Lý do khiến chính quyền Tổng thống Assad thay đổi lập trường với người Kurd ở Syria

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:06, 29/09/2017

Hãng thông tấn SANA ngày 26.9 đưa tin, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem cho biết chính quyền nước này hoàn toàn để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc đàm phán với cộng đồng người Kurd về đòi hỏi của họ đối với cơ chế tự trị trong lãnh thổ Syria, sau khi đánh bại Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Russia Today, người đứng đầu ngành ngoại giao Syria nêu rõ: "Vấn đề này có thể được thương lượng và thảo luận sau khi chúng tôi tiêu diệt IS. Khi đó chúng tôi có thể ngồi lại cùng với người Kurd để đạt được sự đồng thuận về kế hoạch cho tương lai đất nước .

Đây được xem là một bất ngờ lớn, bởi lập trường của chính quyền Syria là luôn phản đối việc trao quy chế tự trị cho người Kurd với lý do điều đó sẽ phá vỡ tính thống nhất của nhà nước Syria, ảnh hưởng tiêu cực tới vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc tại Syria.

Điều gì khiến Damascus thay đổi lập trường với người Kurd? Theo giới phân tích, việc chính quyền Syria gửi thông điệp hoà bình tới người Kurd trong bối cảnh tộc người này đang có những chuyển động chính trị quan trọng là một quyết định kịp thời, giúp Damascus tránh phải đối mặt với nguy cơ "mất cả chì lẫn chài". Tại sao vậy?

Thứ nhất, việc nâng cao địa vị chính trị cho người Kurd tại Trung Đông đã trở thành tất yếu với động lực từ cả diễn biến tình hình thực tế lẫn yếu tố lịch sử.

Theo History, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ I kết thúc, phe thắng trận là Anh, Pháp, Nga đã thực hiện việc định hình lại bản đồ chính trị thế giới. Tại Trung Đông, Đế chế Ottoman đã bị tấn công và tan rã, tạo ra một bàn cờ chính trị mới, khởi đầu cho dòng chảy lịch sử thời hiện đại.

Ngày 19.5.1916, đại diện của Anh là Sir Mark Sykes và đại diện của Pháp Francois Georges Picot đã bí mật ký kết một thoả thuận – được gọi là Thỏa thuận Sykes-Picot - phân chia vùng lãnh thổ Ả Rập nằm dưới sự cai trị của Đế chế Ottoman thành các vùng ảnh hưởng của Anh và Pháp.

Hoà trong dòng chảy đó, vị thế của người Kurd - một tộc người sinh sống tại vùng đất do Đế chế Ottoman cai trị - cũng được xác lập. Nhưng thay vì người Kurd sẽ sống trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ - thực thể kế thừa Đế chế Ottoman - thì Thoả thuận Sykes-Picot lại chia ly tộc người này, khi quyết định nơi sinh sống của người Kurd là ngã tư biên giới giữa Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Người Kurd bị chia ly khi phải sống tại ngã tư biên giới giữa Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ

Và khi bị chia ly thì địa vị chính trị của người Kurd cũng không được xác lập tại các quốc gia là quê hương mới của họ. Từ đó phong trào đấu tranh của người Kurd nhằm nâng cao địa vị cho mình đã diễn ra. Tuy nhiên, vị thế của người Kurd tại Trung Đông vẫn không có gì thay đổi, cho đến trước khi Nghị quyết 688 của HĐBA LHQ được thông qua vào ngày 5.4.1991.

Nghị quyết 688 đã cho phép Mỹ lập vùng cấm bay tại bắc Iraq để bảo vệ người Kurd trước sự đàn áp của chính quyền Saddam Hussein, qua đó cơ chế tự trị của người Kurd tại Iraq đã được xác lập. Năm 2003, sau khi chính quyền Saddam bị lật đổ, người Kurd lần đầu tiên có mặt trong cơ cấu quyền lực mới của Iraq với việc nắm giữ định chế Nguyên thủ quốc gia.

Từ khi địa vị chính trị của người Kurd ở Iraq được xác lập và nâng lên thì người Kurd ở các quốc gia Trung Đông khác cũng có những chuyển động chính trị đơn phương nhằm xác lập địa vị chính trị cho mình. Như vậy, cuộc đấu tranh cho quyền tự quyết dân tộc của người Kurd hơn 100 năm qua đã trở thành xu thế trong hiện tại.

Thứ hai, người Kurd ở Syria đã chính thức xác lập cơ chế tự trị mà việc Damascus gạt bỏ sẽ khiến cho cuộc xung đột tại Syria thêm ác liệt và không thể kết thúc.

Như đã biết, ngày 22.9 vừa qua, tại các khu vực do người Kurd quản lý ở miền bắc Syria đã tổ chức bầu cử tại các đơn vị hành chính cấp cơ sở, tương đương cấp xã - một dấu mốc lịch sử trong quá trình hiện thực hóa khát vọng tự quyết của người Kurd ở Syria.

