Gây hấn với Nga, Kiev muốn làm mới ván cờ chính trị Ukraine?
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:13, 02/12/2016
Kể từ khi cuộc xung đột tại miền Đông xảy ra, việc gây hấn của Kiev đối với Moscow không có gì lạ, tuy nhiên lần này thì việc khiêu khích của Kiev mang một tính chất hoàn toàn khác. Nó khác không chỉ về tính chất hay hình thức khiêu khích, mà ở mục đích của hành động.
Theo cá nhân người viết thì chính quyền Kiev đang muốn tạo xung đột mới với Moscow để làm mới ván cờ chính trị Ukraine, vốn bị Moscow đưa thành ván cờ tàn sau nước đi quyết định – sáp nhập bán đảo Crimea vào nước Nga.
Tại sao lại nhận định như vậy?
Kiev tìm cách gây hấn với Moscow để gây sự chú ý cho Washington và đồng minh
Người viết luôn cho rằng việc Washington và đồng minh đứng về phía Kiev thời hậu Viktor Yanukovych chủ yếu là hướng tới tận dụng vị thế chiến lược của bán đảo Crimea. Bởi lẽ việc kết nạp Ukraine làm thành viên NATO chưa đúng thời điểm, có thể lợi bất cập hại. Điều đó một phần vì nguy hại từ phía Nga, một phần vì thực lực của Kiev khiến NATO phải tốn kém rất lớn.
Nhận ra ý đồ đó của đối thủ, Moscow đã đi trước một bước. Tổng thống Putin có sai lầm trong cách thức tiến hành sáp nhập Crimea vào nước Nga khiến phương Tây có cớ để áp lệnh cấm vận trừng phạt nước Nga, mà ai cũng biết là nhắm vào Putin và cộng sự của ông. Sai lầm đó khiến nước Nga phải trả giá và đó là thất bại lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Putin.
Song xét về lợi ích chiến lược của Crimea và được mất từ nước cờ này cho thấy việc không giữ được Crimea là thất bại lớn nhất của Mỹ và đồng minh trong ván cờ Ukraine. Và thất bại của phương Tây nặng nề hơn rất nhiều thất bại của Putin. Bởi lẽ, qua thời gian Putin có thể tìm cách giúp nước Nga thoát cấm vận, song với phương Tây thì mất Crimea vĩnh viễn.
Cuộc họp của "Bộ tứ Normandy" không có bất cứ tiến triển nào trong việc tìm giải pháp chấm dứt xung đột tại miền đông Ukraine - Ảnh : Sputnik
Washington và đồng minh đã nhận lãnh hậu quả của việc “giao trứng cho ác”, khi đánh giá quá cao và đặt gần như trọn niềm tin vào chính quyền Kiev thời hậu Viktor Yanukovych. Có thể thấy “đội quân ô hợp” giữa những kẻ cướp quyền trên đường phố với những “chính trị gia salon” là sự thất vọng lớn nhất của phương Tây trong đối trọng với Moscow tại mặt trận này.
Khi Kiev còn đang lo đấu đá nội bộ thì Moscow đã hoàn tất việc đưa Crimea về với nước Nga. Mất Crimea khiến cho vấn đề Ukraine trở thành ván cờ tàn đối với Mỹ và phương Tây. Washington và đồng minh chỉ còn dùng ván cờ này để hiệu chỉnh việc cấm vận Nga, chứ không còn khai thác được lợi ích như mong muốn của mình.
Tuy nhiên, trừng phạt Moscow qua việc cấm vận nước Nga cũng đã và đang gây hiệu ứng tiêu cực với Mỹ và các nước phương Tây. Hậu qủa đó một phần do nước Nga đã vượt qua giai đoạn khắc nghiệt nhất do lệnh trừng phạt gây ra, một phần do Putin tương kế tựu kế, tạo ra những nước cờ mới gây nguy hại cho phương Tây từ chính ván cờ tàn Ukraine.
Do vậy, hiện tại Mỹ và các nước phương Tây không quá chú trọng vào việc giải quyết xung đột tại Ukraine, thậm chí còn đang có ý tạo lối thoát cho nước Nga từ ván cờ này. Cuộc gặp gần đây nhất của “Bộ tứ Normandy” cho thấy dường như Mỹ đã trao trọng trách cho Đức và Pháp xử lý vấn đề xung đột tại Ukraine.
