Trung Quốc: Trung ương kiềm chế cơn sốt đầu tư hạ tầng của địa phương
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:15, 14/01/2018
Trung Quốc đã lao vào cơn sốt xây hệ thống xe điện ngầm ở hơn 50 thành phố. Các dự án này có trị giá 1 ngàn tỉ nhân dân tệ (150,8 tỉ USD) sau khi việc hạn chế dân số đã được nới lỏng, cho phép có thêm các thành phố mở hệ thống metro.
Nếu tất cả 50 thành phố tiếp tục tiến hành các dự án trên, Trung Quốc sẽ qua mặt châu Âu và châu Mỹ về hệ thống xe điện ngầm. Châu Âu có 46 thành phố có hệ thống metro, châu Mỹ có 33 thành phố có hệ thống này, theo Hiệp hội Vận chuyển công cộng quốc tế.
Hồi tháng 7.2017, Hiệp hội Metro Trung Quốc nói nước này có 30 thành phố hiện có hệ thống xe điện ngầm. Các khoản chi xây dựng cơ sở hạ tầng này từng được đánh giá giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng hiện bị “soi” kỹ, sau khi trung ương hứa kéo giảm các rủi ro tài chính.
Trong 10 năm qua, các chính quyền địa phương cứ dựa vào những dự án đầu tư xe điện ngầm, chấp nhận vay nợ ngân hàng để kích thích nền kinh tế. Hồi tháng 8.2017, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo nợ lĩnh vực phi tài chính của Trung Quốc sẽ tăng vượt 290% GDP từ năm 2022, so với 235% GDP hồi năm 2016.
Nhưng tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 19 hồi cuối tháng 10.2017, Tổng bí thư Tập Cận Bình không nói đến các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức nữa. Điều này cho thấy Bắc Kinh chấp nhận tăng trưởng chậm hơn.
Gần đây, Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cũng chỉ trích các chính quyền địa phương hoang phí tiền vay ngân hàng chỉ để chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách cũng đã cảnh báo về nguy cơ bong bóng tài sản, do mức nợ công ty cao và nợ của hộ gia đình cũng cao trong nền kinh tế.
Sẽ “trảm tướng” ở tuyến xe điện ngầm Bao Đầu
Một dự án xây dựng tuyến xe điện ngầm ở thành phố Bao Đầu (thuộc khu tự tri Nội Mông) chính là một biểu tượng ảm đạm của nền kinh tế địa phương bị ì ạch do những thay đổi bất chợt của chính quyền trung ương, theo Nikkei Asian Review.
Dự án này tính xây một tuyến xe điện ngầm nối sân bay với trung tâm thành phố. Nhưng tại một chỗ xây một nhà ga của tuyến xe này, máy móc xây dựng nặng nề cùng nhiều vật liệu bị bỏ lăn lóc. Nhân viên bảo vệ chẳng có việc gì để làm. Nhà ga hoang vắng, vô chủ.
Quyết định khởi công xây dự án trị giá 30 tỉ nhân dân tệ (4,54 tỉ USD) này được ra hồi tháng 8.2016. Nhưng đúng 1 năm sau, dự án bị ngừng. Việc xây một trạm cuối sân bay từng khởi công sớm hơn cũng bị trì trệ nghiêm trọng. Hiện việc xây nền móng vẫn đang tiến hành, dù kế hoạch là trạm cuối sẽ được xây xong trong mùa hè 2018. Lý do tạm ngưng công trình rất rõ ràng: không có cách nào để thu hồi nguồn vốn đã đầu tư. Tại TP.Bao Đầu, vốn diện tích lớn hơn Tokyo (Nhật Bản) những 10 lần, chỉ có 3 triệu dân.
Giữa sân bay với trung tâm thành phố có một tuyến đường cao tốc 4 làn xe, có nghĩa giao thông không bao giờ bị tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Ở đây, dù nhiệt độ mùa đông ở mức âm 10 độ C, điều kiện thời tiết lục địa bảo đảm khí hậu khô, giúp Bao Đầu hoàn toàn không bị tuyết rơi. Một tài xế taxi nói: “Tuyến đường cao tốc rất khó bị lâm vào cảnh kẹt xe vào giờ cao điểm”.
Vì thế, đáng đặt câu hỏi liệu có đủ nguồn cung cho dịch vụ xe điện ngầm vốn sẽ đòi hỏi kinh phí khổng lồ để xây dựng và hoạt động?
Số dân ít ỏi, giá cước từ 3 - 5 tệ/cuốc di chuyển “sẽ không đủ để trả tiền lãi suất”, theo một ngân hàng đầu tư giấu tên. Xem ra Bắc Kinh ý thức được thực tế này. Chính quyền trung ương từng sốt ruột thúc đẩy quảng bá dự án, nay đã kêu hủy dự án.
