Những điểm cốt lõi trong dự thảo sửa Hiến pháp của Trung Quốc
Góc nhìn - Ngày đăng : 19:44, 26/02/2018
Đề xuất sửa đổi hiến pháp của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được Tân Hoa Xã đăng ngày 25.2, trước khi hội nghị trung ương 3 diễn ra từ ngày 26-28.2.
Đúng như những thông tin xuất hiện trước đó, Ban chấp hành đã đề xuất đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào Hiến pháp, đứng cùng với “chủ nghĩa Mác– Lê-nin”, “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, “Tư tưởng Ba đại diện” và “Quan điểm phát triển khoa học”.
Theo đề xuất, học thuyết trên cùng nhiều khái niệm từng được ông Tập Cận Bình, lãnh đạo cốt lõi thế hệ thứ 5, nhấn mạnh như “quán triệt quan điểm phát triển mới về phát triển, “xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa” sẽ được đưa vào phần lời mở đầu của hiến pháp sửa đổi.
Điểm đáng chú ý thứ hai là đề xuất bổ sung khoản 2 điều 1, theo đó phía sau nội dung “chế độ chủ nghĩa xã hội là chế độ cơ bản của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Trung Hoa” sẽ bổ sung thêm “ Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo là đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Ngoài ra, giới hạn hai nhiệm kì đối với Chủ tịch và Phó chủ tịch nước cũng được đề nghị hủy bỏ. Cụ thể, khoản 3 điều 79 Hiến pháp sẽ giữ lại “mỗi nhiệm kì của Chủ tịch, Phó chủ tịch nước CHCDND Trung Hoa tương đương với nhiệm kì của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc”, nhưng bỏ đi nội dung “không được liên tục giữ chức quá hai nhiệm kì”.
Ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư và Chủ tịch Trung Quốc từ năm 2013. Ông tái đắc cử vào năm 2017 và đang ở trong nhiệm kì 5 năm thứ hai. Hiện ông đã 64 tuổi.
Hiện tại, chỉ có chức vụ Chủ tịch nước có quy định giới hạn số nhiệm kì, còn Tổng Bí thư lẫn Chủ tịch Quân ủy trung ương đều không có.
Đặc biệt, Ủy ban Trung ương đảng còn đề xuất nhiều sửa đổi giúp thiết lập khung hiến pháp cho công tác giám sát trong thời gian tới, cũng như cho Ủy ban Giám sát quốc gia, “siêu cơ quan chống tham nhũng” mà Bắc Kinh chuẩn bị thành lập.
Cụ thể, khoản 3 điều 3 dự kiến được sửa thành: “Cơ quan hành chính, cơ quan giám sát, cơ quan tư pháp, cơ quan kiểm tra quốc gia do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc quyết định, chịu sự giám sát và trách nhiệm trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc” (bổ sung thêm “cơ quan giám sát”).
Ngoài ra, các đề xuất sửa đổi và bổ sung cũng quy định Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc có quyền bầu ra, bãi nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia (áp dụng cho cả các cấp bên dưới, từ cấp huyện trở lên); căn cứ theo gợi ý của Chủ nhiệm để bổ nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ nhiệm và Ủy viên Ủy ban Giám sát quốc gia.
Ban chấp hành còn đề xuất sửa điều 89, quy định quyền hạn của Quốc vụ viện. Theo đề xuất, Quốc vụ viện (chính phủ) “lãnh đạo và quản lý công tác hành chính, hành pháp, tư pháp,…”, đã bỏ đi “công tác giám sát”.
Đáng chú ý là chương “Các cơ quan quốc gia” được đề xuất bổ sung thêm phần nói về Ủy ban Giám sát quốc gia (phần 7). Trong phần này có 5 điều, với nhiều nội dung quan trọng như xác định rõ Ủy ban Giám sát quốc gia là cơ quan giám sát tối cao, lãnh đạo các Ủy ban Giám sát cấp dưới; căn cứ theo luật pháp để độc lập thực hiện quyền giám sát mà không bị can thiệp bởi cơ quan hành chính, đoàn thể xã hội và cá nhân.
Thành phần của Ủy ban Giám sát gồm một Chủ nhiệm, nhiều Phó chủ nhiệm và Ủy viên. Một nhiệm kì của Chủ nhiệm giống với nhiệm kì của Đại hội đại biểu nhân dân các cấp, riêng Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia không được liên tục làm quá hai nhiệm kì.
Ủy ban Kiểm tra kỉ luật trung ương (CCDI) trong báo cáo vào tháng 10.2017 cho biết Ủy ban Giám sát quốc gia sẽ được lập trong kì họp “lưỡng hội” (họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và họp Hội nghị Chính trị hiệp thương toàn quốc) năm nay. Cơ quan này sẽ bắt cả công chức không phải đảng viên phạm tội tham nhũng.
Cẩm Bình (theo Sina)