Ông Putin và bà Merkel, ai giỏi đàm phán hơn?
Góc nhìn - Ngày đăng : 18:54, 14/08/2018
Theo Newsweek, nói về khả năng đàm phán, bà Merkel và ông Putin có nền tảng giáo dục hoàn toàn khác biệt. Thủ tướng Đức từng là một nhà khoa học có bằng tiến sĩ hóa học. Bà được mô tả là có khả năng phân tích tình hình kỹ lưỡng và hợp lý.
Nhà làm phim Volker Schlondorff người Đức và là một cộng sự thân cận của bà Merkel, hồi năm 2014 từng nói với báo New Yorker, rằng bà Merkel là “bậc thầy về lắng nghe”.
Ông nói: “Trong một cuộc nói chuyện, bà ấy chỉ nói 20%, đối tác nói 80%. Bà tạo cảm giác “tôi muốn nghe điều bạn phải nói” nhưng sự thật là bà có tài phán đoán trong chỉ 3 phút, và đôi khi bà suy nghĩ rằng nói thêm 18 phút nữa là lãng phí thời gian. Bà ấy giống như một máy điện toán, có khả năng nhanh nhận ra điều đối tác nói là giả hay thật”.
Trong khi đó, ông Putin từng là điệp viên tình báo Liên Xô (KGB) nói thạo tiếng Đức và từng phục vụ KGB ở Đông Đức thời Chiến tranh Lạnh. Ông cũng nổi tiếng về khả năng che giấu tư tưởng, thường dùng lời khen, để trấn an hoặc gây bất ngờ khó xử cho các đồng nhiệm quốc tế.
Các nhà phân tích đã nói ông Putin đã nhiều lần “đánh vào cái tôi khoe khoe khoang” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhằm cải thiện vị thế Nga với Mỹ cũng như để thao túng ông Trump.
Theo Newsweek, trong các cuộc nói chuyện với ông Putin trước đây, bà Merkel rất có bản lĩnh. Bà từng xuất thân ở Đông Đức cũ, nói thạo tiếng Nga với ông Putin về các vấn đề xã hội, nhưng hai nhà lãnh đạo đều sử dụng người phiên dịch trong các vấn đề ngoại giao, “để tránh chút hiểu lầm”.
Một quan chức cấp cao của bà Merkel nói với báo New Yorker: “Bà ấy có cách đối thoại với Putin mà không ai có được. Bà là niềm hy vọng tốt nhất của phương Tây trong việc thuyết phục Putin trên nhiều lĩnh vực”.
Những cuộc đấu trí ngoại giao giữa ông Putin với bà Merkel
Ngày 18.5, bà Merkel từng nói chuyện với ông Putin ở dinh thự mùa hè Bocharov Ruchey ở thành phố Sochi bên Biển Đen (Nga). Lúc đó, báo Bild (Đức) mô tả đó là “trận đấu ngoại giao ăn miếng trả miếng”, với Tổng thống Putin đón và tặng bà Merkel bó hoa hồng màu kem, lan Nam Phi và một số loài hoa khác có tông màu phấn.
Bild bình luận: “Các chính khách hàng đầu thế giới bắt tay nhau chứ không ai tặng hoa. Bó hoa ám chỉ một người đàn ông mạnh mẽ chào đón một quý bà”.
Newsweek cũng nhắc chuyện năm 2007, khi tiếp bà Merkel ở Sochi, ông Putin khai thác việc bà sợ chó để đánh lạc hướng bà. Ông cho con chó cưng Koni (đã chết năm 2014) đến gần bà Merkel rồi ông tủm tỉm cười chứng kiến hình ảnh bà lo sợ do bà từng bị chó cắn năm 1995.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, lúc đó ông Putin hỏi bà Merkel: “Con chó không quấy bà chứ? Nó hiền và tôi bảo đảm nó sẽ ngoan”.
Bà Merkel đáp, “Không, dù gì thì nó đã không ăn thịt các nhà báo”. Sau đó, ông Putin nói với báo Bild: ông không có ý dọa bà Merkel, chỉ muốn tỏ ra dễ thương với bà. Ông cũng xin lỗi vụ con Koni đi thẳng vào phòng khách tư dinh của ông ở thành phố Sochi, làm bà Merkel sợ.
Nhưng bà Merkel nói ông Putin cố ý làm thế “để chứng tỏ ông ta là đàn ông. Ông ấy sợ lộ những yếu điểm”.
