Canh bạc làm thân với Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc
Góc nhìn - Ngày đăng : 18:43, 08/09/2018
Theo hãng tin AP, Triều Tiên thích các sự kiện rình rang, mở màn lễ hội bằng cuộc duyệt binh rầm rập bước quân hành trên Quảng trường Kim Nhật Thành (nhà lập quốc, ông nội của lãnh đạo Kim Jong-un) và có thể phô trương tên lửa to lớn hoặc các vũ khí hiện đại, theo hình ảnh vệ tinh của trang web 38 vĩ độ Bắc (chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên) đã ghi nhận, dù chưa phát hiện dấu hiệu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc dàn phóng của chúng.
Nhà nghiên cứu cao cấp Hong Min của Viện Thống nhất quốc gia Triều Tiên nói: “Phô diễn sức mạnh quân sự luôn là cốt tử đối với nhà nước Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên biết rõ nếu phô diễn ICBM, quốc tế sẽ nghi ngờ sự sẵn sàng thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ không liều phô trương”.
Truyền thông Triều Tiên đã gọi ngày 9.9 “sẽ là một lễ hội của người chiến thắng, và tiếp tục mở rộng các kết quả của tiến trình phát triển kinh tế vĩ đại”.
Các nhà phân tích nói khi đã tuyên bố Triều Tiên “hoàn tất” chương trình tên lửa vũ khí hạt nhân (VKHN), ông Kim sẽ mượn các sự kiện của dịp mừng ngày lập quốc, để đề cao sự tái tập trung của ông vào nỗ lực phát triển kinh tế, cũng như để quảng bá nỗ lực ngoại giao đã giúp ông Kim có các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Thế khó cho Tổng thống Hàn Quốc khi Mỹ-Triều bất đồng
Sau nhiều tháng đồn đoán rằng có thể Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Bình Nhưỡng dự lễ, Bắc Kinh hôm 4.9 tuyên bố đoàn Trung Quốc sẽ do ông Lại Chiến Thư, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, dẫn đầu.
Theo AP, sự hiện diện của ông Lại Chiến Thư ghi nhận vai trò của Bắc Kinh là một thế lực lớn trong nỗ lực quốc tế giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Theo hãng tin Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng rất muốn có vai trò như Bắc Kinh, và là một trong nhiều lý do tại sao sức ép sẽ rất lớn, khi ông sẽ gặp ông Kim trong chuyến thăm chính thức Triều Tiên 3 ngày từ 18 đến 20.9 tới.
Ông Moon và ông Kim đã có cuộc gặp lịch sử đầu tiên hồi tháng 4 và gặp lại nhau vào tháng 5.
Ngày 7.9, Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố ông đang thúc đẩy “một sự tiến bộ không chê vào đâu được” trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên từ cuối năm 2018.
Hồi đầu tuần, ông Moon cử hai đặc sứ đến Bình Nhưỡng để giải quyết bất đồng giữa Mỹ-Triều.
Ngày 6.9, hai đặc sứ Hàn Quốc nói ông Kim sẵn sàng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mãn nhiệm kỳ một, và ông Kim cũng có lời lẽ kính trọng chủ nhân Nhà Trắng, mạnh mẽ tin tưởng việc ông Trump đã hứa sẽ từ bỏ kết thúc sự thù địch Triều Tiên từ hàng chục năm qua.
Ông Trump cảm ơn ông Kim đã tin tưởng ông, tuyên bố Mỹ-Triều sẽ cùng hoàn tất nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Moon nói chuyến đi của hai nhà ngoại giao “vượt quá kỳ vọng”.
Nhưng theo các nhà ngoại giao Hàn Quốc, lãnh đạo Triều Tiên cũng thất vọng với những câu hỏi liệu ông có sẵn từ bỏ VKHN. Sự bất đồng giữa Mỹ-Triều gây ra những thắc mắc: liệu ông Kim có thật sự sẵn sàng từ bỏ kho VKHN? Và không thể rõ bước kế tiếp của nỗ lực ngoại giao này sẽ ra sao.
