Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục: Hiệu ứng từ việc điều hành của Tổng thống Trump?
Góc nhìn - Ngày đăng : 21:31, 19/09/2017
Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục tăng điểm kỷ lục trong bối cảnh nước Mỹ có quá nhiều bất lợi
Xu hướng đi lên của The Wall Street được khởi động ngay từ phiên giao dịch đầu tuần, ngày 11.9 tới phiên giao dịch cuối tuần, ngày 15.9. The Wall Street duy trì sự hưng phấn và liên tục xác lập các mức cao kỷ lục mới nhờ nhóm cổ phiếu viễn thông bật tăng, còn nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghệ thì phục hồi mạnh mẽ.
Khép lại phiên giao dịch cuối tuần,chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 64,86 điểm, tương đương 0,3%, lên 22.268,34 điểm, đánh dấu phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp của chỉ số này khi đóng cửa ở mức cao kỷ lục và là phiên đi lên thứ sáu liên tiếp. Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,2%, tuần tăng mạnh nhất kể từ phiên giao dịch ngày 9.12.2016.
Cũng trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số S&P 500 vượt ngưỡng 2.500 điểm khi tăng 0,18%, lên 2.500,23 điểm, nâng tổng mức tăng trong từ đầu năm lên gần 11,6% và là chỉ số có diễn biến tốt nhất. Còn chỉ số Nasdaq tăng 19,38 điểm, tương đương 0,3%, lên 6.448,47 điểm, tăng tới 1,4% cho cả tuần.
Ấn tượng nhất là nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin của S&P 500 khi tăng 0,3% trong phiên cuối tuần, giúp cho nhóm chỉ số này dẫn đầu đà leo dốc, trong đó kỷ lục thuộc về cổ phiếu của Nvidia với mức tăng 6,32%. Cổ phiếu Apple cũng tăng 1,01% kể từ khi ra mắt dòng iPhone mới ngày 12.9.
Điều đáng nói là điểm sáng trên phong vũ biểu của nền kinh tế Mỹ - kỷ lục trên thị trường chứng khoán Mỹ - được xác lập trong bối cảnh nước Mỹ đối mặt rất nhiều bất lợi cho chính sách quản lý và hoạt động điều hành của chính phủ cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của giới đầu tư.
Đầu tiên nhất phải kể tới mức độ hoành hành của cơn bão lịch sử Irma đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh mất điện tại Florida. Thảm cảnh đó cộng hưởng với hậu quả từ sự tàn phá trước đó của hai “siêu bão” quét Miami và Orlando, khiến cho nước Mỹ bị thiệt hại vô cùng lớn, lên đến hàng trăm tỉ USD.
Cùng với đó là tình hình chính trị - xã hội Mỹ vẫn chưa thể ổn định sau “Dư chấn bạo lực Virginia”, khi những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng ủng hộ cánh hữu đụng độ những người ủng hộ quyền lợi cho người da đen và chống phân biệt chủng tộc, gây nên bạo lực ở thành phố Charlottesville.
Dư chấn bạo loạn tại Virginia khiến cho nước Mỹ chưa thể bình yên
Tình hình nguy hại đến mức Thống đốc Terry McAuliffe đã phải đặt Virginia trong tình trạng khẩn cấp, khi cả quy phạm đạo đức, quy phạm xã hội và quy phạm pháp luật đều bị vi phạm nghiêm trọng qua bạo loạn tại Charlottesville. Điều đó là sự cảnh báo cho viễn cảnh nước Mỹ sẽ không bình yên.
Trong khi đó thì Nhà Trắng phải liên tục hối thúc lưỡng viện Quốc hội Mỹ sớm quyết định nâng mức trần nợ công của Mỹ, vượt trên mức 19.900 tỉ USD, để tránh cho việc chính phủ Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, sau 5 tháng liên tiếp phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để cầm cự.
Bên cạnh đó, hiệu ứng ngược từ EU với việc luật hoá trừng phạt Nga của Mỹ và những phản ứng có thể khởi phát một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà các biện pháp của chính quyền Trump bị cho là có thể mất tác dụng trước sự vô hiệu hoá bởi chính sách và sự khởi sắc đặc biệt của kinh tế Trung Quốc.
Không những vậy, sự khiêu khích của Triều Tiên khiến Washington có nguy cơ phải thay đổi căn bản chiến lược tại Đông Bắc Á, mà có thể khiến Mỹ chịu nhiều thiệt hại trong ngoại giao nước lớn với Nga – Trung. Trong lúc đó thì việc tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico vẫn chưa có kết quả.
Rõ ràng, những bất lợi khách quan dồn dập đến với nước Mỹ và không tránh khỏi việc gây ra những hiệu ứng bất lợi cho kinh tế Mỹ, cả kinh tế nội địa lẫn kinh tế đối ngoại. Vậy mà phong vũ biểu của nền kinh tế Mỹ vẫn rực sáng, điều này chứng tỏ việc điều hành của chính phủ Mỹ đã có hiệu quả.
