Dẫn khí đốt xuyên Địa Trung Hải: Đòn hiểm của Israel đối với Nga
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:35, 03/05/2017
Israel phá thế độc quyền về khí đốt của Nga tại thị trường châu Âu
The Times of Israel ngày 3.4 cho hay, Israel đã cùng với Ý, Hy Lạp và Cyprus cam kết sẽ cùng hợp tác trong dự án đường ống dẫn khí đốt xuyên biển dài nhất thế giới từ Đông Địa Trung Hải đến Nam Âu, với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu.
“Dự án thế kỷ” này được thiết kế nhằm mục đích giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
“Theo kế hoạch tiền khả thi, đường ống dẫn khí đốt được phối hợp thiết kế giữa Israel và EU có tổng vốn đầu tư là 6,2 tỉ USD, dự kiến sẽ dẫn khí đốt mới được phát hiện từ Israel và Cyprus đến châu Âu, có khả năng làm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng của Nga khi quan hệ giữa hai bên đang ở tình trạng căng thẳng”, tờ báo Israel tường thuật.
Trong một cuộc họp báo ở Tel Aviv, các Bộ trưởng Năng lượng của Israel, Ý, Hy Lạp, Cyprus cùng với Ủy viên châu Âu về Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Miguel Arias Canete đã cam kết thực hiện dự án.
Các tác giả của đường dẫn khí đốt "2 nhất" đang giới thiệu dự án
Theo các Bộ trưởng Năng lượng, nghiên cứu khả thi của dự án đã được hoàn thành và kế hoạch khả thi sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Những người đứng đầu ngành năng lượng của Israel, Ý, Hy Lạp, Cyprus và EU cho biết việc xây dựng đường ống sẽ không kéo dài và dự kiến đến năm 2025 có thể có sản phẩm cung ứng cho khách hàng.
Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz cho biết: "Đây sẽ là đường ống dẫn khí xuyên biển dài nhất và sâu nhất thế giới – dự kiến đường ống chạy ngầm dưới đáy biển ở độ sâu 3km”.
Cả Israel và Cyprus đã bắt đầu khai thác khí từ các mỏ ở ngoài khơi trong những năm gần đây, và dự kiến sẽ có các dự án khai thác lớn hơn trong tương lai. Tel Aviv được cho là có tham vọng đưa khí đốt của mình tới châu Âu để thay thế nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Theo ông Elio Ruggeri, Chủ tịch Tập đoàn phân phối và đảm bảo an ninh năng lượng châu Âu (IGI Poseidon) thì hiệu quả của dự án đường ống dẫn khí đốt “2 nhất” này rất khả quan.
Ủy viên châu Âu về Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Canete thì cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao khả năng cung cấp khí đốt từ Israel và tin rằng điều này có thể đóng góp vào chiến lược đa dạng hóa nguồn cung cấp, tuyến đường dẫn và nhà cung cấp năng lượng cho châu Âu. Đây là một đường ống của đoàn kết và chắc chắn sẽ có sự hỗ trợ đầy đủ của tất cả thành viên EU".
Với Bộ trưởng Phát triển kinh tế Ý, Carlo Calenda, thì một nguồn cung cấp khí đốt đáng tin cậy với giá cả phải chăng là thách thức với Ý, do vậy hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt này là ưu tiên hàng đầu của nước này.
"Chúng ta cần phải biết rằng than sẽ bị loại bỏ dần trong công nghiệp sản xuất điện năng, do đó nguồn cung cấp khí là nền tảng cho chúng ta", ông Carlo Calenda cho biết.
Như vậy là việc Israel tham gia vào thị trường khi đốt châu Âu đã gặp nhiều thuận lợi ngay từ giai đoạn ban đầu khi cung – cầu đã gặp nhau, khách hàng tiềm tàng đã trở thành khách hàng thực tế, chứ không còn là tiềm năng nữa.
Điều đó đảm bảo cho dự án đường dẫn khí đốt “2 nhất” thể hiện sự đoàn kết Israel – EU về an ninh năng lượng hứa hẹn sớm được hoàn thành.
Israel chính thức thách thức Nga trong lĩnh vực khai thác và dẫn chuyển năng lượng
Có thể thấy rằng, với việc thiết kế và kết hợp cùng EU trong dự án đường dẫn khí đốt “2 nhất”, Israel đã chính thức thể hiện sự thách thức với Nga trong lĩnh vực khai thác và dẫn chuyển năng lượng.
