Ấn Độ có giúp được Mỹ đối phó những thách thức ở châu Á?

Góc nhìn - Ngày đăng : 22:38, 23/02/2018

Do phải đối mặt với những thách thức lớn trong nước và bị kềm chế bởi những nước láng giềng mạnh, nên Ấn Độ đóng góp có hạn cho nỗ lực đối phó những thách thức của Mỹ ở châu Á.
Ấn Độ còn có nhiều thử thách sâu rộng trong nước và phải đối đầu nhiều đối thủ mạnh như Trung Quốc, Pakistan - Ảnh: War on the Rocks

Thời gian qua, Ấn Độ đang được đánh giá cao tại Mỹ. Sự nghèo nàn đã được thay bằng hình tượng một cường quốc đang lên am hiểu công nghệ. Nhiều bài viết của các tổ chức nghiên cứu, bài xã luận trên báo và sách đều xác định Ấn Độ là thành phần quan trọng trong chiến lược lớn của Mỹ.

Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ xác định Ấn Độ có vai trò quan trọng trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, cùng với Mỹ, Nhật Bản và Úc lập nên bộ tứ có nhiệm vụ ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng. Tổng thống Donald Trump cũng khuyến khích New Delhi đóng vai trò lớn hơn ở Afghanistan.

Có thể thấy, Ấn Độ là một tia hy vọng về khả năng giữ vững vị thế tại châu Á của Mỹ. Chính quyền Washington từ năm 2000 đã rất ủng hộ quốc gia Nam Á này, nhưng chỉ đến khi Trung Quốc trỗi dậy thì quan hệ gần gũi hơn New Delhi mới được xem là thành tố chủ chốt trong nỗ lực “bảo vệ bá quyền của Mỹ” bằng cách giữ Trung Quốc tránh xa khỏi Ấn Độ Dương, hỗ trợ các nỗ lực cân bằng quyền lực của Mỹ ở Đông Nam Á và củng cố trật tư kinh tế - chính trị do Mỹ dẫn dắt ở châu Á.

Vì vậy, Washington đã quyết định cung cấp hỗ trợ ngoại giao và ký nhiều thỏa thuận đáng giá để có được quan hệ tốt với New Delhi. Ván đặt cược chiến lược này hợp lý về lâu dài và đáng được tiếp tục thực hiện.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư Paul Staniland, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ quốc tế đại học Chicago, Washington không nên quá lạc quan về khả năng của New Delhi trong việc giúp Mỹ đối phó với những thách thức đang lên trong khu vực, vì chính nước này còn đang gặp phải khó khăn lớn trong nước và bị kềm kẹp bởi những nước láng giềng hùng mạnh.

Vấn đề trong nước

Nền kinh tế và chính trị nội địa của Ấn Độ thực sự có sức mạnh, nhưng cũng tạo ra những hạn chế nghiêm trọng trong triển khai sức mạnh quân sự của nước này.

Thứ nhất, hệ thống chính trị Ấn Độ hạn chế sự tập trung và nguồn lực dành cho chính sách đối ngoại và các lực lượng vũ trang. Các nhà chính trị New Delhi ưu tiên thúc đẩy chính trị nội địa hơn là chiến lược lớn hay liên kết với Mỹ. Những lãnh đạo hàng đầu của nước này tập trung vào chuyện gây quỹ, tiến hành các chiến dịch vận động, quản lý việc lựa chọn các ứng viên, thương thuyết liên minh, tranh cãi trong nội bộ đảng, thay vì vào công tác quản lý, cải cách hệ thống an ninh hay đầu tư vào đánh giá chiến lược.

Ấn Độ không phải là nền dân chủ duy nhất có hệ thống như vậy. Chiến lược lớn chỉ thi thoảng là một phần quan trọng của nền chính trị nội địa ở nhiều nền dân chủ khác. Mỹ nằm ở “ngoại vi” đối với các vấn đề cốt lõi trong chính trị Ấn Độ.

Washington đã cố gắng xây dựng quan hệ mạnh với các cơ quan ngoại giao và quốc phòng New Delhi. Nhưng thay đổi chính sách phải được các nhà chính trị dân cử của Ấn Độ thúc đẩy, nếu không thì sẽ không đem lại kết quả. Điều này có nghĩa là giới lãnh đạo phải dành sự chú ý tương xứng cho chính sách đối ngoại.

Để vượt qua các ưu tiên của những quan chức chỉ lo cho chính trị nội địa, các nhà chính trị Ấn phải quản lý và tăng cường quyền lực của các cơ quan an ninh quốc gia.

Nhưng thậm chí khi quốc phòng nhận thêm nguồn lực, thì New Delhi cũng khó biến chúng thành sức mạnh quân sự. Ngân sách của Bộ Quốc phòng Ấn được chi tiêu bởi nhân sự quân đội và tiền chi hưu trí. Những chi phí này khiến quân đội bị hạn chế trong đầu tư hiện đại hóa và sở hữu công nghệ quốc phòng mới. Quá trình mua sắm và phát triển vũ khí nội địa cũng không hiệu quả và không đáp ứng được nhu cầu, một phần vì các quan chức chỉ quan tâm đến vấn đề khác hoặc dính vào cáo buộc tham nhũng.

