Nga buộc phải tăng chi tiêu quốc phòng, có thể gây bất ổn xã hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:25, 19/05/2017
Nga tăng chi tiêu quốc phòng, ngân sách thâm hụt lớn
Sputnik ngày 16.5 cho hay, trong một cuộc gặp với Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp liên hợp kỹ thuật – quân sự, Tổng thống Putin đã kêu gọi quân đội Nga phải tăng cường tái vũ trang để nâng cao khả năng tác chiến.
“Tôi phải lưu ý rằng những kinh nghiệm tác chiến tại Syria cùng với nhu cầu tăng cường bảo vệ lãnh thổ ở Bắc Cực và khu vực biên giới ở phía tây, tây nam khiến chúng ta phải có cách tiếp cận chính xác hơn với quá trình tái vũ trang quân đội”.
Tổng thống Putin cho biết, trong năm 2016 quân đội Nga đã nhận được 5.600 loại vũ khí hoàn toàn mới, bên cạnh đó là khoảng 3.000 loại phương tiện kỹ thuật quân sự và các khí tài đặc biệt đã được sửa chữa hoặc hiện đại hóa, nâng cấp.
Nhà lãnh đạo tối cao của Nga khẳng định, trong năm 2017, lực lượng vũ trang Nga phải được trang bị vũ khí tiên tiến đạt tỉ lệ 62% trong tổng số kho khí tài hiện có.
Theo giới phân tích, quy mô của việc tái vũ trang cho quân đội Nga không những thể hiện một tham vọng quá lớn của Điện Kremlin, mà còn là hậu quả của việc Moscow phải đối phó với những hành động chống phá của các đối thủ và kết quả là chi phí quốc phòng gia tăng, khiến cho ngân sách Nga liên tục có mức thâm hụt lớn.
The Washington Times ngày 11.5 từng bình luận: “Nền kinh tế Nga không thể tăng trưởng nhanh. Vẫn còn một lỗ hổng trong ngân sách liên bang hàng năm cần phải được lấp đầy. Chi tiêu cho quốc phòng đang chiếm phần của nhiều quỹ phúc lợi khác cần phải được ưu tiên”.
Tờ báo Mỹ cho rằng, cho dù có bao nhiêu loại vũ khí mới được giới thiệu tại Quảng trường Đỏ vào Ngày Chiến thắng, thì cũng không thể thay đổi thực tế là Tổng thống Putin chỉ đơn thuần muốn làm cho Nga trở nên nổi bật trên sân khấu chính trị thế giới.
Song những thành công trong chương trình quảng bá của Điện Kremlin chỉ là cuộc phiêu lưu, nó trái ngược với "phong vũ biểu" của đời sống kinh tế - xã hội tại nước Nga. Những chi tiêu lãng phí cho cuộc chiến Syria hay các mặt trận khác khiến chính phủ phải cần tiền, do đó sẽ tăng thuế trong bất cứ lĩnh vực nào có thể và từ đó tạo bất ổn xã hội.
Các đối thủ của Moscow đã té nước theo mưa, đưa nước Nga vào thế nguy hiểm. Chính quyền Trump cho thấy không có biện pháp xoá bỏ bất cứ chế tài với Nga, ngược lại Washington còn thúc đẩy gia tăng sức ép quân sự của NATO lên biên giới phía tây của nước Nga.
Cuộc tấn công quân sự Syria, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, gia tăng xung đột tại đông Ukraine hay nguy cơ gây tái bùng phát xung đột ở Nagorno - Karabakh tại Nam Caucasus… đều khiến Nga phải hao tài tốn của cho các kế hoạch và hoạt động quân sự.
Theo The Washington Times, dường như đã các chính phủ phương Tây đã bỏ tiền ra cho các hoạt động chống phá Moscow, nhằm trả đũa chiến dịch tuyên truyền của Điện Kremlin, gây tác động xấu đến đời sống chính trị và đời sống xã hội tại nhiều quốc gia phương Tây.
Tuy nhiên, điều nguy hại là các hành động chống phá Moscow nhiều khi chỉ mang tính đe doạ hay rất vụn vặt nhưng Moscow luôn phải lên kế hoạch đối phó, thậm chí phải điều chỉnh chiến lược, thay đổi kỹ thuật - chiến thuật với những chi phí rất tốn kém.
