Tại sao cuộc chiến Syria kéo dài 6 năm vẫn không có lối thoát?
Góc nhìn - Ngày đăng : 12:50, 30/04/2017
Việc các tay súng của lực lượng nổi dậy Syria phải sơ tán khỏi những cứ địểm, địa bàn do mình kiểm soát sau khi thất bại hay mất ưu thế trên chiến trường đã diễn ra nhiều lần và cùng với đó là việc thay đổi nơi sinh sống của gia đình họ. Từ đó tạo ra những đợt di cư cục bộ trên đất nước Syria thời nội chiến.
Tuy nhiên, dù các thỏa thuận sơ tán đạt được đã giúp giảm bớt cảnh chết chóc cho người dân Syria, song qua đó lại cho thấy đất nước Syria chưa thể có lối thoát sau 6 năm của một cuộc chiến tàn khốc, bởi mỗi lần sơ tán thì có thể một chiến tuyến trên thực địa bị xoá bỏ, một chiến tuyến khác lại được xác lập và cảnh ly tán, loạn lạc vẫn tiếp tục diễn ra trên đất nước Syria.
Người ta tự hỏi tại sao cuộc chiến Syria đã bước sang năm thứ 7 mà vẫn chưa nhìn thấy hồi kết?
Lợi ích cá nhân, đảng phái che khuất lợi ích dân tộc
Vì bất bình với cách điều hành và quản lý đất nước của chính quyền tại Damascus, nhất là việc đặt đất nước Syria trong tình trạng khẩn cấp mấy chục năm, những người chống đối chính quyền tại Syria đã dần trở thành những thế lực đối nghịch tại đất nước này.
Trong bối cảnh làn gió của "Mùa xuân Ả Rập" lật nhào nhiều chính quyền tại khu vực Bắc Phi – Trung Đông, những thế lực đối nghịch tại Syria đã liên kết với nhau hình thành nên lực lượng đối lập, chờ thời cơ bước lên vũ đài chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Khi làn gió của "Mùa xuân Ả Rập" tràn qua Syria thì họ nổi dậy chống chính phủ Assad và đến ngày 18.3.2011 thì bạo loạn bùng phát.
Nhận diện tình hình có thể diễn tiến bất lợi cho việc nắm giữ quyền lực của mình, ngày 19.4.2011, Tổng thống Assad đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ Syria, vốn được ban bố từ năm 1963. Theo đó áp đặt hạn chế đối với hoạt động tụ tập và đi lại nơi công cộng, cho phép bắt giữ những nghi phạm hay các đối tượng đe dọa an ninh.
Ngoài việc bãi bỏ Luật tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Syria cũng đã thông qua dự luật bãi bỏ Tòa án An ninh quốc gia chuyên xét xử các tội phạm chính trị và thông qua dự luật mới cho phép người dân có quyền biểu tình phản đối một cách hòa bình. Hàng loạt những thay đổi ấy nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình đòi cải cách tại Syria.
Tuy nhiên, hành động đó của chính quyền Assad không được lực lượng đối lập ghi nhận là động thái tích cực có thể tiến tới hòa giải để hoà hợp dân tộc. Ngược lại họ xem đó là cơ hội củng cố lực lượng đối phó với quân đội quốc gia. Cuộc đối trọng giữa lực lượng nổi dậy với chính quyền Assad đã nhanh chóng trở thành một cuộc xung đột vũ trang.
Phe đối lập đã nhanh chóng chiếm giữ những thành phố quan trọng và tạo ra thế giằng co với quân chính phủ tại nhiều cứ điểm. Thực trạng đó tạo ra khoảng trống quyền lực tại nhiều nơi trên đất nước Syria.
Lợi dụng tình hình đó, lực lượng khủng bố IS đã tấn công và chiếm giữ nhiều thành phố, làng mạc tại Syria, đưa đất nước Syria trở thành lò lửa chiến tranh.
Tháng 9.2014, Mỹ đã tấn công IS tại nhiều cứ điểm trên lãnh thổ Syria và ủng hộ cho lực lượng nổi dậy.
Nhận diện mối đe dọa cho sự tồn vong của mình, chính quyền Assad đã nhân danh nhà nước Syria kêu gọi Nga giúp đánh đuổi IS. Tháng 9.2015, quân đội Nga chính thức ném bom xuống các cứ điểm IS tại Syria.
Rồi Thổ Nhĩ Kỳ cũng can thiệp vào Syria nhằm ủng hộ lực lượng nổi dậy, tấn công IS và lực lượng người Kurd. Iran cũng không đừng ngoài cuộc khi thấy chính quyền Assad lâm nguy. Đặc biệt, lực lượng Hezbollah đã đứng bên cạnh quân chính phủ Syria và điều đó khiến cho Israel cũng tham gia vào cuộc chiến Syria.
Như vậy, từ cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” giữa chính quyền Assad với lực lượng nổi dậy, cuộc chiến tại Syria đã biến thành một cuộc chiến tranh hỗn hợp, phức tạp giữa nhiều lực lượng, nhiều quốc gia, nhiều phe phái và trở thành một trong những cuộc chiến tranh đẫm máu nhất thời hậu Thế chiến II với hơn 300.000 người đã thiệt mạng, hơn 5 triệu người mất nhà cửa.
