Đại sứ Nga bị giết, đại sứ quán Mỹ bị tấn công : Lời cảnh báo cho quyền lực của Erdogan?
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:42, 22/12/2016
Cho dù Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đều đồng ý rằng quan hệ hai nước sẽ không xấu đi sau sự kiện ngày 19.12. Bởi lẽ cả Moscow và Ankara đều cho rằng những người muốn phá hoại quan hệ Nga – Thổ vừa được tái lập sau “sự kiện 17 giây” đã đứng sau vụ ám sát Đại sứ Karlov.
Còn về phía Washington thì cho dù các hoạt động công vụ của Đại sứ quán tại Ankara và Lãnh sự quán tại Istanbul có một số xáo trộn, song mọi việc không có gì nghiêm trọng sau vài giờ báo động và Đại sứ quán Mỹ tạm thời bị phong toả.
Như vậy là vấn đề vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ankara, mặc dù công dân Nga và công dân Mỹ được khuyến cáo nên hạn chế và thận trọng khi đến Thổ Nhĩ kỳ. Tuy nhiên, người viết cho rằng vấn đề không đơn giản như vậy, dù có thể không có việc trả đũa của Moscow hay động thái căng thẳng từ Washington.
Hàng loạt các cuộc khủng bố đẫm máu xảy ra liên tục trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan bị dập tắt, đó là dấu hiệu rất nguy hiểm cho Ankara. Do vậy việc Đại sứ Nga bị giết, Đại sứ quán Mỹ bị tấn công được xem là những cộng hưởng đặc biệt cho tình trạng nguy hiểm ấy và đó là lời cảnh báo cho quyền lực của Tổng thống Erdogan.
Tại sao lại nhận định như vậy?
Vì tham vọng quyền lực, Tổng thống Erdogan đã khiến đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với hiểm nguy
Người viết luôn cho rằng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có khát vọng và nuôi ước vọng là một “Turgut Ozal huyền thoại” trong thế kỷ 21, vì vậy ông đã tìm mọi cách để hiện thực hoá khát vọng, ước vọng của mình. Song ông Erdogan luôn hành động trái ngược với cố Thổng thống Turgut Ozal vì vậy ngày càng trở nên khiên cưỡng khi so sánh với vị Tổng thống huyền thoại.
Có thể thấy rằng, cố Tổng thống T.Ozal khẳng định mình qua uy tín thì Tổng thống Erdogan lại khẳng định mình qua tính toán để thâu tóm quyền lực. Ông Erdogan có thể xem đồng minh là đối thủ nếu điều đó tốt cho việc hiện thực hoá khát vọng của ông. Ông Erdogan có thể xem đối tác là kẻ thù nếu điều đó là cần thiết cho việc hiện thực hoá ước vọng của ông.
Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin - biểu hiện của quan hệ thân thiện Ankara - Moscow - Ảnh : Sputnik
Tuy nhiên, điều cực kỳ nguy hại là ông Erdogan có thể sử dụng sức mạnh quốc gia như công cụ nếu điều đó giúp hiện thực hoá tham vọng của ông. Và đây có thể được xem là ngọn nguồn của mọi vấn đề tạo nên bất ổn tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua, mà đỉnh điểm là cuộc đảo chính quân sự bất thành.
Tổng thống Erdogan khai thác hiệu ứng tiêu cực từ vị thế “trách nhiệm thì lớn mà quyền lợi không nhiều” của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO, để xây dựng nền tảng vững chắc cho quyền lực của mình. Đó là việc Tổng thống Erdogan hướng về Nga, xem Moscow như một đối tác chiến lược tiềm năng của Ankara, qua đó nắn gân Washington và các đồng minh trong NATO.
Vì những toan tính riêng cho sự nghiệp chính trị của mình, Tổng thống Erdogan đã gây ra “sự kiện 17 giây” khi cho bắn rơi máy bay của Nga, tạo ra tình thế hết sức nguy hiểm cho vận mệnh quốc gia. May là Moscow không trả đũa quân sự, nếu Nga tra đũa thì hậu quả vì sự thiếu cẩn trọng của Erdogan gây ra cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ không biết khủng khiếp tới mức nào.
Tuy nhiên vì “sự kiện 17 giây” mà Erdogan đã đưa NATO vào tình thế phải chuẩn bị ngênh chiến với Nga nếu Moscow trả đũa Ankara bằng biện pháp quân sự. Vậy nhưng đùng một cái Erdogan gửi lời xin lỗi tới Putin và nâng tầm quan hệ Ankara – Moscow thân thiện vượt thời gian, quên mất luôn NATO mà có thể phải giơ đầu chịu báng vì hành động của Erdogan.
Khi EU gặp vấn nạn về dân nhập cư, từ đó mở ra cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể hưởng lợi ích kép, khi Brussels vừa phải trả tiền cho Ankara thực hiện ngăn chặn và sàng lọc dân nhập cư, vừa hứa hẹn hiện thực hoá “giấc mộng EU” cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Song Erdogan lại không tìm cách khai thác hiệu ứng tích cực ấy cho Ankara.
