Khi nhân viên trật tự đô thị Trung Quốc bị chỉ trích là côn đồ
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:55, 10/05/2017
Nhân viên trật tự đô thị Trung Quốc là lực lượng Thành Quản, do chính quyền các thành phố quản lý, không thuộc Bộ Công an Trung Quốc. Thành Quản không được trang bị vũ khí, chịu trách nhiệm duy trì trật tự trên đường phố, có nhiệm vụ giải quyết những nhiệm vụ không phải của ngành công an như yêu cầu người dân thực hiện các quy định vệ sinh và giữ gìn lề đường thông thoáng.
Thành Quản hành xử “ác ôn côn đồ”
Nhưng Thành Quản bị dân Trung Quốc ghét cay ghét đắng vì họ dính đến hàng loạt vụ tai tiếng bắt nạt người ăn xin, phá hủy xe của người bán hàng rong không giấy phép, giết chết thú cưng không đăng ký và có thái độ hung hăng khi thực hiện công tác cưỡng chế, giải tỏa nhà dân.
Sự khó chịu của người dân được thể hiện qua những chứng cứ được quay lại bằng điện thoại. Thành Quản nhanh chóng trở thành “cột thu lôi” hứng chịu những chỉ trích hành xử “ác ôn côn đồ”, theo báo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 7.5.
Trong số các lực lượng an ninh trật tự Trung Quốc (công khai hoặc bí mật, mặc cảnh phục hoặc quần áo dân sự), Thành Quản là lực lượng mà hầu như ngày nào cũng có va chạm với người dân. Đó là lý do Chính phủ nước này ra những quy định bắt buộc Thành Quản toàn quốc phải tự ghi hình những hoạt động gìn giữ trật tự, để có thể xử lý trách nhiệm khi họ có xung đột với dân.
Theo WSJ, quy định bắt buộc Thành Quản hành xử minh bạch vào lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) chịu sức ép từ sức tăng trưởng kinh tế giảm mạnh nên phải tìm cách giải tỏa những bức xúc của người dân và nhằm phục hồi uy tín của một tổ chức chính trị phục vụ vì dân nghèo.
Tờ báo Mỹ nói rằng Trung Quốc bắt chước Mỹ, nơi mà nhiều sở cảnh sát trang bị máy ghi hình trên người của các sĩ quan trước việc dân Mỹ ngày càng bất mãn vì cảnh sát Mỹ hay “bắn ẩu”.
Du Wei, một nữ nhân viên Thành Quản ở thành phố Xuchang (tỉnh Hồ Nam) nói cô rất hài lòng khi mang máy ghi hình Google Glass trên người khi làm nhiệm vụ. Du Wei nói rằng không thể biên tập hoặc xóa những đoạn phim từ máy ghi hình cỡ bàn tay và nó có thể hoạt động suốt 4 giờ mới phải sạc điện.
Nhiều người bán hàng rong và lao động nhập cư nói Thành Quản đã hành xử nhẹ nhàng hơn. Một thợ hớt tóc ở Bắc Kinh nói gần đây Thành Quản đã lót gạch trên cửa ra vào tiệm uốn tóc của anh, trong một nỗ lực không cho người lao động nhập cư vào thành phố để làm những việc này. Nhưng anh không sợ xảy ra chuyện bạo lực vì “chúng tôi có máy ghi hình và nay họ cũng có máy ghi hình”.
“Thành Quản là bọn du côn giỏi bắt nạt người khác”
Thành Quản được lập vào năm 1997, để hỗ trợ công an duy trì trật tự ở những thành phố, khi chủ trương thu nhỏ các công ty nhà nước đã dẫn đến nạn thất nghiệp tràn lan và bùng nổ bán hàng rong trên đường phố. Bên cạnh đó là việc hàng triệu nông dân bỏ quê lên thành phố tìm việc làm, đôi khi tạm trú trong những khu ổ chuột mất trật tự trị an.
Từ đó, Thành Quản nổi tiếng thi hành nhiệm vụ một cách cứng rắn với người bán hàng rong không giấy phép, với người ăn xin cùng người nghèo ở thành phố.
Sự chỉ trích Thành Quản lên cao hồi năm 2013, sau khi giới truyền thông nhà nước đưa tin Thành Quản tỉnh Hồ Nam giết chết Deng Zhenggia, một người bán dưa hấu, bằng cách đá vào người Deng và dùng cái cân đánh vào đầu anh. Sau đó, nhiều vụ việc xảy ra càng khiến người dân bức xúc, bất mãn Thành Quản. Nếu gõ chữ “Thành Quản đánh dân” thì kết quả là xuất hiện hàng ngàn video trên YouTube và trên công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc.
Các nhân viên Thành Quản mà WSJ tiếp xúc thì lại nói rằng họ mới là nạn nhân của một số ít vụ bạo lực do người dân ra tay đánh họ, chứ họ không đánh dân.