Chính sách điều hành của chính quyền Tổng thống Trump đã khẳng định được niềm tin với giới đầu tư?
Từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào ngày 20.1, bắt đầu cho hoạt động của chính phủ Mỹ nhiệm kỳ 57, tại nước Mỹ liên tục xác lập hiện tượng trái ngược: tỉ lệ ủng hộ của người dân dành cho Tổng thống Trump liên tục giảm kỷ lục, song chỉ số của phong vũ biểu nền kinh tế lại liên tục tăng kỷ lục.
Trước hiện tượng "kỳ quái" đó, ngày 1.3, The Telegraph đã bình luận rằng: “Thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào chính sách kinh tế của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, giới đầu tư nên thận trọng, bởi tất cả mới dừng lại ở lời hứa và cam kết. Chỉ khi nào chính sách đi vào cuộc sống thì mới chứng minh được giá trị”.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, trong quá trình tranh cử cũng như khi nắm quyền lực, Tổng thống Trump luôn xem “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng gia tăng lợi ích Mỹ, chứ không chỉ dựa trên sức mạnh Mỹ, giá trị Mỹ. Và để làm được điều đó thì trước tiên phải lấy lại cho người Mỹ những gì đã bị “cướp mất”.
Lợi ích của nước Mỹ vốn bị “cướp mất” là do bị đối thủ lấy ngay tại nước Mỹ, lấy ra khỏi nước Mỹ và ngăn cản dòng lợi ích chảy vào nước Mỹ. Giới đầu tư đặt niềm tin vào Tổng thống Trump khi nhận thấy ông có những động thái cụ thể đảm bảo cho lợi ích Mỹ không bị mất đi trong cả ba hình thức đó.
Tuy nhiên, sau 240 ngày điều hành chính phủ của vị tổng thống doanh nhân, những động thái nhằm giữ lại lợi ích cho nước Mỹ không còn được nhận diện là cơ sở cho việc xác lập kỷ lục trên thị trường chứng khoán, mà những chính sách giúp gia tăng lợi ích Mỹ mới là cơ sở khẳng định niềm tin với giới đầu tư.
Theo giới phân tích, chính quyền Tổng thống Trump đã có những cơ chế điều hành vĩ mô hợp lý, qua đó giúp cho doanh nghiệp và người dân Mỹ có thể tối đa hoá lợi ích trong những tình huống hay những nghiệp vụ kinh tế phát sinh, từ đó giúp gia tăng lợi ích cho nước Mỹ trong quan hệ với các đối tác.
Chẳng hạn, việc ủng hộ luật hoá trừng phạt Nga là một bước đi hiệu quả trong việc gia tăng lợi ích cho ngành năng lượng Mỹ, hiện thực hoá việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô. Bởi nó giúp tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu năng lượng Mỹ trước các đổi thủ Nga tại thị trường EU.
Tổng thống Trump đã khai thác tối đa công hiệu của chính sách ngoại giao kinh tế
Khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo nhu cầu dầu trong năm 2017 và thông báo lượng dự trữ xăng toàn cầu không còn dư thừa nhiều như trước, điều đó giúp cho các doanh nghiệp ngành năng lượng như được tiếp thêm sức mạnh, giúp nhóm cổ phiếu năng lượng phục hồi mạnh mẽ.
Hoặc việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa khiến Trung Quốc trả đũa Hàn Quốc, điều đó giúp cho sức hút từ Mỹ đối với doanh nghiệp Hàn Quốc tăng lên. Ngay lập tức chính quyền Trump đế xuất xem xét lại Hiệp định tự do thương mại Mỹ - Hàn, khiến Hàn Quốc chỉ "lợi đơn", còn Mỹ được "lợi kép".
Hay việc Washington được cho là đã thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ tận dụng vị thế của Mỹ trong việc đưa cả Qatar và Liên minh phong toả lên đòn bập bênh lợi ích Mỹ, giúp doanh nghiệp Mỹ khai thác tối đa lợi ích tại Trung Đông.
Theo Reuters, khi cuộc khủng hoảng Qatar đang ở đỉnh điểm, Giám đốc điều hành của ExxonMobil cùng các đối tác là Royal Dutch Shell của Hà Lan và Total của Pháp đã họp bàn với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani về kế hoạch nâng sản lượng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) lên 30%.
CEO Darren Woods của ExxonMobil đã bày tỏ sự quan tâm trong việc giúp Qatar đạt được tham vọng cung cấp 1/3 lượng LNG toàn cầu trong vòng 5-7 năm tới. Trong khi đó, ExxonMobil và các đối tác vẫn gia tăng đầu tư vào các nước thuộc Liên minh phong toả Qatar.
Có thể thấy rằng, chính quyền Trump đã tận dụng mọi cơ hội giúp cho việc gia tăng lợi ích Mỹ được tối đa hoá trong mọi tinh huống. Và đây được xem là cơ sở cho niềm tin của giới đầu tư trong việc làm sáng hơn phong vũ biểu của nên kinh tế, tạo ra những kỷ lục vô tiền khoáng hậu cho thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian qua.
Ngọc Việt