Những nỗi lo khi Trung Quốc lần đầu tự sản xuất được... bút bi cao cấp

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 17/01/2017

Chế tạo được chiếc bút bi made in China hoàn toàn từ nguyên liệu và thiết bị trong nước có thể là một thành tựu của ngành công nghệ Trung Quốc, nhưng rất có thể lại là một tin xấu đối với nền kinh tế nước này.
Chế tạo được bút bi made in China có thể là một thành tựu của công nghệ Trung Quốc?

Một trong những câu chuyện nhận được sự chú ý nhất trong nền kinh tế Trung Quốc những ngày đầu năm mới 2017, là việc nước này đã lần đầu tiên tự sản xuất được loại bút bi made in China chất lượng cao bằng nguyên liệu và thiết bị trong nước. Tầm vóc của câu chuyện này trên thực tế lớn hơn nhiều so với kích cỡ nhỏ bé và cấu tạo đơn giản của một chiếc bút bi một cách đơn thuần; thậm chí về một số khía cạnh nó có thể trở thành một tấm gương soi nói lên rất nhiều điều về nền kinh tế Trung Quốc trong quá khứ và cả tương lai. Một chiếc bút bi made in China hoàn toàn có thể trở thành một chiếc la bàn để nhìn vào đó có thể nhận định về tương lai của nền kinh tế số hai thế giới.

Thoạt nhìn, câu chuyện Trung Quốc đã có thể tự sản xuất được loại bút bi made in China mà không cần đến nguyên liệu và thiết bị nhập khẩu có vẻ giống như một sự khôi hài, nhất là khi theo thống kê Trung Quốc đang là nước sản xuất bút bi lớn nhất thế giới, với khoảng 3.000 nhà sản xuất trên cả nước có tổng sản lượng lên tới 38-40 tỉ chiếc bút mỗi năm, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu bút bi của toàn thế giới. Thậm chí, không ít người coi đây như một sự yếu kém về năng lực của công nghệ Trung Quốc khi nước này dù đã chế tạo được tàu vũ trụ, tàu điện cao tốc mà vẫn không thể chế tạo được một chiếc đầu bút bi – bộ phận quan trọng nhất và khó chế tạo nhất của cây bút.

Vấn đề không đơn giản như vậy. Lý do quan trọng nhất khiến Trung Quốc không thể tự sản xuất được đầu bút bi chất lượng cao, là vì nước này không thể sản xuất được loại thép không gỉ chất lượng cao được sử dụng làm bộ phận này của chiếc bút. Dù Trung Quốc đang là nước có sản lượng thép hàng năm lớn nhất thế giới, nhưng thực tế là chỉ có một vài nước trên thế giới có trình độ công nghệ đủ cao để sản xuất ra loại thép chất lượng cao phù hợp để làm đầu bút bi này. Hiện mỗi năm Trung Quốc phải nhập khẩu khoảng 1.000 tấn thép từ Nhật Bản để sản xuất đầu bút bi, với chi phí khoảng 17 triệu USD.

Việc Trung Quốc tự sản xuất được bút bi chất lượng cao từ nguyên liệu trong nước đồng nghĩa với việc nước này đã làm chủ được công nghệ sản xuất thép không gỉ tiên tiến có thể được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp quan trọng khác. Đó là lý do vì sao sự kiện này được truyền thông Trung Quốc tung hô với tần suất khá lớn trong thời gian vừa qua như một biểu hiện cho khả năng công nghệ của nước này.

Nhưng, cũng có rất nhiều điều để nói phía sau câu chuyện này. Trước hết, dự án này được giao cho một công ty nhà nước, đó là Taiyuan Iron&Steel – một tập đoàn sản xuất thép không gỉ khổng lồ với biệt danh TISCO. Và thực tế là TISCO đã phải mất 5 năm và khoản đầu tư từ phía chính phủ lên tới 60 triệu nhân dân tệ (tương đương 9 triệu USD) mới hoàn thành dự án này. Nhận xét về dự án này, một quan chức thuộc hiệp hội Bút Trung Quốc thừa nhận: “Nó không thực sự hiệu quả, tốn quá nhiều thời gian và chi phí”. Bản thân khả năng sinh lời của kết quả nghiên cứu này với TISCO vẫn là một dấu hỏi, khi bút bi của tập đoàn này sản xuất được cho là có giá thành cao hơn các loại bút ngoài thị trường.

Nói cách khác, thành công này của TISCO và ngành công nghệ Trung Quốc lại vô tình phản ánh sự kém hiệu quả và trì trệ của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của nước này. Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2016, hơn một nửa trong số 150.000 tập đoàn và tổng công ty nhà nước của Trung Quốc rơi vào tình trạng thua lỗ, dù khu vực này chiếm hơn ¼ thu nhập công nghiệp của cả nền kinh tế. Khá nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề nghiên cứu chế tạo thép không gỉ sản xuất đầu bút bi này sẽ được giải quyết nhanh hơn với chi phí thấp hơn nếu giao cho các tập đoàn và công ty tư nhân thực hiện, chỉ cần chính phủ Trung Quốc cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để tránh tình trạng bị các công ty khác đánh cắp công nghệ, vốn cũng là điều cần thực hiện để cải cách nền kinh tế.

Việc Bắc Kinh giao dự án này cho một tập đoàn nhà nước vì thế có thể xem như một biểu tượng, trong đó né tránh và trì hoãn các cải cách trong khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời tiếp tục đặt niềm tin vào các DNNN bị đánh giá là trì trệ và kém hiệu quả hơn nhiều. Theo tuyên bố mới nhất của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thì các DNNN đang được củng cố và ngày càng đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế hơn.

Hồi kết của câu chuyện sản xuất bút bi chất lượng cao made in China của tập đoàn TISCO này vẫn chưa dừng lại ở đó. Sự kiện mới nhất là việc TISCO đã chính thức được chính phủ Trung Quốc cho phép thiết lập các tiêu chuẩn chung đối với lĩnh vực sản xuất bút bi trong nước, theo đó tập đoàn này sẽ thiết lập và thống nhất các vấn đề về kích cỡ các loại bút và đầu bút, các doanh nghiệp sản xuất bút bi trong nước sẽ buộc phải tuân thủ và mua đầu bút từ TISCO.

Nói cách khác, nó đang dẫn đến một sự độc quyền và trao quyền chi phối toàn bộ ngành sản xuất bút bi của Trung Quốc cho một tập đoàn nhà nước, thay vì coi đây như một thành quả công nghệ có thể thúc đẩy lĩnh vực này tiến nhanh hơn. Toàn bộ câu chuyện này đang được không ít nhà kinh tế trong và ngoài Trung Quốc coi như một dấu hiệu rõ rệt của việc cố gắng củng cố vai trò và khả năng chi phối của các DNNN đối với nền kinh tế của chính phủ nước này ở hiện tại và trong tương lai, thay vì thúc đẩy cải cách và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân. Chế tạo được bút bi made in China vì thế có thể là một thành tựu của công nghệ Trung Quốc, nhưng lại là một tin xấu đối với nền kinh tế nước này.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)