Ngày 16.11.2017, báo Financial Times đưa tin chính quyền trung ương ra lệnh cho chính quyền Bao Đầu ngưng công trình, phát tín hiệu Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh sự tăng trưởng kinh tế để kiềm chế nguy cơ nợ công chất cao ngất.
Trang báo Anh cho biết chính quyền Bao Đầu từng vay tiền ngân hàng để trang trải 60% kinh phí cho dự án. Hồi tháng 5.2017, hai quan chức cấp cao nhất của thành phố đã dự lễ động thổ. Lúc đó, chính quyền thành phố viết trên trang web chính thức: “Tuyến xe điện ngầm chuyên chở niềm hy vọng và ước mơ của nhân dân, và công trình xây dựng đang tăng tốc”.
Nhưng đến tháng 8.2017, sau chuyến thăm của ông Du Chính Thanh (đã về hưu, thôi là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị CPC) dự án đã bị ngưng, vào lúc Bao Đầu đang bị kẹt tiền trong năm 2017. Nguồn thu của thành phố trong 3 quý đầu năm 2016 chỉ là 17 tỉ tệ, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Nếu cứ tiến hành dự án, khoản nợ 90 tỉ tệ hiện tại sẽ tăng thêm ít nhất 20%.
Nhưng theo Nikkei Asian Review, một số người cho rằng có sự tính toán kỹ lưỡng về thời điểm hủy dự án: trung ương chờ đến khi Đại hội đảng kết thúc mới công bố quyết định hủy bỏ dự án.
Tờ báo Nhật nêu rằng ông Tập mượn sự kiện chính trị này để củng cố quyền lực trong 5 năm nhiệm kỳ thứ 2, nên ông cần chặn mọi nguy cơ xung đột trước thềm đại hội. Và trung ương cũng cần duy trì dự án Bao Đầu để vực dậy nền kinh tế cho đến khi đại hội bế mạc.
Vẫn theo tờ báo Nhật, trung ương nay siết chi tiêu công để xử lý tình trạng nợ công cao chất ngất. Sau Đại hội đảng, có thể không sớm thì muộn sẽ có vài quan chức bị mất chức vì dự án xe điện ngầm Bao Đầu, và bị quy trách nhiệm vì đã đánh giá quá lạc quan về triển vọng kinh tế của dự án này.
Dân nghèo thấp cổ bé miệng lãnh đủ
Theo Nikkei Asian Review, nói cách khác là Bao Đầu chỉ là quân tốt thí cho mục tiêu thâu tóm quyền lực của ông Tập.
Nhưng Bao Đầu không là thành phố duy nhất phải chịu kiểu thay đổi chính sách xoành xoạch của trung ương, không áp dụng những nguyên tắc thị trường trong vấn đề đầu tư công.
Tại Hốt Hột, thủ phủ khu Nội Mông và ở kề cận Bao Đầu, cũng chậm trễ hoàn thành dự án xây một tuyến đường cao tốc và một dự án xe điện ngầm đi “thành phố ma” Ordos không người.
Các dự án xe điện ngầm khác ở Trung Quốc cũng bị tạm ngưng như ở Yên Thể (tỉnh Sơn Đông), Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc). Thành phố Hàm Dương đã muốn xây một tuyến đuờng bộ 6 làn xe nối với thủ phủ Tây An của tỉnh Thiểm Tây.
Gần 1.000 dự án được lập theo mô hình đối tác công-tư bị hủy trong năm 2017. Dĩ nhiên là trung ương duyệt rồi lại hủy các dự án này.
Theo Nikkei Asian Review, đầu tư cơ sở hạ tầng không là chính sách duy nhất bị chính quyền trung ương can thiệp mạnh. Ví dụ, Ủy ban thành phố Nam Kinh đã áp mức giá tối đa 35.000 tệ/mét vuông cho những căn hộ mới xây ở một số khu vực trong thành phố, nhằm tránh mua đầu cơ.
Dù vậy, hồi cuối tháng 11.2017, một cuộc bán đấu giá 3.000 căn hộ mới đã thu hút 15.000 người mua tìm đến. Họ đem theo những bao tiền để đóng thế chân từ 500.000 đến 1 triệu tệ. Từ nguồn cầu nhiều hơn nguồn cung, người mua lập tức có thể “thổi” giá bán lên từ 40.000 đến 45.000 tệ/mét vuông.
Vậy là thay vì “đâm thủng bong bóng bất động sản”, trung ương đã tạo cơ hội dễ dàng cho bọn đầu cơ kiếm lời, vô tình đào sâu cách biệt giàu-nghèo. Nó cũng đặt dấu hỏi về cách chính phủ quyết mức giá trần, trong khi người thấp cổ bé miệng phải chịu đựng sự thay đổi chính sách xoành xoạch của Bắc Kinh.
Vĩnh Thụy (theo Nikkei Asian Review)