Mỹ đang đưa EU vào thế nguy hiểm?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 06/06/2017
Mỹ đang tìm cách phá vỡ tính đồng thuận trong EU
Reuters đưa tin, ngày 31.5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã cáo buộc chính quyền Mỹ đang tìm kiếm những thỏa thuận thương mại song phương với từng nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), nhằm phá vỡ tính thống nhất của khối này về thương mại.
Theo Chủ tịch EC, người Mỹ đang giữ "một thái độ lạnh nhạt" đối với EC, trong khi đây là cơ quan điều hành EU, chịu trách nhiệm đàm phán các thỏa thuận thương mại cho toàn khối.
Người đứng đầu uỷ ban điều hành EU cho biết: "Chúng tôi không cho phép diễn ra các thỏa thuận thương mại riêng rẽ giữa Mỹ với từng quốc gia trong Liên minh châu Âu".
Còn nhớ ngày 16.1.2017, trước khi nhận nhiệm sở, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Times of London của Anh và báo Bild của Đức, Tổng thống Donald Trump từng nhận định sự kiện người dân nước Anh chọn rời EU – Brexit – là sự kiện tuyệt vời và cảnh báo EU có thể phân rã.
Vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ cho biết ông ủng hộ một thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh thời hậu Brexit. "Chúng tôi sẽ cố gắng nhanh chóng hoàn tất thoả thuận phù hợp với tình hình hai nước, theo đúng tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại song phương”.
Washington và London nhanh chóng nâng tầm quan hệ dù Brexit chưa hoàn tất
Tổng thống Donald Trump đã gặp Thủ tướng Anh Theresa May ngay sau khi nhậm chức. Mọi việc diễn ra rất nhanh chóng, tuy nhiên điều đó chỉ có được khi Anh không còn bị ràng buộc bởi EU.
Thực tế đó cho thấy cơ chế liên minh của EU chưa phải là hình mẫu cho việc liên hiệp các quốc gia, bởi không phải nó luôn mang lại những lợi ích cho các quốc gia dân tộc. Biểu hiện rõ nhất là chủ quyền quốc gia có thể bị nhạt nhoà trong cơ chế liên minh.
Nhà lãnh đạo tối cao của nước Mỹ không những xem Brexit là một sự kiện tuyệt vời, mà còn hiện thực hoá ý nghĩa của Brexit qua những hành động cụ thể nhằm mang lại lợi ích cho người dân xứ sở sương mù. Điều đó là một sự khích lệ cho những người ủng hộ Brexit và cũng là lời cảnh báo cho EU.
Trước bối cảnh nguy hại đó, “Ủy ban châu Âu đã nhắc lại rằng nước Anh sẽ không được phép tham gia vào các cuộc đàm phán chính thức liên quan đến một thỏa thuận thương mại với Mỹ cho đến năm 2019, sau khi rời EU”, theo BBC ngày 17.1.2017.
Tưởng chừng mọi việc đã lắng xuống sau lời cảnh báo đó từ Brussels, song nay vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Người Mỹ cho thấy họ không chỉ sớm bắt tay người Anh khi London độc lập với Brussels, mà Washington có thể còn qua mặt Brussels bắt tay với từng thành viên EU, phá vỡ ngyên tắc đồng thuận trong EU.
Nguyên tắc đồng thuận là nguyên tắc nền tảng trong liên minh kinh tế của EU, nó giúp cho các thành viên trong EU có thể dựa vào sức mạnh của cả khối để đối mặt và có thể vượt qua các cuộc cạnh tranh khốc liệt của thời kỳ toàn cầu hoá.
Nhưng nguyên tắc động thuận sẽ là rào cản rất lớn cho lợi ích của mỗi quốc gia khi đối phó với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Khi các thành viên EU chưa ngang bằng về xuất phát điểm cũng như trình độ phát triển thì nguyên tắc đồng thuận là một sự bó lại với sức mạnh quốc gia.
Tổng thống Donald Trump là người theo chủ nghĩa quốc gia, ủng hộ chủ nghĩa biệt lập trong kinh tế, trong khi đó chủ nghĩa dân tuý đang trở thành một xu thế lớn mạnh trong EU. Điều này khiến cho EU sẽ gặp nguy hiểm khi chính quyền Donald Trump quyết phát huy sức mạnh của 2 gọng kìm nguy hại này.
Tương quan trong “bộ ba 10.000 tỉ USD” sẽ thay đổi, đưa EU vào thế nguy hiểm
Chủ tịch Jean-Claude Juncker đã bày tỏ quan ngại đối với quan điểm bảo hộ thương mại của Washington và cho rằng điều này là không tốt vì nó có thể đẩy EU giao thương với Trung Quốc nhiều hơn là với Mỹ.
Đặc biệt, người đứng đầu EC đã nhấn mạnh: "Đây là hướng đi sai lầm, song tôi không thể ngăn điều này xảy ra". Quả là quá nguy hiểm.
Khi GDP của Trung Quốc đạt ngưỡng 10.000 tỉ USD vào năm 2015, lần đầu tiên trên thế giới hình thành “bộ ba 10.000 tỉ USD” là Mỹ - EU – Trung Quốc, trong đó “cường quốc kinh tế phương Đông” bị cho là yếu thế nhất.
Chỉ vì "giận" Mỹ mà EU quyết định nâng tầm quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong khi hoãn trao quy chế thị trường tự do đầy đủ cho kinh tế Trung Quốc là rất bất lợi
Nền kinh tế Trung Quốc chưa phải là nền kinh tế thị trường đầy đủ nên Bắc Kinh đã khai tác tối đa lợi ích từ hai đối thủ trong “bộ ba 10.000 tỉ USD” qua việc thực hiện các công cụ của điều tiết kinh tế vĩ mô và bảo hộ mậu dịch.
Hàng loạt những trụ cột kinh tế của EU bị tác động tiêu cực bởi hiệu ứng bất bình đẳng trong cơ chế vận hành của nền kinh tế Trung Quốc. Từ thương mại đến tài chính, từ hàng hoá đến tiền tệ, EU đã chịu nhiều thiệt hại trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Để giảm thiệt hại, EC đã phải sử dụng sức mạnh của hai công cụ trong điều hành kinh tế vĩ mô là áp thuế chống bán phá giá và không trao quy chế thị trường tự do đầy đủ cho kinh tế Trung Quốc.
Điều đó cho thấy quan hệ kinh tế EU - Trung Quốc không mang lại những giá trị tuyệt hảo cho EU, không những vậy Brussels luôn phải dè chứng việc trả đũa từ Bắc Kinh.
Nay chỉ vì những nguy hại trong quan hệ kinh tế Mỹ mà EU chuyển sang nâng tầm quan hệ với Trung Quốc chẳng khác nào Brussels “nâng thế, tạo lực” cho các đối thủ. Điều đó sẽ làm thay đổi tương quan trong “bộ ba 10.000 tỉ USD”, đẩy chính EU vào thế bất lợi và đối mặt với việc phải đón nhận rất nhiều thiệt hại.
Ngọc Việt