Lính Trung Quốc sẽ bắn dân Triều Tiên tị nạn?
Góc nhìn - Ngày đăng : 16:26, 14/04/2017
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tăng cao, khi Mỹ quyết định cử hạm đội tàu sân bay Carl Vinson đến gần vùng biển CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động "xâm lược" nào của nước ngoài, và sẽ đặt các căn cứ Mỹ trong "tầm ngắm của vũ khí hạt nhân".
Rầm rập bước chân chạy loạn
Trong bối cảnh này, dân Triều Tiên sống khổ cực sẽ giữ một vai trò nhạy cảm trong vấn đề phòng thủ biên cương của Trung Quốc. Dân số Triều Tiên khoảng 24,9 triệu người, và bất kỳ một cuộc chiến tranh nào dẫn đến sự thay đổi chế độ Kim Jong-un đều sẽ làm “lụt” dòng dân tị nạn ở vùng biên giới Triều-Trung.
Lính Trung Quốc sẽ bắn dân Triều Tiên tị nạn là một khả năng, được Giáo sư Arthur Dong ở Đại học Georgetown nói với Newsweek: “Bạn bị lủng biên giới. Nếu có làn sóng tị nạn, bạn sẽ có hàng triệu người tràn vào biên giới. Bạn sẽ không thể bắn hết tất cả, nên bạn phải chuẩn bị đón nhận hậu quả ngoài ý muốn này, và có lẽ đấy sẽ là một thảm họa nhân đạo khổng lồ nếu chiến tranh xảy ra”.
Ngày 13.4, hãng tin UPI (Mỹ) đưa tin 5 quân khu Trung Quốc được đặt tình trạng sẵn sàng ứng phó với mọi kịch bản có thể xảy ra ở Triều Tiên. Cùng ngày, trang tin điện tử Phương Đông Nhật báo (Hồng Kông) đưa tin Bắc Kinh đã lệnh cho 25.000 binh lính sẵn sàng hành quân đến vùng biên giới Trung-Triều.
Các lữ đoàn xe bọc thép và bộ binh cơ động ở các tỉnh Sơn Đông, Chiết Giang và Vân Nam đều đã nhận lệnh. Trong đó, khoảng 25.000 binh sĩ thuộc Lữ đoàn thiết giáp số 9, quân đoàn 47 được chỉ thị sẵn sàng di chuyển đến sát biên giới với Triều Tiên.
Ngày 9.4, một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đã điều động khoảng 150.000 lính tới vùng biên giới Trung-Triều, ngay sau khi Mỹ đưa đội tàu sân bay tới bán đảo Triều Tiên.
Từ hàng chục năm qua, Trung Quốc là đồng minh duy nhất kiên quyết bảo vệ Triều Tiên khỏi bị các nước khác, nhất là Mỹ, can thiệp quân sự. Nhưng tình hình địa-chính trị căng thẳng và nỗi lo Bình Nhưỡng có thể thử hạt nhân lần thứ sáu trong ngày 15.4-nhân kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, xem ra đặt quan hệ Trung-Triều vào tầm nguy hiểm.
“Chư hầu ở vùng đệm”
Nhưng cần tìm hiểu vì sao Trung Quốc luôn muốn bảo vệ Triều Tiên. Ngày 13.4, Trung Quốc vẫn muốn làm trung gian hòa bình giữa Mỹ với lãnh đạo Kim Jong-un, kêu gọi hai bên tránh xung đột quân sự, đồng thời “đòi” ông Kim từ bỏ chương trình hạt nhân mà LHQ từ lâu đã cấm.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Quân sự chẳng giải quyết được vấn đề này. Trong thử thách có cơ hội, trong căng thẳng, chúng tôi cũng sẽ tìm ra cơ may đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán”.
Một lý do chính của kêu gọi tìm giải pháp hòa bình này là từ thời các triều đình Trung Hoa cách đây gần 1.000 năm. Nhà Minh xem bán đảo Triều Tiên là một nước phải triều cống nên đã toan đánh nhau với Nhật để chiếm. Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-53) bán đảo này bị chia thành Triều Tiên và Hàn Quốc.
Giáo sư Arthur Dong giải thích: “Quan điểm địa-chính trị và địa-chiến lược của Trung Quốc là xem Triều Tiên như một vùng đệm để tránh bị xâm lược khi quanh Trung Quốc là những cường quốc liên kết với Mỹ. Sau Thế chiến 2, Mỹ bắt đầu lập hàng rào này, bắt đầu với Hàn Quốc, rồi Nhật, Đài Loan và vài chỗ như Okinawa và Philippines. Trung Quốc xem đó là mối đe dọa quân sự, nên cần tiếp tục bảo vệ đồng minh duy nhất, mặc kệ các nước trên không thích chế độ Triều Tiên”.