Ấn Độ có những bước tiến quan trọng, ví dụ như trong phát triển tên lửa và công nghệ vũ trụ, nhưng vẫn đang phải cố gắng để duy trì được vị thế hiện tại trong vài lĩnh vực chủ chốt khác. Một Ấn Độ đang yếu thế và trì trệ so với Trung Quốc sẽ tìm đến Mỹ nhờ trợ giúp, nhưng điều này không hữu dụng với Washington thay vì một Ấn Độ có thể “tự lực cánh sinh”.

Thứ hai, kinh tế Ấn Độ phát triển ấn tượng nhưng cũng đem lại lo ngại. Tăng trưởng đã thay đổi đất nước này rất nhiều. Tuy vậy, tăng trưởng cũng có giới hạn: công nghiệp hóa đã không khiến những con số tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng, bất bình đẳng đang ngày càng lớn, nhiều vùng rộng lớn vẫn thiếu việc làm và chưa có hệ thống giáo dục tốt.

New Delhi đang có “lợi tức dân số” (những ích lợi kinh tế có được từ biến đổi dân số) và sẽ già đi chậm hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, nguy cơ “chưa giàu đã già” vẫn có thể xảy ra. Tận dụng được “cổ tức” này đòi hỏi phải có những người trẻ tuổi có kỹ thuật cao, công việc tốt.

Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi và người tiền nhiệm Manmohan Singh, thách thức này chưa được xử lý triệt để. Nếu không có thay đổi quan trọng trong hệ thống giáo dục và kinh tế, Ấn Độ sẽ phải vật lộn để tiếp tục tạo ra tăng trưởng cũng như bị hạn chế trong khả năng xây dựng một nền tảng quốc phòng vững chắc, hoặc tiến gần đến trình độ phát triển của Trung Quốc trong gần - trung hạn.

Thứ ba, tình trạng chia rẽ vẫn còn tồn tại trong xã hội Ấn, với căng thẳng giữa đạo Hindu và đạo Hồi, và một số lực lượng phiến quân tuy đã gây ra ít vụ bạo lực hơn nhưng vẫn đang chiếm giữ vài khu vực, buộc các lực lượng an ninh của nhà nước phải ra tay giữ trật tự.

Tìm đến Ấn Độ là chiến lược thông minh, nhưng Mỹ không nên kỳ vọng quá lớn - Ảnh: AP

Trung Quốc, Pakistan

Ấn Độ phải đối mặt với Pakistan ở phía tây, Trung Quốc ở phía bắc (và nước này còn đang liên kết với Pakistan). Vì vậy, trọng tâm của an ninh Ấn Độ trong những thập kỷ tới vẫn nằm ở chính khu vực của mình.

New Delhi quả thực đã mở rộng được hiện diện ở Ấn Độ Dương, đến Trung Đông và Đông Nam Á. Hải quân nước này có phạm vi hoạt động rộng hơn, liên kết với các nước châu Á khác cũng được phát triển. Mỹ đã đúng khi khuyến khích chiến lược này. Tuy nhiên, hải quân Ấn vẫn là lực lượng có ít nguồn lực nhất, do lực lượng trên bộ được nhận nhiều hơn vì mối đe dọa từ Bắc Kinh và Islamabad tăng cao.

Được Mỹ hỗ trợ, Ấn Độ cố tránh chuyện Pakistan kéo mọi vấn đề vào trong khuôn khổ quan hệ song phương giữa hai nước. Tuy vậy, New Delhi vẫn không tránh khỏi dính vào những tranh cãi và căng thẳng quân sự ở biên giới với người láng giềng phía tây.

Không chỉ Pakistan, Ấn Độ thời gian qua cũng phải cố gắng giữ được vị thế của mình trước một Trung Quốc đang không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại các nước Nam Á, như Sri Lanka và Nepal, bằng cách ồ ạt bỏ tiền đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng.

Trước tình hình này, dù đã vươn ra nhiều nơi và có được quan hệ với Mỹ lẫn châu Âu, những thách thức an ninh chiến lược của New Delhi vẫn ở những khu vực biên giới của nước này, hứa hẹn sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực.

Với những phân tích như trên, phó giáo sư Paul Staniland nhận định Ấn Độ quả thực là đối tác lớn của Mỹ, và tìm đến Ấn Độ là chiến lược dài hạn thông minh của Washington, nhưng không nên quá dựa vào New Delhi. Giới hoạch định chính sách và những nhà phân tích nên xem xét kỹ thực lực của Ấn Độ, mặc dù quốc gia Nam Á là một cường quốc đang nổi lên ở khu vực.

Cẩm Bình (theo War on the Rocks)