Hàn Quốc cần tên lửa đạn đạo mạnh để phủ đầu Triều Tiên

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:24, 30/07/2017

Sau khi CHDCND Triều Tiên phóng thử quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thứ 2 lúc khuya 28.7, Hàn Quốc cần tên lửa đạn đạo mạnh để phủ đầu Triều Tiên, theo báo New York Times.
Tên lửa Triều Tiên phóng khuya 28.7 - Ảnh: Getty Images

Ngày 29.7, Hàn Quốc cho biết sẽ sớm nói chuyện với Mỹ, để Mỹ cho phép Seoul có thể sản xuất tên lửa đạn đạo mạnh hơn nhằm đối phó với Bình Nhưỡng.

Cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đã gọi điện cho người đồng cấp Mỹ, Trung tướng H. R. McMaster, bàn chuyện lập tức thương lượng việc Hàn Quốc được phép tăng khả năng tên lửa, thông qua một thỏa thuận song phương.

Tướng McMaster đã đồng ý đề nghị này, vốn có thể tăng ráp đầu đạn lên tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc, theo các quan chức hai nước cho biết.

Nhưng các cựu và đương kim quan chức Mỹ nói hành động này có một vấn đề đáng lo: Hàn Quốc muốn có tên lửa mới mạnh hơn, ngoài việc có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Triều Tiên, cũng có thể là một cách ép Trung Quốc kiềm chế Bình Nhưỡng, vì các tên lửa mới của Hàn Quốc cũng có thể bắn vào lãnh thổ Trung Quốc.

Họ cho rằng hành động này không có nhiều tác động, trong vấn nạn khẩn cấp mà Mỹ phải đối đầu: xem ra Triều Tiên có khả năng tấn công bang California và nhiều nơi khác trên lãnh thổ Mỹ.

Tham vọng tiêu diệt lãnh đạo Triều Tiên của Hàn Quốc bị cản trở

Hàn Quốc cũng ngán khi Triều Tiên đã có thể tấn công nước Mỹ bằng tên lửa hạt nhân, Bình Nhưỡng đang cố gắng làm suy yếu quyết tâm can thiệp nhân danh Hàn Quốc, nếu như chiến tranh bùng nổ ở bán đảo Triều Tiên.

Sau cuộc họp với Hội đồng an ninh quốc gia sáng 29.7, Tổng thống Moon nói: “Chúng tôi phải xem xét các biện pháp tăng cường khả năng đánh chặn của quân đội Hàn Quốc, đối phó hiệu quả với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”.

Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc nói: nước họ muốn có tên lửa đạn đạo đủ mạnh để tấn công vào lãnh thổ Triều Tiên, gồm nơi ở của lãnh đạo Triều Tiên và các vị trí tên lửa, kho hạt nhân vốn được cho là giấu sâu dưới đáy.

Nhưng tham vọng này bị một thỏa thuận Mỹ-Hàn hồi những năm 1970 cản trở. Theo thỏa thuận này, Mỹ giúp Hàn Quốc xây dựng tên lửa đạn đạo có tầm bắn 780 km, nhưng đầu đạn gắn lên chúng không được nặng quá 500 kg, vì Mỹ lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Hàn Quốc đã có thể nạp đầu đạn nặng hơn 2 tấn lên tên lửa đạn đạo có tầm bắn ngắn hơn, nhưng các tên lửa này lại không thể bắn tới các căn cứ tên lửa ở Triều Tiên.

Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân riêng, và từ hàng chục năm qua, Mỹ can thiệp để chấm dứt việc Hàn Quốc bí mật phát triển vũ khí hạt nhân.

“Tấm khiên” hạt nhân cho phép Bình Nhưỡng hung hăng hơn

Đề nghị của Hàn Quốc phản ánh chuyện khu vực Bắc Á ngày càng ngán ngại khả năng tên lửa của Triều Tiên, và có thể tác động đến chủ trương bảo vệ các đồng minh của Mỹ tại khu vực này.

Ngày 29.7,Tổng thống Moon cảnh cáo: vụ Triều Tiên phóng quả ICBM thứ 2 có thể dẫn tới việc “thay đổi sâu sắc cơ cấu an ninh Đông Bắc Á”.

Nhà nghiên cứu cấp cao Adam Mount ở Trung tâm vì tiến bộ Mỹ (ở Washington) nói về vụ phóng ICBM của Triều Tiên ngày 28.7:

“Chính sách Mỹ từ 21 năm qua là ngăn chặn ngày này. Nay ngày đó đã đến. Triều Tiên không thử phóng ICBM để thách thức Mỹ, mà là hy vọng sẽ chia rẽ Mỹ với các đồng minh”.

Barry Pavel, chủ nhiệm Trung tâm Brent Scowcroft về an ninh quốc tế (thuộc Hội đồng Atlantic, Mỹ) nói Triều Tiên có thể dùng khả năng ICBM gắn đầu đạn hạt nhân để “tấn công Mỹ và chặn Mỹ hợp tác an ninh với các đồng minh châu Á thân cận”.

Ông còn nói một khi Triều Tiên đã có “tấm khiên” hạt nhân, Bình Nhưỡng có thể hành động hung hăng hơn ở từng chính sách quân sự và đối ngoại.

Trong tài liệu Lần lại mối đe dọa ngày càng lớn của Triều Tiên, mà Hội đồng Atlantic trình chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6, ông Pavel và đồng tác giả Robert A. Manning viết:

“Sự hung hăng của Triều Tiên có thể gồm “tăng mạnh những hành động khiêu khích nguy hiểm, bán vũ khí hủy diệt hàng loạt cho các nước khác cùng những tổ chức khủng bố vào lúc Bình Nhưỡng rất cần tiền mặt”.

“Cần có một vị tổng thống Mỹ trí tuệ” để xử lý vấn nạn Triều Tiên

Theo nguồn tin từ các cơ quan tình báo Mỹ và Lầu Năm Góc của báo New York Times, có sự nhận định rằng Triều Tiên đang thể hiện sự đe dọa: nếu Mỹ dọa nạt chế độ Kim Jong-un thì Bình Nhưỡng cũng có khả năng dọa giết và tiêu diệt nước Mỹ.

Mỹ đã sống chung với mối đe dọa này từ Trung Quốc và Nga suốt hàng chục năm. Nhưng cả 4 đời tổng thống Mỹ trước đều nói Mỹ không thích liều lĩnh với một chính phủ khó lường như Triều Tiên.

Vài giờ sau quả ICBM được Triều Tiên phóng khuya 28.7, vài cựu quan chức Mỹ nói Tổng thống Donald Trump không có nhiều giải pháp.

Mark W. Lippert, Đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc thời ông Barack Obama, nói Nhà Trắng chỉ có một giải pháp là đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán.

Vấn đề là Bình Nhưỡng đang tính toán điều mong muốn đầu tiên: là một thành viên thường trực của câu lạc bộ các nước có vũ khí hạt nhân và có thể tấn công các thành phố Mỹ để củng cố uy thế trước bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Ông Lippert nói, khi không thể có được đàm phán, vấn đề kế tiếp là Mỹ sẽ kiềm chế hay hành động quân sự.

Những người khác thắc mắc chính quyền Mỹ đang vướng đấu đá nội bộ, liệu có thể tập trung vào vấn nạn Triều Tiên?

R. Nicholas Burns, từng là trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề chính trị thời Tổng thống Bush, nói: “Phải có một tổng thống Mỹ trí tuệ, có độ sâu tri thức về lịch sử và thế giới thì mới có thể xử lý khủng hoảng Triều Tiên”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)