Triều Tiên lạnh nhạt với sự giúp đỡ của Nga trong vấn đề hạt nhân, vì sao?
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:32, 21/10/2017
Nga siết trừng phạt là nhằm giúp Triều Tiên?
Sắc lệnh của Tổng thống Nga đưa ra một số điều khoản mới phù hợp với Nghị quyết 2375, liên quan thương mại, kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật của Triều Tiên. Cùng với đó là danh mục nguyên vật liệu, công nghệ và sản phẩm bị cấm xuất khẩu sang Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng không được sử dụng bất cứ tài sản nào ở Nga, trừ các cơ sở ngoại giao.
Ngoài ra, những tàu biển có liên quan tới chương trình hạt nhân Triều Tiên sẽ bị tước đăng ký tại Nga và cấm vào các cảng Nga, trừ trường hợp khẩn cấp. Với những biện pháp khắt khe như vậy, dư luận nhìn nhận hành động của Moscow có vẻ như "cạn tàu ráo máng", đứng về phía Washington để quyết hạ "nốc ao" Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc Tổng thống Putin quyết liệt trong trừng phạt Triều Tiên là nhằm giúp cho Bình Nhưỡng chứ không hẳn quyết làm hại. Tất cả mọi việc liên quan tới Nghị quyết 2375, được HĐBA LHQ thông qua ngày 12.9.2017 với tỷ lệ 15-0, nhằm gia tăng biện pháp trừng phạt Triều Tiên, sau khi Kim Jong-un cho thử bom H lần thứ 2.
Được biết, để Nghị quyết 2735 được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối ủng hộ, Mỹ đã phải thuyết phục Nga và Trung Quốc về việc chấp nhận trừng phạt Triều Tiên, còn ngược lại Washington sẽ triển khai các giải pháp chính trị và ngoại giao để đưa vấn đề hạt nhân ra khỏi bế tắc.
Vì vậy, Mỹ đã kêu gọi Nga và Trung Quốc thực hiện càng sớm càng tốt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên và Nga đã cam kết thực hiện nghiêm túc. Ngay khi các khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được áp đặt, thậm chí mọi tàu thuyền gắn cờ Triều Tiên ở cảng Vladivostok đã rời đi đều được theo dõi, theo Reuters.
Ngược lại, Nga cũng kêu gọi Mỹ nhanh chóng thúc đẩy những giải pháp chính trị và ngoại giao từ phía Washington vốn được đề cập đến trong Nghị quyết 2375. Ngày 16.9, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia khẳnh định lại rằng các giải pháp chính trị và ngoại giao là "cơ sở cho việc Nga ủng hộ tăng trừng phạt Triều Tiên”.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Washington không cho thấy chủ động kích hoạt kênh ngoại giao cũng như đề xuất giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên. Chính vì vậy việc Nga siết trừng phạt Triều Tiên, tuân thủ Nghị quyết 2375 là nhằm mục đích buộc Mỹ phải nhanh chóng thực hiện trách nhiệm, hoặc Nga có thể chủ động kích hoạt giải pháp ngoại giao với Triều Tiên mà Mỹ phải ủng hộ.
Nga siết cấm vận là giúp tạo ra một lá chắn vô hình cho Triều Tiên
Và thực tế là khi siết trừng phạt thì Nga cũng đã kích hoạt kênh ngoại giao với Triều Tiên. Khi biện pháp ngoại giao được Nga xúc tiến thì mọi biện pháp quân sự của Mỹ hướng về Triều Tiên sẽ không thể được thực hiện. Do vậy qua việc siết trừng phạt, Nga đã tạo ra một lá chắn vô hình cho xứ Bắc Hàn.
Triều Tiên không muốn nhờ cậy Nga?
Mặc dù Nga có ý giúp đỡ và có thể giúp cho Triều Tiên rất nhiều trong cuộc đối đầu với phương Tây, nhất là trong bối cảnh quan hệ Trung - Triều giảm sút khi Bắc Kinh liên tục gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng về kinh tế và chấm dứt liên lạc về quân sự, song hình như Triều Tiên vẫn không hướng tới Nga.
Từ khi vấn đề hạt nhân Triều Tiên nóng lên và Bình Nhưỡng bị cộng đồng quốc tế trừng phạt, đã có những thời điểm cực kỳ quan trọng Moscow đã có ý muốn giúp Bình Nhưỡng, thậm chí dang tay với người Bắc Hàn, nhưng Bình Nhưỡng không hề chủ động kết nối với Moscow để nhờ cậy sự giúp đỡ.
Còn nhớ, ngày 23.11.2016, khi HĐBA LHQ thảo luận về một lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên vì chỉ trong vòng 2 tuần từ cuối tháng 8.2016 đến đầu tháng 9.2016, ông Kim Jong-un đã cho thử liên tiếp 5 vụ phóng tên lửa, đặc biệt lại trùng với thời điểm Hội nghị G-20 đang diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Khi đó Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện sự đồng thuận rất cao với các biện trừng phạt mới, nhằm gia tăng cấm vận Triều Tiên, nhưng Nga lại thể hiện sự lưỡng lự như một động thái trì hoãn việc hoàn tất dự thảo nghị quyết và biểu quyết thông qua tại một phiên họp của HĐBA, theo tường thuật của Reuters.