Đất nước Syria trở nên hoang tàn, người dân Syria trở thành những người tha phương cầu thực hoặc luôn đối mặt với những viên đạn lạc từ mọi phía. Đau đớn thay hoà bình cho đất nước Syria không còn do người dân Syria định đoạt được nữa, quyền sống của người dân Syria không phải do nhà nước Syria bảo đảm được nữa.
Có thể thấy rằng, chỉ vì xem trọng lợi ích cục bộ, những phe phái tại Syria đã quên đi lợi ích dân tộc. Từ mâu thuẫn lợi ích, những phe phái tại Syria đã gây ra cuộc xung đột, đưa đất nước trở thành bãi chiến trường. Đến lúc này thì họ buộc cả dân tộc Syria phải trả giá và khi lợi ích dân tộc bị chà đạp thì lợi ích đảng phái, cá nhân cũng đâu có để mong chờ.
Chủ quyền quốc gia Syria được sử dụng cho các mưu đồ chính trị
Ngày 4.4.2017 đã xảy ra một sự kiện đau lòng, gây chấn động toàn thế giới. Đó là một vụ tấn công bằng vũ khí hoá học được thực hiện tại tỉnh Idlib, Syria, khiến gần 80 người chết, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, gần 200 người bị thương.
Phe đối lập cáo buộc chính quyền Damascus thực hiện vụ tấn công, trong khi Moscow – lực lượng bảo trợ cho Damascus – lên tiếng xác định nguyên nhân là do quân đội Syria không kích trúng kho vũ khí của phe đối lập và phát tán khí độc sarin, gây chết người. Moscow đề nghị điều tra vụ việc cho rõ trắng đen.
Washington – lực lượng chống lưng cho phe đối lập tại Syria - đã lên án hành động tàn nhẫn đó và mặc định chính quyền Assad là thủ phạm gây ra “sự kiện Idlib”. Ngày 7.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh trừng phạt quân sự Damascus bằng việc phóng 59 quả tên lửa vào khu căn cứ quân sự của Syria.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là khi “Tomahawk Mỹ bay vào Syria” thì chính quyền Damascus không có bất cứ hành động phản kháng nào. Điều này được lý giải là do kỹ thuật phòng không của Syria không đủ khả năng đánh chặn Tomahawk của Mỹ. Như vậy là chính quyền Assad không đủ khả năng giữ vững được chủ quyền cho đất nước Syria.
Ngạc nhiên hơn là cả Moscow cũng không có bất cứ hành động đáp trả nào với việc phóng Tomahawk của Mỹ vào Syria, cho dù được báo trước. Moscow cũng giải thích là kỹ thuật của Nga chưa đủ khả năng đánh chặn Tomahawk.
Giới phân tích hoài nghi không loại trừ quân đội Nga không thực hiện đánh chặn vì những tính toán chiến thuật nào đó của Moscow. Tuy nhiên, vì bất cứ lý do gì thì người Nga cũng không giúp giữ vững được chủ quyền quốc gia cho Syria, dù họ là người bảo trợ.
Gần đây nhất, ngày 27.4, quân đội Israel đã không kích vào sân bay Damascus, nhằm đánh phủ đầu lực lượng du kích Hezbollah, được cho đang sử dụng địa phận của Syria để hoạt động chống phá nhà nước Do Thái. Cả quân đội Syria lẫn quân đội Nga cũng vẫn không có bất cứ phản ứng đáp trả nào với hành động của Israel.
Việc Mỹ được phóng tên lửa vào Syria, Israel không kích vào Syria mà cứ như tấn công vào “chỗ không người”, khiến cho dư luận rất ngạc nhiên. Phải chăng chính quyền Damascus không muốn bảo vệ chủ quyền hay không thể bảo vệ chủ quyền quốc gia? Vậy họ còn xứng đáng là thực thể đại diện cho Syria nữa hay không?
Máu của nhân dân Syria đã đổ nhưng không phải để nhuốm lên màu cờ của Tổ quốc mình, mà vì những toan tính và lợi ích chính trị của lực lượng cầm quyền và những thực thể chính trị đối lập. Trớ trêu thay, hiện nay nhân dân Syria lại không thể nhận diện được đứng về phía nào, phe phái nào là đứng về chính nghĩa, là bảo vệ cho lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Vì vậy, người dân Syria đang ngã xuống không phải vì nền độc lập cho Tổ quốc mình mà để trả giá cho những toan tính của những người xa lạ - những lực lượng xem Syria là nơi tranh giành sự ảnh hưởng và khẳng định sức mạnh của họ.
Giới phân tích cho rằng, cuộc nội chiến tại Syria sẽ chỉ có lối thoát nếu lợi ích dân tộc không bị che khuất bởi lợi ích cá nhân, đảng phái và chủ quyền quốc gia không thể được sử dụng cho các mưu đồ chính trị xảo quyệt và thấp hèn.
Ngọc Việt