Kim Jong-un xúc phạm ông Tập Cận Bình, thách thức Tổng thống Mỹ
Góc nhìn - Ngày đăng : 16:39, 05/07/2017
Lãnh đạo Triều Tiên đã tính kỹ thời điểm để phóng tên lửa Hwasong-14 (Hỏa tinh): ngay trước khi Mỹ mừng Lễ Độc Lập và trước khi hai lãnh đạo Mỹ-Trung nói chuyện nhân dịp dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg (Đức) vào cuối tuần này.
Ông Kim Jong-un tuyên bố: quả ICBM là “quà trọn gói” cho Ngày Độc Lập của Mỹ và “nó cho thấy cuộc đấu với đế quốc Mỹ đã đến giai đoạn cuối cùng”.
ICBM là “kiếm báu công lý” của ông Kim Jong-un
Vụ phóng thử ICBM, cùng những vụ phóng tên lửa khác trong vài tháng qua cho thấy lãnh đạo Triều Tiên chẳng ngán những lệnh cấm vận quốc tế, không sợ chuyện ông Trump dọa nạt hoặc sức ép từ Trung Quốc. Ngược lại, ông Kim Jong-un càng tăng nỗ lực có được “món đồ chơi” khủng, là một tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân tấn công nước Mỹ.
Điều đó cho thấy rất khó kềm cương ông Kim Jong-un, khi ông khai thác những bất đồng giữa Mỹ-Trung về cách xử lý vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, để quyết tâm trở thành một thế lực quân sự mạnh.
Nhà nghiên cứu Dương Tập Vũ của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế (Trung Quốc), từng là đại diện Trung Quốc ở cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nói: “Nay chúng ta biết Triều Tiên nhảy vào cuộc đối đầu cỡ chạy marathon với cộng đồng quốc tế. Trước đây chỉ là cuộc chạy đua cự ly trung bình”.
Theo Bloomberg, từ hàng chục năm qua, Triều Tiên dựa vào các chương trình vũ khí để đề phòng những thế lực thù địch. Ông Kim Jong-un cũng như ông nội và cha ông - nhà lập quốc Kim Il-sung và cố Chủ tịch Kim Jong-il đều sử dụng quân sự để bảo vệ quyền lực. Việc tôn sùng lãnh đạo quanh dòng họ Kim đã giúp ông Kim Jong-un có được sự phục tùng của người dân và khiến các vị tướng cao tuổi phải e dè ông.
Bình Nhưỡng đã gọi chương trình vũ khí là “kiếm báu công lý” để chống bọn xâm lược. Triều Tiên có bài học từ lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và Tổng thống Saddam Hussein của Iraq bị lật đổ chỉ vì họ từ bỏ, không phát triển vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên cũng dùng những đòn khiêu khích để các láng giềng phải nhượng bộ dưới hình thức giúp đỡ. Trung Quốc là hơi thở kinh tế chủ lực của Triều Tiên, rất miễn cưỡng ép Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí, vì ngán Bình Nhưỡng mà sụp đổ thì xảy ra hỗn loạn ở vùng biên giới Trung-Triều.
Andrew Gilolm, Giám đốc phân tích Bắc Á ở tổ chức nghiên cứu Control Risks Group nói: “Thông điệp của Triều Tiên gởi đi rất đơn giản: dù bạn làm gì đi nữa, khả năng của chúng tôi đã lớn hơn và chúng tôi sẽ không đổi chính sách. Bạn sẽ phải thay đổi các chính sách của bạn”.
"Kiếm báu công lý" ICBM của ông KimJong-un
Ông Kim Jong-un dám xúc phạm ông Tập Cận Bình
Tiếp sau vụ thử ICBM, Triều Tiên vỗ ngực tự nhận là một “thế lực hạt nhân đầy đủ”, có những quả ICBM có thể phóng tới bất kỳ nơi nào trên thế giới: “CHDCND Triều Tiên sẽ đặt dấu chấm hết cho những dọa nạt chiến tranh hạt nhân và tống tiền của Mỹ”.
Nhưng hành động của ông Kim Jong-un không phải là không có nguy hiểm. Thậm chí ông Tập Cận Bình cũng có thể cạn sức kiên nhẫn với Bình Nhưỡng, nhất là khi ông Tập Cận Bình có thể bị đánh giá là yếu ớt. Và dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đang rất nghiêng về khả năng gây chiến.
Ông Gilolm nói tiếp: “Với ông Tập Cận Bình, Triều Tiên đang xúc phạm hình ảnh ông là một lãnh đạo lớn ở vũ đài chính trị thế giới. Đấy là một sự sỉ nhục khi ông bị một anh chàng tầm thường trạc tuổi 30 ở bên kia biên giới xem thường. Nên sự kiên nhẫn của Trung Quốc đang mỏng dần. Thật sự có thể Trung Quốc sẽ ép chặt hơn trước đây”.
