Mỹ đã chọn đối trọng với Nga ngay tại Ukraine?
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:40, 29/08/2017
Chính sách của Mỹ về Ukraine ngày càng gia tăng căng thẳng với Nga
“Cách đây vài tuần, chúng tôi vừa đồng ý cấp cho Ukraine lô thiết bị trị giá 175 triệu USD, bao gồm cả những thiết bị chuyên biệt sử dụng trong việc phòng thủ đất nước, nâng tổng giá trị thiết bị lên gần 750 triệu USD trong những năm qua. Chúng tôi đang tích cực xem xét vấn đề vũ khí phòng vệ sát thương”, RT News dẫn lời người đứng đầu Lầu Năm Góc tại cuộc họp báo.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cam kết ủng hộ Ukraine trong vấn đề Crimea - khu vực được sáp nhập vào nước Nga từ năm 2014. Theo đó Washington không chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý diễn tại Crimea mở đường cho việc Moscow thực hiện tái sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ nước Nga.
Hồi tháng 7.2017, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề xung đội tại Ukraine, Kurt Volker, đã tiết lộ rằng chính quyền Mỹ đang thúc đẩy việc xem xét khả năng gửi vũ khí hỗ trợ các lực lượng chính phủ Ukraine trong cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai, đòi độc lập ở miền Đông nước này, theo BBC News.
Trước đây, ông Volker từng đề xuất phương án Mỹ cần cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine để tăng cường sức chiến đấu cho quân đội nước này trong cuộc xung đột, song ý tưởng đó của nhà chính trị Mỹ đã bị chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama bác bỏ.
Thực ra ngay trong chuyến thăm đến Mỹ ngày 20.6 vừa qua của Tổng thống Ukraine Poroshenko, mong mỏi lớn nhất của Kiev là được Washington cung cấp vũ khi gây sát thương cho quân đội Ukraine, cũng vẫn không được chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét và đáp ứng.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis
“Mỹ hỗ trợ đào tạo và trang bị cho lực lượng Ukraine nhưng không cung cấp vũ khí gây sát thương. Chúng tôi không hoàn toàn loại trừ khả năng đó, nhưng nó chỉ có thể diễn ra trong tương lai”, người phát ngôn viên Lầu năm góc Capt Jeff Davis đã cho báo giới biết như vậy", The Guardian tường thuật.
Khi đó giới phân tích cho rằng, Washington coi trọng cải thiện quan hệ với Moscow nên không muốn làm cho tình hình Ukraine căng thẳng để tạo thêm rào cản cho quan hệ Nga – Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 60 ngày thì tình hình đã hoàn toàn thay đổi và đến nay thì chính quyền Tổng thống Trump cho thấy đã không còn e ngại gì với Moscow trong việc đưa mối nguy hại ngày càng sát với biên giới nước Nga.
Ngoài việc xem xét cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine, chính quyền Mỹ còn có những bước đi cộng hưởng căng thẳng cho cho quan hệ Nga – Mỹ liên quan đến ván cờ Ukraine, mà khiến Moscow phải cảnh báo là những hành động đó chỉ làm cản trở tiến trình hòa bình trong khu vực.
Cụ thể, ngày 7.8, Hải quân Mỹ đã bắt đầu xây dựng Trung tâm chỉ huy chiến dịch hàng hải tại căn cứ hải quân Ochakov ở Ukraine, sau khi Tiểu đoàn Công binh Hải quân Mỹ (Seabees) tổ chức lễ khởi công vào ngày 25.7 vừa qua, Sputnik đưa tin.
Và gần đây nhất, tại lễ kỷ niệm 26 năm Độc lập của Ukraine vào ngày 24.8, trong đoàn diễu binh của quân đội Ukraine, đã có sự tham gia của 231 binh sĩ Mỹ và NATO. Điều đó được Tổng thống Poroshenko mô tả là sự kiện lịch sử và xem Mỹ là cầu nối giúp cho Ukraine hoà nhập với thế giới phương Tây.
Điều gì khiến Washington thách thức với Moscow?
Theo The Wall Street Journal, những loại vũ khí cung cấp cho Ukraine để chống lại các hoạt động của Moscow diễn ra trong bối cảnh Washington cho rằng Moscow đã và đang giúp đỡ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine, như cung cấp xe tăng, xe bọc thép và các loại vũ khí tinh vi khác.
