Nga tìm ưu thế trước Mỹ trong cuộc cạnh tranh tại Trung Đông
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:56, 11/10/2017
Mỹ - Nga với những sự kiện lịch sử xoay quanh quan hệ với Ả Rập Saudi
THAAD được xem là hệ thống đánh chặn tên lửa hiệu quả nhất của Mỹ nhưng đã được lắp đặt tại Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vì vậy THAAD được lắp đặt tại Ả Râp Saudi có thể.phá vỡ thế cân bằng quân sự giữa các đồng minh của Mỹ đã được xác lập tại Vùng Vịnh.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là Washington quyết định cung cấp THAAD cho Riyadh diễn ra trong bối cảnh Quốc vương Ả Rập Saudi Salman Abdulaziz Al-Saud đang có chuyến thăm đặc biệt tới Nga và vấn đề mua bán vũ khí cũng là một trong những nội dung quan trọng của lịch trình.
Chính vì vậy, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng "thương vụ THAAD giúp tăng cường an ninh và lợi ích đối ngoại của Mỹ, hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ả Rập Saudi và Vùng Vịnh trước mối đe doạ từ Iran cũng như các mối đe dọa khác trong khu vực" đã chứa đựng nhiều ý nghĩa.
"Thương vụ THAAD" sẽ được xúc tiến nếu Quốc hội Mỹ không phản đối trong vòng 30 ngày, kể từ khi Nhà Trắng ra quyết định. Được biết, việc mua THAAD được Riyadh xúc tiến từ lâu, vì vậy thương vụ diễn ra là một bước tiến lớn trong việc tăng cường tiềm lực quân sự của Ả Rập Saudi.
Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ thì "Thương vụ THAAD" chính là một phần trong thỏa thuận mua bán vũ khí với trị giá 110 tỉ USD giữa Riyadh và Washington đã được thông qua khi Tổng thống Donald Trump viếng thăm Ả Rập Saudi hồi tháng 5 vừa qua.
Cũng nên nhắc lại rằng, chuyến công du quốc tế đầu tiên của Tổng thống Trump đến vùng đất nóng đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi. Ông Trump được Hoàng gia Ả Rập Saudi đón tiếp long trọng hơn rất nhiều so với đón tiếp cựu Tổng thống Obama.
Không những vậy, Mỹ còn ký thỏa thuận về mua bán vũ khí với Ả Rập Saudi có tổng trị giá lên đến 350 tỉ USD trong hơn 10 năm, trong số đó có khoản trị giá 110 tỉ USD là có hiệu lực ngay lập tức. Đây được xem là kỷ lục trong một chuyến công du quốc tế của một tổng thống Mỹ.
Nhà Trắng đã ca ngợi thỏa thuận giữa Washington và Riyadh là một bước tiến lịch sử trong mối quan hệ giữa những đồng minh chiến lược, thể hiện mong muốn của nhà lãnh đạo Mỹ trong việc tạo ra một liên minh hùng mạnh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Với giá trị khủng của các thỏa thuận giữa Mỹ và Ả Rập Saudi, khi đó đã có nhiều nhìn nhận rằng những con số khổng lồ ấy chỉ là những giá trị danh nghĩa, còn giá trị thực tế thì chắc chắn sẽ khác xa. Nay với "Thương vụ THAAD" mở đầu, Washington đã chứng minh đó là sự thật và giá trị thật.
Chỉ có điều quyết định của Washington được loan báo chỉ một ngày sau khi Quốc vương Salman gặp Tổng thống Putin trong chuyến viếng thăm nước Nga, sau hơn 90 năm thiết lập quan hệ. Và đặc biệt hai bên cũng đã thống nhất về việc Moscow cung cấp cho Riyadh hệ thống phòng thủ S-400.
Cũng nên biết rằng, năm 1926 Liên bang Xô viết là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Nhà nước Ả rập Saudi độc lập, song sau đó lại là những nốt trầm trong quan hệ và rồi gần như đóng băng. Đến khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, quan hệ với Ả Rập Saudi mới được Nga tái lập.
