Ngoại trưởng Mỹ hục hặc với Tổng thống Donald Trump và Nhà Trắng

Góc nhìn - Ngày đăng : 18:24, 26/06/2017

Ông này nói gà, ông kia nói vịt’, là một cách viết của báo New York Times (NYT) ngày 25.6, để đề cập việc ông Rex Tillerson, vị Ngoại trưởng Mỹ hục hặc với Tổng thống Donald Trump và Nhà Trắng.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson-ảnh: New York Times

5 tháng trước, ông Tillerson đến Washington để làm Ngoại trưởng, người ủng hộ nói ông xứng đáng với chức này, vì ông từng có bề dày làm tổng giám đốc công ty dầu khí Exxon Mobil lớn nhất nhì thế giới, và có quan hệ sâu từ Nga đến Trung Đông. Đấy là 2 “vốn liếng giá trị” để ông đạt được những thỏa thuận.

Nhưng cơ hội đầu tiên để ông Tillerson sử dụng kinh nghiệm đó ở vị trí đứng sau hậu trường hòa giải bất đồng giữa Qatar với Ả rập Saudi lại đẩy ông vào vị thế mà một ngoại trưởng không hề muốn: công khai bất đồng với vị tổng thống đã chọn ông.

Bất đồng với con rể Tổng thống

Ông Tillerson đã nỗ lực làm nhà hòa giải, kêu gọi Qatar và Ả rập Saudi và các đồng minh đặt hết các yêu sách lên bàn đàm phán.

Nhưng Tổng thống Trump lại ủng hộ Ả rập Saudi, gọi Qatar là “nhà tài trợ cấp cao nhất cho khủng bố”, đúng vào lúc Bộ Ngoại giao Mỹ đặt câu hỏi có phải Ả rập Saudi buộc tội Qatar dung dưỡng khủng bố, nhằm che giấu sự thù hằn lâu nay giữa các nước Ả rập với nhau.

Một số người ở Nhà Trắng nói sự bất đồng về vụ tranh chấp Qatar là một phần cuộc giành quyền phụ trách chính sách về Trung Đông: ông Tillerson hay là Jared Kusner, cố vấn cấp cao và là con rể của ông Trump.

Có những bằng chứng cho thấy có sự bất đồng giữa ông Tillerson với một nhóm nhỏ quan chức Nhà Trắng vốn quan tâm nhiều đến chính sách trên, bắt đầu là ông Kushner.

Con rể của Tổng thống Mỹ muốn “bồi dưỡng” cho hoàng tử Mohammed bin Salman làm lãnh đạo Ả rập Saudi, thừa kế ngai vàng của Vua cha Salman.

Nhưng ông Tillerson cảnh báo chớ nên tỏ thái độ thể hiện sự ưu ái trong việc kế ngôi. Ông cũng đánh giá việc tiếp đãi Mohammed bin Salman thăm Nhà Trắng quá “xa hoa”.

Nhưng hóa ra Kushner đặt cược vào “đúng con ngựa”. Tuần trước Mohammed bin Salman, 31 tuổi, đã được người cha 81 tuổi chọn làm Thái tử. Tước hiệu này từng của Mohammed bin Nayef, một đối thủ của Mohammed bin Salman.

Như vậy, Mohammed bin Salman sẽ là lãnh đạo Ả rập Saudi trong vài chục năm tới.

Sự bất hòa càng lớn hơn, khi Kushner và Stephen K. Bannon (chiến lược gia trưởng của ông Trump) nói nên ủng hộ Ả rập Saudi, Ai Cập và các nước khác cấm vận Qatar với cớ nước này tài trợ cho tổ chức Anh em Hồi giáo (ở Ai Cập) và các tổ chức cực đoan khác.

Ông Tillerson có quan hệ sâu với Qatar từ thời làm tổng giám đốc Exxon Mobil, thì nói Mỹ nên đứng thế trung lập, nhằm duy trì Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC, gồm các nước Ả rập theo đạo Hồi dòng Sunni).

Nhưng các nỗ lực hòa giải của vị Ngoại trưởng đã bị những tuyên bố của Tổng thống Mỹ ‘phá ngang’.

Ông Tillerson bị chê là “người tai thiếc”

Khi chính phủ Mỹ gây sức ép để Ả rập Saudi và Ai Cập lập bản yêu sách đối với Qatar, ông Tillerson cũng yêu cầu Qatar làm thế nên các quan chức Nhà Trắng không hài lòng, theo một quan chức cấp cao cho biết.

Người này còn nói ông Tillerson là người tai thiếc”, có nghĩa là bị ‘tai ngơ, tai điếc’, không biết gì về những thực tế chính trị của chính phủ Trump.

Nhưng những chỉ trích từ các trợ lý của ông Trump không phải là vấn đề duy nhất của ông Tillerson.

