Hải quân Nga muốn trở lại quân cảng Cam Ranh
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:59, 04/04/2017
Theo tờ báo Nga, đấy là một phần của nỗ lực trở thành một thế lực hoạt động xa khỏi bờ cõi xứ sở bạch dương.
Russia beyond the headlines nêu ngược với Trung Quốc róng riết cáo buộc Mỹ bao vây nước này, Nga lại rất thờ ơ với chính sách “Xoay trục về châu Á” của chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Chính sách này đã dẫn đến việc xây ồ ạt căn cứ hải quân ở “sân sau” của Nga. Một chủ trương của Bộ Quốc phòng Mỹ là đưa 60% hạm đội hải quân Mỹ tới Thái Bình Dương từ năm 2020. Hiện Mỹ có khoảng 368.000 quân nhân đóng ở nhiều căn cứ lớn ở vùng biển này.
Hải quân Nga cần có “sân sau”
Dù Nga mở rộng hoạt động hải quân trong bối cảnh có mối đe dọa mới ở Mỹ, hoàn toàn không có sự hoảng loạn ở trung tâm hành quân của Hạm đội Thái Bình Dương ở quân cảng Vladivostok.
Lý do để hải quân Nga trầm tĩnh: đấy là “sân sau” của Nga. Từ các căn cứ “sân sau”, tàu chiến Nga dễ dàng đến Thái Bình Dương, trong khi hải quân Mỹ triển khai xa thì cần nhiều căn cứ để nghỉ ngơi, tiếp nhiên liệu.
Nga còn có lực lượng không quân hàng hải mạnh, gồm các máy bay ném bom Tu-95M Backfire có thể bay hàng ngàn dặm không nghỉ đến Thái Bình Dương.
Điều này có nghĩa một cuộc triển khai của hải quân Mỹ sẽ bị dập tắt ngay từ trước khi các tàu chiến Mỹ trở thành mối đe dọa cho lãnh thổ Nga hoặc Hạm đội Thái Bình Dương.
Nga cũng biết nhóm tàu tấn công của Mỹ cần phải tiếp nhiên liệu ở nhiều trạm để có thể hiện diện trong một cuộc chiến tranh.
Các tàu này dễ bị “mồ côi”, bị tổn thất nếu căn cứ hậu cần của họ bị phá hủy bằng một cuộc tấn công hạt nhân hoặc bằng tên lửa tấn công từ trên bộ.
Các căn cứ ở nước ngoài còn phản ánh tham vọng ngày càng lớn của Moscow: tái khẳng định vai trò siêu cường với thế giới.
Việc lập cơ sở quân sự ở các khu vực quan trọng về chiến lược trên thế giới sẽ giúp Nga hoạt động hiệu quả hơn nhằm đạt mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga đến toàn cầu.
Cùng lúc, việc có nhiều quân cảng để cập bờ sau nhiều tuần làm nhiệm vụ cũng giúp các chiến sĩ hải quân Nga lấy lại tinh thần.
Vì thế, quân đội Nga đang ráng tìm căn cứ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là các lựa chọn của Moscow
Vịnh Cam Ranh: Là một trong những căn cứ hải quân an toàn nhất thế giới. Nga từng hiện diện ở đây trước khi Hạm đội Thái Bình Dương rút về nước năm 2002. Hiện Nga có một thỏa thuận với chính phủ Việt Nam, cho phép tàu Nga vào Vịnh Cam Ranh với thủ tục đơn giản hơn.
Vấn đề của Moscow là Việt Nam cho phép tàu chiến nước ngoài cập cảng để sinh hoạt, giao lưu, nhưng cấm quân đội nước ngoài hiện diện thường trực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Chủ trương trước sau như một của Việt Nam là không cam kết với một lực lượng quân sự đồng minh hoặc với bất kỳ nước nào để chống lại một nước thứ ba. Chúng tôi cũng sẽ không cho phép bất kỳ nước nào lập một căn cứ quân sự tại Việt Nam”.
Dù vậy, Việt Nam vẫn giữ quan hệ bạn bè thân thiết với Nga, tri ân sự giúp đỡ vô giá của Nga trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Nga đang giúp Việt Nam nâng cấp các cơ sở hạ tầng ở Vịnh Cam Ranh, gồm một trung tâm huấn luyện tàu ngầm. Nếu tình hình Biển Đông sôi sục, Moscow sẽ có chỗ tại một căn cứ, theo Russia beyond the headlines.
Singapore: Đảo quốc Sư tử không có liên minh quân sự với Mỹ hoặc các nước khác, nhưng có quân đội kỷ luật mạnh, đã tham gia nhiều cuộc tập trận chung với Mỹ.
Năm 1999, Philippines đóng cửa hai căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất ở châu Á -Thái Bình Dương tại nước này, Mỹ liền có thỏa thuận với Singapore để sử dụng căn cứ hải quân của nước này.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng hoan nghênh Nga giữ một vai trò quan trọng tại khu vực, nhất là ở vùng Đông Bắc Á, nơi mà Nga có thể giúp đạt đến một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Và cả ở Đông Nam Á, nơi mà ASEAN đón nhận Nga là một đối tác đối thoại.
Thủ tướng Lý Hiển Long kể rằng cha ông, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng tin Nga sẽ giữ một vai trò lớn trong những vấn đề của thế giới, nên từ lúc còn nhỏ, ông Lý đã được cha khuyến khích học tiếng Nga: “Tôi đã nghe lời cha. Năm 1970, cha tôi có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên là đến Nga… Ngay cả khi cha tôi thôi làm thủ tướng, ông vẫn giữ mối quan hệ với Nga. Tôi rất hài lòng xây dựng mối quan hệ từ nền tảng này”.
