Phe diều hâu và bồ câu Mỹ đang mâu thuẫn trong đối phó với Triều Tiên

Góc nhìn - Ngày đăng : 13:43, 07/07/2017

Báo Washington Times đưa tin sếp Lầu Năm Góc hốt hoảng ngăn chặn chiến tranh Mỹ với Triều Tiên, sau khi nữ đại sứ Mỹ tại LHQ nói Mỹ sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để trừng phạt Bình Nhưỡng.
Nữ đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói Mỹ sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự-ảnh: AP

Vụ việc bắt đầu từ việc CHDCND Triều Tiên phóng thành công một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 “làm quà” mừng Lễ Độc Lập 4.7 của Mỹ.

Theo Washington Times, Bộ Quốc phòng Mỹ và các nhà phân tích tư nhân đều bị bất ngờ trước hành động của Triều Tiên.

Sếp Quốc phòng Mỹ chưa thấy lằn ranh đỏ

Nhưng sau tuyên bố của nữ Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vội vã đến phòng họp báo ở Lầu Năm Góc hôm 6.7 mà không báo trước, để ông thốt lời bực tức:

“Tôi không nghĩ việc Triều Tiên phóng quả ICBM đẩy Mỹ tới gần bờ vực chiến tranh hơn. Tổng thống và Ngoại trưởng đã nói rõ, là chúng ta dẫn đầu những nỗ lực ngoại giao và kinh tế ”.

Bộ trưởng Mattis phải ráng kéo giảm sự nóng nảy, đồng thời cảnh báo Triều Tiên “sẽ chịu những hậu quả nặng nề” nếu còn tiếp tục muốn có một món vũ khí tầm xa.

Ông Mattis "xối nước lạnh" vào những phát biểu diều hâu, nói chính phủ không tính chuyện quân sự để xử lý mối đe dọa từ Triều Tiên.

Ông cho biết: “Quân đội vẫn sẵn sàng, chúng tôi sẵn sàng cung cấp những giải pháp nếu cần thiết, nhưng nỗ lực ngoại giao đang bị nỗ lực quân sự chèn ép”.

Ở những cuộc giải trình trước Quốc hội Mỹ, ông Mattis từng nói việc Triều Tiên có được vũ khí hạt nhân đạn đạo sẽ bị xem là vi phạm chính sách Mỹ: vượt qua lằn ranh đỏ của Nhà Trắng.

Nhưng ngày 6.7, nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc này nói khác: “Chúng tôi chưa thấy lằn ranh đỏ nào. Chúng tôi xử lý với vấn đề thực tế và chúng tôi có khả năng làm điều này với các đồng minh”.

Cựu tướng 4 sao thủy quân lục chiến Mattis không cho các nhà báo biết chi tiết hành động quân sự tiềm năng nếu nỗ lực ngoại giao thất bại.

Ông cũng từng cảnh báo một giải pháp quân sự sẽ “gây thảm họa ở cấp độ không thể tin được”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis

Bà Đại sứ “diều hâu” Haley kêu gào chiến tranh

Trước đó, Đại sứ Mỹ Haley thúc đẩy Hội đồng bảo an LHQ thông qua những mức trừng phạt mới đối với Triều Tiên, và bà nói "Mỹ đang xem xét sử dụng sức mạnh quân sự” để đánh Triều Tiên.

Bà Haley nói Mỹ sẽ trình một dự thảo nghị quyết trong vài ngày tới, nêu “phản ứng của quốc tế một cách thích đáng với việc Triều Tiên leo thang căng thẳng”.

Nhưng bà cũng cảnh báo Mỹ còn có các giải pháp khác để tự vệ và bảo vệ các đồng minh, nếu hướng ngoại giao thất bại:

“Nếu phải sử dụng đến sức mạnh này, chúng tôi sẽ sử dụng, nhưng chúng tôi không muốn phải đi theo hướng đó”.

Bà Haley còn nói Mỹ tính trừng phạt “bất kỳ nước nào làm ăn với chế độ theo luật rừng này”.

