Kenya cõng ‘chủ nô’ Trung Quốc về kỳ thị người dân bản địa

Góc nhìn - Ngày đăng : 12:48, 22/10/2018

Theo báo New York Times, việc chính phủ Kenya (ở châu Phi) đón nhận làn sóng đầu tư của các công ty Trung Quốc đã giúp chủ các công ty này trở thành “chủ nô” bóc lột sức lao động của giới nhân công bản xứ. Làn sóng đầu tư cũng gây ra sự kỳ thị chủng tộc, phân chia giai cấp “chủ và nô lệ”.
Nhân viên Trung Quốc điều khiển tuyến đường sắt cao tốc - Ảnh: New York Times

Trang báo Mỹ nêu khi Kenya đón nhận sự hiện diện ngày càng rõ của người Trung Quốc, nhiều người dân Kenya thắc mắc rằng phải chăng chính quyền đã đón nhận quá nhiều người Trung Quốc đang định hình tương lai đất nước, đồng thời đem theo thái độ kỳ thị nhắm vào dân bản xứ?

Kỳ thị và phân biệt chủng tộc ở nhà vệ sinh

Đó là một vấn đề nhức nhối mà nhiều người Kenya - nhất là giới trẻ - không ngờ phải đối mặt trong thế kỷ 21. Kenya từng bị Anh đô hộ, với dân da trắng cầm quyền và dân da đen bị buộc đeo dây xác minh nhân thân quanh cổ. Nhưng từ khi độc lập năm 1953, Kenya đầy tự hào là một trong những nền dân chủ ổn định nhất châu Phi.

Ngày nay, nhiều thanh niên Kenya nói chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một hiện tượng họ chỉ biết gián tiếp, qua sách giáo khoa lịch sử và tin tức nước ngoài.

Nhưng hành vi kỳ thị của nhân công Trung Quốc ngày càng đông ở châu Phi đã gây lo ngại cho người Kenya, nhất là vào lúc chính quyền của họ tăng cường quan hệ thân cận với Trung Quốc.

Ở thủ đô Nairobi, những quan ngại về nạn kỳ thị và phân biệt chủng tộc đang là đề tài nóng trong các câu chuyện về sự hiện diện ngày càng đông của người Trung Quốc.

Có người kể từng chứng kiến một giám đốc Trung Quốc tát một đồng nghiệp nữ của bà, chỉ vì người đó phạm một sai lầm nhỏ. Các nhân công Kenya khác giải thích nhà vệ sinh ở chỗ làm chia rõ về chủng tộc: một gian dành cho chủ Trung Quốc, gian còn lại dành cho nhân công người Kenya.

Và trong khi nhân công Kenya không dám hút thuốc trong nhà vệ sinh, họ bị bắt phải dùng tay không vớt cán điếu thuốc lá mà “chủ nô” hút xong ném vào bồn cầu.

Các cáo buộc về nạn kỳ thị thậm chí đã nổi lên ở một dự án lớn của chính phủ Kenya là tuyến đường sắt cao tốc Madaraka Express, do Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Eximbank (của Trung Quốc) cho vay 90% tổng kinh phí xây dựng.

Tuyến đường sắt trị giá 3,8 tỉ USD này dài 472km nối thủ đô Nairobi với thành phố cảng Mombasa, do nhà thầu Trung Quốc điều hành trong 5 năm, với 610 công nhân Trung Quốc.

Nhà thầu khẳng định người Kenya đang được đào tạo, để dần đảm nhận công việc điều hành do Trung Quốc chuyển giao. Và rằng tuyến đường sắt này được xem là một biểu tượng cấp quốc gia về sự tiến bộ trong quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc với Kenya.

Thế nhưng hồi tháng 7, báo The Standard (Kenya) đăng một phóng sự, mô tả tình trạng “bọn thực dân mới” tìm đủ lý do phạt công nhân đường sắt người Kenya, và kỹ sư bản xứ không được điều khiển đoàn tàu, trừ khi có nhà báo đến đưa tin.

Đó là một thông tin gây sức nóng, vì khi Tổng thống Uhuru Kenyatta có mặt trên chuyến chạy tàu đầu tiên, lái tàu là hai nữ kỹ sư Kenya.

Cờ lệnh cho đoàn tàu xuất phát - Ảnh: Getty Images

Khi trả lời phỏng vấn của Times, nhiều lái tàu đã nghỉ hoặc còn làm đều xác nhận: Chỉ có lái tàu Trung Quốc được điều hành đoàn tàu, và họ nói đó là một hành xử kỳ thị.

