Ông Tập Cận Bình nhắc nhở quân đội Trung Quốc phải trung thành
Góc nhìn - Ngày đăng : 18:04, 30/07/2017
Nhà lãnh đạo Trung Quốc lần đầu tiên trực tiếp chủ trì một cuộc duyệt binh rầm rộ trên thực địa, tại căn cứ Chu Nhật Hòa ở vùng Nội Mông, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập PLA (1.8.1927) và được gọi là Ngày Quân lực hoặc Ngày Bát Nhất.
Ở vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương, ông Tập mặc quân phục ngụy trang, đội mũ kếp đứng trên một xe jeep chạy qua hàng quân gương cao súng. Ông Tập nhiều lần hô to: "Chào các đồng chí, các đồng chí đã huấn luyện cực nhọc" thông qua 4 loa phóng thanh trên xe, trong tiếng quân nhạc hùng tráng.
Các binh sĩ đồng thanh hô to: “Phục vụ nhân dân, một lòng theo Đảng, chiến đấu để chiến thắng” và “Gương mẫu rèn luyện”.
Họ gọi ông Tập là Chủ tịch, chứ không phải "thủ trưởng" như cách gọi các đời tổng bí thư và chủ tịch nước Trung Quốc trước đây.
Ông Tập cũng ra lệnh cho lực lượng vũ trang phải “tuyệt đối trung thành với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) không được thay dạ đổi lòng”.
"Sức mạnh tỏa ra từ thùng thuốc súng"
Bề ngoài, cuộc duyệt binh là sự phô bày sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Một nhà bình luận của đài truyền hình trung ương tham gia truyền hình trực tiếp, nói phấn khích: “Quân đội mạnh là xương cốt của một quốc gia mạnh”.
Còn theo báo Guardian, Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 19 vào mùa thu tới, đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ 1 ở vai trò Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước của ông Tập, cuộc duyệt binh còn là một sự thể hiện vai trò lãnh đạo cốt lõi của ông Tập trong CPC.
Trong diễn văn tiếp sau cuộc duyệt binh, ông Tập phát biểu ngắn gọn: “Các đồng chí chỉ huy và chiến sĩ PLA, các đồng chí phải tuyệt đối tuân lệnh lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lắng nghe các chỉ đạo của đảng và thi hành các mệnh lệnh của đảng. Đảng chỉ đi theo đường lối nào, các đồng chí đi theo đường lối đó”.
Nhà nghiên cứu chính trị Willy Lam ở đại học Hồng Kông, nói sự phô trương sức mạnh quân sự phần nào nhắm đến các đối thủ quốc tế của Trung Quốc, gồm Mỹ và Ấn Độ mà Trung Quốc đang có tranh chấp biên giới căng thẳng ở vùng núi Hymalaya.
Trên hết, đấy là sự khẳng định ông Tập là lãnh đạo tuyệt đối. Ông Lam nói: “Trong tập quán Trung Hoa, sức mạnh tỏa ra từ thùng thuốc súng, ai kiểm soát quân đội và cảnh sát thì sẽ là lãnh đạo tuyệt đối. Nên đấy là sự thể hiện quyền lực của ông Tập”.
Một số học giả nhận định ông Tập đang muốn tự giới thiệu là vị lãnh đạo lớn thứ ba của Trung Quốc, sau nhà lập quốc Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình, kỹ sư của cuộc bùng nổ kinh tế của Trung Quốc.
PLA sẽ chỉ còn dưới 1 triệu quân
Các nhà bình luận truyền hình và các sĩ quan quân đội Trung Quốc cũng nói cuộc duyệt binh thiên về mục đích chính trị. Thượng tá Zhou Bo, giám đốc Trung tâm hợp tác An ninh của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói với kênh truyền thông nhà nước CGTN: “Các chiến sĩ sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ mà Quân ủy trung ương giao”.
Người phát ngôn Ren Guoqiang của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói với các nhà báo địa phương tại căn cứ Chu Nhật Hòa: Cuộc duyệt binh “hoàn toàn chứng minh quân đội đồng lòng ủng hộ, trung thành và kính trọng ban chấp hành trung ương đảng, với đồng chí Tập Cận Bình là lãnh đạo cốt lõi”.
Ông khẳng định PLA đã chuyển mình trong gần 5 năm, “như một con phượng hoàng bay lên từ bụi tro”, từ khi ông Tập nắm quyền lực hồi tháng 11.2012.
Tuần trước, ông Tập nhấn mạnh PLA cần tập trung hơn vào cải tổ, phát triển công nghệ nhằm tăng cường khả năng chiến đấu phối hợp giữa các lực lượng, đặt trọng tâm "chất lượng hơn số lượng".
Tại cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh mừng 70 năm kết thúc Thế chiến 2 hồi năm 2015, ông Tập từng tuyên bố Trung Quốc sẽ cắt giảm 300.000 quân trong kế hoạch tinh gọn quân đội gồm 2,3 triệu quân.
Nhưng hồi đầu tháng 7, Bắc Kinh tuyên bố sẽ giảm biên chế quân đội xuống dưới 1 triệu quân. Quân đội Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của PLA, nêu đây là lần đầu tiên số quân nhân chuyên nghiệp sẽ được cắt giảm dưới mức 1 triệu quân, căn cứ vào những mục tiêu chiến lược và quyền lợi an ninh của Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc tham gia cuộc duyệt binh
Cuộc duyệt binh diễn ra trên mặt cát sa mạc của căn cứ Chu Nhật Hòa, nơi được xem là căn cứ huấn luyện hiện đại nhất và lớn nhất (rộng 1.066 km2 ) và được giới truyền thông nhà nước khoe là "câu trả lời của Trung Quốc cho trung tâm huấn luyện quốc gia của Mỹ”, Đồn Irwin ở vùng sa mạc Mojave.
Các cuộc diễn tập tác chiến thực tế ở căn cứ Chu Nhật Hòa bắt đầu được tổ chức trong khoảng 10 năm trở lại đây. Từ năm 2012, PLA tổ chức tập trận thường niên với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ tại căn cứ này.
Theo báo Guardian, các nhà báo nước ngoài không được mời dự lễ duyệt binh tổ chức tại căn cứ Chu Nhật Hòa, cách Bắc Kinh 400km về phía tây bắc.
Trong khi đó giới truyền thông Trung Quốc cho biết bên cạnh 12.000 quân tham gia lễ duyệt binh, có hơn 100 loại máy bay và 600 thiết bị phần cứng quân sự được trưng bày trên vùng sa mạc Nội Mông.
Các hệ thống vũ khí được giới thiệu gồm chiến đấu cơ J-15, chiến đấu cơ tàng hình J-20, xe tăng chiến đấu Type 99, tên lửa chống tăng Mũi Tên Đỏ và các máy bay ném bom H-6K.
Cuộc duyệt binh kéo dài 1 giờ, kết thúc bằng việc phô trương tên lửa lục địa thế hệ mới Đông Phong 31AG vốn có tầm bay khoảng 11.000 km, tức có thể tấn công nhiều vùng đất Mỹ.
Trung Trực (theo Guardian)