Tuy nhiên, giáo sư Trương Liễn Khôi ở Trường Đảng Trung ương Trung Quốc nói: ông Kim Jong-un đã có một “nước cờ đẳng cấp” để thao túng quan hệ giữa hai cường quốc Trung-Mỹ: “Lãnh đạo hai nước cần cẩn thận, không để Triều Tiên thao túng quan hệ của họ. Vụ phóng ICBM có thể tác động mạnh lên quan hệ Trung-Mỹ, thậm chí gây tổn thất nghiêm trọng”.
Nga-Trung tung đòn ngoại giao kép, tranh thủ thế yếu của ông Trump
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hứa sẽ hợp tác để có một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán với Triều Tiên, ngược với lời lẽ hung hăng dọa nạt cùng những chiến thuật gây sức ép của ông Trump. Mặt khác, thường thì Hàn Quốc và Nhật Bản đều phản đối mỗi khi Triều Tiên thử tên lửa. Tuy nhiên lần này hai đồng minh của Mỹ tìm kiếm sự giúp đỡ ở hướng bắc.
Theo báo Guardian, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói ông đặc biệt trông nhờ vai trò “xây dựng” của Trung Quốc và Nga, ngụ ý để ông Trump dính vào thì mọi sự sẽ càng tệ hơn.
Ông Moon cũng đang chịu sức ép từ Trung-Nga là Hàn Quốc phải ngưng dàn hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ông Tập Cận Bình đã nói: “Việc dàn THAAD gây hại nghiêm trọng cho quyền lợi an ninh chiến lược của Trung Quốc, Nga và các nước khác trong khu vực”.
Đại sứ Trung Quốc ở LHQ cũng cảnh báo “những hậu quả thảm họa” nếu Washington-Bình Nhưỡng không chịu ngồi vào bàn đàm phán, hoặc không có được một giải pháp ngoại giao.
Hai lãnh đạo Nga-Trung còn nhất trí về cách ứng xử với ông Trump, người từng nhờ Trung Quốc ép Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân khi ông Trump gặp ông Tập Cận Bình ở Florida hồi tháng 4. Sau đó ông nói đã nhờ được.
Nhưng sau đó, Nhà Trắng tỏ sự khó chịu, Mỹ chọc tức Trung Quốc bằng cách tuyên bố bán số vũ khí 1,4 tỉ USD cho Đài Loan, công bố báo cáo Trung Quốc có nạn buôn người trầm trọng nhất... Đó là những phản ứng từ khi ông Trump nói Trung Quốc chưa ép Triều Tiên hết sức. Ông Trump từng nói có nhiều cách xử lý Bình Nhưỡng, kể cả dùng sức mạnh quân sự. Nhưng các nước láng giềng nói một cuộc chiến tranh sẽ là thảm họa cho vùng Bắc Á.
“Võ sĩ” nghiệp dư làm sao vật nổi lãnh đạo có võ đai đen?
Nay ông Trump bị kẹt ở giữa những tuyên bố ghê gớm, với việc ông cần một “chiến thắng ngoại giao” để tránh khỏi phát động một cuộc chiến tranh. Trước khi Triều Tiên khoe quả tên lửa phóng thử là một quả ICBM, ông Trump viết Twitter: “Có thể Trung Quốc sẽ mạnh tay với Triều Tiên và chấm dứt hẳn chuyện này”.
Đáp lại, người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh đã gây sức ép với ông Kim Jong-un.
Tại Đức, hai lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ nói chuyện nhiều về vấn đề Triều Tiên. Theo báo Guardian, cái giá để ông Tập Cận Bình giúp ông Trump chính là Mỹ sẽ phải nhượng bộ ở nhiều vấn đề song phương. Nhưng ông Tập cần xử sự khéo, vì ông Trump rất thất thường.
Tổng thống Mỹ cũng ở thế yếu với ông Putin, do nhiều cuộc điều tra nghi án ông có quan hệ với Nga lúc tranh cử tổng thống. Như ông Tập Cận Bình, G-20 là sân khấu để ông Putin thể hiện một lãnh đạo có trách nhiệm tầm thế giới, để buộc ông Trump phải có những nhượng bộ, ví dụ phải dỡ bỏ lệnh cấm vận Nga.
Báo Guardian ám chỉ vụ Tổng thống Trump có clip 25 giây quay cảnh ông vật một phóng viên CNN xuống đất, để kết luận: “Võ sĩ vật” nghiệp dư Trump cần hành xử nhà nghề hơn, vì món vật chẳng ăn thua với vị lãnh đạo Nga có đai đen võ Judo.
Vĩnh Thụy (theo Bloomberg, Guardian)