Tại sao TNS McCain cho rằng xung đột Ukraine là phép thử của ông Putin với ông Trump?
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:50, 05/02/2017
Trước bối cảnh đó, ngày 2.2.2017, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà John McCain đã gửi một bức thư cho Tổng thống Donald Trump, trong đó nhận định rằng sự gia tăng bạo lực ở miền đông Ukraine là một phép thử của Tổng thống Nga Putin với nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ, vì vậy Washington cần phải có kế hoạch đáp trả Moscow để bảo vệ Ukraine.
"Sự gia tăng các cuộc tấn công ngay sau khi Vladimir Putin nói chuyện với Ngài qua điện thoại là một dấu hiệu rõ ràng rằng ông ta đang thực hiện một cách nhanh chóng phép thử đối với Ngài trên cương vị là tổng tư lệnh của nước Mỹ. Phản ứng không kịp thời sẽ có những hậu quả lâu dài với nước Mỹ", Reuters trích lời ông McCain trong bức thư.
Tại sao Thượng nghị sĩ McCain lại đưa ra nhận định như vậy?
Không để tiêu tan một hy vọng
Có thể thấy rằng, trong giới lãnh đạo Mỹ thì Thượng nghị sĩ John McCain luôn là người đi tiên phong trong việc ủng hộ những “chính trị gia Maidan” tại Ukraine. Có lẽ hình ảnh ông McCain xuất hiện trên đường phố Kiev vào ngày 15.12.2013 hoà vào dòng người biểu tình chống lại Tổng thống Viktor Yanukovych và dọa sẽ có biện pháp trừng phạt đối với Ukraine nếu chính quyền Yanukovych sử dụng bạo lực để giải tán biểu tình, là dấu ấn đậm nét nhất thể hiện việc phương Tây ủng hộ một sự đổi thay chính trị tại Ukraine.
Chính vì vậy khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, rồi Tổng thống Nga Putin nhanh chóng quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga, khiến cho vấn đề Ukraine trở thành ván cờ tàn, thì đó là nỗi thất vọng rất lớn với ông McCain. Chính vì vậy mà vị Thượng nghị sĩ nổi tiếng này luôn ủng hộ các biện pháp cứng rắn với Moscow và cá nhân ông Putin.
Thượng nghị sĩ John McCain trên đường phố Kiev ngày 15.12.2013
Khi cựu Tổng thống Obama rời nhiệm sở trong bối cảnh lệnh cấm vận Nga phải chuyển từ dạng ngắn hạn sang áp dụng cho dài hạn với nhiều hệ lụy, đó được xem là một thất bại lớn với ông McCain. Cho dù trong những ngày cuối cùng của chính quyền Obama, ông McCain và Phó tổng thống Joe Biden vẫn đến Kiev để uý lạo tinh thần nhưng xem ra không có hiệu ứng tích cực.
Khi Tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng và nhanh chóng xoá bỏ nhiều di sản của người tiền nhiệm thì lệnh cấm vận nước Nga vì cuộc xung đột tại Ukraine có lẽ cũng sẽ đến lúc phải chịu chung số phận. Đặc biệt, quan hệ Moscow - Washington có thể sớm được cải thiện khi những nhân vật được cho là thân Nga trong chính quyền Trump đã lần lượt được chuẩn thuận.
Tổng thống Obama thì đã rời nhiệm sở và phải ngậm ngùi nhìn nhiều di sản của mình bị người kế nhiệm xóa bỏ, còn Thượng nghị sĩ McCain sẽ mệt mỏi hơn rất nhiều với các biện pháp của Trump nhằm cải thiện quan hệ Mỹ - Nga. Đương nhiên là với uy tín của một Thương nghị sĩ nối tiếng, với uy lực của chiếc ghế Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ông McCain chắc chắn sẽ không chịu ngồi yên.
Ngăn cản Trump nhanh chóng tiếp xúc với Putin trong lúc này gần như là không thể, nhất là Washington và Moscow đã có tiếng nói chung trong việc tấn công tiêu diệt IS sau cuộc điện đàm giữa ông Trump với ông Putin. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng và người đứng đầu điện Kremlin lại chọn khởi phát cho vấn đề từ ván cờ Syria và ông Trump cũng đã bắt đầu bằng lệnh cấm nhập cảnh của mình.
Vậy là cuộc xung đột Ukraine vẫn chỉ là ván cờ tàn và có thể Washington sẽ cùng Moscow tìm ra phương cách xử lý riêng cho ván cờ này, khi các cuộc gặp của "Bộ tứ Normandy" luôn thất bại. Nếu điều đó diễn ra thì chắc chắn sẽ không như ông McCain mong đợi và cũng chấm dứt những kỳ vọng bao năm qua của vị Thượng nghị sĩ hướng về Ukraine, “người anh em nhưng không thể nào thân thiện được” của nước Nga.