Tổng thống Trump trong chuyến công du quốc tế đầu tiên và đã tạo ra sự kiện lịch sử
Tuy nhiên, vấn đề cũng chẳng khá hơn trước là mấy, mà nguyên nhân được cho là do Ả Rập Saudi bị sức hút quá lớn từ trục Mỹ trong thế giới đơn cực. Bên cạnh đó, lợi ích giữa Nga và Ả Rập Saudi cũng khó dung hòa khi cả hai đều là những nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Điều đó khiến chưa có một Quốc vương Ả Rập Saudi nào đến thăm Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga ngày nay, cho đến trước ngày 4.10.2017, sau khi hai bên quyết định cùng gạt sang một bên những bất đồng trong quá khứ, đặt cột mốc mới cho quan hệ bang giao.
Chính vì thế, chuyến công du của Quốc vương Ả Rập Saudi Salman Abdulaziz Al-Saud tới Nga lần đầu tiên có tính chất rất đặc biệt, với cả Moscow và Riyadh. Thậm chí Ngoại trưởng Ả rập Saudi Adel al-Jubeir đã gọi là chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử.
Và để hiện thực hóa ý nghĩa của cốt mốc lịch sử, mở ra một thờ kỳ mới trong quan hệ Nga - Ả Rập Saudi, có rất nhiều sự đồng thuận giữa hai bên đã được xác lập, thể hiện cụ thể qua kết quả của cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Putin và Quốc vương Salman.
Đó là 14 văn kiện hợp tác được ký kết, trong đó có Hiệp định hợp tác về nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ cho hòa bình, Chương trình hiện thực hóa hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân và đặc biệt có thỏa thuận về việc mua bán S-400.
Điều đó cho thấy, chuyến công du của Quốc với Salman tới Nga không chỉ tái khởi động mối quan hệ Nga - Ả Rập Saudi, mà còn là sự bắt đầu cho những chuyển động mới tại Trung Đông, trong đó có sự thâm nhập ngày càng sâu hơn của Nga ở vùng đất nóng.
Qua những sự kiện mang tính lịch sử trong việc kết nối và tăng cường quan hệ với Ả Rập Saudi, rõ ràng Moscow và Washington đang hướng về Trung Đông với cả tầm nhìn chiến lược lẫn kế hoạch hành động mạnh mẽ hơn bao giờ hết, từ đó định hình cho cuộc cạnh tranh Nga - Mỹ tại Trung Đông.
Nga hay Mỹ sẽ chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh tại Trung Đông?
Theo giới phân tích, trước khi quan hệ Nga - Ả Rập Saudi được tái lập, có thể nhận định Nga chưa thể tạo ra đối trọng thực sự với Mỹ tại Trung Đông thời hậu Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên khi Quốc vương Salman đặt chân xuống Moscow, vấn đề đã có thể được xoay chuyển.
Chính Washington cũng được cho là đã nhận diện như vậy nên nhanh chóng thúc đẩy "Thương vụ THAAD" với Ả Rập Saudi. Và khi cuộc cạnh tranh Nga - Mỹ tại Trung Đông được xác lập và định hình thì cả Washington và Moscow đều có những điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Có thể thấy rằng, ưu - khuyết của Nga và Mỹ trong việc nâng tầm ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông hiện nay sẽ liên quan tới hai vấn đề mấu chốt nhất, đó là niềm tin chiến lược và lợi ích chiến lược mà Washington và Moscow tạo ra và mang tới vùng đất nóng.
Về niềm tin chiến lược, dường như người Nga đang có lợi thế hơn so với người Mỹ. Giới phân tích cho rằng căn nguyên của vấn đề nằm ở sự tương đồng giữa Nga và Mỹ với các đồng minh, đối tác ở Trung Đông trong nguyên tắc nền tảng vận hành của hệ thống chính trị.
Nguyên tắc tự do - dân chủ truyền thống phương Tây mà Mỹ là trung tâm, được xây dựng dựa trên nền tảng nhân quyền là nguyên tắc vận hành cho mọi sinh hoạt chính trị tại Mỹ. Nguyên tắc này xóa nhòa ranh giới giữa tính đặc thù được hình thành bởi những yếu tố tự nhiên, xã hội khác.