Erdogan “vừa ăn, vừa chửi” Brussels, cho rằng các nhà lãnh đạo EU là nhẫn tâm khi buộc Ankara phải khắt khe trong sàng lọc dân nhập cư, còn với “giấc mộng EU” thì ông Erdogan đã ngày càng làm nó trở thành “ảo mộng” khi thách thức Brussels trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc đảo chính quân sự.
Khi Moscow và Washington vần nhau trong ván cờ Syria thì Ankara xuất hiện, song cho đến giờ này thì không ai có thể xác nhận chính xác Thổ Nhĩ Kỳ đứng về Mỹ hay Nga trong cuộc xung đột tại Syria. Đây là một tình thế hết sức nguy hiểm cho Thổ Nhĩ Kỳ, bởi Moscow và Washington không thể cùng là đồng minh của Ankara, song cả Nga và Mỹ đều có thể cùng là đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ trong ván bài Syria.
Vì mục đích cá nhân, Tổng thống Erdogan gây chia rẽ nội bộ, tạo bất ổn xã hội
Hiện nay, mất đoàn kết quốc gia là tình trạng nguy hiểm nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt. Và chính những hành xử của Tổng thống Erdogan nhằm hiện thực hoá tham vọng cá nhân được nhận diện là nguyên nhân quan trọng nhất gây mất đoàn kết quốc gia, tạo ra bất ổn xã hội.
Cùng với việc sử dụng chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc như công cụ phục vụ cho tham vọng quyền lực, thì việc gây chia rẽ nội bộ, tạo mâu thuẫn trên chính trường đã khiến cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng và thiếu niềm tin vào chính quyền của Tổng thống Erdogan.
Tổng thống Erdogan thực hiện thanh trừng sau cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ ông - Ảnh : Internet
Với thể chế chính trị theo chế độ Cộng hoà Nghị viện khiến cho chiếc ghế Tổng thống không phải là chiếc ghế quyền lực nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó khiến cho Tổng thống Erdogan không phải là người đứng trên muôn người tại quốc gia Hồi giáo này, mặc cho thực tế ông đã có được điều ấy. Và việc chuyển đổi chế độ Cộng hoà Nghị viện sang chế độ Cộng hoà Tổng thống là bước đi mà ông Erdogan quyết liệt thực hiện.
Việc gây sức ép khiến cho vị Thủ tướng ôn hoà Ahmet Davutoglu ra đi vì không ủng hộ việc thay đổi thể chế chính trị nhằm thâu tóm quyền lực của Erdogan, được xem là hành động “chơi dao sắc” Erdogan có ngày sẽ “đứt tay”. Cuộc đảo chính được xem là “lần đứt tay thứ nhất” mà ông Erdogan nhận lãnh và thảm hoạ ngoại giao khi đại sứ Nga bị giết, đại sứ quán Mỹ bị tấn công chính là “lần đứt tay tiếp theo” của Erdogan.
Việc Tổng thống Erdogan cần phải làm hậu đảo chính là đoàn kết dân tộc, ông Erdogan phải đặt tham vọng cá nhân dưới nguyện vọng của người dân Thổ Nhĩ Kỳ thì mới hy vọng hàn gắn rạn nứt trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Dù ông Erdogan có thanh lọc quân đội, có sàng lọc đội ngũ thân cận thì cũng không thể cứu vãn tình hình nếu ông không thay đổi.
Bởi lẽ ông Erdogan vừa là nguyên nhân của đảo chính và mục đích của đảo chính cũng hướng vào ông. Song ông Erdogan đã liên tiếp thực hiện việc thanh trừng thời hậu đảo chính, từ đó tạo nên mâu thuẫn rất lớn trong đời sống xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chống đảo chính vì lực lượng làm đảo chính gây tội ác, chứ chưa hẳn họ đứng sau lưng Tổng thống Erdogan.
Moscow và Washington không muốn gây căng thẳng với Ankara sau thảm hoạ ngoại giao không có nghĩa họ xem Ankara là vô can với thảm hoạ này. Dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là tiền tiêu của NATO tại vùng đất nóng Trung Đông, dù Moscow và Ankara vẫn đồng quan điểm trong “Tuyên bố Moscow” cho việc giải quyết ván cờ Syria, tuy nhiên, phía sau đó là quan hệ đồng minh hay đối thủ thì chưa thể khẳng định.
Như thế là đất nước Thổ Nhĩ Kỳ lại phải tiếp tục đối mặt với hiểm nguy, mà cách hành xử của Tổng thống Erdogan với đồng minh cũng như đối thủ có thể được nhận diện là nguyên nhân quan trọng nhất tạo ra tình thế nguy hiểm ấy cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngọc Việt