Theo nguồn tin mà tờ Tạp chí Mỹ có được thì Nga giúp đỡ lực lượng ly khai miền Đông Ukraine thông qua hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở khu vực chiến tranh. Lợi dụng việc này, Moscow đã cung cấp các loại vũ khí vào khu vực Donbass và vỏ bọc này hoàn toàn hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Điều đó khiến cho Mỹ không ngần ngại cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine mặc dù biết hành động này sẽ làm cho cuộc xung đột trở nên căng thẳng hơn. Thậm chí Washington còn sẵn sàng đề nghị các đồng minh như Anh, Ba Lan, Lithuania, Canada và các nước khác tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev.
Theo các chuyên gia quân sự, khi Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ lên kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine, điều đó cho thấy Washington muốn giải quyết xung đột ở Ukraine bằng vũ lực, nhằm tiêu diệt lực lượng nổi dậy ở Donbass, gạt ảnh hưởng của Moscow khỏi Ukraine.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, giới phân tích lại cho rằng sự thay đổi trong chính sách với Ukraine không chỉ đơn thuần là hành động trả đũa Moscow lợi dụng danh nghĩa hỗ trợ nhân đạo để đi đêm với lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine, mà vấn đề nằm ở điều chỉnh chiến lược của Washington.
Khi Nga tham gia vào cuộc chiến Syria, hành động đó được nhìn nhận là Moscow đã bắn một mũi tên tới hai đích. Một là khẳng định lại vị thế siêu cường quân sự của mình sau 1/4 thế kỷ lép vế trước Mỹ và NATO, hai là quyết đưa đối trong Nga - phương Tây ra xa biên giới nước Nga.
Chính vì vậy, Nga luôn tạo ra sự so kè với Mỹ trong cuộc chiến Syria và luôn tránh đối đầu trực diện với Mỹ tại chiến trường. Khi Mỹ phóng Tomahawk vào Syria hay bắn rơi máy bay của quân đội Syria thực hiện nhiệm vụ tấn công khủng bố, quân đội Nga vẫn không khai hoả đáp trả hành động của Mỹ.
Binh sĩ Mỹ và NATO tham gia diễu binh cùng binh sĩ Ukraine là một thách thức với Nga
Nga chọn nâng cao vị thế và khẳng định vai trò đạo diễn cho ván cờ Syria bằng việc tăng cường tấn công khủng bố và đẩy nhanh tiến trình chính trị cho Syria. Đây là hai mặt trận mà Mỹ và lực lượng được Mỹ bảo trợ tại Syria tỏ ra lép về trước Nga và chính phủ Syria. Điều đó khiến cho Mỹ đến giờ này vẫn chưa thể lật ngược thế cờ của Nga trong ván cờ Syria.
Trong khi đó tại ván cờ Ukraine, khi Washington nhường vai trò cho "Bộ tứ Normandy" song mọi việc vẫn không thể tiến triển và lực lượng ly khai miền Đông dường như ngày càng thắng thế trước chính phủ Kiev. Điều đó giúp cho Moscow hoàn toàn yên tâm trước mối đe doạ từ vùng đệm của phương Tây.
Khi Quốc hội Mỹ đẩy nhanh tiến trình luật hoá trừng phạt Nga đưa Nhà Trắng vào thế không thể thay đổi tích cực quan hệ với Kremlin, Tổng thống Trump được cho là đã "té nước theo mưa" trong việc gia tăng căng thẳng quan hệ với Moscow và thay đổi chính sách với Ukraine là nhất cử lưỡng tiện trong trường hợp này.
Ngày 28.8, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto tại Washington, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng rằng “Nga là một nước lớn, là một quốc gia hạt nhân và tôi nghĩ chúng tôi cuối cùng cùng sẽ hòa thuận với họ”.
Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh: “Tôi cho rằng nếu chúng tôi có thể duy trì mối quan hệ tuyệt vời hoặc ít nhất là mối quan hệ tốt đẹp với Nga… thì đó sẽ là điều rất tốt. Và tôi tin một ngày nào đó chuyện này sẽ xảy ra”. Tuy nhiên, theo giới phân tích thì đó chỉ là ngôn ngữ ngoại giao mà thôi.
Tóm lại, việc Mỹ thay đổi chính sách với Ukraine, gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Nga là sự điều chỉnh chiến lược của Washington, nhằm kéo mối nguy hiểm về sát biên giới nước Nga, từ đó thay đổi cục diện trong những ván cờ mà Nga đang làm ảnh hưởng tới vị thế và vai trò của Mỹ.
Ngọc Việt