Nguyên tắc tự do - dân chủ gần như đối lập, thậm chí đối nghịch với rất nhiều nguyên tắc vận hành hệ thống chính trị của hầu hết các quốc gia Hồi giáo, trong đó có Ả Rập Saudi, mà vấn đề ảnh hưởng của giáo luật đối với pháp luật được xem là quan trọng nhất.
Đây là rào cản mang tính mặc định không dễ xóa nhòa. Chính Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, Jubeir, từng phải khẳng định: "Chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp đến thế giới phương Tây rằng Hồi giáo không phải là kẻ thù của họ", theo CNN.
Quốc vương Salman trong chuyến thăm lịch sử tới Nga
Trong khi đó, nguyên tắc vận hành hệ thống chính trị tại nước Nga hiện nay được xây dựng trên nền tảng dân quyền. Nguyên tắc này đảm bảo sự kết hợp giữa nguyên lý chung với yếu tố mang tính đặc thù của từng quốc gia, từng dân tộc.
Như vậy, ngay trong nguyên tắc nền tảng vận hành của hệ thống chính trị giữa Nga và các quốc gia Hồi giáo - lực lượng chính trị then chốt tại Trung Đông - không có những rào cản mang tính mặc định, cả hữu hình lẫn vô hình. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xác lập niềm tin chiến lược.
Có thể thấy rằng người Nga chỉ cần khẳng định niềm tin với các quốc gia Hồi giáo, còn người Mỹ thì phải liên tục xác lập lại những chuẩn mực cho niềm tin chiến lược với thế giới Hồi giáo, mà Ả Rập Saudi là một trung tâm lớn của đạo Hồi.
Có thể nhận diện việc xác lập niềm tin chiến lược của Mỹ với các đồng minh Hồi giáo tại Trung Đông thể hiện rõ nhất qua việc thay đổi tỷ lệ giữa tương đồng và khác biệt trong nguyên tắc nền tảng hình thành và vận hành của hệ thống chính trị quốc gia.
Người Mỹ thực hiện điều đó bằng cách điều chỉnh lợi ích chiến lược, thông qua những thay đổi trong việc thỏa mãn lợi ích - cả lợi ích kinh tế lẫn lợi ích chính trị - đối với các đối tác, đồng minh của mình. Nghĩa là niếm tin của Mỹ được xác lập qua việc đáp ứng mong đợi của đối tác, đồng minh hướng về họ.
Và nước Mỹ có đủ khả năng cũng như tiềm lực để thực hiện điều đó, mà chí riêng thỏa thuận lịch sử 350 tỉ USD giữa Mỹ và Ả Rập Saudi được xác lập khi Luật Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố, hồi tố trách nhiệm Riyadh trong vụ 11.9 vẫn có giá trị, cho thấy hiệu ứng của Mỹ mạnh mẽ như thế nào.
Còn với Nga, dù niềm tin đã được xác lập gần như mặc định và Moscow chỉ cần khẳng định là có thể nâng tầm quan hệ với các đối tác, song điều đó lại không dễ dàng với Moscow. Nguyên nhân quan trọng nhất chính là khả năng và tiềm lực của nước Nga còn hạn chế.
Trong bang giao quốc tế, niềm tin dù có vững chắc đến mấy nhưng nếu không thể chuyển hóa thành lợi ích cho đối tác thì lâu dần sẽ bị mai một, thậm chí sẽ dẫn đến mất niềm tin. Đây là bài toán rất hóc búa với Tổng thống Putin và không dễ tìm ra lời giải.
Như vậy, cả Nga và Mỹ đều có những lợi thế trong cuộc cạnh tranh, song để chiếm ưu thế trước Mỹ tại vùng đất nóng thì Nga cần phải có tiềm lực để hiện thực hóa niềm tin chiến lược bằng lợi ích chiến lược với các đối tác, và điều ấy cần phải mất thêm nhiều thời gian nữa.
Ngọc Việt