Sẽ bàn về dự án tuyến ống dẫn khí đốt Nord Stream 2
Newsweek, khi gặp bà Merkel vào thứ bảy 14.8 tới, ông Putin sẽ bước vào cuộc đàm phán lúc Nga tiếp tục khốn khó vì bị Mỹ và EU cấm vận.
Vài tuần qua, hàng ngàn người Nga xuống đường phản đối chính phủ về kế hoạch sửa tuổi nhận lương hưu, thậm chí một số người đòi ông Putin từ chức. Các thăm dò dư luận cho thấy người Nga bất mãn với một số chính sách của Moscow và với chính vị lãnh đạo vừa tái trúng cử tổng thống Nga hồi tháng 3.
Bà Merkel sẽ bước vào cuộc gặp ở vị thế Đức có sức mạnh kinh tế-chính trị tương đối, nhưng bà cũng đối mặt với sự căng thẳng ở Đức, vì chính sách mở cửa biên giới khiến đón hơn 1 triệu người di dân vào Đức trong vài năm qua. Hồi đầu tháng 7, bà Merkel đồng ý với một thỏa thuận di trú mới, để kéo giảm sự căng thẳng này.
Người phát ngôn Steffen Seibert của bà Merkel nói cuộc gặp của hai lãnh đạo Đức-Nga sẽ diễn ra tại một nơi gần thủ đô Berlin, và sẽ chú trọng cuộc nội chiến ở Syria, cuộc nội chiến ở đông Ukraine, cùng dự án tuyến ống dẫn khí Nord Stream 2 vốn sẽ chuyển khí đốt Nga qua vùng biển Baltic đến Đức
Ở cuộc gặp bà Merkel hồi tháng 5, ông Putin yêu cầu châu Âu tái thiết Syria, vẫn để Tổng thống Bashar al-Assad nắm quyền lực, nhưng bà Merkel thúc đẩy một cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Syria với quân nổi dậy và có LHQ bảo lãnh.
Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết vẫn thực hiện dự án Nord Stream 2. Đây là dự án sẽ giúp Nga xuất khẩu thêm khí đốt đến vùng Bắc Âu. Nhưng Ukraine phàn nàn rằng không được hưởng nguồn thu ngoại tệ từ thu phí khí đốt quá cảnh từ Nga qua Đức đến châu Âu.
Hồi tháng 4, Tổng thống Ukraine Potro Poroshenko nói dự án Nord Stream 2 “hoàn toàn là một dự án chính trị, nhằm tài trợ cho Nga”, và những người ủng hộ dự án Nord Stream 2 là “đồng lõa trong các cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Nga”.
Và ngày 11.7, một ngày trước khi dự hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Brussels, trong cuộc gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Đức là “tù nhân” của Nga, nêu thỏa thuận Nord Stream 2 là Berlin bị Moscow "hoàn toàn kiểm soát" khi mua năng lượng từ Nga.
Nhiều quốc gia khối Liên hiệp châu Âu (EU) cũng phản đối dự án này, nói nó cắt khoản phí Nga đang trả cho Ukraine để tải khí đốt Nga qua Ukraine đến các nước EU.
Nhưng bà Merkel tiếp tục khẳng định Nord Stream 2 có ý nghĩa về mặt kinh tế, và một số chuyên gia lĩnh vực năng lượng nói đã có sự “thổi phồng” Nord Stream 2 đe dọa kinh tế Ukraine.
Brenda Shaffer, một nhà phân tích năng lượng ở Đại học Georgetown (Mỹ) nói với Newsweek: “Merkel muốn Nga cam kết duy trì tuyến ống dẫn khí qua Ukraine sau khi Nord Stream 2 đi vào hoạt động. Putin dễ nhất trí với điều này vì Nga cần có nguồn thu và đáp ứng nhu cầu về khí đốt của châu Âu, nhất là vào mùa lạnh rất cần khí đốt để sưởi ấm. Từ năm 2015, Putin đã chỉ đạo Gazprom chuẩn bị chuyển khí qua Ukraine một khi xây xong Nord Stream 2”.
Người phát ngôn Siebert của bà Merkel nói Ukraine sẽ không mất vai trò của một nước chuyển khí vì tuyến ống dẫn khí mới này.
Vĩnh Thụy (theo Newsweek)