Vậy là “ông Putin đã bị mắc kẹt. Ông Putin sẽ đưa nước Nga về đâu? Hành động tiếp theo của ông ấy là gì? Ông Putin làm thế nào để ông đưa nước Nga ra khỏi sự ảm đạm? Liệu cuộc phiêu lưu của Moscow ở nước ngoài có thể tiếp tục khi không còn tiền cho những chiến dịch tốn kém tại Syria và đông Ukraine?”, The Washington Times nêu vấn đề.
Bất ổn dân sinh
Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách lớn mà kinh tế chưa thể tăng trưởng nhanh, cho dù đã hết tăng trưởng âm, trong thời cấm vận, việc tăng thuế và tăng các khoản phí là bắt buộc với chính phủ Nga và cũng từ đó chính quyền phải đối mặt với nhiều phản ứng bất lợi từ người dân.
Cuộc đại đình công của giới tài xế trên toàn nước Nga kéo dài từ ngày 27.3 nhằm phản đối những khoản phí mới trong hoạt động giao thông vận tải là một trong những biểu hiện rõ nét nhất tình trạng bất ổn trong đời sống xã hội tại Nga trong thời điểm hiện nay.
Trong khi đó, theo The Washington Times, chính phủ Nga được cho là đang chuẩn bị xét đánh thuế với những “cá nhân tự doanh” với mức 20.000 rúp - khoảng 400 USD/năm. Và nếu họ không đóng thuế sẽ bị cấm xuất cảnh. Theo giới phân tích, nếu chính sách thuế mới này được áp dụng, chính quyền Nga lại phải đối mặt với những phản ứng bất lợi mới.
Ở một khía cạnh khác, chính phủ Nga cũng đang phải đối mặt với bất ổn trong việc tái phân phối thu nhập xã hội. Đó là kế hoạch của Moscow phá hủy 8.000 toà nhà xây dựng từ những năm 1950-1960, thực hiện tái định cư cho khoảng 1,6 triệu cư dân, đã gặp sự phản đối quyết liệt.
BBC ngày 14.5 cho biết, có khoảng 30.000 người đã xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch phá dỡ nhà của chính quyền Moscow. Những người biểu tình lo ngại quyền lợi của họ không được nhà nước công nhận và giải quyết một cách công bằng.
Được biết dự án cải tạo nhà cũ và tái định cư của chính quyền Moscow có tổng giá trị lên đến 61 tỉ USD. Theo đó, các căn hộ cao cấp được thiết kế để thay thế cho các tòa nhà 5 tầng cũ đã được xây dựng hơn nửa thế kỷ và thời gian sử dụng cũng đã gấp đôi so với thiết kế ban đầu.
Tuy nhiên, dự luật hiện đang được Quốc hội Nga xem xét thông qua lại không đảm bảo rằng người dân sẽ được đền bù bằng một ngôi nhà mới có cùng giá trị trong cùng một khu vực. Thay vào đó, họ chỉ được hứa hẹn đổi bằng một căn hộ mới có cùng kích thước. Đây là một dự án rất lớn và những thay đổi sẽ ảnh hưởng đến ngân sách liên bang, do vậy vấn đề không dễ giả quyết, cho dù Tổng thống Putin đã ủng hộ sửa đổi kế hoạch nhằm giải quyết các mối quan ngại của người dân, theo The New York Times.
Có thể thấy rằng, nước Nga đang có rất nhiều chương trình, hoạt động cần tới ngân sách, trong khi các đối thủ liên tục tạo ra những mối đe doạ gần biên giới nước Nga cũng như với những lợi ích của Nga ở hải ngoại, buộc Moscow phải tăng chi tiêu quốc phòng.
Từ việc dành ngân sách cho quốc phòng, chính phủ Nga phải cắt giảm những khoản ưu tiên cho những chương trình kinh tế - xã hội khác, như việc cắt giảm chế độ phúc lợi cho người khuyết tật năm 2016 và phải tăng thuế trong điều kiện kinh tế mới đang ở giai đoạn hồi phục, từ đó sẽ có những phản ứng tiêu cực từ người dân và doanh nghiệp.
Đây là cơ hội tốt cho các đối thủ đẩy mạnh việc chính trị hoá kinh tế, gây mất ổn định trong đời sống xã hội Nga. Việc này có thể làm mất đi yếu tố quan trọng nhất đã giúp Tổng thống Putin hồi sinh sức mạnh cho nước Nga. Rõ ràng đây là một kế hiểm mà Tổng thống Putin không dễ phá được.
Ngọc Việt