Ở cuộc gặp hai đặc sứ Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói ông sẵn sàng thực hiện các động thái mạnh hơn, nếu như các giải pháp “thiện chí” của ông được Mỹ đáp lại tương đương.
Phe chỉ trích Tổng thống Moon đã nói ông quá tin tưởng Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng chưa hề báo cáo đầy đủ về chương trình tên lửa và VKHN, và xem ra có nhiều “bài để chơi” trong quá trình phi hạt nhân hóa “theo giai đoạn”, tương ứng với việc Mỹ thưởng thế nào, ví dụ Bình Nhưỡng tuyên bố đã thực hiện cam kết nghiêm túc thực hiện các bước tiến tới phi hạt nhân hóa, gồm đơn phương hủy một bãi thử hạt nhân ngầm và một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa.
Bình Nhưỡng muốn tuyên bố kết thúc chiến tranh, Mỹ không chịu
Ở cuộc gặp lịch sử ngày 12.6 với ông Trump, lãnh đạo Triều Tiên đồng ý “làm việc tiến tới hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, nhưng kể từ đó, các cuộc đàm phán bị kéo dài, với mỗi bên chỉ trích nhau không đạt tiến bộ”.
Bất đồng chính trong đàm phán Mỹ-Triều, là chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vốn chỉ tạm dừng bằng một hiệp định đình chiến, có nghĩa hai miền vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Đây sẽ là một chủ đề trong cuộc gặp của lãnh đạo liên Triều.
Khi đàm phán đổ vỡ, Triều Tiên cáo buộc Mỹ ra yêu sách đơn phương “kiểu xã hội đen” về phi hạt nhân hóa, và Mỹ cố tình trì hoãn chính thức kết thúc nội chiến Triều Tiên. Bình Nhưỡng còn phàn nàn “các thế lực thù địch ngoan cố trừng phạt Triều Tiên”.
Phản ứng lại, ông Trump đã hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, và Mỹ nói phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ sự hợp tác kinh tế nào.
Hàn Quốc bày tỏ sự nuối tiếc, đề nghị Mỹ tiếp tục nỗ lực ngoại giao. Lãnh đạo Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) Suh Hoon gần đây giải thích với các nghị sĩ Hàn: chuyến đi của ông Pompeo bị hoãn, vì Triều Tiên đòi Mỹ ký ngay lập tức tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, nhưng Mỹ nhấn mạnh trước tiên Bình Nhưỡng phải báo cáo chi tiết toàn bộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng tuyên bố khi Mỹ từ chối tuyên bố hòa bình và kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, thì Mỹ đã không có giải pháp xây dựng sự tín nhiệm nào để thúc đẩy qui trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Các quan chức Mỹ khẳng định không thể có tuyên bố này, trước khi Triều Tiên có những hành động cụ thể hướng tới từ bỏ kho VKHN và có thể kiểm chứng.
Cho đến nay, người ngoài cuộc chưa thể kiểm chứng các hoạt động của Triều Tiên, và cũng chưa có dấu hiệu Bình Nhưỡng thật sự giảm khả năng tên lửa và VKHN.
Một khi có tuyên bố hòa bình, Mỹ-Hàn cũng có thể bất đồng vì nhiều vấn đề khác: nhiều khả năng Mỹ không giúp dỡ bỏ lệnh cấm vận, công nhận ngoại giao hoặc rút 28.500 quân Mỹ trú đóng ở Hàn Quốc (giúp đề phòng Triều Tiên tấn công) trừ khi Bình Nhưỡng thực hiện các bước phi hạt nhân.
Từ đó, Triều Tiên sẽ có cớ để không bỏ kho VKHN và tên lửa. Và việc Triều Tiên muốn có tuyên bố hòa bình cũng có thể là dấu hiệu, cho thấy muốn chuyển cuộc đàm phán với Mỹ sang đàm phán giảm thiểu vũ khí giữa hai cường quốc hạt nhân, thay vì thực hiện tiến trình giao nộp kho VKHN.
