Nga sẵn sàng bắn máy bay Mỹ, Tổng thống Putin đang thử tài ông Trump

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:55, 21/06/2017

Việc Nga tuyên bố sẵn sàng bắn rơi chiến đấu cơ Mỹ ở Syria, chính là cách Tổng thống Nga Vladimir Putin thử tài thao lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo phân tích của báo The Wall Street Journal (WSJ).
Chiến đấu cơ F-18 của Mỹ cất cánh tuần tra trên không phận Syria - Ảnh: Reuters

Ngày 19.6, Nga dọa bắn rơi chiến đấu cơ Mỹ ở Syria, để phản ứng với vụ chiến đấu cơ F-18 của Mỹ bắn rụng máy bay cường kích Su-22 của không quân Syria tối 18.6.

Lầu Năm Góc nói đó là hành động bảo vệ quân đồng minh Các lực lượng dân chủ (SDF) của Mỹ, sau khi chiếc Su-22 ném bom vào SDF ở thành phố Taqba.

Đấy cũng là một cách để chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad thăm dò liệu Mỹ có hỗ trợ đồng minh trên bộ hay không. Vì thế, Mỹ cần phát thông điệp rằng sẽ tiếp tục gây sức ép với quân đội Syria đang hoạt động trong khu vực do SDF kiểm soát.

Nguy cơ leo thang căng thẳng là có thật, nhưng đây không là cuộc tranh chấp mà Mỹ có thể tránh né dễ dàng.

Theo WSJ, cho đến nay, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ đều kiêu ngạo nhận định Mỹ có thể đánh bại quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria bằng cách nhảy vào chiến trường Syria.

Tổng thống Assad và các đồng minh Nga - Iran đều biết thời gian bọn IS kiểm soát được thành phố Raqqa (Syria) chỉ còn đếm từng ngày. Họ muốn nắm quyền kiểm soát nhiều vùng đất một cách có thể trong thời gian đó, và mục đích này đồng nghĩa đè bẹp SDF có Mỹ “chống lưng”.

Nga đã dọa dùng tên lửa phòng không để bắn rơi bất kỳ máy bay Mỹ nào bay ở phía tây sông Euphrates ở Syria. Đó là một phần chiến lược dọa nạt của Nga.

Moscow cũng cắt đường dây nóng được thiết kế để hai lực lượng quân sự Nga - Mỹ giảm thiểu nguy cơ va chạm ngoài ý muốn.

Iran cung cấp vũ khí và giúp bộ binh Syria, cũng hứa giúp chính phủ Assad đánh quân SDF, và thách thức máy bay Mỹ có dám phản ứng với sự dọa nạt của Nga hay không.

Ngày 19.6, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc có phản ứng kiềm chế, kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng và mở đường dây liên lạc.

Nhưng nếu Syria và hai đồng minh Nga - Iran quyết tâm leo thang căng thẳng, Mỹ sẽ phải xuống nước, hoặc chuẩn bị một nỗ lực lớn hơn để bảo vệ quân đồng minh SDF và bảo vệ cả chiến đấu cơ Mỹ.

Khi ông Barack Obama còn là Tổng thống Mỹ, ông quyết đứng ngoài cuộc nội chiến Syria, và đã mở đường cho Tổng thống Putin nhảy vào can thiệp.

Theo WSJ, ông Putin đã đúng khi chơi canh bạc ông Obama chỉ lên tiếng phản đối chứ không hành động, nên nay ông Putin lại thử tài thao lược của Tổng thống Mỹ, vào lúc các bên tham gia nội chiến IS đang ráng tranh thủ lợi thế từ việc bọn IS bị đánh bại.

Nếu như Mỹ lập vùng cấm bay hoặc vùng an toàn để bảo vệ dân tị nạn, có lẽ Điện Kremlin sẽ cẩn trọng hơn. Khi còn là ứng cử tổng thống, ông Trump ủng hộ vùng an toàn cho dân tị nạn và quân nổi dậy chống chính phủ Assad.

Nhưng ông Trump lại không quan tâm một chiến lược lớn hơn để đánh bại bọn IS. Vì thế, đây là lúc ông phải nghĩ đến một chiến lược như thế, vì Syria, Nga và Iran đều biết điều họ muốn có:

- Tổng thống Assad muốn nắm lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, chứ không phải một quốc gia bị “chặt” cho các bộ tộc người Kurd, Sunni và Alawite.

- Iran muốn lập một vùng ảnh hưởng của đạo Hồi dòng Shiite từ Tehran đến Lebanon.

- Ông Putin muốn lập một cảng ở Địa Trung Hải và chứng tỏ rằng Nga đáng tin cậy khi đứng sau các đồng minh, chứ Mỹ không đáng tin.

Mỹ có thể không quan tâm những điều Syria, Nga và Iran muốn. Nhưng giải pháp cho Mỹ là thể hiện rằng Syria - Nga -Iran sẽ phải trả giá đắt cho các mục tiêu của họ.

Điều này có nghĩa Mỹ không chấp nhận xuống nước, tiếp tục bảo vệ đồng minh Mỹ trên bộ, và phản ứng mạnh nếu máy bay hoặc tên lửa Nga toan bắn rơi máy bay Mỹ.

Dự đoán của WSJ: Nga không muốn một cuộc chiến tranh với Mỹ, nhưng Nga sẽ tiếp tục gây sức ép để giành ưu thế, trừ phi Tổng thống Trump thể hiện sự kiên quyết hơn vị tiền nhiệm Obama.

Vĩnh Thụy (theo The Wall Street Journal)