Ngày 6.7, Nga chặn một tuyên bố của HĐBA LHQ lên án Triều Tiên phóng thử quả ICBM. Nga nói đấy chỉ là một quả tên lửa trung bình.

Bà Haley đáp lại rằng Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Mỹ và Triều Tiên đều mô tả đó là một quả ICBM có tầm bắn tới bang Alaska của Mỹ, và bà nói nếu Nga cần tin tình báo để chứng minh, thì “tôi rất hân hạnh được cung cấp”.

Bà Haley và Phó Tổng thống Mike Pence được xem là cánh ‘diều hâu’ trong chính phủ Tổng thống Donald Trump, trong khi Bộ trưởng Mattis và Ngoại tưởng Rex Tillerson được xếp vào cánh “bồ câu”.

Không dễ ám sát Kim Jong-un từ xa

Mỹ và đồng minh thừa nhận rất ít cách gây sức ép với Triều Tiên đang nuôi tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa để phóng loại vũ khí này, bất chấp nhiều năm bị quốc tế cô lập, trừng phạt.

Vài nhà phân tích nói các hành động quân sự có thể thực hiện dưới nhiều dạng, nhiều khả năng nhất là oanh kích hạn chế vào các cơ sở hạ tầng hạt nhân hoặc tên lửa của Bình Nhưỡng.

Nhưng độ thành công của cuộc tấn công nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên còn tùy thuộc mạnh vào chất lượng tình báo của Mỹ và đồng minh về các địa điểm này.

Năm 2008, các nhà phân tích và quan chức Mỹ mất nhiều tháng để tìm thông tin cha ông Kim Jong-un còn sống hay đã chết, do Chủ tịch Kim Jong-il không xuất hiện trước người dân Triều Tiên suốt nhiều tuần. Tin ông bị đột quỵ hồi tháng 8 năm đó chỉ đến với quốc tế vào mùa đông.

Kịch bản khác khó thực hiện là một cuộc tấn công ám sát lãnh đạo quốc gia thù địch, trong trường hợp này chính là lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Mỹ từng không thể ám sát Tổng thống Saddam Hussein trong những tuần đầu đánh chiếm Iraq năm 2003, cùng hàng chục năm cố gắng ám sát lãnh tụ Cuba Fidel Castro vẫn không thành.

Đó là hai ví dụ của việc khó tiêu diệt kẻ thù từ xa. Ông Kim Jong-un và bộ sậu rất bí mật và cẩn thận, hệ thống tình báo của phương tây tại Triều Tiên lại cực kỳ yếu.

Bất kỳ hành động quân sự bí mật nào cũng có nguy cơ Bình Nhưỡng bị diễn giải là một sự đe dọa trực tiếp, và Triều Tiên có thể phản ứng bằng vũ lực.

Chiến tranh sẽ kinh hoàng ở Đông Á

Nhưng có lẽ nguy cơ lớn nhất của hành động quân sự ở Triều Tiên chính là tính không thể lường trước của nước này. Một khi chiến tranh bùng nổ, cả hai bên đều có nhiều cách và lý do để leo thang chiến tranh. Kết thúc cuộc chiến này còn khó hơn.

Từ nhiều năm qua, các quan chức Mỹ nói một cuộc tấn công Triều Tiên sẽ có hậu quả tàn phá, dưới dạng Hàn Quốc và Nhật Bản bị Triều Tiên phản công.

Một chiến dịch quân sự có thể phát động một cuộc chiến tranh khu vực, đe dọa hàng triệu mạng sống ở Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng hàng chục ngàn quân Mỹ trú đóng ở hai nước này.

Vấn đề ở chỗ liệu Triều Tiên đã có thể thu nhỏ một vũ khí hạt nhân để gắn lên đầu tên lửa, và họ đã có đủ công nghệ cần thiết hay chưa, để tên lửa “sống sót” khi bay trở vào khí quyển trái đất.

Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên đã có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm ngắn có thể tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản, là những nơi có các căn cứ quân sự Mỹ cùng khoảng 80.000 lính Mỹ.

Chúng cũng có thể làm chết hàng triệu người ở bán đảo Triều Tiên, gồm một số trong 28.500 quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc.

Trung Trực (theo Washington Times)