Trung Quốc ‘đầu tư mù quáng và vô lý’ ra nước ngoài

Góc nhìn - Ngày đăng : 19:08, 13/03/2017

Vào lúc Bắc Kinh nỗ lực chặn dòng tiền vốn chảy ra nước ngoài, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đã phải lên tiếng rằng các công ty Trung Quốc “đầu tư mù quáng và vô lý” ra nước ngoài.
Vài năm qua, Trung Quốc trở thành một nguồn vốn cho Hollywood.

Năm 2016, các công ty Trung Quốc đã chi khoản tiền kỷ lục 225 tỉ USD trong các thỏa thuận mua lại những công ty của nước ngoài, một con số phát thông điệp tới thế giới rằng lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc rất ham trả giá.

Theo báo New York Times, từ hơn một năm qua, vì lo ngại nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và đồng Nhân dân tệ giảm giá trị cùng nhiều vấn nạn khác, nhiều gia đình và công ty ở nước này đã vội đem dòng tiền khoảng 1 ngàn tỉ USD ra khỏi Trung Quốc.

Bắc Kinh rất sợ dòng vốn “bay đi” này có thể làm suy yếu lòng tin vào nền kinh tế Trung Quốc, và có thể làm suy yếu đồng Nhân dân tệ. Từ đó có sự giám sát kỹ các công ty Trung Quốc mua lại các công ty nước ngoài,nhằm bảo đảm hoạt động này không thể “trốn” chính sách kiểm soát dòng vốn.

Trong một cuộc họp báo nhân kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 11.3, Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn khiển trách điều ông gọi là “đầu tư mù quáng và phi lý”, và các quan chức đang lên kế hoạch tăng cường giám sát một số ít công ty: “Một số doanh nghiệp đã phải trả giá, thậm chí vài doanh nghiệp có tác động tiêu cực đến hình ảnh quốc gia”.

Một ngày trước đó, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc, ông Chu Tiểu Xuyên cũng thắc mắc về sự khôn ngoan trong vài vụ mua lại công ty nước ngoài gần đây: “Một số vụ không tuân thủ và chính sách về đầu tư ở nước ngoài” như vào lĩnh vực thể thao, câu lạc bộ và kinh doanh biểu diễn. Điều này không có lợi cho Trung Quốc và đã khiến nhiều nước than phiền”.

Các quan chức xem ra sốt ruột thể hiện quan điểm cứng rắn hơn về các thương vụ ở nước ngoài như một nỗ lực nâng cao tinh thần trách nhiệm đầu tư hơn là một nỗ lực vực dậy hệ thống tài chính Trung Quốc.

Bộ trưởng Chung Sơn nói Trung Quốc không thay đổi chính sách lâu nay là khuyến khích các công ty Trung Quốc trở nên toàn cầu hóa.

Nhưng các quan chức lại không thừa nhận những hạn chế vốn khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải e dè chuyện đưa tiền vào Trung Quốc làm ăn, vào lúc lãnh đạo nước này đang ráng khuyến khích người nước ngoài mua cổ phiếu và các đầu tư khác vào Trung Quốc để chặn dòng vốn.

Hollywood bị “đứng hình”

Lời lẽ của hai vị quan chức là sự khẳng định rõ ràng nhất về việc Bắc Kinh đang quyết “hãm phanh” một số vụ đầu tư nước ngoài vội vã của những công ty Trung Quốc nổi tiếng lắm tiền nhưng không có khả năng đàm phán.

Hồi cuối năm 2016, nhiều vụ mua lại của Trung Quốc đã tan vỡ, dù luôn không rõ có phải vì Bắc Kinh can thiệp, hay vì bên mua đột ngột quyết dừng mua lại và nhận ra họ phạm sai lầm lớn.

Việc chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài đang khiến kinh thành điện ảnh Hollywood bị tê liệt, theo tờ The Wall Street Journal.

Ảnh ghép “Siêu nhân” Wang Jianlin mua lại hãng phim Legendary Entertainment - nguồn: China Daily

Ngày 10.3, chủ nhân hãng phim Dick Clark Productions (Mỹ) nói thỏa thuận trị giá 1 tỉ USD để bán hãng cho tập đoàn bất động sản Dalian Wanda (Trung Quốc) đã thất bại.

Wanda trước đây thường dễ đem tiền ra khỏi Trung Quốc để thực hiện các vụ mua lại. Đầu năm 2016, Wanda trả 3,5 tỉ USD để mua lại hãng phim Legendary Entertainment. Ông Wang Jianlin, chủ tịch Wanda là người giàu nhất Trung Quốc, đã luôn nói ông muốn làm chủ nhân một hãng phim lớn ở Hollywood.

Ngày 23.2, công ty Recon Holding (ở Trung Quốc) tuyên bố sẽ chi 100 triệu USD Mỹ để mua lại 51% cổ phẩn của hãng phim Millennium Films (ở Los Angeles) cùng một thư viện có 300 bộ phim.

