Tổng thống Pháp khắc phục hậu quả vụ mắng tướng quân đội
Góc nhìn - Ngày đăng : 19:22, 21/07/2017
Ông Macron đã bay đến căn cứ không quân ở Istres (nam Pháp) và tại đây, ông mặc quân phục của binh chủng này rồi lên một chiến đấu cơ. Ở đó, ông tuyên bố rất nể trọng quân đội.
Đó là cách ông “khắc phục hậu quả”, một ngày sau khi Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Pháp, Tướng Pierre de Villiers từ chức để phản đối chính phủ có kế hoạch cắt giảm 850 triệu euro (990 triệu USD) trong kinh phí quốc phòng.
Đây là lần đầu tiên một chỉ huy quân đội Pháp phải từ chức từ khi chức Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang được lập trong những năm 1960, theo các nhà sử học cho biết.
Người của hành động...
Tướng Francois Lecointre, 55 tuổi, được chỉ định thay Tướng De Villiers. Ông LeCointre là Thứ trưởng Quốc phòng, từng là một anh hùng quân đội ở cuộc chiến Nam Tư thời thập niên 1990, gần đây là chỉ huy lực lượng quân sự EU tại Mali để đánh bọn khủng bố.
Ông Lecointre tháp tùng Tổng thống Macron thăm căn cứ không quân.
Văn phòng Tổng thống nói ông Macron dùng bài phát biểu tại căn cứ để “nhắc lại sự ủng hộ dành cho quân đội, nhắc nhở quân đội về lời hứa khi tranh cử là sẽ tăng chi quốc phòng cùng với những kế hoạch tham vọng cho họ ở một môi trường quốc tế khó khăn”.
Nhưng quân đội xem là một sự phản bội, sau khi ông Macron trong các tuần đầu tiên làm tổng thống đã tỏ ra rất ủng hộ quân đội.
Vụ tướng De Villiers từ chức là đỉnh điểm sự bất đồng giữa vị tướng với tổng thống đã bị chỉ trích là có phong thái làm việc “Jupiter”, ám chỉ vị vua của các thần trong thần thoại La Mã.
Vì từ khi nắm quyền lực hồi tháng 5, ông Macron đã công bố kế hoạch sử dụng quyền được ghi trong hiến pháp Pháp để ra sắc lệnh sửa luật lao động. Và ông thường lấy Cung điện Versailles - nơi ở ưa thích của các vị vua Pháp - làm nơi tổ chức những cuộc họp lớn.
Quân đội Pháp cũng là một đề tài của nỗ lực đánh bóng hình ảnh một lãnh đạo quyết đoán. Vào ngày nhậm chức, Tổng thống Macron cùng tướng De Villiers đứng trên một chiếc Jeep mui trần để diễu hành trọn đại lộ Champs Elysées.
Đầu tháng 7, ông Macron được chụp ảnh như một người hành động, đu dây từ trực thăng xuống tàu ngầm Kẻ Khủng khiếp mang tên lửa hạt nhân ở Đại Tây Dương, tham gia một cuộc phóng tên lửa ảo. Theo Hiến pháp Pháp, chỉ có tổng thống có quyền ra lệnh phóng tên lửa hạt nhân.
Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Macron là đến Mali, nơi quân đội Pháp tham gia chiến dịch chống khủng bố.
Quân Pháp cũng tham gia tấn công bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq, trong khi 4.000 quân Pháp chống khủng bố ở phía tây và miền trung châu Phi.
7.000 lính Pháp cũng được triển khai tuần tra các đường phố Pháp, sau nhiều vụ khủng bố tấn công làm chết hơn 230 người từ năm 2015, khiến vị tiền nhiệm Francois Holland phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Pháp, và ông Macron đã gia hạn nhằm bảo vệ nước Pháp.
Ông Macron chỉ huy phóng tên lửa ảo trên tàu ngầm "Kẻ khủng khiếp"
...“Tự bắn vào chân”
Tuần trước, ông Macron nói với quân đội: “Tôi mới là sếp, và tôi không cần áp lực, bình luận”.
Tại căn cứ không quân, ông vẫn giữ quan điểm sau khi chấp nhận để tướng De Villiers từ chức. Ông Macron nói: “Chuyện thắc mắc về kinh phí không phải là việc của lãnh đạo quân đội”. Ông cũng giữ lời hứa sẽ lại tăng chi quốc phòng trong năm 2018: “Tôi đứng sau anh em chiến sĩ”.
Khi tranh cử, ông từng hứa sẽ tăng chi quốc phòng lên mức 2% GDP từ năm 2025, tức là mức cam kết của Pháp với NATO. Nhưng cách vị Tổng thống 39 tuổi cãi cọ với vị tướng 60 tuổi khiến phe chống đối và báo chí Pháp chỉ trích là “quá tay”.
