Bầu cử ở Anh: ‘Bà đầm thép’ Theresa May bị ép từ chức Thủ tướng

Góc nhìn - Ngày đăng : 16:20, 09/06/2017

Trưa 9.6, ‘Bà đầm thép’ Theresa May bị ép từ chức Thủ tướng Anh, sau khi đảng Bảo thủ của bà mất thế đa số ở cuộc bầu cử sớm ngày 8.6.
Thủ tướng Anh Theresa May-Ảnh Reuters

Theo luật Anh, cuộc bầu cử nhằm chọn 650 ghế nghị sĩ Hạ viên, đảng nào có được 326 ghế mới chiếm thế đa số để có thể lập chính phủ, và lãnh đạo đảng đó sẽ trở thành Thủ tướng Anh.

Kết quả mới nhất cho biết với 647 ghế đã có chủ, đảng Bảo thủ có 316 ghế và Công đảng đối lập có 261 ghế.

Các đảng nhỏ còn lại là Tự do dân chủ (Lib Dems) và Quốc gia Scotland (SNP) đạt 12 và 35 ghế, đảng Xanh chỉ có một ghế và các đảng khác có 22 ghế.

Các số liệu này dẫn đến “Quốc hội treo”, tức cả hai đảng lớn đều không thể đạt thế đa số.

Đảng Bảo thủ của bà May sẽ phải lập một liên minh với các đảng nhỏ để điều hành việc nước.

Thủ lĩnh Công đảng liên tục đòi Thủ tướng May từ chức

Ngày 9.6, sau khi tái trúng cử ở một điểm bỏ phiếu tại thủ đô London, Thủ tướng May nói trách nhiệm của đảng của bà chịu trách nhiệm giúp nước Anh “đạt sự ổn định” vào lúc chuẩn bị tiến trình Brexit đầy phức tạp.

Báo Independent đưa tin bà May sẽ không từ chức, và có tin bà sẽ lập liên minh với đảng DUP ở Bắc Ireland .

Nhưng ông Jeremy Corbyn, thủ lĩnh Công đảng đối lập, đã kêu gọi bà May từ chức:

“Thủ tướng kêu gọi bầu cử sớm vì bà ấy muốn đạt được một sự ủy nhiệm. Sự ủy nhiệm bà ấy có được là đảng Bảo thủ mất ghế, mất cử tri,mất sự ủng hộ và mất tín nhiệm. Tôi nghĩ thế là quá đủ để bà ấy ra đi và mở đường cho một chính phủ sẽ thật sự đại diện toàn dân ở đất nước này”.

Ông Corbyn còn nói kết quả bầu cử có nghĩa “chính trị đã thay đổi” và cử tri đã bác bỏ chương trình thắt lưng buộc bụng của đảng Bảo thủ.

Khi tranh cử, Công đảng hứa sẽ chú trọng cải thiện chính sách y tế và an sinh xã hội, chính sách nhập cư linh hoạt, đàm phán Brexit mềm dẻo hơn.

Xem ra khẩu hiệu tranh cử “Vì số đông” của Công đảng, cùng sự mềm đẻo trong các vấn đề phát triển kinh tế, giáo dục-y tế đã thuyết phục được cử tri trẻ.

Một tháng trước, đảng trung tả này tưởng như sẽ thất bại ở cuộc bầu cử sớm, vì nội bộ bị chia rẽ dưới sự lãnh đạo của ông Corbyn.

Thủ lĩnh Công đảng Corbyn trong ngày bầu cử

Chính phủ Anh không mạnh và ổn định, sẽ “khó ăn nói” với EU

Việc đảng Bảo thủ không thể chiếm thế đa số đẩy xứ sở sương mù vào sự bất ổn, vào lúc Anh chuẩn bị đàm phán với Liên hiệp châu Âu (EU) về việc Anh ‘ly dị” khỏi khối này-còn gọi là Brexit.

Cuộc trưng cầu dân ý Brexit được tổ chức hồi tháng 6. Cả Công đảng lẫn đảng Bảo thủ đều chấp nhận kết quả này: 52 % cử tri đồng ý rời khỏi EU, 48 % muốn ở lại khối này.

Kết quả này cũng buộc ông David Cameron từ chức Thủ tướng vì “về phe” chống Brexit.

Bà May lên làm Thủ tướng, hứa Anh sẽ có một thỏa thuận tốt nhất với EU.

Ngày 29.3, bà May bắt đầu tiến trình Brexit, hứa hẹn đưa Anh ra khỏi EU, siết chặt dòng người nhập cư, chú trọng an ninh, quốc phòng và chống khủng bố, ban hành chính sách giảm thuế có lợi cho giới doanh nghiệp.