Cuộc bầu cử là hoạt động chính trị quan trọng mà qua đó người Kurd ở Syria đã chính thức xác lập cơ chế tự trị của mình. Cuộc bầu cử đơn vị hành chính cấp cơ sở là một trong ba cuộc bầu cử nhằm chính thức thiết lập hệ thống chính trị tự trị của người Kurd ở Syria.

Năm 2016, cộng đồng người Kurd đã đơn phương xác lập cơ cấu chính trị tự trị, trong đó bao gồm : Về mặt thể chế, một khế ước xã hội được xem là đạo luật cơ bản có giá trị như một bản Hiến pháp, được Hội đồng lâm thời thông qua làm nền tảng cho mọi hoạt động chính trị.

Về mặt định chế, một Quốc hội lập hiến và hệ thống các hội đồng địa phương sẽ vận hành theo cơ chế của một thực thể chính trị tự trị với quyền tự quyết hạn chế, nằm trong cơ chế liên bang của Syria.

Theo Reuters: "Trong cuộc bầu cử vào ngày 22.9, cử tri người Kurd ở Syria tiến hành bầu chọn lãnh đạo cho khoảng 3.700 hội đồng cơ sờ, tương đương cấp xã. Sau đó tháng 11.2017 sẽ thực hiện bầu các hội đồng địa phương và tháng 1.2018 sẽ tiến hành bầu Quốc hội".

Chủ tịch Hội đồng Lâm thời người Kurd Hadiya Yousef cho rằng quyết định tổ chức các cuộc bầu cử đã phản ánh quyết tâm của người Kurd về quyền tự quyết của mình. Đồng thời đó cũng là thông điệp gửi tới chính quyền Syria hiện nay về mong muốn của người có chính quyền đại diện điều hành tại các khu vực người Kurd quản lý.

Kết quả hình ảnh cho picture of Kurd in Syria voting 22.9.2017

Người Kurd ở Syria không theo đuổi mục tiêu độc lập là điều kiện tốt nhất cho chính quyền Tổng thống Assad kết nối với lực lượng này

Tuy nhiên, bà Yousef luôn nhấn mạnh độc lập không phải là mục tiêu của người Kurd ở Syria. Đây được xem là điều kiện tốt nhất cho chính quyền Tổng thống Assad kết nối với lực lượng người Kurd, qua đó xác lập vị thế cho tộc người này cũng như đảm bảo địa vị chính trị của mình.

Thứ ba, nguy cơ Mỹ sẽ can thiệp lâu dài vào tình hình chính trị Syria mà việc nâng cao địa vị chính trị cho người Kurd được xem là nguyên cớ cho hành động của Washington.

Ngày 25.9 vừa qua, người Kurd ở Iraq đã thực hiện cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập và kết quả là hơn 90% số người tham gia cuộc trưng cầu ủng hộ một nền độc lập cho người Kurd. Chính quyền Iraq đã bác bỏ kết quả này và thực hiện phong toả đối với khu vực do chính phủ tự trị Kudistan quản lý, khiến cho đất nước Iraq tiếp tục rơi vào vô định.

Theo giới phân tích, để xảy ra hậu quả như ngày hôm nay là do sai lầm của cả chính quyền Tổng thống Saddam Hussein lẫn chính quyền Iraq hiện tại. Bởi cả chính quyền Saddam và chính quyền hậu Saddam đều không chủ động tạo điều kiện cho người Kurd hòa nhập vào đời sống chính trị tại Iraq.

Việc xác lập và nâng cao địa vị chính trị cho người Kurd - cụ thể là xác lập cơ chế tự trị - hoàn toàn do người Mỹ thực hiện. Chính vì vậy, dù Mỹ không ủng hộ người Kurd thực hiện trưng cầu độc lập, song dù sự việc có diễn ra thì người Mỹ vẫn không mất đi vai trò và tầm ảnh hưởng của mình trong vấn đề người Kurd.

Điều đó cho thấy, chỉ vì bị động mà người Iraq đã để người Mỹ tạo ảnh hưởng quá lớn đối với đời sống chính trị tại Iraq xung quanh vấn đề nâng cao địa vị chính trị cho người Kurd. Giới phân tích cho rằng, nếu các chính quyền Iraq chủ động kết nối với người Kurd thi tình hình sẽ hoàn toàn khác.

Trong khí lực lượng người Kurd ở Syria cũng được Mỹ bảo trợ và cũng đã xác lập cơ chế tự trị của mình, nghĩa là nguy cơ người Mỹ can thiệp lâu dài vào tình hình chính trị Syria đã được nhận diện. Bài học cay đắng của Iraq rất quý đối với Syria và dường như Damascus đã quyết tránh lặp lại sự nguy hại đó.

Việc chính quyền Syria chủ động lên tiếng về việc bỏ ngỏ khả năng thương lượng với người Kurd về cơ chế tự trị cho tộc người này, dù có muộn những vẫn còn đủ tác hiệu khiến cho tình hình có thể không diễn ra theo như chiều hướng tại Iraq, khi cuộc chiến chống IS kết thúc và Mỹ rút quân khỏi Syria như thông báo của Bộ Ngoại giao nước này.

Ngọc Việt