Hội mô tô ủng hộ ông Putin bị chính phủ cắt tiền trợ cấp
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:11, 08/08/2017
Đây là một trong những bất ngờ, vào lúc các tổ chức dân sự ‘Nga’ ráo riết ‘xin’ tiền trợ cấp của Điện Kremlin.
Khi ông Putin cần tránh xa Sói Đêm...
Theo báo Washington Times (Mỹ), từ năm 2014, Sói Đêm được chính phủ trợ cấp khoảng 60 triệu rúp (993.000 USD). Họ dùng một chút tiền để tổ chức các buổi trình diễn mùa hè cho thiếu nhi xem, nhằm mô tả “bọn quỷ” Mỹ âm mưu hủy diệt nước Nga nhưng thất bại.
Trưởng hội là Alexander Zaldostanov, 54, tuổi, từng nói các buổi diễn này “phải thật đáng sợ” để thuyết phục trẻ em Nga rằng “Mỹ đe dọa tổ quốc của ta”.
Theo tờ báo Mỹ, Sói Đêm được cho là hội mô tô lớn nhất của Nga, được xem là một lực lượng chủ đạo trong nỗ lực của ông Putin là phục hồi thế lực một cường quốc cho Nga, và cũng để chống lại những tư tưởng phương tây.
Khi nhóm nhạc punk rock nữ P. Riot thực hiện một buổi diễn tại nhà thờ ở Moscow mà không xin phép để phản đối chính quyền (sau đó họ bị kết án vài năm tù), Sói Đêm cũng cử người gác các nhà thờ đạo Chính thống khác để chống “những hành vi hooligan”.
Sói Đêm có những thành viên từng tham gia chiến đấu ở Đông Ukraine, từng tổ chức một chuyến đi khắp châu Âu để quảng bá tinh thần yêu nước của người Nga.
Tổng thống Putin trước đây có quan hệ ấm nồng với những tay lái mô tô mặc đồ da, xăm mình của Sói Đêm.
Hội cũng từng vài lần mời ông Putin đi cùng, gồm hai lần vị Tổng thống Nga lái chiếc mô tô 3 bánh Harley Davidson Lehman năm 2010 và 2011.
Năm 2013, ông Putin đích thân trao Huy chương Danh dự cho trưởng hội Zaldostanov. Nhưng đầu tháng 8, Sói Đêm bị cắt khoản trợ cấp.
Zaldostanov từ chối bình luận về việc lần đầu tiên Sói Đêm không được thụ hưởng nguồn tiền trợ cấp của Điện Kremlin.
Nhưng tay trưởng hội nói những buổi diễn tuyên truyền chống Mỹ cho trẻ em Nga sẽ vẫn diễn ra: “Chúng tôi không thể tước sự kiện này của các trẻ nhỏ”.
Giám đốc Trung tâm Levada (một tổ chức thăm dò dư luận độc lập ở Nga) là ông Lev Gudkov, nói: “Những khoản trợ cấp của Điện Kremlin thể hiện một sự thay đổi chính sách của chính phủ Nga. Sói Đêm mang tiếng là những gã đàn ông tác tệ, nên Điện Kremlin muốn tránh xa”.
.Lãnh đạo Nga nên xóa bỏ hình ảnh xáo mòn
Theo các nhà phân tích chính trị, xem ra Điện Kremlin phát đi thông điệp rời khỏi chính sách đối nội cứng rắn từ sau lần Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Pavel Salin, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính trị ở Đại học Tài chính (thuộc chính phủ Nga) nói với giới truyền thông Nga:
Việc các tổ chức như Sói Đêm không được hưởng trợ cấp nữa, chính là sự công nhận của Điện Kremlin: cần phải có những ý tưởng mới để thay thế cách tuyên truyền chống phương tây đã xáo mòn, dù cách tuyên truyền này từng củng cố sự ủng hộ của người dân Nga dành cho Tổng thống Putin trong vài năm qua.
Ông Salin nói: “Chính quyền đang tìm một chương trình hành động mới”.
Dù ông Putin chưa chính thức tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống năm 2018, đa số các nhà quan sát đều cho rằng ông sẽ cố gắng có thêm nhiệm kỳ tổng thống thứ tư, có nghĩa ông sẽ tiếp tục nắm quyền lực cho đến năm 2024.