Nhưng một người biết vụ mua lại này nói: quyết định kiểm soát dòng vốn của Trung Quốc khiến Recon lọt vào tầm “soi sét” của các cơ quan quản lý.

Năm 2016, Trung Quốc đã “ngắm nghía” hãng phim Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), khi Wanda mua lại hãng phim Paramount Pictures (của tập đoàn Viacom Inc).

Hồi cuối năm 2016, các cuộc thương lượng giữa MGM với các công ty Trung Quốc đã bất thành. Người phát ngôn MGM khẳng định không hề có chuyện bán hãng phim từng có những xuất phẩm điện ảnh kinh điển này.

Hiện MGM có tầm cỡ nhỏ hơn, do nhiều công ty cổ phần tư nhân làm chủ, và từ lâu bị xem là một mục tiêu mua lại. Tài sản giá trị nhất của MGM là một thư viện phim gồm hàng ngàn xuất phẩm với nhiều bộ phim điệp viên James Bond 007.

Hồi tháng 12.2016, công ty sản xuất kim loại Anhui Xinke New Materials tuyên bố hủy vụ chi 350 triệu USD để mua lại Voltage Pictures LLC, một hãng phim ở Los Angeles, dù họ đã sắp thương lượng xong.

Xinke không cho biết lý do và Voltage làm đơn kiện Xinke cùng công ty luật (ở Trung Quốc của Xinke vì phá vỡ hợp đồng và đòi bồi thường hơn 300 triệu đôla Mỹ.

Xinke giải thích với Thị trường chứng khoán Thượng Hải rằng Voltage không cung cấp thêm thông tin theo yêu cầu của các cơ quan quản lý.

“Như trò vẩy xúc xắc may rủi”

Chính sách kiểm soát dòng vốn “chảy” ra nước ngoài của Bắc Kinh bắt đầu từ tháng 11.2016, đã “phá” các vụ thỏa thuận, “đánh chìm” một số hãng phim nhỏ hơn. Điều này cho thấy Hollywood lệ thuộc Trung Quốc, nơi mà bất kỳ một sự thay đổi nhỏ nào trong chính sách quốc gia cũng đều khiến kỹ nghệ giải trí bị “lăn tăn”.

Quyết định này được ban sau nhiều năm qua, các công ty Trung Quốc đạt được những vụ mua lại lớn như vụ mua lại hãng phim Legendary Entertainment với giá 3,5 tỉ USD hồi năm 2016, và vụ bơm 1 tỉ USD tài trợ cho hãng phim Paramount Pictures hồi tháng 1.2017.

Vài năm qua, Trung Quốc trở thành một nguồn vốn cho Hollywood. Các hãng phim có những xuất phẩm đồng tài trợ với các công ty Trung Quốc và thu được hàng tỉ USD tiền vé ở Trung Quốc vốn nay là thị trường vé bán chạy hạng nhì thế giới.

Nhưng một lãnh đạo thâm niên ở Hollywood nói ở vài cấp độ, bất kỳ vụ thỏa thuận nào với Trung Quốc đều như trò vẩy xúc xắc may rủi. Ở Mỹ thì dễ dự báo các cơ quan chính quyền có thể làm gì, nhưng Trung Quốc thì không có nhiều minh bạch về những mối quan ngại của nước này. Vị lãnh đạo nói: “Bạn không có cách nào biết họ có thể nói gì về một vụ làm ăn”.

Vài tháng qua, Trung Quốc tăng cường “hãm phanh” dòng vốn chảy ra nước ngoài, siết chặt các qui định hạn chế số tiền ra khỏi lãnh thổ. Nỗ lực này xem ra thành công.

Theo New York Times, hồi tháng 11.2016, Bắc Kinh bí mật khuyên các ngân hàng rằng bất kỳ khoản chuyển 5 triệu USD trở lên ra khỏi Trung Quốc thì phải có giấy phép đặc biệt. Từ đó, các nhà quản lý còn khuyên từng ngân hàng chớ đưa thêm tiền ra nước ngoài cho thân chủ của họ.

Quyết định ngăn chặn có nhiều phức tạp không chỉ về sự sáp nhập, mà còn vì các công ty nước ngoài chuyển lợi nhuận tạo ra ở Trung Quốc ra nước ngoài. Lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đã mô tả những khó khăn khi chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc: thủ tục giấy tờ rề rà.

Thường thì các công ty Trung Quốc mua đầu tư ở nước ngoài thì phải trình đơn lên ít nhất hai cơ quan quản lý, là Bộ Thương mại và Ủy ban cải tổ và phát triển quốc gia (NDRC, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc). Sau khi được phê duyệt, đơn lại trình cơ quan quản lý thứ ba là Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước (SAFE).

Một quan chức giấu tên liên quan các vụ thương lượng mua lại của Trung Quốc cho biết: các cơ quan quản lý vẫn nhận đơn, nhưng xem ra một vài đơn bị “treo tòng teng”, không được trả lời chính thức, khiến các vụ thương lượng bị ngưng.

Kim Hương (tổng hợp)