Liệu trời có cản được Triều Tiên ngừng phóng tên lửa cuối tuần này

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:18, 09/09/2017

Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ các động thái của Triều Tiên khi Bình Nhưỡng đang trong thời gian kỷ niệm ngày lập quốc (9.9.1948). Có những dự đoán về khả năng Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM ngay dịp cuối tuần này.

Người phát ngôn Bộ Thống nhất của Seoul, Eugene Lee, hôm thứ Sáu, cho biết Bình Nhưỡng có khả năng sẽ tiến hành các cuộc thử ICBM tiếp theo vào cuối tuần này hoặc khoảng ngày 10.10 - dịp kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên.

Nếu có yếu tố nào tác động đến việc Triều Tiên không thử tên lửa ngay thời điểm này thì chỉ có thể là mặt trời. Chúng ta không nói đến ông trời theo thuyết duy tâm mà đề cập vấn đề theo hướng rất duy vật biện chứng.

Theo News của Úc, những hoạt động trên mặt trời có thể làm trì hoãn kế hoạch thử tên lửa của Triều Tiên. Các ghi nhận từ giới nghiên cứu cho thấy vừa có vụ nổ lớn trên mặt trời và nó có thể tạo ra những cơn bão mặt trời rất mạnh tới Trái đất. Dạng bão từ mặt trời là mối đe dọa lớn đối với thiết bị điện tử và điều này có nghĩa là tên lửa có thể bị mất dữ liệu hay khả năng điều khiển dưới tác động của bão mặt trời.

Lance Gatling, một chuyên gia tư vấn hàng không vũ trụ ở viện nghiên cứu Nexial ở Tokyo, nói với Bloomberg rằng điều này có thể đủ để ngăn chặn Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Theo trung tâm Dự báo thời tiết Không gian Quốc gia và Hải dương học (NOAA), ảnh hưởng của cơn bão mặt trời hiện nay là mức G4, được coi là nghiêm trọng. Nó có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện, hoạt động của tàu vũ trụ và các hệ thống khác.

Hình ảnh ghi lại hoạt động trên mặt trời

Tuy vậy, Gatling cũng nói rằng Mỹ và Nhật Bản cũng nên muốn xem một vụ phóng tên lửa vào lúc này để kiểm tra khả năng hoạt động của thiết bị theo dõi trong lúc đang hứng chịu một cơn bão mặt trời.

Triều Tiên có thói quen đã đánh dấu các ngày quan trọng với việc thể hiện sức mạnh quân sự. Nhưng gần đây, họ tiến hành thử tên lửa thường xuyên hơn trong sự lo ngại của khu vực. Hồi cuối tháng 8, Triều Tiên đã phóng thử một quả tên lửa đạn đạo bay qua nước Nhật mà không cần đợi đúng dịp lễ nào. Sự lo ngại còn tăng cao hơn khi hôm 3.9, Triều Tiên tuyên bố thử thành công một quả bom nhiệt hạch thiết kế cho tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Giới chuyên gia ước tính, đương lượng nổ của quả bom này có thể gấp 8-10 lần so với quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trước kia. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng tỏ ra hoài nghi khi cho rằng vũ khí Triều Tiên thử nghiệm chưa chắc là một quả bom hạt nhân.

“Chúng tôi vẫn đang đánh giá vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại tôi có thể nói rằng giới chức Mỹ không phát hiện điều gì mâu thuẫn với tuyên bố của Triều Tiên rằng đó là một quả bom nhiệt hạch”, một quan chức cấp cao Mỹ nhận xét.

A.T