế và gỡ bỏ bao nhiêu thủ tục đi chăng nữa, chính phủ của Donald Trump cũng không thể mang Apple về Mỹ, khi mà gần như tất cả những bộ phận quan trọng nhất cấu thành quá trình sản xuất của tập đoàn này đều ở nước ngoài, và rất nhiều trong số đó không thuộc về Apple.

Điển hình nhất cho điều này là nguồn nhân lực và chuỗi cung ứng thiết bị linh kiện cần thiết cho quá trình lắp ráp các sản phẩm của Apple. Nhìn lại một chút về lịch sử của tập đoàn công nghệ danh tiếng này, có thể thấy ngay từ năm 1981 Apple đã mở một nhà máy sản xuất bo mạch và các linh kiện khác tại Singapore, và người điều hành của tập đoàn tại đây đã tuyên bố: “Không có bất cứ quốc gia nào có thể cung cấp một sự tổng hợp các yếu tố cần thiết cho chúng tôi tốt hơn Singapore, nó bao gồm cơ sở hạ tầng, khả năng kỹ thuật, công nghiệp hỗ trợ, sự hiệu quả của chính phủ, hỗ trợ và ưu đãi về thuế”.

Sự dịch chuyển các cơ sở sản xuất này của Apple được đẩy mạnh sau khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển. Chính phủ Trung Quốc đã mô phỏng cách thức tiếp cận của Singapore trên quy mô lớn, phát triển các cụm công nghiệp với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn thế giới cũng như sẵn lòng cung cấp đất và các khoản trợ cấp cho những công ty muốn chuyển địa điểm đầu tư. Kết quả là đến năm 2004, Apple đã ngưng cơ sở sản xuất cuối cùng của mình ở Mỹ để chuyển đến Trung Quốc và coi quốc gia châu Á này như trung tâm sản xuất quy mô toàn cầu của mình.

Nhìn vào cách thức sản xuất và hoạt động của Apple tại Trung Quốc hiện nay, có thể dễ dàng nhận ra nó gần như sẽ không thể chuyển cơ sở về Mỹ, khi có rất nhiều thành tố quan trọng chỉ Trung Quốc mới có thể đáp ứng. Trước hết là vấn đề nguồn nhân lực. Không chỉ có chi phí nhân công thấp, mà chỉ thị trường lao động dồi dào của Trung Quốc mới có thể cung cấp số nhân lực có mức biến động rất lớn theo từng thời điểm của Apple.

Chẳng hạn như vào hè 2015, Apple đã tuyển thêm hơn 100.000 lao động thời vụ để đảm bảo sản xuất đủ số lượng điện thoại iPhone 6s trước khi bán ra vào mùa thu sau đó một vài tháng. Điều này gần như không thể thực hiện tại Mỹ, nơi những sự tuyển mộ lượng lớn lao động thời gian ngắn tương tự đã diễn ra từ thời chiến tranh thế giới thứ 2.

Chất lượng nhân lực và cung ứng thiết bị cũng là các yếu tố khác mà chỉ thị trường Trung Quốc mới có thể cung cấp cho Apple. Theo CEO Tim Cook, mỗi năm Apple cần khoảng 8.700 kỹ sư công nghiệp chất lượng cao để giám sát khoảng 200.000 công nhân lắp ráp, trong khi đó vào năm 2014 cả nước Mỹ chỉ có khoảng 7.000 sinh viên hoàn thành các khóa đào tạo kỹ sư công nghiệp mà thôi.

Những đô thị công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Thâm Quyến thì lại hoàn toàn đủ khả năng để thực hiện điều này. Cung ứng thiết bị linh kiện cũng vậy. Hầu hết các nhà máy sản xuất thiết bị linh kiện phục vụ Apple đều đặt cơ sở tại Trung Quốc hoặc các nước lân cận trong khu vực, và việc thuyết phục tất cả chuyển nhà xưởng đến Mỹ để phục vụ Apple là điều không tưởng.

Nói cách khác, việc chuyển những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Apple về Mỹ không những rất khó thực hiện mà sẽ còn dẫn đến những xáo trộn kinh khủng về nhiều mặt trong xã hội như giáo dục, thị trường lao động,… Trong khi đó việc chuyển nhà xưởng sang Trung Quốc của Apple lại tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trong nước do sự hình thành của các công việc liên quan, đặc biệt là về phần mềm.

Nói cách khác, Apple đã mang những phần việc nặng nhọc nhất sang Trung Quốc còn những công việc lương cao nhất vẫn ở lại Mỹ, mà lại còn được tăng số lượng gấp nhiều lần. Chuyển nhà xưởng của Apple về Mỹ, vì thế là một sáng kiến tồi tệ mà chỉ Donald Trump mới có thể nghĩ ra.

Ưu đãi về thuế và các quy định sẽ không bao giờ là đủ để có thể ngăn chặn nguyên lý phân công công việc theo nguyên tắc tối ưu mà toàn cầu hóa đã tạo ra. Giấc mơ sẽ có những chiếc iPhone made in America, vì thế sẽ vẫn mãi chỉ là giấc mơ mà thôi.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)