Vì sao Qatar tái khởi động quan hệ với Iran giữa khủng hoảng vùng Vịnh?

Góc nhìn - Ngày đăng : 10:48, 27/08/2017

Theo Reuters, ngày 24.8 Bộ Ngoại giao Qatar ra thông báo rằng Đại sứ Qatar tại Iran sẽ trở lại Tehran để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sau hơn 20 tháng được triệu hồi về nước.
Cuộc khủng hoảng Qatar đã không còn là sự kiện nóng trong đời sống chính trị tại Trung Đông

Quyết định của Doha được đưa ra sau khi Bộ trưởng ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani thảo luận với người đồng cấp Iran Javad Zarif. Nhà ngoại giao Qatar cho biết Doha muốn tăng cường mối quan hệ với Tehran trong tất cả các lĩnh vực.

Theo giới quan sát, động thái mới nhất của Doha có thể làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh vẫn đang ở tình trạng bế tắc, mà quan hệ giữa Qatar với Iran là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho cuộc khủng hoảng được khởi phát và gia tăng căng thẳng.

Tại sao Qatar lại "đổ thêm dầu vào lửa"trong lúc này?

Ả Rập Saudi và các đồng minh đã không thành công trong việc phong tỏa Qatar

Cũng nên nhắc lại rằng, cuộc khủng hoảng Qatar bùng phát vào ngày 5.6, khi Ả Rập Saudi, Ai Cập, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp nội bộ của các nước trong khu vực.

Ngày 9.6, Liên minh phong toả Qatar ra thông báo chung, thống nhất liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức tại Qatar vào danh sách khủng bố và cho biết những quốc gia anh em của Qatar sẽ không nương tay trong việc truy lùng những cá nhân và tổ chức này.

Cuộc khủng hoảng được đẩy lên đỉnh điểm, khi ngày 23.6, những người anh em gửi tới Qatar một bản yêu sách 13 điểm, trong đó có yêu cầu Doha đóng kênh truyền Al Jazeera, cắt đứt quan hệ với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.

Bên cạnh đó, Qatar được yêu cầu phải công khai tuyên bố cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố cực đoan, giao nộp tất cả các phần tử khủng bố nằm trong danh sách do Liên minh phong toả cung cấp, đồng thời Qatar không được cấp quốc tịch Qatar cho công dân của bốn quốc gia này.

Bị cô lập, Qatar bất ngờ tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao với Iran

Qatar ngày càng khiến cho liên minh phỏng toả mất thế chủ động

Trước những động thái quyết liệt từ những người anh em, tưởng chừng Qatar sẽ phải nhượng bộ, song Doha không những không tuân thủ mà còn quyết định thành lập Ủy ban phụ trách đòi bồi thường hàng tỉ USD bị cho là thiệt hại bởi lệnh phong tỏa của Riyadh và các đồng minh.

Mặc dù vậy, theo giới phân tích, động thái của Doha được nhìn nhận là đã đưa cuộc khủng hoảng Qatar bước sang một giai đoạn mới, bởi dù Liên minh phong toả chưa phản ứng với đòn hiểm của Doha, song hai bên đã có thể ngồi lại với nhau trong việc thương lượng những mất mát, thiệt hơn.

Nhưng bỗng dưng ngày 11.7 hãng tin CNN của Mỹ lại cho công bố 2 bản thoả thuận mà Qatar đã ký với với các quốc gia trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), trong đó các bên có cam kết không can thiệp vào nội bộ của nhau, không hỗ trợ tài chính, chính trị cho các tổ chức chống chính phủ…

Với những thông tin bí mật được người Mỹ bật mí, những đồng minh của Mỹ tại Trung Đông đã rơi vào thế khó, bởi theo thoả thuận đã ký kết thì bên nào cũng có lỗi trong cuộc khủng hoảng Qatar và đều có thể rơi vào thế nguy hiểm với bẫy bập bênh lợi ích của Washington.

Để chủ động giảm nhiệt, đồng nghĩa xuống nước và chấp nhận mất thế trước Doha, ngày 18.7, Riyadh và các thành viên trong Liên minh phong toả đã sửa đổi nội dung và cắt giảm bản yêu sách đối với Qatar xuống chỉ còn 6 điểm.

Tuy nhiên, Doha đã phớt lờ những động thái đó từ phía đối thủ, mà còn chủ động có những nước đi phá vòng vây, đưa ra chính sách cư trú mới cho công dân nước ngoài và những người đã từng “phục vụ vì lợi ích” của Qatar, vào ngày 3.8.

Ngày 12.8, Doha đã thực hiện một nước đi táo bạo và mang tính quyết định khi đưa ra chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 80 quốc gia, qua đó "giúp Qatar trở thành nước cởi mở nhất khu vực", như lời ông Hassan al-Ibrahim, quan chức phụ trách du lịch Qatar.