Vị học giả còn nói “Điều quan trọng nhất với Trung Quốc là không bị mất đất vào tay Mỹ, thậm chí dù điều này có nghĩa họ bảo vệ một chế độ nổi tiếng đàn áp người dân. Trung Quốc muốn thu tóm quyền lực lớn ở Đông Á, từ đó có quan điểm bảo vệ bất kỳ đồng minh nào trong khu vực”.
Bắc Kinh lâu nay cũng không muốn cắt đứt quan hệ thương mại với Triều Tiên, vì ngại động thái này có thể dẫn đến việc chính quyền Triều Tiên sụp đổ.
Trung Quốc vừa là đồng minh ngoại giao-quân sự, vừa giữ vai trò lớn nhất trong kinh tế Triều Tiên. Năm 2015, Trung Quốc chiếm 83 % trong hoạt động xuất khẩu của Triều Tiên (2,83 tỉ USD) trong khi đối tác thương mại lớn hàng thứ hai của Triều Tiên là Ấn Độ, chỉ đạt 97,8 triệu USD hoặc 3,5 %).
Bắc Kinh cũng đã ráng “dạy” cho ông Kim Jong-un biết chế độ và dân của ông lệ thuộc Trung Quốc thế nào: Than đá là mảng xuất khẩu thu về ngoại tệ lớn nhất của Bình Nhưỡng, chiếm gần 1 tỉ USD trong số các loại hàng xuất khẩu.
Nhưng ngày 26.2, Trung Quốc cấm nhập than đá Triều Tiên, và hồi đầu tháng 3, khoảng 2 triệu tấn than đá bị cấm nhập cảng Trung Quốc, phải quay trở về Triều Tiên, vì các lệnh cấm vận của LHQ gần đây cấm tất cả các nước thành viên ngưng nhập than Triều Tiên.
Ông Trump sẽ quyết đánh Triều Tiên hay không trong kỳ nghỉ cuối tuần
Quan hệ kinh tế Trung-Triều cũng là lý do khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và các lãnh đạo khác kêu gọi Trung Quốc can thiệp và kiềm chế Triều Tiên.
Mới đây, ông Trump nói với báo The Wall Street Journal: khi nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 7.4, ông kể rằng ông tin Bắc Kinh có thể dễ dàng xử lý mối đe dọa từ Triều Tiên.
Nhưng sau khi ông Tập giải thích lịch sử của Trung Quốc và Triều Tiên trong 10 phút, ông Trump hiểu ra là “Không dễ chút nào. Tôi cảm thấy rõ là họ có quyền lực kinh tế và quyền lực biên giới với Triều Tiên. Nhưng đấy không phải là điều ta có thể nghĩ đến. Mối quan hệ Bắc Kinh với Kim Jong-un phức tạp lắm”.
Vài ngày sau, ông Tập gọi điện thoại cho ông Trump, đề nghị một giải pháp hòa bình.
Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên, nói ông Tập và các quan chức Trung Quốc đều phản đối bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào của Mỹ. Vị này nói thêm rằng can thiệp thì sẽ có hậu quả, nhưng nhấn mạnh trong kỳ nghỉ cuối tuần này ở Florida, ông Trump vẫn sẽ xem xét khả năng can thiệp quân sự.
Adam Mount, chuyên gia về Triều Tiên ở tổ chức nghiên cứu Trung tâm vì sự tiến bộ Mỹ, nói: ”Bất kỳ phản ứng nào cũng nên cân nhắc, vì đấy là một động thái rất liều lĩnh”.
Các quan chức Mỹ nói bóng gió rằng họ sẽ ráng làm việc với Trung Quốc, để tăng cấm vận Triều Tiên trong 6 tháng tới. Trong thời gian đó, Mỹ sẽ tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Nhưng một số cựu quan chức Mỹ đều nghi ngờ chuyện Bắc Kinh sẽ ép mạnh Triều Tiên trong vài tháng tới. Họ nói cả hai cựu Tổng thống Mỹ George Bush và Barach Obama đều tin tưởng đã có sự trấn an của Trung Quốc-sẽ cùng Mỹ kiềm chế Bình Nhưỡng-nhưng Trung Quốc luôn khiến Mỹ thất vọng.
Vì thế, họ nói chính phủ Trump cần chuẩn bị điều họ gọi là “áp lệnh trừng phạt thứ cấp” đối với Trung Quốc. Động thái này có thể gồm trừng phạt các ngân hàng, công ty Trung Quốc làm ăn với các đối tác Triều Tiên.
Nhưng kiểu trừng phạt “thêm” này có thể khiến Trung Quốc trả đũa kinh tế. Anthonio Ruggiero, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ, nay là chuyên gia về Triều Tiên ở Tổ chức bảo vệ các nền dân chủ, nói: “Xem ra chính phủ cần chuẩn bị dành nhiều thời gian để Trung Quốc hành động”.
Kim Hương (tổng hợp)