Như thế là ngăn cản không được thì cần phải tạo ra rào cản giữa Trump với Putin và trong trường hợp này thì không có rào cản nào tốt hơn là làm sao lòng tự trọng của nhà lãnh đạo Mỹ bị xem thường bởi người đứng đầu nhà nước Nga. Do vậy, dù chưa thể khắng định bên nào là nguyên nhân làm gia tăng bạo lực tại miền đông Ukraine, nhưng chỉ cần nhấn mạnh Putin dựa vào đó để nắn gân Trump, thử phản ứng của Trump thì chẳng khác nào nước Mỹ đã bị xem thường và lòng tự trọng của tổng thống Mỹ đã bị tổn thương.
Tìm cách luật hoá lệnh trừng phạt Nga
Sau khi khích tướng ông Trump, ông McCain đã kêu gọi người đứng đầu Nhà Trắng sử dụng quyền hạn của mình để điều chỉnh chính sách quốc phòng hiện nay, qua đó có thể cung cấp vũ khí gây sát thương cho Ukraine. Bởi việc Washington cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine không bao gồm vũ khí gây sát thương đã không thể giúp chấm dứt bạo lực tại Ukraine.
"Chiến dịch bạo lực của Putin nhằm gây bất ổn và chia cắt đất nước Ukraine có chủ quyền sẽ không dừng lại trừ khi và cho đến khi ông ta gặp một phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết của Ngài", ông McCain đã viết. Bên cạnh đó vị Thượng nghị sĩ bang Arizona cũng kêu gọi ông Trump mở rộng lệnh trừng phạt hiện nay đối với Moscow.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã kêu gọi Moscow sử dụng ảnh hưởng của mình đối với quân ly khai để gây áp lực nhằm chấm dứt bạo lực tại miền đông Ukraine, qua đó ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể diễn ra giữa mùa đông giá buốt tại khu vực nguy hiểm này.
Sự thân thiện của bộ đôi Trump - Putin có thể gặp rào cản từ xung đột tại miền đông Ukraine
Tại nước Mỹ thì lãnh đạo phe thiểu số đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng cảnh báo chính quyền Trump về việc nới lỏng biện pháp trừng phạt đối với Moscow bởi đó là một động thái cực kỳ nguy hiểm. Như vậy là hoà điệu cùng với Thượng nghị sĩ McCain là rất nhiều thực thể muốn gia tăng trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, đặc biệt mạnh mẽ là phản ứng của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Cardin, cầm đầu đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Bởi ông Cardin cho biết sẽ làm việc ngay với Thượng nghị sĩ McCain và các thượng nghị sĩ khác để hệ thống hóa các biện pháp trừng phạt Moscow hiện nay và tìm cách thúc đẩy chuyển thành luật.
"Đó là phận sự của Thượng viện để bày tỏ sự hỗ trợ cho chủ quyền của Ukraine và đoàn kết với các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu", Reuters dẫn lời ông Ben Cardin. Có thể thấy rằng việc luật hoá lệnh trừng phạt là một động thái cực kỳ nguy hiểm với nước Nga và nếu nó trở thành hiện thực thì rất nguy hại cho Tổng thống Trump trong việc cải thiện quan hệ Mỹ - Nga.
Bởi lẽ, lệnh trừng phạt hiện nay là do chính quyền Obama áp dụng với Moscow, đó là sắc lệnh của cơ quan hành pháp và nó có thể bị dỡ bỏ dễ dàng nếu chính quyền Trump cho rằng việc tiếp tục trừng phạt Nga là không cần thiết và có hại cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, nếu lệnh trừng phạt trở thành luật thì việc dỡ bỏ khó khăn gấp nhiều lần và nếu điều đó diễn ra thì có thể nhận định dưới triều đại Trump, lệnh trừng phạt mà cựu Tổng thống Obama đã áp đặt với nước Nga sẽ không thể được dỡ bỏ.
Tóm lại, việc cho rằng Tổng thống Putin xem gia tăng bạo lực tại miền đông Ukraine là phép thử với Tổng thống Trump là một động thái nhằm không những ngăn cản bộ đôi Trump - Putin nâng tầm cho quan hệ Nga - Mỹ mà nó còn khiến cho Moscow và Washington có thể rơi vào thế đối trọng nhau trên nhiều bàn cờ mới trong tương lai.
Ngọc Việt