Hồi tháng 4, có tin đồn trên mạng rằng Thành Quản tỉnh An Huy đánh một bà cụ bán rau. Sau đó, cán bộ thành phố tải một đoạn video từ máy ghi hình cho thấy bà cụ bán rau hành hung Thành Quản vì bị tịch thu hàng hóa, thậm chí bà đã cắn một nhân viên Thành Quản.
Dân làng vây quanh xác của người bán dưa hấu Deng Zhengjia
“Thành Quản chỉ là dê tế thần, bỏ chạy cho yên thân”
Hồi cuối tháng 9.2016, lần đầu tiên Trung tâm can thiệp khủng hoảng tâm lý cho nhân viên Thành Quản được lập ở Nam Kinh. Trung tâm cũng lên kế hoạch in một cuốn hướng dẫn an toàn và pháp lý để họ yên tâm công tác. Trung tâm được mở chỉ vài ngày sau khi một cán bộ Thành Quản bị một người bán hàng rong đâm chết, cũng ngay tại Nam Kinh.
Zhang Chun, một trong 18 bác sĩ tâm lý của trung tâm nói với báo New York Times ngày 29.9: “Thành Quản bị mang tiếng rất xấu. Dù họ làm bất kỳ điều gì, hoạt động của họ không bao giờ được thừa nhận là những thành quả tích cực. Thành Quản cần một chỗ như cơ quan tôi để giải tỏa căng thẳng tâm lý. Nhưng cùng lúc, có nhiều nhân viên tỏ ra rất cứng rắn khi làm việc. Cách làm sai này có thể dẫn đến thảm họa. Vì thế, chúng tôi hy vọng giúp được họ bằng cách thay đổi cách họ làm việc”.
Cựu chiến binh Yu Gaozhong, 34 tuổi, trở thành nhân viên Thành Quản sau khi xuất ngũ năm 2005, kể khi cho bạn biết về những sức ép của công việc, người bạn này cười phá lên và chọc: “Thế người bán hàng rong không xin ông thông cảm à ?”.
Yu nói anh cần có nơi tư vấn, vì người quen chẳng muốn nghe những nỗi niềm của một cán bộ Thành Quản: “Họ nghĩ Thành Quản chỉ là bọn du côn giỏi bắt nạt người khác”.
Yu cũng đã nhiều lần tính chuyện thôi việc, anh kể: “Con trai tôi không thích tôi làm công việc này. Lần nọ ở một cuộc thi môn văn, cháu viết tôi là một Thành Quản nên cháu đã bị bạn học cười chê. Một lý do tôi vẫn còn làm việc vì trước tiên không dễ kiếm việc mới, kế đến là công việc này ổn định, ít ra là tôi được an toàn”.
Yu luôn có cách đề phòng để không bị cáo buộc là “cán bộ nhà nước mà bạo tàn”. Yu kể: “Đôi lúc tôi chắp hai tay sau lưng khi người bán hàng rong đến gần tôi, để chứng minh với mọi người xung quanh là tôi chẳng hề đánh ai. Ngay cả nếu như tôi bị ăn đấm, người đi đường thường nói chính tôi mới là kẻ bạo lực”.
Zhao Yang, 43 tuổi, một nhân viên Thành Quản đã lập một diễn đàn trực tiếp cho các đồng đội trao đổi về công việc. Ông nói việc lập trung tâm tư vấn tâm lý là một ý tưởng hay: “Ít ra nó cho thấy chính quyền chú ý đến vấn đề. Nhưng trung tâm chỉ xử lý các vấn nạn, quan trọng hơn là phải phòng ngừa được các vấn nạn”.
Ông còn nói: “Thành Quản chỉ là dê tế thần. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ, nhưng người dân chọn chúng tôi để trút bỏ sự phẫn nộ của họ vào chính quyền hoặc các cơ quan khác, vì chúng tôi là những người trực tiếp gặp họ”.
Fang Jun, 38 tuổi, phàn nàn việc thiếu hướng dẫn nghiệp vụ cho nhân viên Thành Quản và thiếu cả biện pháp đối phó với hành động thù địch của người dân: “Chúng tôi bị căng thẳng cao độ, bị nguyền rủa ngay cả khi chúng tôi làm việc đúng theo yêu cầu của pháp luật và quy định. Một vấn nạn kinh niên là phải giải quyết những đòi hỏi khác nhau. Người lái xe máy đòi chúng tôi dẹp các quầy bán thức ăn vốn gây kẹt xe, nhưng người thích mua sắm ở các quầy trên đường (thường vì giá rẻ hơn) lại muốn chúng tôi để họ yên. Chúng tôi phải làm gì bây giờ?”.
Cách Fang đối phó với người bán hàng rong giận dữ dọa đánh ông là “tẩu vi thượng sách”.
Năm 2014, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc từng có một báo cáo về độ tín nhiệm của các công bộc, trong đó Thành Quản bị xếp chót bảng, tức làm mất lòng dân nghiêm trọng.
Theo Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc, từ đầu năm 2016 có hơn 1 triệu nhân viên Thành Quản.
Kim Hương (theo The Wall Street Journal)