Người Mỹ điều tra việc Nga can thiệp bầu cử: Có khói nhưng chưa thấy khói súng
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:55, 07/06/2017
“Chưa có khói súng nhưng có nhiều khói”
Theo báo Wall Street Journal, thượng nghị sĩ Mark Warner khẳng định cho đến nay, chưa có chứng cứ nào về sự thông đồng giữa nhóm tranh cử của Tổng thống Donald Trump với các quan chức Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Ông Warner nói với hãng tin CNN: “Hiện chúng tôi chưa có khói súng nào. Nhưng có nhiều khói lắm”.
Ngày 7.6 tới, cuộc điều trần sẽ bắt đầu bằng việc Đô đốc Michael Rogers, giám đốc cơ quan an ninh quốc gia (NSA) và Giám đốc tình báo quốc gia (DNI) Daniel Coats sẽ giải trình trước Ủy ban của TNS Warner.
Theo một số cựu và đương kim quan chức tình báo, Tổng thống Trump đã yêu cầu hai vị này công khai bác bỏ vụ thông đồng, sau khi cựu giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) điều trần trước Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ ngày 20.3, cho biết FBI đang điều tra nghi án này. Các nguồn tin cho biết hai ông Rogers và Coates không chấp nhận yêu cầu của Tổng thống, vì họ cho rằng làm thế là không đúng đắn.
Theo Reuters ngày 5.6, đỉnh điểm của cuộc điều trần là ngày 8.6, Ủy ban tình báo Thượng viện sẽ “quay” ông rằng có phải Tổng thống Trump đã yêu cầu ông “bỏ qua” cuộc điều tra nghi án thông đồng.
TNS Warner nói: Ủy ban sẽ ép ông Comey về hoàn cảnh xung quanh vụ Tổng thống Trump bất ngờ cách chức ông hôm 9.5 với lý do ông Comey bất tài.
Quyết định này khiến ông Trump bị cáo buộc sa thải ông Comey nhằm cản trở cuộc điều tra, và dẫn đến nghi ngờ rằng thật sự có vụ thông đồng.
TNS Warner cho biết: “Tôi muốn biết có chăng sự thúc ép chính đáng hoặc không chính đáng, có bao nhiêu cuộc nói chuyện về chuyện này giữa ông Comey với Tổng thống?
Lời giải trình của cựu giám đốc FBI có thể là "bom nổ làm rúng động tổng thống đương nhiệm"
Sau khi ông Comey bị cách chức, báo chí Mỹ đưa tin ông Trump yêu cầu ông Comey ngưng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, khi ông Trump và ông Comey ăn tối và nói chuyện ở Phòng Bầu Dục hồi tháng 2.2017.
Cuộc nói chuyện này diễn ra một ngày sau khi tướng Flynn bị cách chức vì “ tội báo cáo láo” với phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về cuộc điện thoại hồi cuối năm 2016, giữa ông với ông Sergei Kislyak, Đại sứ Nga tại Washington.
Báo New York Times đưa tin đầu tiên về vụ này, dựa theo một biên bản mật do ông Comey viết sau khi gặp Tổng thống Mỹ.
Theo báo này, trong một cuộc điện thoại, ông Flynn trấn an Đại sứ Kislyak rằng Washington sẽ không gia tăng trừng phạt Nga. Ông còn hứa với nhà ngoại giao rằng một khi ông Trump trúng cử tổng thống, chính phủ Mỹ sẽ xem xét lại chuyện cấm vận Nga.
Ông Flynn chối chuyện bàn luận việc Mỹ trừng phạt Nga với vị đại sứ, nhưng sau này thừa nhận ông “báo cáo láo” phó tổng thống Pence.
Sau thông tin ông Trump yêu cầu ông Comey ngưng điều tra tướng Flynn, thứ trưởng Bộ tư pháp Mỹ Rod Rosenstein thuê cựu giám đốc FBI Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt để chỉ huy cuộc điều tra nghi án thông đồng do FBI thực hiện.