Báo chí Pháp đổ lỗi ông Macron gây ra vụ cãi cọ ngay trước khi Pháp mừng Lễ Quốc khánh 14.7.
Vụ cãi cọ bắt đầu hồi tuần trước, khi Tướng De Villiers chỉ trích việc chính phủ cắt giảm chi quốc phòng trong một cuộc giải trình kín trước quốc hội Pháp, nhưng bị xì cho báo chí.
Tại cuộc giải trình, ông De Villiers báo cáo một ủy ban quốc hội Pháp, rằng ông sẽ không để quân đội bị chính phủ làm cho “hom hem yếu ớt”.
Khi biết chuyện, Tổng thống Macron có một diễn văn trước các lãnh đạo quân sự cấp cao ngay trước Lễ Quốc khánh Pháp: “Tôi là sếp của quí vị” và sẽ “không tha” người phản đối hoặc những toan tính o ép chính phủ của ông.
Theo Hiến pháp Pháp, Tổng thống cũng là tổng tư lệnh quân đội.
Ngày 19.7, Tướng De Villiers quyết từ chức với lý do ông mất khả năng đảm bảo quân đội đủ mạnh để bảo vệ tổ quốc và nhân dân Pháp khi điều kiện tài chính bị hạn chế.
Ông nói: "Tôi luôn quan tâm tới việc duy trì một mô hình quân sự đảm bảo kiềm chế được các mối đe dọa chống lại Pháp và châu Âu. Tôi không còn nghĩ rằng mình có thể đảm bảo sức mạnh quân sự của mô hình quân đội mà tôi tin tưởng, đảm bảo sự an toàn của nước Pháp".
Nhiều nhà bình luận nói đấy là sai phạm đầu tiên của vị Tổng thống mới cầm quyền được 2 tháng.
Nhật báo Le Figaro bảo thủ cáo buộc ông Macron “tự bắn vào chân”, khi ông xử sự như lãnh đạo của một cơ quan nhỏ mà cứ nhắc mọi người “tôi là sếp”.
Báo Giải phóng của cánh tả ở Pháp nói “phong thái độc tài con nít” của ông Macron là dấu hiệu ông mê quyền lực và đã đến lúc vị lãnh đạo trẻ tuổi “cần trưởng thành thêm một chút”.
Tướng De Villiers đứng cạnh Tổng thống Macron trên xe Jeep trong ngày trúng cử
Phe đối lập tranh thủ cơ hội đả kích
Kế hoạch cắt giảm chi quốc phòng của chính phủ Pháp nằm trong chương trình cắt giảm tổng ngân sách khoảng 60 tỉ euro để kéo giảm mức thâm thủng ngân sách quốc gia, và để tuân thủ quy định về ngân sách của Liên hiệp châu Âu.
Ông Macron còn hứa giảm thuế cho các doanh nhân và các gia đình nhằm thúc đẩy hồi phục kinh tế. Chính phủ Pháp đã nói cần tìm ra 20 tỉ euro tiết kiệm trong riêng năm 2018 để đạt được các mục tiêu.
Các nghị sĩ trung hữu Nhóm của người xây dựng - một liên minh nhỏ với đảng Cộng hòa tiến bước của ông Macron ở quốc hội Pháp - kêu gọi tổng thống hủy hoặc xem xét lại kế hoạch giảm chi quốc phòng, vì làm thế là gây hại cho an ninh quốc gia.
Họ nói dĩ nhiên Pháp phải giảm thâm thủng ngân sách, nhưng Pháp cũng đang là quốc gia có chiến tranh chống lại bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Trong một dấu hiệu về uy tín của vị tướng với quân đội, nhân viên Bộ Quốc phòng Pháp lập đội danh dự đứng hoan hô để tiễn chân ông De Villiers. Một đoạn clip cũng được tải lên Twitter của ông, với thông điệp “Cảm ơn chỉ huy”.
Tướng De Villiers được ghi nhận là một sĩ quan giỏi của thế hệ ông, nên việc ông ra đi khiến phe đối lập bực tức.
Cựu tướng Dominique Trinquand, người từng làm cố vấn cho cuộc tranh cử của ông Macron, nói vụ cãi cọ là “tấm phủ quan tài” cho sự khởi đầu rất ấn tượng của tổng thống, và là một “cú vấp sẽ rất khó vượt qua”.
Bà Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng Cực hữu và từng thua ông Macron ở cuộc bầu cử tổng thống, nói: Việc tướng De Villiers từ chức cho thấy “những hạn chế đáng ngại về thái độ và chính sách của ông Macron”.
Các thăm dò cũng cho thấy uy tín của Tổng thống Macron đã giảm từ sau lần trúng cử. Thăm dò 1.000 người Pháp của BVA trong hai ngày 17 và 18.7 cho biết có 54% có ý kiến tốt về ông, so với 63% hồi tháng 5.
Vĩnh Thụy (theo Channel New Asia)