Kim cương, đối tác nước ngoài và sự sụp đổ của Mugabe
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:18, 24/11/2017
Lịch sử chính trị Zimbabwe sang chương mới: Hậu Mugabe
Reuters đưa tin, tối 22.11, cựu Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa đã trở về Zimbabwe và có mặt tại trụ sở đảng cầm quyền ZANU-PF để chung vui với những người ủng hộ. Cựu Phó tổng thống Zimbabwe đã phát biểu, cam kết sẽ mang lại thịnh vượng và ổn định cho quốc gia nghèo đói này.
“Hôm nay, chúng ta chứng kiến sự bắt đầu của nền dân chủ mới. Tôi cam kết sẽ phụng sự nhân dân, mang hòa bình cho đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân. Chúng tôi cần sự hợp tác của các nước châu Phi và những bè bạn khắp năm châu”.
Theo ông Mnangagwa, lễ nhậm chức quyền Tổng thống dự kiến diễn ra ngày 24.11. Cựu Phó tổng thống sẽ lãnh đạo Zimbabwe hết nhiệm kỳ dở dang của cựu Tổng thống Robert Mugabe đến cuộc bầu cử năm tới. Vì vậy, bài phát biểu được cho là mở đầu chiến dịch tranh cử của ông Mnangagwa.
Ông Mnangagwa bị Tổng thống Mugabe cách chức hôm 6.11. Ông đã chạy ra nước ngoài để tránh bị ám sát và kể từ đó ông chưa từng xuất hiện trước công chúng. Trước đó, nhà lãnh đạo này cho biết sẽ chỉ trở về nước khi ông Mugabe từ chức và bản thân được đảm bảo an ninh.
Như vậy, triều đại Mugabe đã khép lại sau gần bốn thập niên, lịch sử Zimbabwe chính thức sang chương mới - hậu Mugabe. Đây được cho là kết cục tất yếu với quốc gia Đông Phi này, khi cả kinh tế, chính trị, xã hội và quan hệ quốc tế của Zimbabwe dưới thời Mugabe ngày càng rối loạn và bất ổn.
Chỉ có điều sự đổi thay quyền lực tại Zimbabwe diễn ra khá đặc biệt, từ việc từ chức của Tổng thống Mugabe, việc quân đội tiếm quyền hay việc cựu Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa được trao quyền lực được xem như một kịch bản đã soạn sẵn.
Cựu Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa - Ảnh: The Independent
Theo Sputnik ngày 17.11, Tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe, Constantino Chiwenga đã thăm Trung Quốc, gặp gỡ các quan chức quân sự cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, với lời cảm ơn vì sự "giúp đỡ to lớn và lâu dài của Bắc Kinh" dành cho quốc gia Zimbabwe.
Ngay sau khi trở về nước, tướng Chiwenga đã đưa ra tuyên bố táo bạo chưa từng có tiền lệ nhằm trả đũa việc đồng minh chính trị của ông là Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa bị Tổng thống Mugabe sa thải. Dấu hiệu bất ổn chính trị bắt đầu.
Ngày 13.11, Tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe đã cho biết quân đội nước này sẽ không ngần ngại can thiệp vào tình hình chính trị của đất nước, đồng thời kêu gọi nhà lãnh đạo tối cao cần phải ngừng thanh trừng trong nội bộ đảng cầm quyền ZANU-PF.
Thậm chí tướng Chiwenga còn tuyên bố sẽ đưa cựu Phó tổng thống Mnangagwa lên làm Tổng thống mới của Zimbabwe để dẫn dắt "chính phủ chuyển tiếp" trong vòng 5 năm, theo The Financial Gazette, bởi ông Mnangagwa được coi là ứng viên sáng giá kế nhiệm Tổng thống Mugabe.
