Ông Trump lại cáo buộc Trung Quốc ‘xâm lược kinh tế’
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:39, 17/12/2017
Theo Newsweek, cáo buộc này là dấu hiệu mạnh cho thấy mối quan hệ không thuận thảo giữa chủ nhân Nhà Trắng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo Financial Times, đấy là vì ông Trump thất vọng về việc ông Tập không thể dùng quan hệ hữu hảo cá nhân để Bắc Kinh giải quyết những lo ngại của ông Trump về thương mại.
Ông Trump không ngán doanh nghiệp Mỹ bị lãnh hậu quả?
Chiến lược an ninh quốc gia (National Security Strategy - NSS) là một tài liệu, mà từ thời Ronald Reagan, mỗi tổng thống Mỹ đều công bố để trình quốc hội nhằm cho biết chính sách đối ngoại của chính phủ.
Đôi khi NSS cũng có những tuyên bố nóng bỏng, ví dụ như năm 2002, Tổng thống George Bush đề cập “Chiến tranh phủ đầu”, trước khi Mỹ xâm lược Iraq và lật đổ Tổng thống Saddam Hussein.
Năm nay, việc cáo buộc Trung Quốc “xâm lược kinh tế” cho thấy ông Trump sẽ có quan điểm mạnh hơn về Trung Quốc, so với các chính phủ trước.
Việc công bố NSS mới diễn ra đúng 1 tháng sau khi ông Trump gặp ông Tập ở Bắc Kinh, và 8 tháng sau lần ông Trump tiếp ông Tập tại tư dinh ở bang Florida.
Khi tranh cử, ông Trump từng luôn chỉ trích mạnh Trung Quốc, nhưng đã dịu giọng hơn từ sau lần hai ông nói chuyện ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump, phần nào vì Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể gây sức ép với CHDCND Triều Tiên, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chiến tranh hạt nhân.
Chính phủ Mỹ cũng gây sức ép lên Bắc Kinh, để Trung Quốc thuyết phục lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Washington cũng đang xem xét việc áp thêm trừng phạt lên các ngân hàng lớn của Trung Quốc, là những ngân hàng mà Mỹ nghi ngờ là tạo dễ dàng cho dòng tiền và thương mại Triều Tiên êm trôi. Nhưng cho đến nay, Mỹ chỉ trừng phạt một ngân hàng nhỏ của Trung Quốc.
Nhưng vài tháng qua, Tổng thống Mỹ đã hết kiên nhẫn với Trung Quốc, ngày càng khó chịu với sự không đạt được tiến bộ để ngăn chặn thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc.
Michael Allen, một cựu quan chức thời Tổng thống Bush, nói với Financial Times: “Chiến lược an ninh quốc gia là phát súng khởi động một loạt biện pháp chống lại Trung Quốc”.
Còn theo Newsweek, những người biết NSS lo ngại: Phát súng đó có thể là phản ứng kinh tế cứng rắn nhất, kể từ sau lần Mỹ ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001.
Giới phê bình lo ngại nếu Mỹ “làm quá căng”, nó có thể phát động một cuộc chiến tranh thương mại, gây hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.
Nếu cáo buộc Trung Quốc “xâm lược kinh tế”, thì cũng có thể khiến Bắc Kinh trả đũa, và bất kỳ phản ứng nào cũng khiến các công ty Mỹ phải gánh chịu hậu quả.
Tác giả đề tài "Trung Quốc xâm lược kinh tế" là ai?
Ngày 12.12, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ McMaster là người tố cáo Trung Quốc “xâm lược kinh tế, thách đố trật tự kinh tế dựa theo luật vốn đã giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo từ sau Thế chiến 2”.
Tại một hội thảo của tổ chức nghiên cứu Policy Exchange (ở London), vị tướng Mỹ đứng cạnh người đồng nhiệm Anh Mark Sedwill, bảo đảm NSS sẽ bảo đảm các quan hệ chính trị - quân sự - tài chính và văn hóa của Mỹ “sẽ mạnh hơn bao giờ hết”.
Ông nói NSS sẽ giúp các đồng minh và đối tác của Mỹ đối phó với những mối đe dọa chung, và ông mô tả 3 dạng đe dọa an ninh quốc gia Mỹ: “Các thế lực xét lại” như Trung Quốc và Nga “phá hoại trật tự quốc tế”; Các chế độ độc đoán như Triều Tiên, Iran; Thứ ba là các nhóm khủng bố đa quốc gia, ví dụ bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ông nói: “Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết, để bảo đảm các quốc gia tôn trọng pháp luật, tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng, ủng hộ trật tự hòa bình - ổn định - an ninh tập thể đã có từ sau Thế chiến 2 và sau Chiến tranh Lạnh”.
Ông McMaster nói tài liệu an ninh quốc gia sẽ chú trọng “cạnh tranh quyết liệt” để đối phó nạn “xâm lược kinh tế” của Trung Quốc, cùng việc Nga triển khai những công cụ chiến tranh không quy ước.
Ông tránh không nói việc Nga nỗ lực can thiệp vào chính trường các nước trên thế giới, cho biết NSS mới của ông Trump sẽ “đương đầu với thách thức từ chiến tranh thế hệ mới do Nga dàn ra”.
Tướng McMaster nói đó là những “chiến dịch lật đổ hiện đại, xuyên tạc, tuyên truyền bằng công cụ mạng, hoạt động ở nhiều lĩnh vực để chia rẽ các nước chúng ta, xua các nước này chống lại nhau và cố gắng gây ra những cuộc khủng hoảng niềm tin”.
Nói về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, vị cố vấn Nhà Trắng nói: “Nay đến lúc các nước phải làm nhiều việc hơn, ngoài những nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ, để có được cơ hội cuối cùng tránh được một cuộc xung đột vũ trang”.
Khi được hỏi về triển vọng lật đổ ông Kim Jong-un, Tướng McMaster nói: “Đấy không phải là chính sách của chúng tôi”.
Vĩnh Thụy (theo Newsweek, Financial Times)