Kéo dài nhiệm kỳ Chủ tịch nhằm cải cách nền kinh tế Trung Quốc: Không có gì chắc chắn
Góc nhìn - Ngày đăng : 20:18, 04/03/2018
Một trong những lý do chính được những người ủng hộ việc gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước - một động thái được xem là sẽ kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Tập Cận Bình - là điều đó sẽ có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc cả về trung hạn lẫn dài hạn. Việc tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo tối cao không chỉ cho phép ông Tập triển khai các kế hoạch vĩ mô lớn do chính mình đề xuất, như dự án “Vành đai và Con đường”, mà còn tạo điều kiện cần thiết để thực hiện những cải cách kinh tế đau đớn nhưng cần thiết vốn từ trước đến nay bị cản trở bởi các yếu tố khác trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Nói cách khác, dù không phải là một bước tiến về cải cách chính trị, nhưng nó có thể tăng triển vọng về cải cách kinh tế. Nhưng, liệu điều đó có đúng?
Dựa vào những gì có thể quan sát về chương trình kinh tế suốt 5 năm vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thì điều đó không hẳn là hoàn toàn chính xác. Về cơ bản, chương trình nghị sự kinh tế của ông Tập suốt 5 năm vừa qua không bao gồm các cải cách thị trường nhằm cải thiện cấu trúc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Dù tuyên bố cải cách nền kinh tế từ mô hình dựa vào xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa, nhưng đến thời điểm hiện tại tăng trưởng của Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu và ít thay đổi về mặt cấu trúc. Ngay cả bài phát biểu vào tháng 10 năm ngoái tại Đại hội Đảng, ông Tập cũng nhấn mạnh chương trình kinh tế của mình sẽ tập trung vào cải cách cơ cấu theo hướng giảm cung vốn là một biện pháp hướng tới sự cân bằng của nền kinh tế hơn là tái cấu trúc lại nó.
Chương trình nghị sự kinh tế của ông Tập có nhiều mục tiêu, bao gồm giảm rủi ro trong hệ thống tài chính, giảm nợ xấu, củng cố và cắt giảm năng lực sản xuất dư thừa trong các ngành công nghiệp như than đá và sắt thép, giảm hàng tồn kho, giảm chi phí hành chính cho doanh nghiệp, và xác định các liên kết yếu kém trong nền kinh tế bao gồm các rào cản với thương mại và đầu tư giữa các tỉnh thành trong nội bộ Trung Quốc. Đây đều là những vấn đề thiết yếu cần giải quyết trong nền kinh tế Trung Quốc, nhưng lại không phải là những điểm mấu chốt trong việc tái cấu trúc, mà là theo hướng cải thiện và giữ nguyên hiện trạng.
Những mục tiêu này đều thu được những thành quả rõ rệt và một số tiến bộ rõ rệt. Hệ thống tài chính Trung Quốc đã chứng kiến đòn bẩy liên ngân hàng giảm hơn 3.000 tỉ nhân dân tệ trong năm 2017 - lần giảm đầu tiên kể từ năm 2010. Những nỗ lực cắt giảm sản lượng than đá và sắt thép đã làm giảm ô nhiễm không khí và tăng khả năng sinh lời trong các lĩnh vực công nghiệp do giá cả các mặt hàng này đã tăng 111% và 153%, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016. Trong khi đó, có khoảng 40 - 50 thành phố lớn ở Trung Quốc đang cố gắng xây dựng các kho bất động sản dự trữ nhằm ổn định thị trường đầu cơ quan trọng này thay vì cố kiểm soát nó một cách vô vọng như trước đây.
Việc tăng trưởng của nền kinh tế vẫn tiếp tục đà ổn định trong năm ngoái dù các dự báo trước đó thấp hơn, đang khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng họ đang đi đúng hướng. Vấn đề được đặt ra là những điểm sáng này chỉ là kết quả mang tính ngắn hạn, trong khi các thách thức cơ bản và dài hạn mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt thì lại chưa được giải quyết, đó là trở ngại về thể chế đối với tăng trưởng năng suất bền vững. Một trong những trở ngại lớn nhất trong thách thức này là cải thiện năng suất và hiệu quả hoạt động đối với các doanh nghiệp nhà nước, kiềm chế ngân sách và áp dụng các quy tắc thị trường đầy đủ. Tuy nhiên, các vấn đề này lại không nằm trong danh sách mục tiêu trong chương trình nghị sự kinh tế của ông Tập. Ngay cả khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tán dương vai trò của kinh tế thị trường, thì dường như họ đang tin rằng cố gắng kiểm soát một phần nhất định trong nền kinh tế sẽ là điều kiện cần thiết để tiếp tục tăng trưởng mà không tuột khỏi tầm kiểm soát.
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình được gia hạn nhiệm kỳ vì vậy có thể khiến các cải cách quan trọng không nằm trong chương trình nghị sự này bị bỏ qua, hoặc ít được chú ý đến. Để các cải cách đó diễn ra có hiệu quả, Trung Quốc sẽ phải có một sự điều chỉnh quyết liệt về hệ thống pháp luật. Chẳng hạn như việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước sẽ buộc các quan chức phải tập trung vào trách nhiệm ủy thác và ràng buộc các trách nhiệm về pháp luật chứ không phải là theo nghị quyết về phía Đảng. Tương tự là vấn đề giảm chi tiêu thường xuyên của chính quyền địa phương, đó là buộc các quan chức cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trước pháp luật. Tuy nhiên, liệu sau khi được gia hạn nhiệm kỳ ông Tập có mạnh tay thực hiện những điều này hay không lại là chuyện khác.
Hiện tại, một trong những lý do hàng đầu khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại đầu tư vào Trung Quốc đại lục là do sự thiếu rõ ràng về mặt pháp luật. Từ trước đến nay trở ngại này ít được nhắc đến do sức hấp dẫn của thị trường 1,4 tỉ dân khiến các doanh nghiệp và công ty nước ngoài sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Nhưng giờ đây nó lại đang được đặt ra một cách bức thiết nhất. Thống kê mới nhất cho thấy các dòng vốn đầu tư vào đại lục đang sụt giảm: tăng trưởng đầu tư nước ngoài trong năm 2017 đã giảm khoảng 4%, và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm sắp tới.
Có thể thấy, các ưu tiên về cải cách kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình nếu được gia hạn nhiệm kỳ đang có một khoảng cách nhất định với việc tái cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc. Những gì mà ông Tập hướng tới là giảm thiểu các rủi ro và cố gắng duy trì nguyên trạng hệ thống kinh tế hiện nay, chứ không phải là cải cách nó theo hướng mới và đột phá. Có thể biện minh rằng ở thời điểm hiện tại thì việc giảm thiểu các rủi ro quan trọng hơn trước khi nghĩ đến chuyện cải cách. Nhưng, vậy thì đến bao giờ nền kinh tế Trung Quốc mới được cải cách?
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)