Hai người khác cùng Fred Ndubi, 24 tuổi, kể rằng quản lý người Trung Quốc từng nói: “Mặc đồng phục vào, nom mày không giống khỉ nữa”. Ndubi nói gia đình đã phải bán một lô đất ruộng để anh có thể học lái tàu, nhưng sau khi bị mắng là “khỉ”, anh đã cùng nhóm bạn thách thức tay quản lý: “Mày dám gọi bọn tao là khỉ?” rồi họ bỏ nghề.

Kenya có hơn 40 sắc tộc thiểu số được chính thức công nhận, từ lâu đã phải đối phó các vấn đề riêng về những thành kiến kỳ thị và căng thẳng chủng tộc.

Nhưng sự hiện diện của người Trung Quốc đã làm tình trạng nghiêm trọng hơn, và đôi lúc xem ra chính quyền Kenya bị phân hóa, không biết phải xử lý thế nào.

Hồi mùa hè, khi nổi lên các cáo buộc “chủ nô” Trung Quốc kỳ thị nhân công Kenya, người phát ngôn chính phủ Kenya từng ám chỉ rằng một phần vấn đề do thái độ làm việc của người dân, và họ nên thay đổi hành vi này.

Gần đây, có những tín hiệu rằng một số người trong chính phủ đã tỏ thái độ bất mãn, như hồi tháng 9, cảnh sát Kenya khám xét trụ sở của một kênh truyền hình thuộc nhà nước Trung Quốc, tạm giữ vài nhà báo vài ngày.

Vụ này xảy ra vào thời điểm lạ thường. Cùng tuần đó, Tổng thống Kenyatta đang ở Bắc Kinh, nên có câu hỏi rằng phải chăng ai đó trong chính phủ muốn gây một vụ căng thẳng ngoại giao.

Nhân viên công ty bị phạt tiền vì vi phạm quy định “cấm cười”

Các trải nghiệm đắng cay của Richard Ochieng’, 26 tuổi, và những nhân công người Kenya nói lên tương lai quan hệ giữa Trung Quốc với Kenya.

Ochieng’ từng chưa bao giờ bị kỳ thị dù là trẻ mồ côi hoặc khi học đại học, cho đến lúc anh được nhận làm nhân viên bán hàng cho một công ty sản xuất xe gắn máy của người Trung Quốc ở vùng ngoại ô Ruiru của thủ đô Nairobi.

Ochieng’ đã ngỡ có một tương lai màu hồng. Nhưng khi đi làm anh mới biết thực tế khác hẳn: lương thực lãnh rất ít so với lời hứa lương cao, với lý do anh bị trừ nhiều khoản tiền phạt vì nhiều lý do sai phạm, ví dụ vi phạm quy định “Cấm cười” của công ty.

Đi làm trễ 8 phút (điều không thể tránh vì nạn kẹt xe trầm trọng ở Nairobi) cũng bị phạt tiền nặng, và một nhân công đi làm trễ 15 phút có thể bị trừ từ 5 đến 6 giờ công.

Richard Ochieng’, một nạn nhân bị “chủ nô” Trung Quốc kỳ thị - Ảnh: New York Times

Nhưng Ochieng’ tức nhất lúc tay chủ Trung Quốc tên là Liu Jiaqi bắt đầu gọi anh là “con khỉ”. Lúc Ochieng’ cùng Liu đi bán hàng, họ trông thấy một đàn khỉ bên vệ đường, và tay chủ nói: “Anh em của mày kìa. Chia cho chúng vài quả chuối đi”.

Ochieng’ nói kể từ đó, tay chủ Trung Quốc đồng tuổi với anh đều gọi người Kenya, kể cả vị tổng thống Kenya, là “bọn khỉ”. Bị làm nhục và phẫn nộ, anh quyết định ghi âm ghi hình một lần chửi rủa “dân Kenya như bọn khỉ” của Liu.

Sau khi Ochieng’ chuyển đoạn video lên mạng, chính quyền Kenya lập tức trục xuất Liu về Trung Quốc. Một quan chức của công ty nói hành vi của Liu là “sự xúc phạm đáng tiếc”, trong khi Sứ quán Trung Quốc nói “quan điểm riêng của người thanh niên đó không phản ánh quan điểm chung của đại bộ phận nhân dân Trung Quốc”.