Thậm chí, theo quan chức ngoại giao cấp cao cho Reuters biết, bên lề cuộc họp thảo luận hẹp của các thành viên Thường trực HĐBA đã diễn ra một sự kiện trái khoáy là Trung Quốc phải thuyết phục Nga ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên. Cuộc bỏ phiếu khi đó phải hoãn lại.
Động thái của Nga khiến cho giới quan sát rất ngạc nhiên, bởi việc trừng phạt Triều Tiên thường gặp trở ngại chủ yếu từ Bắc Kinh. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi: lưỡng lự với việc trừng phạt Bình Nhưỡng, Putin tính toán gì? Khi đó, theo nhận định của giới phân tích, Moscow muốn nghe ngóng động thái từ Bình Nhưỡng trước khi quyết định, song Bình Nhưỡng bặt vô âm tín.
Như vậy, dường như Bình Nhưỡng không muốn nhờ cậy Moscow, ngay cả khi người Nga có thiện ý. Điều này là một sự bất thường trong bối cảnh Bình Nhưỡng bị cô lập. Tại sao Nga có thể là một cái bóng rất lớn cho Triều Tiên trong việc đối mặt với trừng phạt của phương Tây, sao Bình Nhưỡng lại không chủ động nhờ cậy?
Bài học Ukraine khiến Triều Tiên không đặt niềm tin vào Nga
Giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng dè dặt với Moscow là có những lý do của họ. Khi quan hệ Trung - Triều chưa có nhiều sóng gió thì việc tiếp cận Moscow là lợi bất cập hại với Bình Nhưỡng, song khi Bắc Kinh rắn hơn với Bình Nhưỡng và Moscow mở cánh cửa mà Bình Nhưỡng không bước vào thì được cho là do họ cảnh giác với bài học của Ukraine.
Cũng nên nhắc lại rằng, sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1991, Ukraine được thừa hưởng kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới từ Liên Xô. Năm 1994, chính quyền Ukraine đã đồng ý từ bỏ việc sở hữu vũ khí hạt nhân khi tiến hành ký Thỏa thuận Budapest với Mỹ, Nga và Anh.
Thỏa thuận Budapest dường như đã bị lãng quên, khiến Triều Tiên mất niềm tin cả với Nga
Theo đó, Mỹ, Nga và Anh cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và biên giới hiện tại của Ukraine, kiềm chế sức mạnh và không dùng vũ lực can thiệp vào nội trị của Ukraine. Sau đó Trung Quốc và Pháp cũng có những cam kết tương tự với Ukraine dưới hình thức tuyên bố nhà nước.
Như vậy, khi Ukraine gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, ký Thỏa thuận Budapest, các quốc gia phải tôn trọng ranh giới, chủ quyền của Ukraine và bảo vệ Ukraina nếu bị nước khác tấn công. Vậy nhưng khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, tất cả các tác giả của Thỏa thuận Budapest dường như đã quên hẳn trách nhiệm và văn kiện lịch sử này cũng trở nên vô hiệu.
Dư luận không hoàn toàn đồng tình với phát biểu của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Nghị viện của Hội đồng Châu Âu tại Strasbourg rằng Nga sẽ không thể tấn công Ukraine nếu Kiev không từ bỏ vũ khí hạt nhân, bởi vấn đề không đơn giản như vậy.
Song chính quyền Kiev hoàn toàn có quyền khẳng định khi Ukraine ký Thỏa thuận Budapest vào năm 1994 thì chắc chắn chủ quyền quốc gia của Ukraine phải được “ngũ cường” bảo đảm. Song điều trớ trêu là thực tế lại diễn ra hoàn toàn trái ngược.
Mặc dù Mỹ và các đồng minh trừng phạt, cấm vận Nga nhưng chủ yếu là xuất phát từ hành động của Moscow trong việc tái sáp nhập bán đảo Crimea và Moscow bị cho là có tác động vào cuộc xung đột vũ trang ở miền Đông Ukraine, chứ không phải vì Nga vi phạm Thỏa thuận Budapest.
Từ các tuyên bố của Tổng thống Obama khi áp trừng phạt Nga cho đến việc luật hóa trừng phạt Nga của Quốc hội Mỹ, Thỏa thuận Budapest và nội dung của văn kiện lịch sử này không hề được đề cập như là một cơ sở pháp lý căn bản cho hành động.
Các nước phương Tây xem việc dỡ bỏ cấm vận Nga hầu hết xoay quanh Thỏa thuận hòa bình Minsk, yêu cầu Nga không can thiệp và tác động tích cực vào lực ượng ly khai để chấm dứt xung đột. Thỏa thuận Budapest không được nhắc tới, trách nhiệm của Nga theo thỏa thuận này cũng bị lãng quên.
Như vậy, rõ ràng Thỏa thuận Budapest chỉ có giá trị pháp lý với Ukraine, ngược lại các cường quốc hạt nhân, các tác giả chính của văn kiện thì lại được miễn nhiễm. Giới phân tích cho rằng đây là điều khiến Bình Nhưỡng không tin vào những thỏa thuận với các cường quốc, trong đó có cả Nga.
Ngọc Việt