Trong khi đó cả Berlin và Paris đều đang phải hạn chế tới mức thấp nhất xung đột với Moscow để lực lượng cầm quyền có thể giữ được quyền lực trong các cuộc bầu cử sắp tới. Không những vậy, chính quyền mới tại Washington còn cho thấy sẽ có thể thân thiện với Moscow, từ đó đưa Kiev vào cảnh “mất cả chì lẫn chài”.
Mặc dù chính quyền Poroshenko luôn tỏ ra đối trọng với Nga, song vẫn phải đón nhận sự bẽ bàng từ những người bạn lớn phương Tây. Do vậy, làm mới ván cờ Ukraine là điều duy nhất có thể giúp Kiev tránh được thiệt hại khi rơi vào tình thế lưỡng nan.
Tuy nhiên, với vị thế và thực lực của mình thì Kiev không thể tự làm mới được ván cờ Ukraine, do vậy phải tìm cách kéo Mỹ và phương Tây vào cuộc. Có lẽ gây hấn là biện pháp duy nhất khả dĩ lúc này mà chính quyền Poroshenko có thể thực hiện.
Kiev quyết gây xung đột với Nga, tạo cớ cho Mỹ và phương Tây xuất hiện tại Ukraine
Theo thông tin mới nhất của hãng truyền thông Russia Today ngày 1.12 cho biết, quân đội Ukraine đã bắt đầu cuộc tập trận phóng tên lửa gần Crimea. "Các vụ phóng tên lửa đã bắt đầu, mọi việc đang được tiến hành theo đúng kế hoạch", ông Vladimir Kryzhanovsky, người đứng đầu trung tâm báo chí thuộc Bộ Chỉ huy Không quân miền Nam Ukraine cho biết.
Tên lửa của Ukraine được xác định bay cách không phận Crimea khoảng 30km. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước và tiếp tục các cuộc thử nghiệm tên lửa, cũng như tập trận", ông Oleksander Turchynov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine phát biểu trong ngày 30.11, theo Reuters.
Hệ thống phóng tên lửa S-300 của Ukraine - công cụ phục vụ cho việc chọc giận Moscow - Ảnh : Rosaviasia
Trước tình hình đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết quan điểm của Moscow là "không muốn thấy phía Ukraine có bất cứ hành động nào vi phạm luật pháp quốc tế và có thể gây nguy hiểm cho các chuyến bay quốc tế trên lãnh thổ Nga, cũng như các vùng lân cận".
Bộ Quốc phòng Nga cũng đã đưa ra lời cảnh cáo Kiev trong công hàm phản đối gửi tới tùy viên quân sự Ukraine tại Nga. Và trong ngày 30.11 các lực lượng phòng không Nga tại Crimea đã được đặt trong tình trạng báo động cao để đối phó với kế hoạch của Ukraine. Như vậy là nguy cơ một cuộc xung đột mới giữa Moscow và Kiev hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước đó, các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, Nga đã đe dọa sẽ bắn hạ tên lửa và tiến hành cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các hệ thống phóng tên lửa của Ukraine nếu Kiev tiến hành cuộc tập trận tên lửa gần Crimea. Và nay thì Kiev đã chính thức chọc giận Moscow.
Đây là một động thái hết sức nguy hiểm, làm gia tăng căng thẳng giữa Kiev và Moscow trong bối cảnh việc tìm kiếm giải pháp cho chấm dứt xung đột tại miền Đông Ukraine đang bế tắc. Do vậy, chỉ cần Moscow trả đũa là có thể khiến xảy ra chiến sự giữa Nga và Ukraine, trong khi Moscow đang muốn tránh điều đó vì nc thể làm hỏng nhiều nước cờ quan trọng của Putin.
Và đây lý do khiến Kiev lấn tới, mà mục đích là muốn lôi kéo những người bạn lớn vào cùng một chiến hào chống Moscow. Có lẽ việc Mỹ và đồng minh đứng cùng chiến tuyến với Ukraine đối trọng với Nga là chưa đáp ứng được mong mỏi của Kiev. Vì điều đó không giúp gì được cho Ukraine, thậm chí còn khiến Kiev thiệt hại bởi các nước cờ của Moscow và phương Tây.
Dường như chính quyền của Tổng thống Poroshenko đang chủ động lôi kéo cả Nga và phương Tây trở lại ván cờ tàn Ukraine. Vì tin tưởng vào sự hào phóng của những người bạn phương lớn nên Ukraine đã phải gánh chịu thiệt hại rất lớn trong cuộc xung đột với Nga. Phải chăng nay Kiev đang muốn làm mới lại ván cờ tàn để hy vọng vớt vát được được phần nào những gì đã mất bởi cả những người anh em xa và người láng giềng gần?
Ngọc Việt