Vấn đề là không như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không kiên định, người dân Singapore rất bảo thủ. Đoàn ngoại giao Nga sẽ gặp phải “gió lớn” trong những năm tới.
Trong khi một căn cứ Nga xem ra là quá tham vọng, thỏa thuận với thủ tục cập cảng đơn giản hơn, cùng khả năng một tàu sân bay được tiếp nhiên liệu sẽ là khởi đầu tốt cho Hạm đội Thái Bình Dương.
Cuba: Đảo quốc này chỉ cách bang Florida của Mỹ 90 dặm. Nga từng hiện diện quân sự ở đây, nhất là một trung tâm thu thập tin tình báo từ Mỹ đặt tại thành phố Lourdes. Nhưng sự hiện diện này kết thúc năm 1990, sau khi Liên Xô tan rã.
Nga không có ý định tăng cường hoạt động quân sự ở nơi sát gần Mỹ. Dù Mỹ tiến hành tập trận ở các nước vùng biển Baltic và Ukraine, Moscow lại tránh các cuộc diễn tập tương tự ở Cuba, vì muốn tuân thủ một hiệp định năm 1962 vốn không cho Nga đặt vũ khí tấn công ở Cuba.
Năm 2012, một sĩ quan cấp cao Nga nói Nga đang đàm phán, để lập căn cứ tiếp liệu ở Cuba, sau khi Nga tiến hành cuộc cải tổ quân đội rầm rộ. Gần đây, Chủ tịch Nhà nước Cuba Raul Castro và Tổng thống Vladimir Putin đã cải thiện quan hệ ngoại giao quân sự.
Năm 2014, tàu chiến thu thập tin tình báo Viktor Leonov CCB-175 của Nga đã đến thủ đô Havana, cùng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Nga tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Mỹ Latinh. Đó là tín hiệu gởi đến Mỹ rằng Nga có thể có mặt ở “sân sau” của Mỹ vào bất kỳ lúc nào Nga muốn.
Lúc đó, vị hạm trưởng bác giả thiết “Nga phô trương cơ bắp”, nhưng ông nói thêm “Dĩ nhiên đôi lúc chúng tôi giám sát các hoạt động quân sự và phi quân sự trong khu vực, nhất là các hoạt động của Mỹ”.
Venezuela: Năm 2012, Tổng thống Putin phát một thông điệp đặc biệt đến người đồng cấp Hugo Chavez (đã qua đời) nhằm xác nhận “mối quan hệ đồng minh chiến lược sâu sắc” giữa Nga với Venezuela. Tiếp đó, các máy bay ném bom chiến lược Tupolev Blackjack của Nga bay không nghỉ từ Saratov đến Venezuela, khiến Lầu Năm Góc hoang mang. Khi chiếc này hạ cánh ở căn cứ không quân Libertador air base, Tổng thống Chavez đích thân chào đón các phi công Nga, tuyên bố: “Thế này là bọn đế quốc Mỹ toi đời”.
Một căn cứ đặt tại một quốc gia chiến lược sẽ tạo lợi thế về vị trí cho hải quân Nga, trong nỗ lực tuần tra bên ngoài bờ biển Mỹ. Venezuela nằm ở một vị trí lý tưởng, không quá xa cũng không quá gần lãnh thổ Mỹ. Nhưng có hai lý do có thể phá hỏng bất kỳ kế hoạch lập căn cứ của Nga:
Một là hiến pháp Venezuela cấm quân đội nước ngoài lập căn cứ, có nghĩa Nga phải chấp nhận phương án nhỏ hơn như được cập cảng hoặc cho các máy bay ném bom chiến lược hạ cánh-đổ xăng.
Hai là Venezuela đang bất ổn chính trị, có thể xảy ra chuyện thay đổi lãnh đạo. Điều này sẽ gây phiền cho Nga. Phe đối lập đang “quậy” đảng cầm quyền của ông Chavez, và một cuộc thay đổi chế độ có thể đẩy Venezuela vào hỗn loạn và bị rơi vào tay Mỹ.
Tuy nhiên, ngay cả khi có một chính phủ thân Mỹ, Moscow sẽ vẫn là “tay chơi” chủ lực, vì hầu hết phương tiện quân sự của Venezuela đều do Nga sản xuất, ngoài vài chiếc máy bay vận tải và tàu chiến.
Nicaragua: Năm 2013, hai máy bay ném bom chiến lược Nga tiến hành bay tuần tra tập chiến đấu ở khu vực giáp Venezuela và Nicaragua, cho thấy người Nicaragua chẳng quan tâm đến sự khó chịu của Mỹ. Nên nếu Nga muốn đến thăm, Managua mở rộng cửa.
Úc: Hiện có một căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Derwin, với hàng ngàn lính thủy đánh bộ trú đóng. Căn cứ này nhằm khống chế sự nổi dậy ngày càng lớn của thế lực hải quân Trung Quốc. Úc là đồng minh trung thành của Mỹ từ năm 1951, khi Mỹ cùng Úc và New Zealand lập khối liên minh quân sự ANZUS.
Các kế hoạch của Nga trong việc mở rộng khả năng phòng thủ và tấn công tầm xa ở châu Á-Thái Bình Dương đang định hình, vì đang có những thay đổi quan trọng trong hệ thống quyền lực hiện tại, ví dụ sự nổi lên của Trung Quốc và Nhật Bản nhảy vào như một thế lực quân sự lớn.
Nhưng trong khi các thế lực khu vực đều muốn có quan hệ ấm nồng với Nga, họ cũng sẽ không muốn làm Mỹ buồn. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại giữa Nga với các nước châu Á-Thái Bình Dương, như mua-bán vũ khí, dầu khí cũng sẽ là những yếu tố chính quyết định số phận của các căn cứ mà Nga mơ ước…
Kim Hương (theo Russia beyond the headlines)