Triều Tiên dọa san bằng New York bằng một quả bom hạt nhân

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:50, 14/06/2017

Để chứng minh về khả năng phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của mình, CHDCND Triều Tiên đã dọa san bằng New York bằng một quả bom hạt nhân.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa Hwasong-12 - Ảnh: Reuters

Báo nhà nước Triều Tiên Rodong Sinmun tuần qua có bài xã luận đưa tin nước này đang sắp phát triển thành công một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Bài báo còn viết đầu năm nay, lãnh đạo Mỹ đã viết trên Twitter rằng sẽ không bao giờ có chuyện Triều Tiên có được một loại vũ khí hạt nhân (VKHN) có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ.

Lãnh đạo Kim Jong-un chỉ cần ra lệnh

Bài xã luận viết: “Mỹ đang cảm thấy khó chịu khi các loại vũ khí chiến lược mà CHDCND Triều Tiên thử nghiệm rõ ràng đã chứng tỏ thời gian thử nghiệm ICBM không còn xa nữa”.

Bài xã luận viết tiếp: “CHDCND Triều Tiên cách New York 10.400 km, nhưng đấy không phải là một quãng đường dài cho một cuộc tấn công hôm nay”.

Hồi tháng 1.2017, Tổng thống Donald Trump từng viết trên Twitter, sau khi có thông tin Triều Tiên có thể phóng thử một quả ICBM: “Triều Tiên vừa tuyên bố đang ở giai đoạn cuối của sự phát triển một loại VKHN có thể phóng tới các phần của Mỹ. Điều đó sẽ không xảy ra!”.

Bình Nhưỡng đáp lại bằng một tuyên bố gợi ý Triều Tiên sẽ phóng thử tên lửa bất khi nào lãnh đạo Kim Jong-un muốn.

Ngày 13.6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shanon cảnh báo Triều Tiên sẽ trở thành “mối đe dọa toàn cầu” nếu nước này phát triển thành công ICBM. Vị thứ trưởng cùng cố vấn an ninh quốc gia Shotaro Yachi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chia sẻ mối lo ngại Triều Tiên, đồng ý duy trì hợp tác chặt chẽ về chương trình ICBM của Bình Nhưỡng.

Hai ông cũng kêu gọi Trung Quốc giúp ngăn chặn chương trình VKHN của Triều Tiên. Ông Shannon nói rằng tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng an ninh quốc tế và “chẳng tạo ra bất kỳ tia hy vọng nào cho tương lai”.

Hồi tháng 5, trung tướng General Vincent Stewart, chỉ huy Cục tình báo quốc phòng Mỹ nói “sẽ không tránh được” một VKHN phóng từ Triều Tiên có thể bắn xuống lãnh thổ Mỹ.

Cuối tháng 5, Triều Tiên công bố hình ảnh một quả tên lửa giống kiểu Scud được phóng và rơi xuống vùng biển Nhật Bản.

Bình Nhưỡng “nổ” chứ chưa thể có ICBM

Vấn đề Triều Tiên thật sự có thể phóng ICBM hay chưa đang là một chủ đề tranh cãi.

Hồi đầu năm nay, lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đang ở giai đoạn cuối phát triển một quả ICBM có tầm bắn ít nhất 3.400 dặm. Trong khi đó, các nhà phân tích ước tính một cuộc phóng thử quả tên lửa sẽ diễn ra trước cuối năm 2017, với việc gần đây Triều Tiên nỗ lực phóng các tên lửa đạn đạo tầm trung bình (IRBM, có tầm bắn ngắn hơn khoảng 1.864 dặm) đã gặp nhiều khó khăn đáng kể, gồm 3 lần phóng thất bại hồi tháng 4.

Michael Elleman, nhà nghiên cứu cao cấp về phòng thủ tên lửa ở Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, nói việc Triều Tiên cần hoàn thiện 2 mẫu IRBM trước khi có thể chuyển qua công nghệ ICBM giống như “học đi bộ trước khi ráng chạy”.

Trái ngược với những video mà giới truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố, trong đó chiếu những vụ tấn công bằng ICBM vào các mục tiêu là thủ đô Washington cùng các thành phố lớn của Mỹ như New York và Los Angeles, những khó khăn cho thấy Triều Tiên còn phải mất nhiều năm mới có được một loại vũ khí đáng tin cậy.

Chuyên gia Elleman nói với báo Newsweek: “Nếu Triều Tiên bắt chước các mẫu của những cường quốc tên lửa, thì họ sẽ chú trọng vào IRBM trong từ 12 đến 36 tháng tới và chỉ sau đó mới có thể phóng thử một quả ICBM. Vì thế, một vụ phóng ICBM chỉ có thể xảy ra trong khoảng giữa năm 2018 đến năm 2020”.

Nhưng sức ép quốc tế có thể khiến Triều Tiên tăng tốc sản xuất một tên lửa hiện đại.

Hồi tháng 4, sau khi có tin Triều Tiên sẽ thử VKHN lần thứ sáu, Tổng thống Mỹ lệnh cho một tàu sân bay và các tàu tấn công cùng đến gần bán đảo Triều Tiên. Từ đó, Mỹ triển khai tàu sân bay thứ hai và tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. Đó là một động thái leo thang căng thẳng khu vực và làm quốc tế lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh.

Triều Tiên bảo vệ quyền sở hữu kho VKHN được cho là có 20 đầu đạn hạt nhân và quyền sản xuất ICBM nhằm đề phòng Mỹ cùng các thế lực nước ngoài xâm lược và lật đổ chính quyền lãnh đạo Kim Jong-un. Bình Nhưỡng cũng bác bỏ những cáo buộc Triều Tiên muốn gây chiến tranh, nhưng dọa sẽ tận dụng kho VKHN và tên lửa đạn đạo nếu Mỹ tấn công Triều Tiên trước.

Trung Trực (theo Independent, Newsweek)