Lúc đầu, bà nói không tính tổ chức bầu cử sớm, chờ Quốc hội Anh hết nhiệm kỳ hiện nay vào năm 2020.

Nhưng bà May lại dựa vào uy tín đang lên cao, kêu gọi tổ chức bầu cử sớm hồi tháng 4. Bà nói “miễn cưỡng” ra quyết định này, kêu gọi cử tri cho bà một sự ủy nhiệm mạnh mẽ hơn, để Anh tự tin với một “chính phủ mạnh và ổn định “ khi bước vào cuộc đàm phán với EU để Anh “ly dị” với EU.

Quyết định này tiếp sau việc bà May kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp định Lisbon, chính thức bắt đầu tiến trình “ly dị” với 27 nước thành viên EU khác.

Dự kiến vòng đàm phán hai năm sẽ bắt đầu từ ngày 19.6 tới. Các quan chức EU hy vọng cuộc bầu cử sớm sẽ cho phép bà May có những nhượng bộ, nhưng hy vọng này bị đặt dấu hỏi từ viễn cảnh một “quốc hội treo”, tức là cả hai đảng lớn đều không chiếm thế đa số ở Hạ viện Anh.

Dù vận động chống Brexit, Công đảng chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý, nhưng hứa hẹn để tránh một vụ “Brexit khó nhằn”, đảng này sẽ chú trọng duy trì quan hệ kinh tế với EU.

Một canh bạc thất bại

Thủ tướng May nay đối mặt với những câu hỏi về khả năng nhận định của bà, giới truyền thông quốc tế đều ghi nhận việc bà kêu gọi bầu cử sớm là một “canh bạc thất bại”.

Bà May bước bào cuộc bầu cử với uy tín là một nhà lãnh đạo trầm tĩnh, nhưng bà lại bị chỉ trích phong cách tranh cử quá mờ nhạt.

Bà còn bị chỉ trích về kế hoạch buộc người già trả nhiều tiền hơn để được chăm sóc sức khỏe. Các đối thủ của bà gọi đó là “thuế mất trí”.

Tiếp đó là những vụ khủng bố tấn công phủ bóng đen cuộc tranh cử.

Nữ giáo sư Paula Surridge ở đại học Bristol(Anh) nói: “Dù bà May ráng kiếm đủ số ghế, thì vẫn bị xem là một thất bại và vì thế. bà ấy có thể phải chịu sức ép rời bỏ ngôi thủ lĩnh đảng Bảo thủ thật nhanh”.

Sự từ bỏ này đồng nghĩa bà May sẽ phải rời khỏi số 10 Phố Downing (Phủ Thủ tướng Anh) sau một chiến dịch tranh cử “kinh dị” và nước Anh bị 3 cuộc tấn công khủng bố kể từ tháng 3, khiến chiến dịch tranh cử phải bị tạm ngưng hai lần.

Ngày 22.5, một kẻ đánh bom tự sát kích hoạt bom ở bên ngoài một cuộc biểu diễn nhạc pop ở Manchester, khiến 22 người chết.

Ngày 3.6, 3 tên tấn công đeo đai bom tự sát đã húc xe tải vào người đi bộ, rồi vung dao ở Cầu London, giết 8 người trước khi chúng bị cảnh sát bắn chết.

Những vụ tấn công khủng bố này khiến nước Anh lo ngại, buộc bà May phải bảo vệ thành tích chống khủng bố của chính phủ.

Bà May bị soi về thời gian bà giữ chức Bộ trưởng Nội vụ (từ năm 2010 đến 2016) nhất là khi có tin cảnh sát và an ninh Anh đã biết rõ bọn tấn công.

Thủ lĩnh Công đảng Corbyn chỉ trích đảng Bảo thủ xem thường an ninh quốc gia, khi chính phủ giảm số cảnh sát tuần tra ở các con đường, vào lúc đảng Bảo thủ có chương trình thắt lưng buộc bụng.

Giáo sư khoa chính trị Steven Fielding của đại học Notthingham (Anh) nói nước Anh chưa bao giờ chứng kiến một cuộc bầu cử “trong đó tính cách quyền lực của một vị thủ lĩnh biến mất theo một cách chưa hề có".

Ông nói: “Nếu bà May đạt được thế đa số mong muốn, bà ấy sẽ có thể là một khổng lồ chính trị tối cao. Nhưng bà lại không đạt được mong muốn và bà là một thủ tướng xác sống”.

Trung Trực (tổng hợp)