Giám đốc hãng hàng không Qatar Airways, Akbar al-Baker, thì cho rằng chính sách miễn thị thực của Qatar là một "chính sách mang tính lịch sử và rất có ý nghĩa, khi một số quốc gia trong khu vực đã quyết định đóng không phận và biên giới của mình thì Qatar đã mở cửa", Reuters tường thuật.

Có lẽ cảm nhận được sự thất thế của mình trong tư cách là thực thể khởi phát cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, phong toả ngoại giao Qatar, Ả Rập Saudi đã có một quyết định quan trọng, đó là mở lại cửa khẩu Salwa bắt đầu từ ngày 17.8, tạo điều kiện cho người hành hương Qatar tham gia lễ Hajj năm 2017.

Đặc biệt, ngày 22.8, trong cuộc gặp với các quan chức cao cấp của Mỹ, Hoàng tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman chỉ thảo luận về hòa bình giữa Israel và Palestine, nhằm đảm bảo ổn định ở khu vực Trung Đông. Cuộc khủng hoảng Qatar đã không hề được nhắc đến trong chương trình nghị sự.

Theo giới phân tích, khi “đồng phạm khủng bố” Qatar không còn nằm trong những vấn đề chính trị nóng bỏng tại Trung Đông, cho thấy Ả Rập Saudi và các đồng minh đã thất bại trong việc phong toả Qatar. Và đó cũng là lý do khiến Doha chủ động tái lập hoạt động của Đại sứ quán Qatar tại Tehran.

Qatar đã thành công trong chính sách ngoại giao vũ khí, qua đó thoát khỏi vòng vây của Liên minh phong tỏa

Trong khi đại diện của Washington và Riyadh ngồi bên bờ Biển Đỏ bàn bạc về hoà bình cho hai dân tộc Do Thái và Palestine diễn ra, thì tại Qatar, lực lượng lính dù của quân đội nước này đã tiến hành một cuộc diễn tập chung với quân đội Mỹ.

Theo Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt (SOCOM) của Mỹ, cuộc diễn tập mang tên “Cú nhảy hữu nghị” (Friendship Jump). Tuỳ viên quân sự Đại sứ quán Mỹ tại Qatar, Đại tá David Keesy cho biết cuộc diễn tập nhằm củng cố "mối quan hệ quan hệ đối tác hợp tác giữa hai quân đội”.

F-15s (file photo)

Qatar đã thành công với chính sách ngoại giao vũ khí

Đây là cuộc diễn tập thứ 2 giữa Mỹ và Qatar kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh và diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Và Qatar là nơi đặt căn cứ không quân Al Udeid lớn nhất của Mỹ tại khu vực Trung Đông.

Trước đó, ngày 1.8, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, đồng minh chính của Ankara trong khu vực, đã tiến hành tập trận chung tại Qatar với sự tham gia của 250 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và 30 xe thiết giáp. Theo truyền thông quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng lục quân mở đầu cuộc tập trận và sau đó là lực lượng hải quân.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Ankara ngày càng thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với Doha trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Ankara vẫn cung cấp lương thực và hàng hóa thiết yếu cho Qatar, bên cạnh đó còn khẳng định sẽ không đóng cửa căn cứ quân sự tại Qatar.

Ngoài việc tổ chức tập trận chung với quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khẳng định vị thế và đảm bảo an toàn cho mình, Doha đã vận dụng lại chính sách “ngoại giao vũ khi” nhằm lật ngược thế cờ như trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh năm 2014.

Đó là ngày 14.6, khi cuộc khủng hoảng Qatar đang bị đẩy lên đỉnh điểm thì Doha đã ký với Washington một Hợp đồng mua bán vũ khí với trị giá lên đến 12 tỉ USD, theo đó Mỹ sẽ cung cấp cho quân đội Qatar 36 máy bay chiến đấu F-15, theo Bloomberg News.

Gần đây nhất là ngày 2.8, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Italy Angelino Alfano tại thủ đô Doha, đã cho biết nước này lại vừa ký một thỏa thuận mua 7 tàu hải quân của Italy, với trị giá lên đến 5 tỉ euro (khoảng 5,91 tỉ USD).

Rõ ràng, cho đến lúc này những cáo buộc Qatar "đồng phạm khủng bố" đã không làm thay đổi vị thế của nước này với Mỹ và các nước phương Tây, ngược lại Doha còn có những nước đi quyết liệt, đưa những người anh em vùng Vịnh vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Việc Qatar quyết định tái lập hoạt động ngoại giao nhà nước tại Iran đã chứng tỏ tiểu quốc Trung Đông này không hề hấn gì trước những cú ra đòn của Liên minh phong toả và Doha đã nhận được niềm tin của Washington - thực thể luôn trừng phạt rất khắc nghiệt với khủng bố hay đồng phạm khủng bố.

Ngọc Việt