Ochieng’ nói anh từng nghe kể về thời thực dân Anh, và anh sợ người Trung Quốc sẽ dẫn dắt Kenya đi xuống tới sự lạc hậu, chứ không thể tiến lên như lãnh đạo Kenya đã hứa. Anh cho biết khi đứa con trai hiện 2 tuổi sẽ lớn thêm, anh sẽ nói với con: “Khi con còn nhỏ, bố bị thù ghét chỉ vì bố là người da đen”.

David Kinyua, 30 tuổi, điều hành một khu công nghiệp ở Ruiru - nơi có nhiều công ty Trung Quốc, bao gồm công ty xe gắn máy mà Ochieng’ làm việc - nói: “Họ có vốn, nhưng dù chúng tôi càng muốn tiền của họ, chúng tôi càng không muốn họ đối xử với chúng tôi cứ như chúng tôi không phải là người ở ngay trên đất nước chúng tôi”.

Châu Phi đang là “Hoa lục thứ hai” của Trung Quốc

Không thể nắm rõ có bao nhiêu người Trung Quốc ở Kenya, dù một tổ chức nghiên cứu ước tính là khoảng 40.000 người. Nhiều người chỉ đến đây làm việc vài năm, cho một trong hàng trăm công ty Trung Quốc. Nhiều người chủ sống với nhau trong các khu nhà ở lớn, dùng xe buýt đến nơi làm việc và ít giao lưu xã hội với người Kenya.

Howard French, một cựu cộng tác viên của báo Times và là tác giả cuốn sách “Hoa lục thứ hai của Trung Quốc” để nói về các cụm dân cư Trung Quốc ở châu Phi (xuất bản năm 2014) cho biết: Nhiều người Trung Quốc đến Kenya với tư tưởng kỳ thị và quen với nền văn hóa xem trọng ngôi thứ, đã xếp dân Kenya như những “kẻ hạ lưu”.

Một quán mì Trung Quốc ở Nairobi - Ảnh: New York Times

Ông French nói Trung Quốc luôn phủ nhận các chỉ trích về hành xử của họ, bằng cách lưu ý không phải Trung Quốc, mà “chính là phương Tây đô hộ châu Phi và bóc lột sức lao động của nô lệ”.

Và ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc cố tình phớt lờ cách đối xử kỳ thị của họ với người châu Phi ngày nay.

Mười năm qua, Trung Quốc cho vay tiền và xây cơ sở sở hạ tầng trên khắp châu Phi, khi các nền kinh tế châu Phi rất cần cơ sở hạ tầng, phải vay vốn từ Trung Quốc hoặc dựa vào các nguồn tài nguyên dự trữ của lục địa đen, ví dụ các mỏ dầu.

Trung Quốc “thoải mái” tiếp cận trong khi các chính phủ ở châu Phi mất nhiều nguồn tài nguyên chiến lược, và phải tiếp nhận vô số nhân công Trung Quốc đến nước họ lao động, dân địa phương “hoàn toàn không có cửa” có được việc làm.

Và khi tính đến cái giá phải trả, các nước châu Phi chú ý đến khoản nợ tăng cao, hoặc đôi khi chú ý đến tình trạng một số công ty Trung Quốc bóc lột sức lao động.

Đôi lúc tình trạng kỳ thị của người Trung Quốc rất trắng trợn. Năm 2016, một công ty sản xuất bột giặt ở Trung Quốc chạy quảng cáo trên trruyền hình Kenya, mô tả hiệu năng của sản phẩm đã biến một người da đen thành một người châu Á có nước da trắng.

Năm 2017, ứng dụng tin nhắn WeChat của Trung Quốc đã phải xin lỗi, sau khi phần mềm của họ bị phát hiện dịch chữ “người nước ngoài da đen” từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Anh thành một câu chửi mắng mang tính kỳ thị chủng tộc.

Trong chương trình truyền hình mừng Tết Nguyên Đán 2018 vốn có 800 triệu người xem, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc mô tả người châu Phi có bộ mặt đen và mặc trang phục của các loài thú.

Khi được hỏi về vụ việc gây tranh cãi này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói bóng gió rằng các cơ quan truyền thông phương Tây “thổi phồng sự kiện” nhằm “phá hoại quan hệ của Trung Quốc với các nước châu Phi”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)