Sự bất đồng giữa Mỹ và châu Âu về Trung Quốc
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:15, 11/02/2018
Dù mới chính thức nhậm chức được hơn một năm nhưng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không giấu diếm ý định thiết lập một cuộc cạnh tranh địa chính trị dài hạn với Trung Quốc. Sự thay đổi về chính sách này nhận được sự hoan nghênh sau 2 nhiệm kỳ được đánh giá là khá rụt rè trong việc kiềm chế Trung Quốc của Tổng thống Barack Obama, nhất là khi cường quốc Đông Á đang không ngừng gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và mặc dù sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung chủ yếu ở khu vực Thái Bình Dương, nhưng khu vực Đại Tây Dương vẫn là một yếu tố quan trọng trong một cuộc cạnh tranh vị thế giữa hai siêu cường quốc trên toàn cầu. Các quốc gia châu Âu từ lâu đã là đối tác và đồng minh thân cận nhất của Mỹ, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, cách thức nhìn nhận những thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc giữa châu Âu và Mỹ lại đang rất khác nhau.
Trên thực tế, những khác biệt về quan điểm giữa hai bờ Đại Tây Dương đối với vấn đề Trung Quốc không phải là điều mới mẻ. Sự phản đối của Mỹ về sự kiện diễn ra ở quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 đã từng mạnh mẽ hơn hẳn so với ở châu Âu. Năm 2005, Liên minh châu Âu (EU) đã gần như dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, và đã chỉ duy trì trở lại sau sự can thiệp vào phút chót của Tổng thống Mỹ khi đó là George W.Bush. Nhưng, trong vài năm trở lại đây, sự khác biệt quan điểm về vấn đề Trung Quốc giữa hai bờ Đại Tây Dương đang có dấu hiệu tăng lên đáng kể.
Đầu tiên là về địa lý. Mỹ với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương với nhiều đồng minh thân thiết trong khu vực tất yếu sẽ có nhiều va chạm về chính trị-quân sự-kinh tế với Trung Quốc hơn là giữa Bắc Kinh với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Nói một cách đơn giản, so với Mỹ thì châu Âu ít có động lực và nhu cầu để nhìn nhận vấn đề sự trỗi dậy của Trung Quốc có ảnh hưởng gì lớn đối với mình.
Thứ hai, các quốc gia châu Âu vì không có nhiều lý do để tập trung vào các thách thức địa chính trị mà sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo ra, lại đang tập trung nhiều hơn vào các lợi ích kinh tế mà nước này đem lại. Cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố vào năm 2015 rằng một kỷ nguyên vàng giữa Anh và Trung Quốc đã mở ra với mục tiêu đưa London trở thành điểm đến của giới đầu tư, thương mại và khách du lịch Trung Quốc. Đó không phải là một nỗ lực đơn lẻ, khi hầu hết các nước châu Âu hiện nay đều đang xếp hàng để thiết lập các mối quan hệ có lợi với Bắc Kinh.
Thứ ba, ngay cả khi các chính phủ châu Âu muốn đóng một vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, thì họ cũng khó có thể thực hiện được. Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, vai trò an ninh chính ở châu Âu chủ yếu là phụ trợ cho các kế hoạch quân sự do Mỹ đứng đầu, phần lớn là các cuộc chiến ở khu vực Trung Đông. Ngoài ra, hầu hết các nước châu Âu đều đang cắt giảm ngân sách quốc phòng một cách đáng kể do hệ quả từ việc cấm vận kinh tế và thương mại với nước Nga. Ngoài ra, các nước châu Âu cũng vấp phải khó khăn về địa lý trong việc triển khai vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Pháp và Anh đã tuyên bố tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông và đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân với Mỹ và Nhật Bản. Đó có thể là những nỗ lực lớn nhất mà các thành viên NATO ở châu Âu có thể làm được cho sự đảm bảo an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tất cả những điều trên cũng góp phần kìm hãm sự hợp tác trong các vấn đề mà Mỹ và châu Âu cùng đồng ý. Một số tờ báo như Financial Times đã chỉ ra rằng một số quan chức và tầng lớp doanh nhân ở châu Âu chia sẻ mối quan tâm của Mỹ về việc vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc và các đòi hỏi về bắt buộc chuyển giao công nghệ khi nhận đầu tư của Bắc Kinh. Tuy nhiên, họ vẫn thận trọng và e dè khi hợp tác với Mỹ trong việc đưa ra các biện pháp trả đũa ở WTO. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã hỗ trợ các nước châu Âu về những phàn nàn của họ đối với các chính sách kinh tế của Trung Quốc, trong đó đáng chú ý nhất là việc ủng hộ EU từ chối công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường. Nhưng có thể đó sẽ là tất cả những gì mà EU có thể làm được trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc mà Mỹ đang khởi xướng và muốn châu Âu tham gia.
Có một thực tế là việc thực hiện một chiến lược cạnh tranh về kinh tế của Mỹ với Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn. Thách thức chủ yếu trong vấn đề này nằm ở quy mô quá lớn của nền kinh tế Trung Quốc và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên, nếu muốn cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc, Mỹ sẽ phải tránh một kịch bản về một cuộc chiến thương mại tay đôi giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Thay vào đó, các chính sách này phải có tính đa phương để có hiệu quả lớn nhất, và một trong số đó là sự ủng hộ của các nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đang ở châu Âu mà Mỹ là đồng minh.
Khoảng cách xuyên Đại Tây Dương cũng có thể làm giảm hiệu quả chiến lược của Mỹ. Về dài hạn, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc ngăn cản EU gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Trung Quốc, vốn được xem là một bước đi làm tăng thêm sự thách thức của Bắc Kinh đối với ưu thế về quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Cũng tương tự trong các lĩnh vực khác, việc gia tăng kim ngạch thương mại và đầu tư giữa hai bên cũng đang khiến cho châu Âu kín đáo hơn trong việc phản đối Trung Quốc về các vấn đề như nhân quyền hay đàn áp chính trị. Chẳng hạn như việc gần đây EU đã đưa ra những chỉ trích Trung Quốc về vấn đề trên các vùng biển tranh chấp, nhưng điều đó đang được nhìn nhận theo cách như một sự mặc cả, trong đó Trung Quốc cần phải gia tăng đầu tư và thương mại vào châu Âu để giảm thiểu các quan điểm phản đối này.
Có lẽ, cách tốt nhất mà Mỹ có thể làm để lôi kéo châu Âu vào mối quan tâm chung về sự trỗi dậy của Trung Quốc, đó là làm cho EU hiểu rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là một thách thức chính trị-quân sự với Mỹ ở Thái Bình Dương, mà rộng hơn, đó còn là mấu chốt của một thách thức lớn hơn theo nghĩa đe dọa lên trật tự quốc tế tự do mà Mỹ và châu Âu xây dựng nên sau Thế chiến thứ hai và đặc biệt là sau chiến tranh lạnh. Chỉ khi nhận thức được sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức mang tính toàn cầu, thì EU mới có thể tham gia sâu rộng hơn vào chiến lược của Mỹ.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)