Và tới ngày 14.11 thì Tổng thống Mugabe bị quân đội quản thúc. Với những diễn biến như vậy, giới quan sát hướng mọi sự chú ý vào nội dung và tác động của Bắc Kinh với chuyến công du của Tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe đến Trung Quốc trước khi xảy ra vụ tiếm quyền.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 15.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã khẳng định "chuyến thăm của tướng Chiwenga tới Trung Quốc là hoạt động trao đổi quân sự song phương theo thỏa thuận giữa hai nước".
Ông Shen Xiaolei, chuyên gia về châu Phi của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng nghi ngờ Bắc Kinh ủng hộ đảo chính tại Zimbabwe là thiếu thực tế, và nhấn mạnh chuyến thăm của ông Chinwenga đã được sắp xếp từ lâu, nên không có chuyện ông ấy đến Trung Quốc vì đảo chính.
Theo giới phân tích, cáo buộc Bắc Kinh đứng sau cuộc đảo chính, lật đổ Mugabe dường như không thuyết phục, bởi sự việc diễn ra rất lộ liễu, trái với sự thâm sâu trong đối ngoại của Trung Nam Hải. Song Trung Quốc hoàn toàn có liên quan tới việc Tổng thống Mugabe phải rời bỏ quyền lực. Tại sao?
Tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe, Constantino Chiwenga, trong chuyến thăm Trung Quốc ngay trước đảo chính - Ảnh: The Zimbabwe Mail
Cái giá mà Tổng thống Mugabe phải trả?
Trong chiến lược đối với châu Phi, Bắc Kinh được cho là đã xác định điểm khởi phát từ Zimbabwe. Điều đó một phần vì quốc gia nghèo khó này có lực hút rất lớn với lợi ích từ đồng nhân dân tệ, một phần vì chính quyền Mugabe rất cần bệ đỡ cho quyền lực của mình.
Chính vì vậy, trong chuyến thăm lục địa đen vào tháng 12.2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã được chào đón long trọng tại Harare và Tổng thống Mugabe trong cơn cao hứng đã lên tiếng rằng Zimbabwe sẽ xem xét sử dụng đồng nhân dân tệ thay cho đồng đô la Zimbabwe gần như không còn giá trị.
Nhà lãnh đạo quốc gia Đông Phi này cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và thương nhân Trung Quốc đầu tư tại Zimbabwe. Những tưởng quan hệ Bắc Kinh - Harare sẽ có thêm những tầm cao mới, song thực tế lại không như vậy, mà lý do là nhà lãnh đạo Zimbabwe đã nuốt lời.
Khi dư luận đang kỳ vọng những con số sẽ được xác lập trong việc hiện thực hóa lợi ích từ quan hệ Trung Quốc - Zimbabwe, thì ngày 4.3.2016 hãng tin BBC cho hay Tổng thống Robert Mugabe đã cáo buộc các công ty khai thác mỏ nước ngoài ăn cắp của cải tại Zimbabwe.
Ông cho rằng Harare đã gần như không nhận được gì từ việc khai thác kim cương và cáo buộc các đối tác nước ngoài là những kẻ buôn lậu và lừa đảo. Ông Mugabe nói điều này tại bữa tiệc sinh nhật lần thứ 92 của mình được tổ chức ở Masvingo ngày 27.2.2016. "Chúng tôi đã không nhận được gì nhiều từ ngành công nghiệp khai thác kim cương. Zimbabwe chỉ nhận được khoảng 2 tỉ USD từ việc khai thác kim cương, trong khi doanh thu từ lĩnh vực này có thể lên đến 15 tỉ USD", lời ông Mugabe do BBC tường thuật.
