Tỉ phú Nga vẫn giàu lên dù bị phương Tây cấm vận
Góc nhìn - Ngày đăng : 22:07, 20/04/2018
Danh sách các tỉ phú Nga 2018 được Forbes bản tiếng Nga công bố ngày 19.4, với 106 tỉ phú có tổng tài sản ước tính là 417, 77 tỉ USD, một con số kỷ lục tính từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, dẫn đến việc LHQ, Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) ban hành các lệnh cấm vận Nga và các nhân vật có quyền thế và có tầm ảnh hưởng.
Năm 2014 có 114 tỉ phú Nga, với tổng tài sản ước tính 422,15 tỉ USD. Còn trong danh sách 2018, bất chấp căng thẳng địa - chính trị giữa Nga với phương Tây, Nga có thêm 28 tỉ phú trong vòng 2 năm, điều có nghĩa tăng từ 78 người (hồi năm 2016, tổng tài sản ước tính 282,6 tỉ USD) lên 96 người trong năm 2017 và 106 người trong năm 2018, tức tăng 49%.
Đứng đầu danh sách này là đại gia ngành thép Vladimir Lisin, với số tài sản 19,1 tỉ USD. Hạng nhì là đại gia ngành thép Alexei Mordashov (18,7 tỉ USD), và hạng ba là đại gia ngành nhôm Vladimir Potanin (15,9 tỉ USD).
Những tỉ phú mới được đưa vào danh sách gồm ông Ivan Savvidis, người bị cấm xem bóng đá Hy Lạp 3 năm, sau khi ông cầm súng xông vào một trận đấu có đội bóng của ông ở thành phố Thessaloniki hồi tháng 3; bà Polina Deripaska, vợ cũ của tỉ phú Oleg Deripaska (bị Mỹ cấm vận) và nhà đầu tư chính của trung tâm mua sắm Anh đào mùa đông (bị cháy ở Siberia làm chết 64 người hồi tháng 3) là ông Denis Shtengelov.
Forbes cho biết có 3 tỉ phú rời khỏi danh sách 2018, gồm trùm bất động sản Boris Mints, chủ ngân hàng Mikail Shishkhanov và doanh nhân ngành bảo hiểm Danil Khachaturov.
Forbes lưu ý: “Bất kể thị trường suy thoái và có thể phương Tây áp thêm cấm vận, 2017 là năm thành đạt của nhiều thành viên trong danh sách”.
Mỹ trừng phạt, Nga cũng sẽ trả đũa bằng đòn “phản trừng phạt”....
Hồi đầu tháng 1.2018, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố “Danh sách Kremlin”, gồm 200 nhà giàu Nga và thân cận Điện Kremlin, là các đối tượng có thể bị Mỹ trừng phạt. Danh sách này không đề cập những biện pháp trừng phạt, đã bị chỉ trích là “sao chép” danh sách 96 tỉ phú Nga của Forbes năm 2017.
Ngày 6,4, Bộ Tài chính Mỹ đã áp thêm vào danh sách đen cấm vận 1 công ty bán vũ khí cùng một nhánh ngân hàng của công ty này, 17 quan chức cấp cao và 7 đại gia Nga cùng các công ty của họ.
Bộ Tài chính Mỹ nêu chính phủ Nga có “những hoạt động hiểm ác khắp thế giới”, gồm tiếp tục chiếm đóng Crimea, kích động bạo lực ở đông Ukraine, cung cấp vũ khí và khí tài để chính phủ Tổng thống Syria tấn công giết dân thường, âm mưu lật đổ các nền dân chủ phương Tây cùng các hoạt động tấn công mạng. Các nhân vật quyền thế và đại gia Nga hưởng lợi từ một hệ thống tham nhũng sẽ không bao giờ bị tách khỏi những hậu quả từ những hoạt động gây bất ổn của chính phủ của họ”.
Ngày 7.4, những người giàu nhất Nga bị mất 12 tỉ USD chỉ trong một ngày, vì đồng rúp lại mất giá, cổ phiếu chứng khoán Nga lao dốc.
... Thà uống vỏ cây nấu sôi còn hơn uống thuốc Mỹ
Ngày 18.4, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko nói Nga sẽ có biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ: “Phản ứng của Nga đối với sự trừng phạt, chúng tôi gọi là phản trừng phạt, sẽ rất chính xác, gây đau đớn đối với các nước trừng phạt Nga. Cấm vận là con dao hai lưỡi, và những ai áp đặt chúng nên hiểu việc trừng phạt các nước khác, nhất là đối với Nga, sẽ khiến người áp đặt chúng phải chịu nguy cơ lãnh lấy những hậu quả nghiêm trọng”.
Ngày 15.5 tới, khi Viện Duma quốc gia (Hạ viện Nga) tái họp, 450 nghị sĩ sẽ bàn luận về các biện pháp phản trừng phạt. Nhiều nghị sĩ đã soạn một dự thảo luật cho phép chính phủ có quyền cấm hoặc hạn chế hàng hóa và dịch vụ Mỹ, từ cấm nhập thuốc men đến phần mềm điện toán và động cơ tên lửa, giảm bán titanium và uranium, và thậm chí cho phép ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, theo báo Times.
Tuy nhiên, Điện Kremlin chưa cho biết sẽ ủng hộ dự thảo luật trên hay không.
Nghị sĩ Pyotr O. Tolstoy - hậu duệ của nhà văn Lev Tolstoy - ra tuyên bố dân Nga thà uống vỏ cây nấu chín còn hơn uống thuốc Mỹ.