Ông Putin mới đây lại có một chuyến nghỉ dưỡng đậm chất thể thao ở vùng đồi núi Siberia, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và các quan chức cấp cao khác
Đài truyền hình nhà nước hôm 5.8 truyền hình ảnh ông Putin cởi trần tắm nắng, bơi lội và dành ra 2 giờ săn cá dưới nước bằng súng săn.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: khí hậu ở Siberia khắc nghiệt, nhưng không thể cản sở thích bơi lội của Tổng thống.
Ông Putin cũng từng cởi trần cưỡi ngựa, lái tàu ngầm mini, săn cọp trắng ở Siberia, trong những bức hình đầy chọn lọc, nhưng vài năm qua, các hình này đã phai nhạt, theo Washington Times.
Tiền trợ cấp của chính phủ đến tay những dự án hữu ích hơn
Các tổ chức thân Điện Kremlin cũng không được trợ cấp, là cánh thanh niên của đảng Nước Nga thống nhất của ông Putin và nhiều tổ chức yêu nước khác.
Một tổ chức có liên quan nghị sĩ Yevgeny Fyodorov theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan không được hưởng trợ cấp.
Theo Washington Times, các tổ chức chật vật tài chính, từng bị Điện Kremlin xếp vào diện “có nước ngoài cho tiền” lại được chấp thuận cho hưởng trợ cấp.
Đấy là một bất ngờ khác từ Điện Kremlin. Trong 970 tổ chức được chia sẻ số tiền 37, 2 triệu USD từ quỹ trợ cấp của chính phủ, có Trung tâm Levada, một tổ chức đã đăng ký là “một tổ chức có yếu tố nước ngoài tài trợ”.
Năm ngoái, Levada nói sẽ không nhận tài trợ của nước ngoài nữa, sau khi suýt bị Nga bắt đóng cửa vì từ chối tuân thủ luật “tổ chức nước ngoài”.
Luật này qui định các tổ chức Nga nhận tiền tài trợ của nước ngoài để tham gia các “hoạt động chính trị” thì phải đăng ký là “tổ chức nước ngoài”.
Đấy là một cách gọi mà nhiều người Nga hiểu nó có nghĩa “gián điệp”. Bộ Tư pháp Nga cũng ‘soi’ kỹ các tổ chức này.
‘Tổ chức nước ngoài’ khác được Điện Kremlin trợ cấp là Trung tâm phát triển NGO -chuyên giúp các tổ chức phi chính phủ trên toàn Nga và Quỹ Samarnaya Guberniya, một tổ chức từ thiện giúp người thiệt thòi gồm công dân cao tuổi ở miền trung nước Nga.
Theo một số nhà phân tích, lãnh đạo Nga đang tìm kiếm một hình ảnh khác cả trên vũ đài chính trị thế giới lẫn trong nước.
Một tổ chức khác được Điện Kremlin trợ cấp là Rus Sidyashchaya, đây là tổ chức vận động hành lang cho các tù nhân người Nga. Họ cũng tìm cách cải thiện điều kiện giam nhốt ở các nhà tù Nga.
Tổ chức này có nhà báo nữ Olga Romanova, là một nhà hoạt động nổi tiếng.
Năm 2015, đài truyền hình NTV thân Điện Kremlin từng phát sóng lời dọa giết bà Romanova vì bà chỉ trích việc Nga ủng hộ quân ly khai ở đông Ukraine.
Bà Romanova nói bà bị bất ngờ vì được trợ cấp. Các khoản tiền trợ cấp của Điện Kremlin cũng đến tay các tổ chức giáo dục, khoa học và bảo vệ môi trường.
Một nguồn tin thân cận chính phủ cho báo Vedomosti (Nga) biết: “Những tổ chức thân Kremlin trước đây luôn thắng nhưng lần này tiền trợ cấp đã đến tay các dự án hữu ích hơn”.
Ủy ban chịu trách nhiệm phân phối quỹ trợ cấp do ông Sergei Kirienko đứng đầu. Ông từng là Thủ tướng Nga, nay là một quan chức cấp cao trong chính phủ Tổng thống Putin.
Vĩnh Thụy (theo Washington Times)