Tổng thống Mugabe đã thốt lên: “Họ đã khiến đôi mắt và đôi tai của chúng tôi không thể nhìn thấy hoặc nghe thấy những gì đang diễn ra”. Dù nhà lãnh đạo già nua phủ nhận gửi thông điệp tới Bắc Kinh, nhưng các doanh nghiệp khai thác kim cương tại Zimbabwe lại đa phần là doanh nghiệp Trung Quốc,
Khi việc bị “bịt tai bịt mắt” chưa nguôi ngoai thì ngày 29.3.2016, Tổng thống Mugabe đã thực hiện chuyến thăm lần thứ 4 tới Nhật Bản và hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, trong đó chủ yếu bàn về viện trợ của Nhật Bản cho Zimbabwe và tương lai hướng tới cả lục địa đen.
Theo International Business Times, chuyến thăm của ông Mugabe đến Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh các quốc gia châu Phi đang cảm thấy hụt hẫng trước nhà đầu tư lớn nhất châu lục này là Trung Quốc có những động thái tạo nên sự không công bằng trong quan hệ đối tác chiến lược.
Tờ báo Mỹ cho rằng qua chuyến thăm của Tổng thống Mugabe với vai trò Chủ tịch Liên minh châu Phi tới Nhật Bản, Thủ tướng Abe muốn tạo ra đối trọng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại lục địa đen. Vì vậy, Tokyo đã "thưởng" cho Mugabe một khoản viện trợ tới 600 triệu yen.
Rõ ràng, những gì mà vị tổng thống già nua của Zimbabwe thể hiện đã khiến ông, không những mất lòng tin với Bắc Kinh. Song mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó và việc "nuốt lời" của nhà lãnh đạo Zimbabwe ngày càng lộ liễu hơn.
Đó là ngày 6.5.2016, chính phủ Zimbabwe đã đưa một đơn vị tiền tệ ngang bằng với đồng USD vào lưu thông - các mệnh giá 2, 5, 10 và 20 của đồng tiền mới có cùng giá trị với USD ở mệnh giá tương ứng - một động thái nhằm cứu nền kinh ốm yếu bởi tình trạng lạm phát siêu phi mã.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Zimbabwe John Panonetsa Mangudhla cho rằng mục đích của việc này là tạo động lực cho xuất khẩu của Zimbabwe, nghĩa là nhằm kích thích lưu thông USD trong nền kinh tế. Thế là đồng nhân dân tệ đã bị Harare lãng quên.
Như vậy, những cam kết của Tổng thống Mugabe với Trung Quốc hầu như không được hiện thực hóa bởi chính phủ của ông. Trong bối cảnh ấy, việc trả đũa của Bắc Kinh với Harare, mà cụ thể là Tổng thống Mugabe, là khó tránh khỏi.
Theo BBC, vòng xoáy xung đột quyền lực giữa Tổng thống Mugabe với các đối thủ, ngoài việc không minh bạch chính trị thì thiếu minh bạch kinh tế cũng là vấn đề lớn, mà nguồn lợi từ khai thác kim cương là cực kỳ quan trọng. Đây được xem là nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, "đối tác nước ngoài" đã tung hỏa mù khiến cho chính quyền Mugabe như “bị bịt tai bịt mắt” thì làm sao có thể minh bạch được. Điều đó khiến cho Tổng thống Mugabe chịu thiệt đơn, còn người dân và đất nước Zimbabwe phải chịu thiệt kép.
Qua việc tung hỏa mù, “đối tác nước ngoài” đã khiến Tổng thống Mugabe đối mặt với nguy hiểm, bởi ông không thể chứng minh được sự minh bạch của mình trong việc kim cương bị đánh cắp. Đó là một sự cộng hưởng nguy hại khiến ông có thể phải sớm rời bỏ quyền lực mà không yên ả.
Khi Tổng thống Mugabe cách chức Phó tổng thống Mnangagwa, được cho là mở đường để Đệ nhất phu nhân nắm giữ quyền lực, qua đó tiếp tục sự không minh bạch cả về chính trị lẫn kinh tế, thì đó cũng là lúc sự cộng hưởng nguy hại từ hành động của “đối tác nước ngoài” phát huy tác dụng, góp phần lật nhào chiếc ghế quyền lực của ông.
Ngọc Việt