Khi điều hành Exxon Mobil, ông Tillerson có toàn quyền. Nhưng ở Bộ Ngoại giao, ông phải đàm phán với Nhà Trắng, các “bè phái” ngấm ngầm chống nhau và cả Bộ Quốc phòng, phải đối mặt với việc nhiều nhà ngoại giao cấp cao từ chức và viết thư phản đối những chính sách của chính phủ.

Những ngày gần đây, quan tâm hàng đầu của ông Tillerson đều “va phải bức tường”, ví dụ nỗ lực kêu gọi Trung Quốc ép CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã không được như ý, như chính Tổng thống Trump thừa nhận.

Người Nga thì phẫn nộ trước việc quốc hội Mỹ áp thêm trừng phạt Nga, đã không chấp nhận đại sứ mới của Mỹ, đẩy mối quan hệ Mỹ-Nga xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Và tại Quốc hội Mỹ đang có sự giận dữ, thách thức những kế hoạch tái cơ cấu tinh gọn Bộ Ngoại giao của ông Tillerson, ngược với trước đó từng có một số nghị sĩ sẵn sàng ủng hộ các kế hoạch này.

Ở vài cuộc tranh luận trong tháng 6, Thượng nghị sĩ Bob Corker (Cộng hòa) làm chủ tịch Ủy ban đối ngoại, nói việc ông Tillerson đề xuất giảm 30% kinh phí cấp cho Bộ Ngoại giao là “lãng phí thời gian” nên ông chẳng thèm xem xét, và cho rằng kế hoạch tái cơ cấu Bộ này sẽ không thể xong sớm nhất là vào cuối năm nay.

Trên thực tế, quyết tâm tái cơ cấu Bộ Ngoại giao của ông Tillerson (dù đã được nhiều người hoan nghênh) và việc ông chưa chịu chọn trợ lý đã khiến việc hoạch định chính sách bị bế tắc.

3 đại sứ nước ngoài (một của châu Á, 2 của châu Âu) phàn nàn rằng họ phải liên hệ với Hội đồng an ninh quốc gia, vì Bộ Ngoại giao không trả lời cuộc gọi đến của họ, và không trả lời đầy đủ khi đã có người nhấc máy nghe.

Gần đây, ông Tillerson đóng cửa văn phòng đại diện đặc biệt ở Afghanistan và Pakistan, không chọn trợ lý Ngoại trưởng phụ trách mảng Trung Á và Nam Á, vào lúc bọn Taliban đang trở lại và sự bất ổn ở Pakistan là những mối quan ngại lớn.

Khi vị Ngoại trưởng dự những cuộc họp gần đây về tình hình Afghanistan, chỉ có nữ chánh văn phòng Margaret Peterlin đi theo ông. Bà này là một quan chức kỹ trị, không có kinh nghiệm làm ngoại giao.

Cũng không có ai phụ trách chính sách đối với châu Á, đúng vào lúc có ý kiến liệu cuộc khủng hoảng từ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên sẽ được giảm nhiệt bằng những cuộc thương lượng, hay sẽ bị “nấu sôi” lên thành chiến tranh.

“Như tay cao bồi đeo khẩu 6 phát không muốn phí đạn”

Ông Tillerson bị cho là một người không có kinh nghiệm làm ngoại giao, không quan tâm tập hợp những người biết việc quanh ông để giúp ông xử lý những việc ông phải đối phó.

Dù vậy, người đàn ông gốc Texas từng học làm kỹ sư vẫn duy trì sự khắc kỷ, làm việc hết sức, dù các đồng nghiệp ở công ty Exxon Mobil nói họ ít thấy ông tìm được niềm vui trong công việc.

Sự khởi đầu khó khăn của vị Ngoại trưởng đã khiến các quan chức cấp cao thuộc đảng Cộng hòa của nhiều chính phủ trước, như hai cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger và Condoleeza Rice và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, tìm đến ông Tillerso, khuyên ông học kinh nghiệm của những nhà ngoại giao, để có thể tự tin phát động những chương trình làm việc, và trên hết là hành động nhanh hơn.

Nhưng với nhiều nhân viên Bộ Ngoại giao, ông Tillerson là người ít nói ở những cuộc họp, hiếm khi rời khỏi văn phòng ở tầng 7 của Bộ, nơi có bà Peterlin và một nhóm vệ sĩ vây quanh, và ông không hề hỏi ý kiến của họ.

Các trợ lý của ông Tillerson nói cách làm việc của ông tương tự như cách trang trí ở tầng 7: đồ nghệ thuật và màu sắc của thời dân Mỹ Tây tiến thay thế ảnh chân dung các nhà ngoại giao quá cố từ lâu.

Cố vấn chiến lược R. C. Hammond của ông Tillerson nói: “Ông ấy suy nghĩ như một tay cao-bồi”, rồi so sánh từ ngữ với đạn, ông Hammond nói tiếp về sự kiệm lời của vị Ngoại trưởng: “Bạn đeo khẩu 6 phát thì bạn chẳng muốn lãng phí một viên đạn nào”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)