Sự thách thức từ Tel Aviv đối với Moscow không chỉ đơn thuần là làm giảm thị phần khi đốt của Nga tại châu Âu trong tương lai, mà nó còn nằm ở các khía cạnh khác.
Thứ nhất, Israel đã làm giảm tới mức thấp nhất hiệu quả của “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” – vốn được Moscow xem là đột phá khẩu trong chiến lược của Tổng thống Putin nhằm đưa nước Nga thoát ra theo 3 dòng chảy.
Mục đích của “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” nhằm ngăn dòng khí dầu từ Trung Đông đến châu Âu, nay đã bị đường ống dẫn khí đốt “2 nhất” hoá giải.
Giai đoạn 2 của dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” – được cho là sẽ triển khai dựa vào nhu cầu của châu Âu – không còn cơ hội triển khai nữa. Như vậy, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” chỉ còn cung cấp khí đốt cho duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy tính chất “đột phá khẩu” của nó sẽ mất luôn sau động thái này.
Nguy cơ Nga sẽ mất thế độc quyền về cung cấp khí đốt cho EU, từ đó mất đi nhiều đất diễn trong nước cờ an ninh năng lượng
Thứ hai, dự án “Dòng chảy phương Nam” có thể vĩnh viễn trở thành hoài niệm với Moscow, cùng với đó là khoản tiền rất lớn mà Nga đã trót đâu tư vào đây sẽ bị mất trắng.
Bên cạnh đó, “Dòng chảy phương Bắc 2” cũng khó có thể được triển khai suôn sẻ. Như vậy, khí đốt của Nga tới châu Âu vẫn chỉ theo đường ống hiện hữu là quá cảnh qua Ukraine và Ba Lan mà thôi.
Điều này khiến cho “an ninh năng lượng” - một công cụ quan trọng mà nhờ đó Moscow tạo được lợi thế cho mình trước Brussels - sẽ bị tối thiểu hoá tác hiệu.
Khi đường dẫn khí đốt của Israel cung cấp sản phẩm cho châu Âu thì cũng là lúc khí đốt của Nga chỉ còn là sản phẩm bình thường trong trao đổi thương mại, chứ không còn có thể sử dụng cho các mục đích khác của Moscow.
Thứ ba, khi Israel và các đối tác xây dựng đường dẫn khí đốt nằm dưới đáy biển ở độ sâu kỷ lục 3km thì đây là một thách thức rất lớn với kỹ thuật khai thác và dẫn chuyển khí đốt của Nga.
Rõ ràng, đây là một sự vượt trội về mặt kỹ thuật của Israel so với Nga, từ đó khiến Tel Aviv có thể sớm qua mặt Moscow ngay trong lĩnh vực vốn được xem là thế mạnh của người Nga.
Việc vượt trội rồi qua mặt về kỹ thuật khai thác và dẫn chuyển khí đốt của Israel trước Nga sẽ gây ra nhiều hệ luỵ cho ngành công nghiệp khai thác vàng đen và những sản phẩm từ nó tại xứ sở bạch dương.
Cụ thế nhất là sự tiện lợi và mức độ an toàn của dòng khí đốt từ Israel sẽ tạo nên sức ép rất lớn từ khách hàng đối với những nhà cung cấp khí đốt của Nga.
Thứ tư, với một đường dẫn khí dài nhất thế giới, sâu nhất thế giới, mà tổng mức đầu tư được xác định chỉ có 6,2 tỉ USD, trong khi “Dòng chảy phương Nam” có tổng giá trị đầu tư lên đến 40 tỉ USD, còn "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" - được cho là đã tiết kiệm rất nhiều – cũng đã ngốn hết 7,4 tỉ USD, điều đó cho thấy hiệu quả đầu tư của Israel quá vượt trội so với Nga.
Dòng chảy “2 nhất” được cho là sẽ dẫn chuyển khi đốt từ nhiều nguồn khác tại Trung Đông tới châu Âu với giá bán sẽ thấp hơn của Nga rất nhiều và đây chính là nguy cơ khiến Nga có thể mất thị trường vào tay đối thủ một cách dễ dàng nhất.
Có thể thấy rằng, ngành năng lượng Nga đã gặp phải một đối thủ rất đáng gờm, dù Israel mới bước vào lĩnh vực mà từ trước tới nay Nga gần như không có đối thủ xứng tầm. Hậu quả của nó có thể vô hiệu hoá nước cờ chính trị hoá kinh tế của Moscow trong thế độc quyền về an ninh năng lượng với châu Âu.
Ngọc Việt