Nhà kinh tế học Igor Nikolaev, lãnh đạo Viện nghiên cứu chiến lược của công ty tư vấn - kiểm toán FBK, nói: “Cuộc phản trừng phạt đang mạnh lên, và phản ứng của Nga thực tế có thể gây hại cho chúng ta”.
Ví dụ Boeing mua 35 % titanium cho dòng máy bay 787 Dreamliner, từ công ty nhà nước VSMPO-Avisma, nơi độc quyền kiểm soát sản lượng titanium. Công ty này đã ra tuyên bố cảnh cáo: biện pháp này có thể tác động ngược đến 20.000 nhân công và toàn ngành kinh tế Mỹ.
Lò nấu nhôm của công ty Rusal vốn bị Mỹ trừng phạt - Ảnh : Bloomberg
Tổng thống Putin không ngưng đấu trí với phương Tây cấm vận
Theo ông Evsey Gurvich, lãnh đạo Expert Economic Group (một trung tâm phân tích độc lập), khi phương Tây cấm vận Nga, nước này sẽ càng co mình tự vệ để không bị trừng phạt thêm.
Sức tăng trưởng kinh tế Nga năm nay sẽ thấp hơn 2%, và các chuyên gia còn dự báo mức này chỉ từ 1,7% “sà xuống” đến tận 0%.
Kết quả là nhà nước sẽ cố gắng kiểm soát toàn bộ ngành kinh tế, nhằm bảo vệ việc làm và các ngành công nghiệp không bị sụp đổ từ lệnh trừng phạt thêm của phương Tây, đẩy Nga trở lại mô hình kinh tế bao cấp thời Liên Xô.
Ngoài ra, khi các công ty lớn bị trừng phạt mạnh, mất nguồn thu, thì ngành thuế cũng không có tiền cấp cho ngân sách, điều đó có nghĩa mảng y tế và giáo dục sẽ bị cắt giảm ngân sách lớn.
Thế nhưng vấn đề là dân Nga vẫn dành nhiều sự ủng hộ cho Tổng thống Vladimir Putin, dù thu nhập của họ bị giảm mạnh trong vài năm qua.
Theo các chuyên gia người Nga, không ai dám kỳ vọng những vấn đề khó khăn về kinh tế sẽ làm ông Putin thay đổi thái độ thách thức phương Tây.
Tổng thống Putin tham quan một cuộc triển lãm thành tựu kỹ thuật - Ảnh: New York Times
Theo báo New York Times, vào lúc Nga đang bị phương Tây gia tăng cấm vận, nền kinh tế Nga ít ra có một điểm sáng: mảng sản xuất trang phục lao động chuyên dụng - gồm áo chống đạn - đạt mức tăng trưởng 27%.
Tỉ lệ tăng trưởng trên xem ra thể hiện điều các nhà phân tích nói: Thái độ kiên quyết của ông Putin đối với phương Tây đang tạo ra hiệu ứng ngược, là nước Nga bị cô lập sẽ phải chịu hậu quả là bị tổn thất kinh tế dài lâu.
Sự suy yếu này phản ánh một sự cảnh giác ngày càng lớn ở các nước phương Tây, rằng Nga ngày càng tỏ ra thù địch phải bị xem như một mối đe dọa.
Từ đó, phương Tây lập mặt trận chung để thách thức Nga, với cái cớ Nga gây bất ổn ở các nước láng giềng, can thiệp cuộc bầu cử của các nước khác, ám sát cựu điệp viên Sergei Skripal, tấn công mạng và cho phép chính phủ Tổng thống Bashar Al-Assad dùng vũ khí hóa học (VKHH) giết hại dân thường Syria.
Các nhà phân tích nói cuộc đối đầu này sẽ càng tệ hại hơn chỉ vì một lý do chính, đó là ông Putin cùng các cố vấn thân cận tin Nga có những chính sách đúng đắn, thuyết phục được tầng lớp quyền thế và đại bộ phận dân Nga rằng đất nước đang mạnh mẽ, xây lại được vị thế cường quốc chứ không suy yếu.
Nhà nghiên cứu Vladislav L. Inozemtsev người Nga, của Viện nghiên cứu phát triển Ba Lan, nói ở Nga có thể bị chia thành 2 nhóm: “Nhóm thân cận ông Putin và một số người dân tin tưởng Nga làm gì cũng đúng đắn, và cho rằng tinh thần đoàn kết của phương Tây sẽ sớm bị tan biến”.
Còn giới quyền thế ở thành thị - gồm đa phần các doanh nhân - cho rằng cuộc đối đầu đã đi quá xa, cần tìm ra cách tái lập quan hệ với phương Tây.
Nhóm này tin tưởng ông Tổng thống Mỹ Donald Trump, người lâu nay miễn cưỡng chỉ trích Nga, nhưng ông cũng là người khó đoán trước. Ví dụ hôm 16.4, Nhà Trắng bác việc Mỹ sẽ áp thêm lệnh trừng phạt Nga, trong khi Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley ngày 15.4 đã tuyên bố động thái này sẽ được Nhà Trắng công bố.
Giáo sư khoa chính trị Yuliy A. Nisnevich nói: “Giới quyền thế muốn cuộc đối đầu chấm dứt. Vì họ là người sẽ tiêu hoặc kiếm tiền ở nước ngoài. Nhưng phe thích chiến tranh, những người sống trong nước và kiếm ra tiền lại đang thắng trước giới quyền thế”.
Vĩnh Thụy (theo Newsweek, New York Times)