Nhưng theo trang Business Insider, công tố viên đặc biệt Muller cũng có thể xem xét các tài liệu ghi nhớ của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và của ông Rosenstein. Các văn bản này được cho là hai ông ủng hộ Tổng thống quyết định sa thải vị giám đốc FBI.
Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Sessions đã phải rút khỏi cuộc điều tra vụ thông đồng của Bộ Tư pháp, sau khi lộ chuyện ông “lừa” Quốc hội Mỹ khi ông không khai báo vụ ông có liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ Kislyak.
Tài liệu mật của ông Comey khiến Đồi Capitol (trụ sở quốc hội Mỹ) đánh động, và dẫn đến những câu hỏi phải chăng ông Trump toan can thiệp vào một cuộc điều tra cấp liên bang.
TNS Warner nói: “Sẽ không thể nghĩ gì được, nếu thật sự Tổng thống đã làm điều báo chí nêu là yêu cầu giám đốc FBI Comey hủy cuộc điều tra tướng Flynn”.
Bà Linda Peek-Schacht, một cố vấn chính trị từng làm việc ở Nhà Trắng thời Tổng thống Jimmy Carter, nói: Một lời làm chứng mang tính “bom nổ” của ông Comey có thể tác động đến tổng thống đương nhiệm, sẽ khiến cuộc giải trình ngày 8.6 tới sẽ là một sự kiện lớn, tương tự cuộc điều trần vụ tai tiếng Watergate hồi những năm 1970.
Bà Peek-Schacht nói: “Rất hiếm dịp người Mỹ cùng theo dõi một sự kiện. Chắc chắn người Mỹ sẽ theo dõi vụ này”.
“Tìm kiếm chính xác từng chữ”
Hồi tháng 1.2017, các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận: tin tặc và cỗ máy tuyên truyền của Nga đã can thiệp để kết quả bầu cử tổng thống Mỹ nghiêng về ông Trump.
Ông Trump và các trợ lý đều phủ nhận rằng không có sự thông đồng với Nga. Ông Trump gọi cuộc điều tra là “trò săn phù thủy” nhằm phá việc ông trúng cử tổng thống hợp pháp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây khẳng định chính phủ của ông không hề can thiệp vào kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, và cho rằng “có thể những tin tặc yêu nước” người Nga đã ra tay để phản đối người thích nói xấu Nga.
Nữ TNS Susan Collins (đảng Cộng hòa) ở Ủy ban tình báo Thượng viện, nói bà sốt ruột muốn hỏi ông Comey, nhằm tìm thêm thông tin cho lời cáo buộc của ông Trump: trong 3 lần khác nhau, ông Comey báo cáo Tổng thống rằng ông Trump không bị điều tra.
Bà nói: “Chúng tôi cần nghe trực tiếp ông Comey về những vấn đề quan trọng này. Giọng nói, chính xác từng chữ được nói ra và bối cảnh đều rất quan trọng, và đó là những gì chúng tôi hiện không có, chúng tôi chỉ có thể có chúng bằng cách nói chuyện với những người liên quan trực tiếp”.
Bà Collins và TNS Warner cũng dự tính đặt câu hỏi về những hành động của con rể Tổng thống Trump: Jared Kushner bị cáo buộc đã nói chuyện với Đại sứ Nga Kislyak, bàn chuyện lập một kênh liên lạc bí mật và an toàn với Điện Kremlin, bằng cách sử dụng phương tiện liên lạc của Sứ quán hoặc lãnh sự quán Nga, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực từ chính phủ mãn nhiệm Barack Obama sang chính phủ Trump.
Về vụ này, Kushner bị cáo buộc đề nghị như thế vì muốn giấu, không cho chính phủ Obama biết các cuộc nói chuyện.
Trung Trực (tổng hợp)