Trung Quốc muốn bán vũ khí qua 'Một Vành Đai Một Con Đường'
Góc nhìn - Ngày đăng : 17:44, 12/03/2018
Tại Mỹ, các nhà thầu quốc phòng như Lockheed Martin, Boeing và Raytheon đều phối hợp chặt chẽ với Lầu Năm Góc để sản xuất các loại vũ khí và khí tài quân sự hiện đại. Và thông qua xuất khẩu vũ khí, Mỹ duy trì tầm ảnh hưởng lớn ở các nước châu Á và Trung Đông.
Phức hợp "quân-dân sự hội nhập" ở Trùng Khánh sẽ củng cố quyền lực của ông Trần Mẫn Nhĩ
Trung Quốc cũng muốn đạt được quyền lợi tương tự, thông qua dự án Một Vành Đai Một Con Đường. Dự án này nhằm hồi sinh tuyến đường thương mại Con đường Tơ lụa ngày xưa, đặc biệt để kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi, thông qua các dự án cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh đổ tiền và sử dụng nhân công Trung Quốc. Dự án cũng là trọng tâm trong việc bành trướng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách tăng cường các quan hệ kinh tế.
Theo báo Nikkei Asian Review ngày 12.3, trong giới truyền thông đưa tin bài về kỳ họp hàng năm Quốc hội Trung Quốc, chỉ vài nhà báo chú ý một tuyên bố quan trọng của đại biểu Chu Hoa Vinh, chủ tịch công ty sản xuất xe hơi Trùng Khánh Trường An.
Ông Chu nói: “Theo Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Hoa trong thời kỳ mới, chúng tôi sẽ sử dụng lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thịnh vượng của Trùng Khánh, để đi đầu trong công tác phát triển khoa học – công nghệ phục vụ quốc phòng. Với những sự phát triển này, chúng tôi sẽ tiến vào các thị trường có được từ Một Vành Đai Một Con Đường.
Ông Chu còn kiêm chức Tổng giám đốc công ty quốc phòng China South Industries, nơi mà ông đứng đầu mảng khoa học - công nghệ. Lời phát biểu của ông cho thấy lãnh đạo Trung Quốc có kế hoạch lập một “phức hợp quân sự - công nghệ” theo kiểu Mỹ, một dạng liên kết không chính thức giữa quân đội và công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Ông Chu nói bóng gió về việc xây phức hợp này ở Trùng Khánh để xuất khẩu vũ khí kỹ thuật cao cho các nước tham gia dự án Một Vành Đai Một Con Đường.
Trùng Khánh kết nối với Trung Á và châu Á bằng tuyến đường sắt, đã giúp chuyển nhiều hàng hóa công nghiệp và máy điện toán “made in China” đến hai khu vực trên.
Đối với Bí thư thành ủy Trùng Khánh, ông Trần Mẫn Nhĩ, sự thành công của kế hoạch phối hợp quân-dân sự sẽ càng giúp ông củng cố thế lực. Ông đang là một ngôi sao mới nổi và thân cận ông Tập Cận Bình, được đồn đoán sẽ đến lúc thừa kế quyền lực do ông Tập trao lại.
Mục đích của dự án Một Vành Đai Một Con Đường: để nguồn vốn nhà nước "tốt hơn, lớn mạnh hơn"
Tháng 5.2017, ông Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Một Vành Đai Một Con Đường:
“Trải qua hàng ngàn năm và hàng ngàn dặm, Con đường Tơ lụa ngày xưa phải mang tinh thần hòa bình và hợp tác, mở cửa và hội nhập, cùng học hỏi và cùng hưởng lợi. Khi theo đuổi Một Vành Đai Một Con Đường, chúng ta không có ý định lập một nhóm nhỏ gây bất ổn, mà điều chúng ta hy vọng tạo nên là một gia đình lớn cùng sống chung hòa điệu”.
Nhưng một báo cáo từ châu Phi lại phủ bóng đen lên tinh thần “đôi bên cùng có lợi” của dự án Một Vành Đai Một Con Đường: theo báo Le Monde của Pháp, Bắc Kinh đã cài thiết bị nghe lén ở trụ sở Liên hiệp châu Phi (AU) do Trung Quốc xây ở Ethiopia hồi 6 năm trước, làm quà tặng khối AU. Suốt 5 năm, mỗi nửa đêm “rệp” điện tử đã lấy cắp dữ liệu từ máy điện toán của AU để chuyển về máy chủ đặt ở Thượng Hải.
Trung Quốc xây tặng trụ sở cho Liên hiệp châu Phi - Ảnh: New China
Chắc chắn rằng hoạt động do thám được cả thế giới áp dụng, hoạt động ăn cắp dữ liệu của Trung Quốc chỉ là một phần, nhưng Trung Quốc tự đưa mình vào thế với Một Vành Đai Một Con Đường, vì dự án này cũng nhằm lan tỏa công nghệ thông tin và mạng lưới viễn thông của Trung Quốc.
Nay, Bắc Kinh lại muốn xuất khẩu vũ khí theo hướng “quân-dân sự hội nhập” đến các nước tham gia dự án Một Vành Đai Một Con Đường.
Trong khi đó, cũng có một dòng đáng chú ý trong báo cáo chính phủ mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc trong ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hôm 5.3: sự kết hợp quân-dân sự thông qua dự án trên nhằm để nguồn vốn nhà nước Trung Quốc “mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn”.
3 vị tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, các ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào khi còn nắm quyền lực Trung Quốc, đã cố gắng cải thiện các tập đoàn nhà nước làm ăn không hiệu quả, như một phần kế hoạch tự do hóa nền kinh tế. Nhưng việc giúp các tập đoàn này sống sót và thậm chí được “lớn mạnh hơn”, cũng như để họ thống lĩnh thị trường trong nước có nguy cơ cản đường của các công ty tư nhân.
Việc ông Lý Khắc Cường nói đến “vốn nhà nước”, cùng kế hoạch tăng tốc hội nhập quân-dân sự và Một Vành Đai Một Con Đường đã gợi ý một tầm nhìn của ông Tập Cận Bình về Trung Quốc: một bên là trung ương kiểm soát tất cả, cạnh một bên thúc đẩy sự thay đổi theo các quy định của phương tây, và một bên nữa là xây dựng một mạng lưới ảnh hưởng thông qua quan hệ kinh tế hoặc quân sự.
Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong tương lai, Trung Quốc cũng sẽ tác động đáng kể đến không những châu Á, mà còn tác động đến cả toàn cầu.
Và trong tương lai ấy, vẫn ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo, khi Quốc hội Trung Quốc đã đồng ý thông qua dự thảo Hiến pháp mới của nước này, gồm điều khoản hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chức danh Chủ tịch nước, mở đường cho ông Tập Cận Bình có thể nắm quyền lâu hơn trong tương lai.
Trung Trực (theo Nikkei Asian Review)