Canh bạc khó đánh cho Tổng thống Moon Jae-in
Quan điểm của Mỹ có thể gây chia rẽ trong chính phủ Hàn Quốc, vốn cũng muốn một tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, có thể tại Đại hội đồng LHQ trong tháng 9 này.
Theo AP, Tổng thống Hàn Quốc không còn có động thái thiện chí nào đối với Triều Tiên vốn đã thất vọng trước sự chậm ì của các hợp tác với Hàn Quốc Bình Nhưỡng từng hy vọng sẽ đem lại các lợi ích kinh tế.
Liên Triều đã tổ chức các cuộc đoàn tụ giữa những cụ ông, cụ bà bị chia rẽ bởi Chiến tranh Triều Tiên, cùng lập đoàn thể thao tranh tài quốc tế, đàm phán quân sự để kéo giảm căng thẳng biên giới.
Nhưng Tổng thống Moon còn có những ý tưởng tham vọng, như cùng thực hiện các dự án kinh tế, tái lập tuyến đường sắt kết nối hai miền, vốn là các dự án bị ngăn cản bởi các lệnh cấm vận quốc tế. Gần đây, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói Mỹ chưa cho phép lập một văn phòng liên lạc ở vùng biên giới.
Theo AP, có lẽ cơn ác mộng của ông Moon sẽ quay lại năm 2017, khi Triều Tiên phóng thử một loạt tên lửa và hạt nhân, và ông Trump tung hàng loạt câu Twitter khiến dân Hàn Quốc lo sợ chiến tranh.
Uy tín ông Moon hiện vẫn trên 50%, nhưng vài tháng qua giảm đáng kể vì thị trường việc làm suy yếu, và ông không thể chấp nhận một sự thụt lùi trong quan hệ liên Triều.
Các quan chức Hàn Quốc nói nỗ lực ngoại giao sẽ đi cùng sự trừng phạt, sức ép cho đến khi nào Triều Tiên thật sự phi hạt nhân hóa.
Nhưng trong các diễn văn gần đây, ông Moon xem ra nói các hoạt động liên Triều phải đi đầu: “Đó là động lực chính phía sau việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Khi quan hệ liên Triều tốt trong quá khứ, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đã giảm”.
Theo AP, cuộc gặp của hai lãnh đạo Hàn-Triều sắp tới sẽ cho thấy ông Moon sẵn sàng thúc đẩy tăng cường quan hệ làm thân với Triều Tiên, mặc kệ Mỹ thất vọng Bình Nhưỡng.
Bong Young-shik, một chuyên gia về Triều Tiên ở Đại học Yonsei (Hàn Quốc) nói: “Phi hạt nhân hóa Triều Tiên là một tiến trình sẽ mất từ 10 đến 20 năm, và chỉ có hai cách thực hiện: loại bỏ tất cả VKHN và tên lửa, hoặc loại bỏ bất kỳ lý do và ý đồ nào khiến Bình Nhưỡng bấm nút hạt nhân. Chính phủ Moon chú trọng ưu tiên vào cách thứ hai”.
Theo AP, chuyến đi của ông Moon có hai mục tiêu: tăng tốc quan hệ thân thiện liên Triều, và phá vỡ sự bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ-Triều về chương trình tên lửa và VKHN của Triều Tiên.
Và nếu Tổng thống Hàn Quốc không đạt được hai mục tiêu kép khi gặp ông Kim, thì ông Moon sẽ phải đối mặt với những lựa chọn chính trị khó: có nên tiếp tục làm thân với Triều Tiên, hay tham gia nỗ lực do Mỹ dẫn đầu, là gây sức ép thật nặng lên Bình Nhưỡng?
Ông Choi Kang, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách ASAN (Hàn Quốc) nói: “Đúng là một canh bạc cho ông Moon, trong việc muốn đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán với Mỹ, nhưng các chỉ dấu hiện cho thấy Bình Nhưỡng không lay chuyển”.
Vĩnh Thụy (theo AP)